Nghi vấn lịch sử: Chúa Trịnh hạ độc Trịnh Toàn
- Trần Hưng
- •
Ninh quận công Trịnh Toàn là người có tài, khi quân chúa Nguyễn tiến ra bắc, quân Trịnh bị đánh bại khắp nơi, chính Trịnh Toàn đã chặn đứng được bước tiến của quân Nguyễn. Cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” ghi rằng ông mưu phản nên bị bắt và bị ép uống thuốc độc đến chết, nhưng liệu sự thật có phải như vậy?
Quân chúa Nguyễn vượt sông Gianh
Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh ở châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay) là ranh giới phân chia. Phía bắc Bố Chính trở ra là Đoàng Ngoài, phía nam Bố Chính trở vào thuộc Đàng Trong.
Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn 7 lần giao tranh, trong đó 6 lần là quân Trịnh chủ động tấn công chúa Nguyễn, lần duy nhất quân Nguyễn chủ động đánh quân Trịnh là lần thứ 5 vào năm 1655.
Tháng 4/1655, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật vượt sông Gianh tiến đánh Đàng Ngoài. Quân chúa Nguyễn đánh đâu thắng đấy, quân chúa Trịnh phải chạy dài đến tận An Trường (Nghệ An). Quân chúa Nguyễn chiếm được Bắc Bố Chính, Hà Tĩnh, một vùng đất lớn phía nam bờ sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An.
Tin dữ báo về, chúa Trịnh Tráng sai Trịnh Thượng đưa thêm quân tiến đánh, nhưng Trịnh Thượng lại thua to.
Trịnh Toàn thống lĩnh ba quân chặn đứng quân chúa Nguyễn
Chúa Trịnh Tráng định cho con là trai là Trịnh Tạc thống lĩnh quân nam tiến. Nhưng hay tin quân Nguyễn đang tiến đánh phía nam, nhà Mạc ở phía bắc thừa cơ tiến đánh. Thế là chúa Trịnh thay đổi, để Trịnh Tạc đưa quân ra bắc ngăn quân Mạc, còn con út là Ninh quận công Trịnh Toàn đưa quân xuống phía nam chống chúa Nguyễn.
Ninh quận công Trịnh toàn là một người tài năng. Việc để Trịnh Toàn thống lĩnh mấy vạn quân xuống nam khiến chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc không yên tâm, bởi chúa Trịnh Tráng đã già, do con trưởng mất nên con thứ hai là Trịnh Tạc được chỉ định sẽ kế vị ngôi Chúa. Nếu Chúa có mệnh hệ gì thì mà Trịnh Toàn nắm binh quyền thì có thể sẽ sinh biến.
Theo gia phả họ Trịnh thuộc chi Trịnh Toàn thì khi ấy Trịnh Toàn là con út sinh năm 1631, từ nhỏ đã thể hiện là người hiếu học và thông minh. Trước khi đi, trước sự chứng kiến của chúa Trịnh Tráng, anh em Trịnh Tạc và Trịnh Toàn làm lễ ăn thề, mỗi người làm một bài văn, anh em thề sẽ trung thành mà không hại lẫn nhau.
Trịnh Toàn đưa quân xuống phía nam, liên tiếp đánh thắng mấy trận liền khiến chúa Nguyễn phải ngưng việc bắc tiến. Nhận thấy quân chúa Nguyễn còn mạnh nên Trịnh Toàn chưa vội tiến, mà chủ trương xây dựng và củng cố tinh thần binh sĩ. Trịnh Toàn cũng cai quản Nghệ An rất tốt, dân chúng đều yêu mến ông.
Samuel Baron có bố là người Hà Lan, mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Kẻ Chợ, giỏi tiếng Việt. Trong cuốn sách “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài” đã mô tả Trịnh Toàn: “hội tụ những đủ đức độ của một người được mọi người kính trọng: đức độ, phóng khoáng, anh dũng, rộng lượng”, “… Nên được binh sĩ quý mến gọi là cha, còn quân địch khiếp sợ với uy danh của ông ở Đàng Ngoài hình tượng ông là ánh chớp Đàng Ngoài”.
Phụ lời thề bắt giữ Trịnh Toàn
Năm 1657, chúa Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên thay, hay tin Trịnh Toàn ở phía nam được lòng binh sĩ và dân Nghệ An nên Trịnh Tạc vừa có phần lo lắng vừa ghen tức, sai con trai trưởng là Trịnh Căn tiếp viện cho quân ở phía nam nhưng thực chất là để dò xét Trịnh Toàn.
Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Trịnh Tạc cho người triệu Trịnh Toàn ra Kinh đô. Trịnh Toàn biết nếu về có thể nguy hiểm nhưng không về thì anh mình sẽ càng hoài nghi nên ông quyết định trở về Kinh thành. Một số tướng dưới quyền Trịnh Toàn cảm thấy bất an đã chạy sang đầu hàng quân Nguyễn để tránh bị liên lụy.
Trịnh Toàn về rồi, Trịnh Tạc thêu dệt chuyện Trịnh Toàn làm phản rồi tống giam. “Đại Việt Sử ký Toàn thư” viết theo ý Chúa là Trịnh Toàn mưu phản.
Ở trong tình huống này nếu có ý làm phản thì sẽ chọn tạo phản chứ không trở về Kinh thành. Việc Trịnh Toàn trở về Kinh cho thấy ông không có ý làm phản. Trong gia phả họ Trịnh và cuốn “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài” của Samuel Baron cũng nêu rõ việc này.
Chúa Trịnh Tạc giam Trịnh Toàn nhiều năm liền mà không xét xử.
Trịnh Tạc sai hạ độc giết Trịnh Toàn
Dù Trịnh Toàn bị cầm tù, nhưng binh sĩ vẫn không quên ông. Theo “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài” thì vào khoảng năm 1672 (thực tế là năm 1674), có 4 vạn quân đến trước cửa Phủ Chúa, không mang theo vũ khí, đóng chiếm mọi ngõ ngách của khu Phủ Chúa, thóa mạ Trịnh Tạc vô tình với binh lính, rồi vào giải cứu Trịnh Toàn.
Còn theo gia phả thì:
Năm Giáp Dần niên hiệu Dương Đức thứ 3 (1674) tháng 5. Binh sĩ đến nơi giam giữ để đưa Trịnh Toàn ra, tuy nhiên Trịnh Toàn quyết không ra vì nghĩ đến lời thề trước mặt cha là trung thành và không hại anh mình.
Trịnh Tạc thấy binh sĩ hết lòng theo Trịnh Toàn thì lo sợ, ngay trong đêm đã trao chén thuốc độc đưa đến cho Trịnh Toàn và bắt phải uống hết.
Dân chúng tưởng nhớ, lưu truyền bài thơ giải oan
Ninh quốc công Trịnh Toàn mất, dân chúng Nghệ An hay tin thì đau buồn thương tiếc. Dân chúng 7 huyện ở Nam Hà (Nghệ An) cảm nhớ uy đức sâu xa của Trịnh Toàn đều dựng miếu để thờ.
Dân chúng ghi chép lại sự việc bằng thể thơ quốc âm (chữ Nôm), đặt tên là “Ninh Quốc công cổ truyện”. “Ninh Quốc công cổ truyện” lưu truyền khắp nơi, phổ biến một thời, sau đó được ghi chép lại trong gia phả họ Trịnh. Ngoài ra “Viện nghiên cứu Hán nôm” cũng còn lưu lại hai bản: Một bản có tên là “Ông Ninh cổ truyện” và một bản nữa in trong sách “Thích tĩnh nhã thú”.
Do đây là bài thơ rất dài nên 2 bản lưu trong “Viện nghiên cứu Hán nôm” không đầy đủ, còn bản trong gia phả là ghi lại đầy đủ.
Sau đây là phần mở đầu và phần kết của “Ninh Quốc công cổ truyện” được dịch và chú thích bởi “Viện nghiên cứu Hán nôm”:
Trích đoạn mở đầu:
Làm trai chí cả nên trai
Chí lăm vượt bể, quét trời nên tiên.
Làm trai có chí thì nên,
Lấy được vợ hiền là tiểu đăng khoa.
Bốn phương phẳng lặng can qua(1),
Dân yên chăn chiếu xướng ca chơi bời.
Cao Bằng, Đồng Mỏ mọi nơi,
Đều ra tiến cống thửa nơi bạc tiền.
Còn một trong Quảng chúa Hiền(2)
Cha con Đoan quận chẳng ra kinh kỳ
Một lòng đánh báo nhà Lê
Tranh quyền cướp nước trở về Nghệ An
Chúa bác(3) lòng giận tức gan.
Lấy ai mà dẹp cho tan giặc này.
Đòi lấy Ninh Quận(4) vào đây.
Ta sai nó đánh giặc này cho tao.
Ông Ninh đặt gối thấp cao,
Dọng qua chúa bác ngôi cao trùng trùng.
Ninh còn thơ ấu yếu xung
Ninh mới mười tám trong lòng tiếc chi.
Bác sai thời tôi phải đi,
Ninh xin trảy vào dẹp giặc Nghệ An…
Đoạn kết.
Chúa Tây(5) mới ngự vào ngôi trướng tòa.
Lời bàn lòng hận xót xa
Để Ninh còn, phải oan gia có ngày.
Thế thời cậu phải ra tay
Đức ông nghe thấy thương thay dưng là.
“Ta thời giữ đạo hiền hòa
Vì sao những dạ giết ta thế này.
Giả ơn bảy tám chúng bay
Ninh thời tự vẫn đêm nay cho rồi”
Chân thời đạp cũi ra ngoài
Tay thời(6) … nơi vườn đào,
Lấy khăn thắt cổ tiêu hao
Ba hồn bảy phách đi vào động tiên
Rạng ngày đức chúa Tây truyền
Bay ra ngoài chốn .. xem sao.
Cậu vâng ra đến đào viên,
Thấy ông Ninh đã treo vào gốc cây.
Cậu liền vào dọng(7) chúa Tây,
Người đã tự vẫn thuở này ban đêm.
Truyền ra mở nó vào xem,
Sai người mở trói cho em tức thì.
Tư bề tướng phủ tứ vi(8),
Cho ra đòi lấy thê nhi(9) vào chầu.
Thê nhi vào thấy vật chầu
Ôm con mà khóc oan thù vì đâu?
Chúa Tây bước xuống dưới lầu
Tìm lời han giả nước non hỡi nàng
Rằng thì giận mắng sang thương,
Ai ngờ nó đã lên đường gió mây
Lòng tao cũng cám cảnh thay,
Ai ngờ nó lại đang tay cả lòng.
Vàng mươi trăm lạng thư phong,
Cho mày làm của nghĩa chồng báo Ninh.
Thê nhi lăn khóc vật mình,
Rằng anh rày đã được thành công chưa?
Nhọc lòng giãi nắng dầm mưa,
Chúa thương trung nghĩa chúa cho vàng này.
Chúa liền nghe chạnh lòng tây(10)
Truyền cho cậu Vĩnh(11) mau tay dọn thuyền
Chớ cho trì hoãn chẳng nên,
Cậu vâng lệnh chúa dọn(12) thuyền làm song.
Dọn cho năm chiếc thuyền rồng,
Chọn ngày lành mới đưa ông Ninh về.
Lập lăng mới táng một khi.
Long trường(13) bổ đoản, tứ vi hữu tình,
Thê nhi trai gái nữ trinh
Cứ lời chồng dặn phân minh tỏ tường.
Dầu ba năm kết tóc tang,
Bước vào từ đường lạy tạ tổ tông.
Lại ra phần mộ khấn chồng
Giả chốn báo bồng(14) giở về phú vinh
Khuyên con khuya sớm học hành
Sôi kinh nấu sử tập tành mười phân.
Tìm nơi cảnh giới tu thân
Đạo trời bụt cứu sinh dân hộ mình.
Kinh đô để mặc chúa anh(15),
Mẹ hiền con thảo, thanh danh muôn đời.
Ăn nhờ vì cậy đạo trời,
Ông Ninh truyện để muôn đời làm gương.
Trần Hưng
Chú thích:
- (1) Can là cái mộc. Qua là cái mác, chỉ chiến tranh. Phẳng lặng can qua: không có chiến tranh.
- (2) Chúa Hiền tức Nguyễn Phúc Tần thời ấy chiếm giữ vùng Thuận Quảng.
- (3) Chúa bác chỉ Chúa Tráng.
- (4) Ninh quận tức Ninh Quận công Trịnh Toàn, khi ấy chưa được phong là Ninh Quận công.
- (5) Chúa Tây tức Tây vương Trịnh Tạc anh trai Trịnh Toàn.
- (6) Do bản gốc chữ Nôm bị rách nên có một số câu phải để dấu (…).
- (7) Dọng: từ cổ nghĩa là tâu bày.
- (8) Tư bề, tứ vi đều có nghĩa là xây kín.
- (9) Thê nhi: vợ con.
- (10) Lòng tây: nỗi lòng riêng. Tây: từ cổ có nghĩa là riêng, tư.
- (11) Chưa xác định được thời ấy cậu Vĩnh là ai.
- (12) Dọn từ cổ nghĩa là chuẩn bị, sắp đặt.
- (13) Long trường: rồng dài, hổ đoản: hổ ngắn. Xưa những nhà quyền quý quan tài khâm liệm người mất thường bên trái vẽ rồng và bên phải vẽ hổ.
- (14) Câu này ý nói giã từ chốn kinh đô trở về quê Phú Vinh.
- (15) Chúa anh tức Trịnh Tạc, sau khi cha là Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên nối ngôi Chúa.
Xem thêm:
- Đào Quang Nhiêu: Vị tướng giúp Đàng Ngoài chặn quân chúa Nguyễn
- Nguyễn Văn Trương: vị phúc tướng của nhà Nguyễn
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam chúa Trịnh