Nghệ thuật nói chuyện chân thành, thiện tâm của cổ nhân
- Thiên Cầm
- •
Nói chuyện là một môn nghệ thuật, giao tiếp giữa người với người đều cần chia sẻ bằng lời nói. Làm thế nào để biểu đạt quan điểm của bản thân một cách rõ ràng mà không khiến người khác cảm thấy bị tổn thương là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Mạnh Tử nói: “Dùng lời người khác có thể hiểu để kể về những đạo lý sâu xa, là giỏi ăn nói vậy”.
Thế nào là những lời dễ hiểu? Sách “Đại học” có viết “Dùng những việc quanh mình làm ví dụ mà nói rõ đạo lý, có thể giúp người khác dễ hiểu và tiếp nhận hơn.” Về điều này, có một câu chuyện giản dị giữa Mạnh Tử và Tề Tuyên Vương như vậy.
Một hôm, Mạnh Tử tới yết kiến Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử: “Người như ta có thể hành vương đạo không?”
Mạnh Tử nói: “Đương nhiên là có thể! Chỉ cần ngài có thể khiến bách tính trong thiên hạ được an lạc, vậy thì ai là người không muốn tôn ngài làm vương được đây?”
Tuyên Vương hỏi: “Vậy ta có thể khiến bách tính trong thiên hạ được an lạc hay không?”
Mạnh Tử đáp: “Đương nhiên là có thể!”
Tuyên Vương vô cùng hiếu kỳ hỏi rằng: “Sao ngài biết rằng ta có thể làm được?”
Mạnh Tử nói:
Ta nghe nói khi đại vương sắp tế tự, có người dắt một con bò đi ngang qua đại điện. Ngài nói: “Thả nó đi. Ta thấy nó vô cùng khủng hoảng và khiếp sợ, không có tội tình gì mà lại phải chết.”
Người chủ trì nghi lễ hỏi: “Vậy buổi tế lễ phải hủy bỏ sao?”
Đại vương ngài nói: “Không, dùng dê thay bò cũng được!”
Chuyện này có thực không?
Tuyên Vương nói: “Có”.
Mạnh Tử nói: “Người trong thiên hạ đều cho rằng đại vương dùng dê thay cho bò, là vì ngài thương xót tài vật, thương xót con bò này.”
Tuyên Vương nói: “Quả thực có những lời này. Nhưng ta làm vậy là thương xót sao? Không phải! Ta chỉ cảm thấy con bò này vô tội mà thôi”.
Mạnh Tử hỏi: “Bò vô tội, còn dê thì không vô tội sao?”
Tuyên Vương vô cùng nghi hoặc hỏi: “Dê cũng vô tội. Vậy rốt cuộc ta đã nghĩ gì? Vì sao ta lại thả con bò đó?”
Mạnh Tử đáp: “Là vì ngài không nhẫn tâm, ngài nhìn thấy sự khiếp nhược của con bò, thì trong tâm bất giác run rẩy, ngài không muốn con bò bị tổn thương. Đây chính là lòng nhân của ngài.”
Tuyên Vương nói: “Quả thực là như vậy.”
Mạnh Tử nói: “Ngay cả với cầm thú, ngài cũng nhân từ cứu giúp chúng, nếu ngài cũng đối xử với thiên hạ như vậy, thì bách tính trong thiên hạ sao có thể không an lạc được đây?”
Tuyên Vương chợt tỉnh ngộ, nói với Mạnh Tử rằng: “Hy vọng rằng phu tử có thể tiếp tục chỉ dạy cho ta. Mặc dù không đủ thông tuệ, nhưng ta sẽ dốc sức thực hiện những điều này.”
Tề Tuyên Vương vốn không hẳn là một ông vua tốt, từng nổi tiếng “túng dâm”, ham rượu, xa hoa. Sau này khi lấy Chung Vô Diệm, một nữ nhân xấu xí nhưng nổi tiếng lịch sử về đức hạnh, thì ông mới có chuyển biến. Đối với một ông vua như vậy, Mạnh Tử dùng lời nói rất dễ hiểu, lợi dụng chuyện đã xảy ra với chính Tề Tuyên Vương làm ví dụ, giải đáp nghi hoặc cho ông và nêu ra tư tưởng dùng đức trị quốc của mình, đây chính là nghệ thuật nói chuyện.
Sau này Tề Tuyên Vương sửa đức, được Chung Vô Diệm hỗ trợ, từng bước phát triển nước Tề ngày một cường thịnh. Đến thời con ông là Tề Mẫn Vương thì tiếp tục có được một vị vương hậu xấu xí là Tố Lưu Nữ hỗ trợ, đưa nước Tề đến đỉnh cao thịnh vượng. Tuy vậy sau khi nước Tề mạnh rồi, Tề Mẫn Vương bắt đầu kiêu căng và có phần tàn bạo, đuổi Mạnh Thường Quân, khinh thường vua nước khác, dẫn đến gặp họa suýt chút nữa thì mất nước, và bỏ mạng dưới tay tướng nước Sở.
Từ câu chuyện Mạnh Tử và Tề Tuyên Vương, ta có thể thấy rằng khi nói chuyện thì đối với những người khác nhau cần dùng cách tiếp cận khác nhau, tốt nhất là có thể lấy điều đối phương đã đồng thuận mà phát triển lên, dẫn hướng cho họ, dùng thiện tâm của họ để nói rõ đạo lý của mình.
Sự chân thành và thiện tâm của người ta khi nói chuyện sẽ có thể cảm hóa người khác. Trái lại, hoa ngôn xảo ngữ nếu có thể nhất thời lừa được người ta, thì cũng sẽ gây hại về sau.
Có câu: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hĩ nhân”, nghĩa là những người nói năng khéo léo hoa mỹ, sắc mặt tươi cười lấy lòng người khác thì rất ít khi có lòng nhân ái và thật thà. Bởi vậy, Khổng Tử mới than: “Xảo ngôn loạn đức”.
Nói năng cần để ý đến người đối diện, cân nhắc các phương diện, điều này không có gì để bàn. Vấn đề nằm ở chỗ mục đích của lời nói có chính đáng hay không, nội dung có chân thực hay không. Đây chính là sự chân thành.
“Chu Dịch” viết rằng: “Tu từ lập chí thành”, ý rằng nói năng cần dựa trên nền tảng là sự chân thành. Chân thành vĩnh viễn là tiêu chuẩn cơ bản nhất trong việc nói năng. Nếu tình cảm giả dối, nội dung không xác thực, thì dẫu ngôn từ hoa mỹ thế nào, kỹ xảo nói chuyện tuyệt vời ra sao, cũng chỉ là rỗng ruột, vô tâm.
Có câu: “Những gì mình không muốn thì đừng cưỡng ép lên người khác”. Trong giao tiếp giữa người với người cũng vậy, chúng ta không chỉ cần nhận thức nhu cầu, cảm nhận, mong muốn của đối phương, mà còn cần đứng cùng phía với họ, cùng suy nghĩ về vấn đề chung đang gặp phải. Làm được vậy tranh luận sẽ không dẫn đến sự bất đồng không thể hóa giải. Đây chính là thiện tâm.
Nghệ thuật nói chuyện quý ở sự chân thành và thiện tâm ấy.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nghệ thuật giao tiếp thiện tâm Mạnh Tử nghệ thuật nói chuyện chân thành đối nhân xử thế