Ngôn ngữ lính Sài Gòn trước năm 75
- Nguyễn Ngọc Chính
- •
Có một sự thật đó là ngôn ngữ Sài Gòn ngay trước 75 mang đậm chất lính. Đó cũng là điều dễ hiểu vì miền Nam khi đó đang trong thời kỳ “leo thang chiến tranh” với lệnh “tổng động viên” trên toàn lãnh thổ. Vậy nên hôm nay chúng ta nói về ngôn ngữ lính Sài Gòn.
Thanh niên đến tuổi 18 đều bị “động viên” vào quân ngũ, chỉ trừ một số trường hợp được “hoãn dịch” vì lý do sức khỏe, gia cảnh hoặc học vấn… “Đi lính” là một thuật ngữ xuất hiện thường xuyên trên đầu môi cũng như trong tâm thức của mọi người. Bậc cha mẹ lo lắng khi con cái đến tuổi “quân dịch” còn thanh niên thì đứng trước một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Mối lo của họ được thể hiện qua ám ảnh “Thi rớt tú tài…” và còn bi đát hơn với hai câu thơ này không biết có ai còn nhớ hay không:
Rớt tú tài anh đi trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ cho xong…
Thời nào cũng vậy, những thành phần COCC (chữ tắt của cụm từ Con Ông Cháu Cha), bao giờ cũng có cách luồn lách để khỏi đi lính. Người Sài Gòn thường dùng chữ “trốn lính” hay “trốn quân dịch”. Một trong những cách “trốn lính” là tìm đường cho các “quý tử” đi du học, hay cùng lắm, khi bị “bắt lính” các bậc cha mẹ lo “chạy” để con được phục vụ trong các đơn vị không tác chiến, làm “lính văn phòng”, hay còn được gọi bằng một thuật ngữ rất phổ biến là “lính kiểng”. Người ta thường chưng hoa kiểng, cây kiểng để làm đẹp căn nhà nhưng “lính kiểng” lại chính là một hình thức “tự làm đẹp đời mình” trước những viễn cảnh u ám của chiến tranh, bom đạn, chết chóc vẫn xảy ra hàng ngày.
Đôi khi “lính kiểng” còn được gọi qua cái tên nghe khá ngộ nghĩnh nhưng cũng rất thâm thúy: “lính cậu”. Chả là thứ lính này xuất thân từ những “cậu ấm” trong các gia đình quyền thế hoặc giàu có. Đây là loại “lính nhưng không phải là lính” nếu đem so sánh với những chiến binh ngày đêm phải đương đầu với súng đạn tại những tiền đồn heo hút hay rừng sâu núi thẳm, cách biệt hẳn với chốn phồn hoa đô hội. Xem ra câu “huynh đệ chi binh” không phải lúc nào cũng đúng như ý nghĩa vốn có của nó.
Hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam, kẻ trước người sau, đều lần lượt rời ghế học trò để khoác trên mình bộ quần áo lính. Đó có thể là sắc áo “rằn ri” của các binh chủng dữ dằn như Nhảy dù (được “thần tượng hóa” thành “thiên thần mũ đỏ”). Lực lượng đặc biệt, Biệt cách dù hay Thủy quân lục chiến đội trên đầu chiếc mũ “mũ bê-rê xanh” còn Biệt động quân thì lại chọn màu mũ nâu. Còn nhớ AirborneRanger, Liên đoàn 81 Biệt cách dù, trong trận chiến An Lộc đã nổi tiếng với 2 câu thơ:
An Lộc địa, sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.
Tuy nhiên, mũ bê-rê chỉ dùng khi về phép và các dịp đặc biệt. Khi ra trận mọi quân binh chủng đều đội chiếc “mũ sắt” phía bên trong có lót lớp “nũ nhựa” để bảo vệ phần đầu. Trên nguyên tắc là vậy chứ nhiều khi đạn có thể xuyên thủng “mũ sắt” nếu bắn từ khoảng cách gần.
Lính bộ binh thì “hiền” hơn với bộ kaki, sau này được thay thế bằng bộ quân phục “bốn túi”, áo bỏ ngoài quần, giống như lính Mỹ. Đặc điểm của bộ binh là phải “gom ống quần” trong khi Không quân và Hải quân được thả ống quần, “lè phè”, thoải mái. Cũng vì thế lính không quân và hải quân sợ nhất là bị “gom ống quần lội bộ”, thuật ngữ ám chỉ bị thuyên chuyển sang bộ binh để đi tác chiến…
“Giày trận” được gọi là “bốt đờ sô” (botte de saut), có loại hoàn toàn bằng da nhưng sau này có loại giày kết hợp giữa da và vải, rất nhẹ trong những chuyến lội rừng, băng suối. Lính “địa phương quân” hay “nghĩa quân” thì hẩm hiu hơn với những đôi giày bằng vải bố, được gọi tắt là “giày bố”, kiểu như giày “ba-ta” nhưng cổ cao hơn giày thường.
Ngay khi bắt đầu trình diện tại các Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ, thanh niên dù “đăng lính” hay bị “bắt lính” cũng đều phải qua một trong những thủ tục là làm “thẻ bài”. Tấm “thẻ bài” là vật bất ly thân, được đeo trên cổ trong suốt thời gian tại ngũ của quân nhân. “Thẻ bài” tựa như tấm lắc đeo ở cổ con chó nên người Mỹ gọi nó bằng cái tên… “dog tag” (Dịch là: Thẻ chó)! Mỗi quân nhân bắt buộc có 2 tấm “thẻ bài” bằng kim loại không gỉ, được đeo bằng sợi dây cũng bằng kim loại. Trên mỗi tấm có ghi họ tên, “số quân” và loại máu để khi bị thương, cần tiếp máu, quân y biết ngay loại máu gì. Khi người chiến sĩ tử trận, một tấm thẻ bài được bỏ trong miệng tử sĩ và tấm kia đơn vị sẽ giữ lại để làm tài liệu báo cáo.
Bài hát “Tấm Thẻ Bài” qua tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy đã gây nhiều xúc động trong lòng người nghe và mãi đến bây giờ, mỗi lần được nghe lại bài hát nầy hoặc là nhìn thấy lại hình tấm thẻ bài chúng ta càng thấy ngậm ngùi và thương tiếc những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua. Nhạc sĩ Huyền Anh đã viết những câu thật xúc động:
Sau cuộc chiến này còn chi không anh?
Còn chi không anh?
Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài
Đã mờ mờ mang tên anh.
…
Anh đã đi, đã đi vào vùng biển đời người
Anh ngủ yên, ngủ yên như cỏ úa
Anh ơi sau cuộc chiến này
Có còn chi để lại
Hay chỉ còn tấm thẻ bài mang tên anh
Và trong số các món quân trang, quân dụng được cấp phát, ngoài chiếc balô người lính còn có “poncho” là một tấm vải mưa trùm đầu theo kiểu vải khoác của người Nam Mỹ. Poncho ngoài việc là áo mưa còn có một công dụng mà bất cứ người lính nào cũng chẳng muốn sử dụng: poncho sẽ được dùng để khâm liệm xác của tử sĩ bỏ mình trên chiến trường.
“Trốn lính” là chấp nhận sống bên lề xã hội, “trốn chui trốn nhủi” khi thấy bóng dáng cảnh sát, quân cảnh. Cuộc sống của người trốn quân dịch là những chuỗi ngày bấp bênh, không tương lai ngay giữa Sài Gòn đô hội. Cũng vì thế, có người tự chặt “ngón tay bóp cò” (ngón trỏ) để khỏi đi lính, có người “tự hành xác”, “ốm tong ốm teo” để được các trung tâm nhập ngũ trả về vì “không đủ sức khỏe”…
Nguyễn Ngọc Chính
Trích lược từ cuốn Hồi ức một đời người (chinhhoiuc.blogspot.com)
Xem Thêm:
Từ khóa sài gòn xưa Người lính Ngôn ngữ Sài Gòn