Nghe ý kiến nhưng không để bị cuốn trôi
- MATSUSHITA Kônosuke
- •
Nghe ý kiến nhưng không để bị cuốn trôi
Điều 12: Trước hết nắm rõ tính chất con người của mình, khi phân vân nên khách quan tham khảo ý kiến của người khác và chọn kết luận thích hợp với con người của mình(1).
Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
Khi không biết nên làm sao, bạn hãy thử hỏi ý kiến của người khác. Bạn nên nắm vững suy nghĩ của mình và lắng nghe ý kiến của người khác với tâm tự nhiên. Phương pháp này giúp bạn bắt đầu sống cuộc đời chắc chắn. (2)
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đối mặt với nhiều việc không biết nên làm sao cho tốt đẹp. Thí dụ ngay cả nghề nghiệp của bản thân, chúng ta cũng không biết mình có thích hợp không. Nếu có lúc phân vân về việc căn bản như trên thì cũng có lúc khổ tâm những việc như không biết nên xử lý công việc mới như thế nào.
Ngoài ra nếu là bạn trẻ, thì hướng đi trong tương lai, kết hôn có thể là mối lo âu. Tôi nghĩ cuộc đời con người của chúng ta là lúc nào cũng phải phân vân không biết làm thế nào cho tốt từ việc lớn như quyết đoán việc chi phối cả đời người đến việc nhỏ như việc chọn lựa những hành động chi tiết của mỗi ngày.
Do đó, vấn đề chúng ta phân vân không biết nên quyết đoán hoặc giải quyết như thế nào khi đứng trước ngã rẽ, được đặt ra. Tôi nghĩ rằng một phương pháp để giải quyết vấn đề này là thử hỏi ý kiến của người khác. Chúng ta thử hỏi ý kiến của những người biết rõ chúng ta như bạn bè, người trong gia đình, thầy cô, cấp trên và các bậc đàn anh đi trước. Tôi nghĩ rằng làm như vậy có nhiều trường hợp chúng ta dần dần sẽ rõ ràng phương hướng cụ thể nên đi của chúng ta.
Bản thân tôi cho đến hiện nay tôi cũng đã làm như thế. Khi nào có việc không biết nên làm sao tôi cực lực nỗ lực tìm hỏi ý kiến của người khác. Từ khi bắt đầu làm công việc sản xuất có tính cách trong gia đình với vợ và em trai của vợ tôi cho đến nay, ngay cả lúc tôi không thể phán đoán có nên làm thêm công việc mới không, tôi giải thích tình hình cho người thứ ba và hỏi “Nếu là anh, anh nghĩ thế nào?”
Những khi tôi hỏi như vậy, người được hỏi trả lời: “Anh Matsushi, như vậy không được đâu, không thể nào làm được” hoặc “Với khả năng của anh hiện nay, tôi nghĩ là có thể làm được. Anh nên thực hiện đi”. Hoặc “Ở thời điểm hiện nay không thuận lợi”. Sau khi nghe xong, nếu tôi tâm đắc ngay (đã hiểu tường tận và đồng ý một cách thỏa mãn) (3) không còn có gì do dự thì tôi thực hiện theo lời khuyên. Nhưng nếu tôi còn có điểm nào không phục thì tôi lại hỏi thêm ý kiến của người khác. Người mới sẽ cho tôi biết ý kiến theo lập trường hoặc cách nhìn khác. Sau khi tham khảo các ý kiến đã nhận được, tôi tự suy nghĩ theo cách của mình để rút ra kết luận.
Đây chỉ là một kinh nghiệm của tôi nhưng đối với bất kỳ trường hợp nào khi tôi tìm hỏi ý kiến của người khác, “Hỏi hay lắm. Nhìn việc cậu làm, từ trước tôi đã nghĩ nếu làm như thế này là tốt”, số người trả lời như vậy nhiều đến mức ngoài sức tưởng tượng. Do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta không cần ngần ngại mà cứ dứt khoát hỏi ý kiến người khác khi cần thiết.
Tuy nhiên có một điều chúng ta không được quên là chúng ta cần phải nắm chắc, biết rõ con người của chúng ta và nghe ý kiến của người khác với lòng trung thực tự nhiên (nghĩa là nghe với tâm tự nhiên). Nếu như chúng ta không nắm rõ con người của chúng ta, chúng ta có thể nghĩ rằng ý kiến của người góp ý tất cả đều đúng và mỗi lần nghe ý kiến chúng ta có thể ngã theo bên phải khi nghe người A, rồi lại ngã theo bên trái khi nghe người B. Ngoài ra, nếu nghe ý kiến với tấm lòng (tinh thần) bị ràng buộc hoặc cố chấp vào lòng riêng tư của bản thân, không trung thực tự nhiên, chúng ta sẽ bị chi phối bởi lợi hại hoặc thể diện của chính mình, rồi từ đó chúng ta chỉ tìm kiếm những ý kiến thuận hợp cho mình. Làm như vậy thì không còn ý nghĩa gì nữa mặc dù chúng ta tìm hỏi ý kiến của người khác.
Tôi nghĩ rằng thái độ khách quan nói trên không những quan trọng cho trường hợp tìm hỏi ý kiến ở người khác mà cũng quan trọng khi đọc sách hoặc xem truyền hình.
Khi biết được một cách làm, một cách sống nào đó, dù chúng ta thực hiện y theo nhưng bởi vì mỗi người có thiên phận (4), cá tính khác nhau nên kết quả khó thể hoàn toàn giống y nhau. Mỗi người có con đường đi của mình; chúng ta tự nhiên có con đường đi của chúng ta. Do đó, tôi nghĩ trước hết chúng ta cần phải nắm rõ cách suy nghĩ và tính chất của bản thân chúng ta rồi mới tham khảo cách sống của người khác.
Rất khó tin cậy vào trí tuệ và tài năng của một con người. Do đó việc phân vân không biết làm sao cho tốt là việc vốn dĩ nhiên nên chúng ta cần tích cực nhờ trí tuệ của người khác, nhất định không nên nhốt mình trong vỏ hoặc ngoan cố, cố chấp. Tuy nhiên, nghe theo ý kiến của người khác rồi bị lôi cuốn theo hoàn toàn cũng không được! Chúng ta nghe theo điều đáng nghe theo, và không nghe theo điều không đáng nghe theo. Đó là điểm không phải dễ dàng nhưng phải chăng nếu chúng ta thực hiện được việc này, mỗi người của chúng ta sẽ có được cuộc đời chắc chắn hơn.
Nguyễn Sơn Hùng, 18/11/2022
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Xem thêm cùng tác giả:
Nhận xét của người dịch
Một lần nữa bài này nhắc nhở chúng ta việc quan trọng của việc tìm hiểu để nắm rõ bản chất của con người và của chính chúng ta. Cách suy nghĩ này rất khoa học và hiển nhiên. Sống trong xã hội con người mà chúng ta không biết, không nắm rõ đặc tính của con người thì làm sao sống hòa hợp vui vẻ và thành công. Không biết rõ bản thân mình thì làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc vui vẻ thật sự để khi rời cuộc đời này mà không hối tiếc.
Việc thứ hai là việc chính chúng ta phải tự làm, không ai có thể làm thế cho chúng ta. Trong bài 20 tác giả sẽ đề xuất cho chúng ta một phương pháp cụ thể để thực hiện.
Việc thứ nhất có thể đã có nhiều nhà nghiên cứu khoa học như tâm lý học, giáo dục học, triết học v.v… hoặc doanh nhân thành công đã xem xét nhưng tiếc là hình như chưa có ai tổng hợp thành tài liệu hữu ích và dễ sử dụng để chúng ta có thể áp dụng trong đời sống thực tế hoặc đã có mà người dịch chưa được biết. Tác giả cũng đã nêu ra trực tiếp và gián tiếp vài đặc tính chung quan trọng của con người, không biết quý độc giả nhận ra được bao nhiêu đặc tính?
Đây là một đề tài mà người dịch đang quan tâm tìm hiểu.
Ghi chú:
1. Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
2. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
3. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
Từ khóa kỹ năng lắng nghe