“Một ngày làm việc” của Hoàng đế nhà Thanh
- An Hòa
- •
Vào thế kỷ 17, tộc Nữ Chân lập nên nhà Thanh. Lúc ấy, tướng lĩnh Bát Kỳ dẫn quân tiến vào Trung Nguyên, thay thế nhà Minh đang suy yếu. Là một nhóm dân tộc xa lạ và thiểu số, tộc Nữ Chân đã đưa nhà Thanh vào giai đoạn ổn định và trị vì Trung Nguyên trong hơn hai thế kỷ rưỡi một cách hiệu quả. Trong thời gian này, nhà Thanh đã kiểm soát và mở rộng lãnh thổ Trung Hoa gấp nhiều lần. Công nghiệp này thật là không dễ dàng, và điều này cũng dựa vào sự chuyên cần siêng năng của các Hoàng đế. Đặc biệt là trong gần 140 năm của thời kỳ “Khang Càn thịnh thế”, ba vị Hoàng đế là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long được nhớ đến tinh thần tận tụy. Dưới đây là một số nội dung nói về cuộc sống thường nhật của các vị Hoàng đế thời kỳ này.
Căn cứ vào cuốn sách trong nội cung “Khởi cư chú” của nhà Thanh ghi lại, vào khoảng 5 giờ sáng, Hoàng đế sẽ thức dậy và mặc quần áo. Áo bào được lựa chọn tùy thuộc vào mùa, tháng, dịp và thời thần. Sau khi mặc quần áo chỉnh tề, Hoàng đế sẽ đến Phật đường để thắp hương lễ Phật, sau đó đọc sách.
Theo ghi chép trong cuốn “Quốc triêu cung sử”, Hoàng đế Càn Long thường đọc “Thực lục” và “Bảo huấn” của các triều đại trước tại Tây noãn các và điện Hoằng Đức của cung Càn Thanh. Ông cũng nghiên cứu lịch sử các triều đại trước và học hỏi lời dạy của tổ tiên, từ đó hình thành nên phương pháp trị vì của bản thân mình.
Vào lúc 6 đến 7 giờ sáng, Hoàng đế đọc xong sách và đi ăn sáng. Theo tập tục của người Nữ Chân, một ngày, Hoàng đế ăn hai bữa chính là “tảo thiện” vào lúc sáng sớm và “vãn thiện” vào buổi trưa. Khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ chiều, Hoàng đế ăn một bữa phụ, gọi là bữa “Vãn điểm”. Cả ba bữa này Hoàng đế đều ăn một mình.
Trong ngày, Hoàng đế sẽ ngủ trưa, trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 2 rưỡi chiều.
Theo “Đại Thanh hội điển”, Hoàng đế vào các ngày 5, 15, 25 hàng tháng sẽ ở Điện Thái Hòa nhận triều, và trong hoạt động này sẽ không thảo luận việc triều chính. Còn có một hoạt động là “Ngự môn thính chính” tức Hoàng đế đích thân ra cửa Ngự để nghe các quan đại thần tấu trình việc nước và đưa ra quyết định.
Các Hoàng đế nhà Thanh thường bắt đầu thượng triều lúc 9:30 sáng để xử lý các việc triều chính, riêng Hoàng đế Khang Hy thường bắt đầu thượng triều từ sáng sớm. Hoàng đế Khang Hy hầu như ngày nào cũng “Ngự môn thính chính”, mùa đông và mùa xuân bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, mùa hạ và mùa thu bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng.
Trong thời kỳ Ung Chính, quân cơ xứ được thành lập. Từ sáng sớm các đại tướng quân cơ phải tấu sự lên Hoàng đế. Địa điểm tấu sự là Tây noãn các của Dưỡng tâm điện. Nếu như phạm vi thảo luận được mở rộng thì Hoàng đế thường sẽ ban hành chiếu chỉ để tổ chức ở Dưỡng tâm điện.
Trong “Quốc triêu cung sử” ghi lại, vào bữa ăn sáng mỗi ngày, Hoàng đế Càn Long đều duyệt tên các quan viên được xác định triệu kiến và sau đó triệu tập từng nhóm trong vòng một tiếng rưỡi. Nếu Hoàng đế ở Tử Cấm Thành thì ông thường triệu tập từng người một trong cung Càn Thanh, hoặc ở Noãn các của Dưỡng Tâm điện.
Sau khi nhận được tấu chương từ các đại thần, Hoàng đế sẽ xem xét và phê duyệt, viết chỉ dụ bằng mực đỏ cho đến khoảng 11 giờ trưa. Cả ba Hoàng đế là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long đều đến triều sớm và xử lý các công việc triều chính một cách nhanh chóng. Khi công việc nhiều, các Hoàng đế có thể làm việc bận rộn cho đến tận đêm khuya.
Sau khi lâm triều buổi sáng kết thúc, Hoàng đế Khang Hy sẽ đến thỉnh an Thái hoàng thái hậu. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang Văn là người đã cẩn thận dạy dỗ cháu trai Khang Hy và bồi dưỡng năng lực an bang trị quốc của ông. Khang Hy có tình cảm sâu nặng đối với bà. Ông cũng dốc lòng cố gắng, dùng thành ý phụng dưỡng bà nội nên được Thái hoàng thái hậu khen ngợi là người “đại hiếu”.
Sau bữa trưa, nếu không cần phê duyệt tấu chương, Hoàng đế thường tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí như vẽ tranh, làm thơ, xem kịch, thưởng thức các văn vật…
Ngoài việc đến Phật đường để thắp hương lễ Phật vào buổi sáng và buổi tối, các Hoàng đế nhà Thanh còn phải theo đạo Tát Mãn là đạo truyền thống của Mãn Tộc để thực hiện các nghi lễ hiến tế từ 7 đến 9 giờ tối. Và các hoạt động tế lễ lớn, bao gồm tế trời, tế đất, tế ngũ cốc và tổ tiên, phải do chính Hoàng đế tham dự và chủ trì.
Đến 9 giờ tối, Hoàng đế tắm rửa rồi đi ngủ để có thể thức dậy vào bình minh ngày hôm sau.
Hoàng đế Thuận Trị và Khang Hy dùng Tây noãn các của cung Càn Thanh làm tẩm cung. Các Hoàng đế sau Ung Chính, nếu ở Tử Cấm Thành, phần lớn xử lý việc triều chính ở tiền sảnh của Dưỡng Tâm điện và ngủ ở hậu điện. Để tập trung tinh thần, các Hoàng đế thường ngủ một mình. Các phi tần sau khi hầu hạ giấc ngủ cho Hoàng đế thì sẽ ngủ ở thiên điện phía sau tẩm cung của Hoàng đế.
Ngoài những giờ giấc đã nêu ở trên, Hoàng đế cũng cần dụng tâm học tập. Kỳ thực từ khi là Hoàng tử thì đã phải rất nghiêm khắc với bản thân. Bắt đầu từ thời Hoàng đế Thuận Trị, việc tín ngưỡng Thần Phật và học tập giáo dục là những phần không thể thiếu trong việc bồi dưỡng các Hoàng tử.
Theo ghi chép, khi còn trẻ, Hoàng đế Thuận Trị rất thích chơi nhưng khi lớn lên, ông phát hiện rằng mặc dù mình là Hoàng đế nhưng lại không hiểu được tấu chương của các đại thần, vì vậy ông đã nỗ lực tự học. Thuận Trị bắt đầu học tập chăm chỉ từ năm 14 tuổi, học Mãn văn và Hán văn. Sau một thời gian, ông còn đọc kinh Phật và đối thoại với các cao tăng thời đó.
Hoàng đế Khang Hy từ khi là Hoàng tử cũng rất dụng công học tập. Khang Hy bắt đầu học từ năm 5 tuổi, và yêu cầu rất nghiêm khắc đối với bản thân. Đối với mỗi bài văn, mỗi cuốn sách, ông đều đọc 120 lần, và thậm chí ông còn ghi chép lại. Mức độ chăm chỉ của ông khiến người khác phải bội phục.
Các Hoàng đế nhà Thanh để lại nhiều tác phẩm về phương diện tu dưỡng. Ví dụ trong “Đình huấn cách ngôn” của Hoàng đế Khang Hy, các Hoàng tử được dạy phải thanh tâm quả dục, “Yếu đa thư tắc thị dục đạm” , “Bình nhật bất tự phóng túng”, nghĩa là phải đọc nhiều sách, như thế thì ham muốn cũng ít hơn và không được nuông chiều, phóng túng bản thân.
Các Hoàng đế Đại Thanh cũng được đánh giá là những nhà thư pháp và họa sĩ tài ba. Hoàng đế Càn Long nổi tiếng với nghệ thuật thư pháp. Hoàng đế Khang Hy, ngoài những thành tựu sâu sắc về thư pháp, còn là một người yêu âm nhạc, dốc lòng nghiên cứu âm nhạc truyền thống của phương Đông và phương Tây.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Cổ Phong
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa quân chủ Nhà Thanh Hoàng đế Trung Hoa
