Năm nhuận – Trích Chuyện làng thời Hợp tác xã
- Trần Đình Dũng
- •
Khi những ngày đầu năm mới với hương vị của mùi hành, mùi bánh chưng, mùi của dăm lạng thịt lợn rang mặn để ăn Tết, vẫn còn đang ríu ran trong các câu chuyện kể thèm thuồng của lũ trẻ con chúng tôi, thì mấy bà hàng xáo đã ngồi túm tụm lại ở giữa chợ đong bán trong phiên chợ đầu năm. Bà nào đã nghe lỏm ở đâu đó câu chuyện thời sự, rồi nhớn nhác ghé tận tai thầm thì bảo với các bà kia, vẻ mặt nghiêm trang ra một điều thật là quan trọng: Chính phủ mình đã ra lịch rồi, năm nay nhà nước người ta lại làm cho nhuận đi đấy.
Thế là, từ lúc đó cho đến lúc tan buổi chợ ấy, các bu tản đi mỗi người mỗi ngả nhưng tâm trạng mỗi lúc một trĩu nặng hơn, ai cũng đang có những nung nấu tính toan riêng cả rồi.
Bu nhà tôi đi từ chợ về đến nhà, được đứa chị đứng đầu hè hai tay giơ lên đỡ thúng đội đầu, bu đã đặt phịch thúng cái thúng xuống một lúc mà cứ ngơ ngác mắt cứ nhìn đi đâu, rồi bỗng như bừng tỉnh một cái là hỏi cái bọn lau nhau.
Bọn nó đang chạy ra xúm đông xúm đỏ lanh chanh, vạch vòi trên dưới vài mớ rau lẫn thếp giấy trắng, đây là lọ mực cho mấy đứa nhớn đang học, muốn tìm trong thúng có cái bánh đa hay hay vài miếng bỏng bộp, nhiều nhặn và dễ chia nhau nhất là những dóng mía đã được bó chặt từng đẫn, chúng nó đang tròn xoe ngơ ngác nhìn như dò hỏi nhau: Ơ kìa, sao bu nhà chúng mình hôm nay lại khác thường như thế nhỉ?
E hèm một cái, là bu dáo dác hỏi cả bọn: chúng mày ở nhà đã thổi cơm chửa nhể? Nếu lúc đó chưa đứa nào dúng gạo ướt trong cái giá vo là bu bắt bớt đi một lẻ gạo (một ống tám lạng chia thành 10 lẻ – một lẻ là lượng gạo đổ đầy vào lòng bàn tay người lớn, lúc khum vào và khép các kẽ ngón tay) để dành cho cái tháng nhuận ấy. Bu cứ ngồi thừ ra hết cả buổi chiều hôm ấy, rồi rên rẩm đến tận nửa đêm.
Bu đã tính là như thế này: Một năm thường thường có mười hai tháng, năm nhuận đương nhiên phải có mười ba tháng, năm bình thường đã rất đói rồi, năm nay lại dôi ra một tháng nữa thì lấy cái gì để ăn đây?
Bu đưa cả hai tay lên ôm đầu gúc gắc. Vài ngày một lần, lúc nào rỗi rãi là bu lại lấy ống bơ ra khảo, đong số thóc còn lại đựng trong các chum vại của nhà ra, rồi bu lẩm nhẩm cộng trừ thêm bớt như thế nào, để làm sao cho số thóc còn lại trong nhà, phải còn đến tận ngày đầu tiên của cái vụ sau thì mới hết.
Lẩm nhẩm chưa xong thì miệng đã rên rẩm, rồi lại không tin ở chính mình nữa, bu đổ hết thóc ra nia đong khảo thêm một lần nữa rồi bu lại lẩm nhẩm, rì rầm, tính tính, toán toán, bần thần đi lại khắp mọi chỗ trong nhà, lẩn thẩn một mình cho đến cả tận đêm khuya.
Nếu nhuận rơi vào tháng Sáu tháng Bẩy còn dễ tính, vì chỉ gối thóc ăn từ vụ chiêm sang vụ mùa, có hơn bốn tháng ăn mà thôi. Lúa mới vừa gặt về, được hợp tác xã chia cho từng nhà theo phương án ăn công điểm rồi, có thiếu ăn một tý chút cũng không sao.
Thêm cả rau muống, rau lang chia buổi cho từng đứa con của nhà cầm rổ đi hái về ăn độn, đang mọc đầy rẫy ở ngoài cánh đồng mương máng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, hễ sang đến đầu tháng Chín tháng Mười lại có thóc mới của vụ mùa rồi, mỗi bữa bắt cả nhà ăn ngút ngát đi một ít, nên cũng chả lo đói gì nhiều nhiều lắm đâu.
Nhuận mà rơi vào những tháng Mười Một, tháng Mười Hai là mùa cây khô lá vàng, hay nhuận lại nằm vào tháng Hai tháng Ba cũng giống như nhau cả mà thôi .
Trên cả cánh đồng đất lúc ấy đã cầy trắng ải, hoặc đang cấy một màu loang lổ xanh xanh vàng vàng những ô thửa của lá lúa, sẽ không còn chỗ nào cho cây rau tập tàng, rau muối hay rau sam mọc lên để bọn trẻ hái về nấu ăn độn với cơm nữa đâu.
Nông dân lúc này lại chả còn việc gì làm, bọn tần bà thì cứ chơi tễu cả ra, nhõn cái việc vớt lưng cái xảo bèo về băm giã cho con lợn nhách, trộn với nồi cám đã được nấu chín rồi đổ vào trong máng, cho nó tồm tộp ăn xong, lại tụm năm túm ba nói chuyện xấu về nhau.
Đấy, biết ngay mờ, hôm nay đám đàn bà ở cái xóm Ao này, lại xúm đầu vào thầm thào kể cái chuyện mới nhất đã xảy ra trong làng đấy mà.
Chuyện vợ chồng nhà lão Am ở xóm Bờ Đá hôm kia kìa, hai người đã đánh nhau một trận to lắm, lão chồng đã dặn đi dặn lại mụ vợ, đến đứt cả đầu lưỡi từ mấy hôm trước rồi cơ. Rằng, đến sáng ngày mai, mụ có đi ra chợ bán lứa trứng hay con gà mái lú lấy tiền để tiêu, mua gì nữa thêm về nhà thì lão ta không cần biết, nhưng nhớ phải dành bớt nửa xu lẻ để mua cho cho lão một cuộn thuốc lào, lão đã nhịn từ ba phiên chợ trước đấy, lão vét sạch hết các chỗ sái cấn trong nhà rồi.
Hôm nọ, thấy nhạt mồm quá đành muối mặt sang hút chực nhà lão Vàn được mỗi một mồi, chiều qua vừa nhớ đến cái hơi thuốc ấy, chảy liền một dòng nước dãi, định đi sang xin rít chực điếu nhà lão ấy một lần nữa, thấy đứa con gái lão ta chạy ù ra đóng sập cổng rồi bảo, thầy cháu đi vắng không có ở nhà đâu, lão lủi thủi đi về mà cứ tơ tưởng mãi cái mùi thuốc lào, ngầy ngậy đến tận chân tóc mà cả tuần nay không được thấy.
Mụ vợ đang cầm cái dây gầu múc nước từ cái giếng khơi lên, mụ ta vừa cọ cái rễ vừa dội nước, để rửa rêu trơn ở sân bờ giếng, cho bọn trẻ con giẫm vào đấy khỏi bị ngã, vừa nghe thấy lão nói với mụ như thế, chưa nghe hết câu mụ đã sa sả kêu ngay lên: nhà này đã hết tiền, hết thóc để bán rồi, túng bấn lắm, hút gì mà tốn thế, đã mấy phiên chợ đâu mờ lại phải mua thuốc lào cho rồi, giờ ở cái nhà này cái đút vào trong bụng chả có, lại nuôi thêm cả cái thở ra nữa à.
Lão chồng thấy mụ ta nói rống lên to quá, sợ bà con lối xóm sẽ nghe thấy những chuyện riêng của nhà mình, bèn bì bịch chạy lại lấy tay bịt mồm, rồi lôi vợ vào trong nhà, định bụng nhắc vợ là vợ chồng có gì hay dở hãy đóng cửa bảo ban nhau.
Mụ khoát vai giằng lại được từ tay lão ta, liền càng làm mình làm mẩy dữ, hai bàn chân mụ thi nhau giẫm bành bạch xuống đất, tóc tai xổ tung lên rũ rượi, một lát sau mụ cắm cải rổ đi ra hái rau muống chỗ cái vườn cạn, vừa tong tẩy đi, mụ vừa xỉ nước mũi vắt xuống đất xì xoẹt, xong lại chùi hai ngón tay vừa vắt nước mũi vội vàng vào kheo gót chân sau.
Mụ đã ra đứng chỗ bụi cây nhót xanh xanh ở bờ ao từ lúc lâu rồi, mà chưa cúi xuống hái rau vội, hai tay mụ vẫn chỉ chỏ xỉa xói về phía lão, mồm thì kể bù lu bù loa to tướng, cứ y như lão chồng vô công rồi nghề – đang nghiện thèm thuốc lào kia ấy- lão đã làm cái gì thật là tai hại, lỡ dở đi cuộc đời tươi đẹp lắm trước đây của nhà mụ.
Bọn tần bà của cái chòm xóm ấy, nghe những tiếng động hơi to, là lạ khác những ngày thường, liền theo nhau ùa đến dỏng tai đứng quanh ngõ nghe ngóng, có mụ tò mò còn vạch cái lỗ bờ giậu to thêm ra, dòm thấy rành rọt từ đầu đến cuối câu chuyện cả rồi, vừa xem vợ chồng nhà lão cãi nhau, các mụ vừa quay sang bình luận rôm rả mí nhau, phe những người có tính rộng lượng thì lại cho rằng, mụ vợ làm thế kia chả có điều gì quá đáng cả, vợ chồng cãi vã những lúc thiếu tiền là cái chuyện thường ngày.
Phe phía những kẻ khác có tính hẹp hòi hơn lại có ý khe khắt với mụ vợ. Họ cho rằng, cái loại đàn bà mờ dám cãi lại chồng chem chẻm thế kia, là thiên hạ tất có loạn to, loạn rât nhớn đến nơi rồi đấy .
Rôi cái câu chuyện ở kia trên kia đấy, lại được tất những mười người kể lại theo những cái trí nhớ riêng của họ, thêm thắt mỗi người một ý thành ra trăm câu chuyện, có hẳn một trăm cái kết cục vô cùng khác nhau.
Bọn tần ông trong những ngày rỗi rãi, gác cày bừa lên nóc bếp này, thì lại có vẻ trầm lặng hơn những bản chất bình sinh của họ giờ mà ta thường thấy. Buổi sáng, các lão rình rang nhà ông nào kha khá hơn một chút là sang xin đun siêu nước nóng, còn lá vối thì cấu dăm cành ở cây đầu xóm thả vào.
Rót qua rót lại mời nhau vài chén, xong, các lão giả đò hỏi nhau tin tức thời sự thế giới, ai đã đọc tờ báo mượn nhờ nhà ông chủ tịch bí thư chưa, nghe đài công cộng tối hôm thứ bẩy có câu chuyện cảnh giác hay nhỉ.
Có những lão bạo mồm tếu táo, hỏi nhau thêm ba bốn chuyện bậy bạ gì đó. Hôm nào mà vào nhà ai mới cân được con lợn hời hời cho hợp tác xã, rôm rả pha cho các lão một ấm chè bồm đã là sang trọng lắm.,,,,,,
Những năm trời nhiều nắng ấm còn đỡ, có những năm rét ngọt căm căm kéo dài, sương muối giăng giăng như mắc võng trắng trên các sợi tơ nhện bám ở các đầu bờ ruộng, thời tiết kiểu ấy là tốn thóc giống vô cùng.
Cứ ủ ngâm kỹ thóc giống nảy mầm ở nhà rồi đem đi gieo, thành cây mạ nào trên ruộng là chết khô ngay cây mạ ấy. Ở chợ, thì thóc gạo thi chạy đuổi nhau, phiên chợ sau đắt hơn phiên hôm trước hẳn một, hai giá… So với đầu vụ, giá gạo đã nhảy lên hơn cả gấp rưỡi, gấp đôi…
Mỗi lần lên đồng nom lúa, bu mặc áo nâu cũ vá vạt trước và đằng lưng mấy chỗ to, đội cái mê nón rách sùm sụp khóc tu tu suốt từ trên đồng về đến tận cả sân, rồi lại nghẹn ngào đến quá cả buổi chiều vẫn không bước chân khỏi cái chái nhà làm buồng thấp lè tè, thây kệ cho bọn trẻ con dáo dác đã đói mèm nhũn người ra, cũng chả dám vật cái nồi, cơm thì ít độn ngô khoai thì nhiều ra ăn.
Chúng nó đành thòm thèm ngồi sắp hàng đôi chỗ cổng ngoài ngõ, thỉnh thoảng có đứa bé vừa quẹt mũi ngoanh ngoách lên hai bên má bằng một cánh tay, nước mũi hoen khô vắt xanh lên hai má, cong cong như cái râu anh hề, nó đang nhớn nhác hỏi một đứa trong số cả bọn đang ngồi ở kia rằng: Chúng mày ơi, bu chúng mình đã dậy để ăn cơm chưa nhể?
Không thèm hỏi cái đứa mặt dài thuồn thuỗn như cái ống bơm nước kia nữa, hỏi mấy lần trước rồi, nó toàn nhăn nhó với cả buồn bã lắc đầu thôi, phải tìm hỏi đứa nào mà mặt nó tươi tắn một tý, để cho lần này phải thật khác đi
Thấy đứa ấy he hé nháy mắt gật đầu là đua nhau vội vàng phải chạy ngay về, mỗi đứa chỉ được một bát xúc cơm độn ngô khoai, riêng bát rau luộc to tướng chấm vào bát nước muối pha loãng là không bị khoán, để lấp đi cơn đói đang nổi lên vật vã cồn cào.
Đứa nào mà không chạy về nhanh lấy phần của mình, thì những đứa gấu ăn khác sẽ xà xẻo xuất cơm của nó hết ngay.
Đến quá nửa đêm nó đói quá nên không ngủ được, nghĩ ấm ức mà cũng không dám khóc to, vì phải nằm chen chúc cùng giường với mấy đứa nữa, nó cứ xì xục nhiều thì nhỡ ra làm bọn chúng xung quanh tỉnh ngủ dậy thì sao, nó lúc ấy sẽ bị bấu véo mấy cái nữa làm đau điếng thêm cả vào lưng, vào tay, thâm tím đùi đấy à .
Đứa bị đói ấy, hai mắt hai vũng lem nhem, nhắm tịt mà bụng vẫn sôi réo cồn cào trống không.
Trích: Chuyện làng thời Hợp tác xã
Theo Facebook Trần Đình Dũng
Xem thêm:
Từ khóa thời bao cấp hợp tác xã truyện ngắn