Người cá: Từ sách cổ đến nhật ký của các nhà thám hiểm
- Trần Hưng
- •
Rất nhiều người đã nghe nói về người cá trong các truyền thuyết và ghi chép cổ xưa, hay các tác phẩm văn học và điện ảnh. Những ghi chép cho thấy người cá có nhiều loại, có loại mình người thân cá, có loại đầu cá thân người, v.v.. Sự mô tả về người cá giống nhau đến kỳ lạ ở nhiều nơi đã gợi lên trí tò mò và tưởng tượng của không ít người.
Sách cổ phương Đông
Trong “Sơn hải kinh”, một cuốn sách được cho là viết về địa lý tự nhiên và địa lý thời viễn cổ có chép rằng: “Loài lăng ngư mặt người, mình cá sống ở biển”, “từ sông Chi Thủy đi ra, rồi chảy về hướng đông trút xuống song Vu Hà. Nơi đó có nhiều người cá, bốn chân, âm thanh như đứa trẻ”.
Hác Ý Hành (1757-1825) từng ghi chú: “Tra Thông phụng lệnh đi sứ Triều Tiên, gặp một người phụ nữ trong biển cát, phía sau khủy tay có vây cá hồng, gọi là nhân ngư hay lăng ngư”.
Trong “Tâm điểm cổ” có ghi: “Biển Đông hải có người cá, sống hơn ngàn năm, nước mắt là trân châu, giá trị liên thành, có thể dùng mỡ làm đèn vạn năm không tắt, có thể làm ra tơ lụa nhẹ như lông vũ, vảy có có thể trị bách bệnh, kéo dài tuổi thọ”.
Trong “Sưu thần ký” có ghi chép lại một loại “Giao nhân” sống ở vùng Nam Hải: “Ngoài biển Nam Hải có Giao nhân, sinh sống dưới nước như loài cá, thần kỳ ở chỗ có thể khóc ra trân châu”. Giao nhân dệt tơ thành giao tiêu không thấm nước, là vật quý hiếm thấy.
“Thuật Dị Chí” gọi giao tiêu là giảo sa, là vật phẩm có giá trị rất lớn: “Nam Hải xuất hiện lụa giảo sa, nổi danh nhất thiên hạ, còn gọi là Long sa, giá đáng ngàn lạng vàng, làm thành y phục chống nước cực tốt”.
Các sách thời nhà Tấn có ghi chép về người cá Lư Đình. Sau này sách “Quảng Đông tân ngữ” thời nhà Thanh có viết:
Có người Lư Đình, có nhiều ở núi Tân An Đại Ngư (tức Đại Dữ Sơn hiện nay), và núi Tân Đình, Trúc Một, Lão Vạn (tức quần đảo Vạn Sơn ngày nay). Họ giống con người, có giống đực giống cái, tóc vàng cháy và ngắn, mắt cũng vàng, da đen sạm, đuôi dài một tấc, trông thấy người thì kinh sợ nhảy xuống nước. Họ thường theo sóng đến, mọi người cho là yêu quái, và đuổi đi. Có người bắt được người Lư Đình giống cái, chơi với nó, nó không biết nói, chỉ cười thôi. Lâu dần biết mặc quần áo, ăn ngũ cốc. Đưa nó đến núi Đại Ngư, nó vẫn không nhảy xuống nước. Thế nên, những người cá này không làm hại con người.
Còn có người gọi là “Hải nhân ngư”, nửa người nửa cá. Cuốn “Thành Trai tạp ký” của Lâm Khôn có ghi chép rằng: “Hải nhân ngư hình dạng giống như con người, lông mày, mắt, miệng mũi, chân tay tựa như một người con gái xinh đẹp, không hề đáng sợ, nước da trắng như ngọc”.
“Hải nhân ngư” có lẽ là người cá giống người nhất. Nhà sinh vật học Nhiếp Hoàng thời nhà Thanh trong “Hải Thác Đồ” có ghi chép lại rằng: “Nhân ngư hình dáng giống hệt con người, chân tay, mày mắt, miệng mũi đều đủ, âm dương giống với nam nữ, chỉ có điều lưng có vây, màu hồng, phía sau có đuôi ngắn, ngón tay có chút khác biệt với con người”.
Theo các truyền thuyết và ghi chép thì “Hải nhân ngư” xuất hiện nhiều nhất ở vùng biển Quảng Đông.
Lịch sử Nhật Bản cũng ghi chép lại người cá xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản vào năm 619 vào thời Thiên hoàng Suiko. Người cá này bị bắt sống, rồi nhốt trong bể để quan khách đến cung điện chiêm ngưỡng. Còn có ghi chép nói rằng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, người cá xuất hiện thường xuyên ở vùng biển Nhật Bản đến mức người dân xem đó là chuyện bình thường.
Truyền thuyết phương Tây
Ở phương Tây, có rất nhiều truyền thuyết lâu đời của các dân tộc nói về người cá. Trong đó thường mô tả rằng nàng tiên cá mang hình tượng người phụ nữ xinh đẹp với nửa dưới thân có chiếc đuôi cá, thường xuất hiện trên mặt nước, ngồi chải mái tóc thướt tha.
Người Babylon tôn thờ thần biển Poseidon hoặc Erythrean. Erythrean xuất hiện trên biển, để dạy mọi người về nghệ thuật và khoa học. Người Syria và Felix còn thờ mỹ nhân ngư làm Thần mặt trăng.
Gaius Plinius Secundus (thế kỷ đầu sau Công Nguyên) trong tác phẩm “Lịch sử tự nhiên” đã viết: “Còn về mỹ nhân ngư, hay còn được gọi là Nereids, đây không phải là điều quá khó tin… Họ đều thực sự tồn tại, chỉ có điều thân thể họ thô ráp, có vẩy khắp người”.
Ngày nay trong viện bảo tàng Louvre có một bức bích họa chạm khắc miêu tả một vị Thần biển tên là Oannes, có một cái đuôi cá và nửa phần trên là cơ thể của nam giới.
Siren là tên gọi người cá ở Hy Lạp, thường dùng giọng hát mê hoặc các thủy thủ. Tiếng hát tuyệt vời khiến các thủy thủ nếu không để ý sẽ khiến tàu đâm vào bãi đá. Điều này cũng được ghi chép trong Thần thoại Hy Lạp.
Nhật ký của nhà thám hiểm nói về người cá
Năm 1493 thuyền trưởng Columbus, người nổi tiếng thế giới vì tìm ra châu Mỹ, đã viết trong nhật ký rằng trong hành trình đến Rio del Oro, ông đã nhìn thấy 3 người cá nổi lên từ đáy biển.
Nhà thám hiểm Henry Hudson viết trong nhật ký của mình sự việc xảy ra vào ngày 15 tháng 6, năm 1608, khi đang lái tàu qua biển Bering ra khỏi Na Uy:
“Sáng nay một người trong đoàn chúng tôi, nhìn xuống biển, nhìn thấy một người cá, và gọi một số người trong đoàn chúng tôi đến xem, thêm một người nữa đến, và lúc đó cô ấy đến gần mạn thuyền, nhìn vào những người đàn ông này một cách nghiêm nghị. Một lúc sau một cơn sóng đến và cuốn cô ấy đi. Từ rốn trở lên, lưng và ngực cô giống như phụ nữ, khi họ nhìn thấy cô; thân thể cô to lớn như một người trong chúng tôi; làn da cô rất trắng, và tóc dài màu đen xõa ở sau lưng. Khi cô lặn xuống họ nhìn thấy đuôi của cô, giống như đuôi cá heo, và lốm đốm giống như cá thu. Tên của những người đã nhìn thấy cô là Thomas Hilles và Robert Rayney.”
Những bằng chứng khác
Có rất nhiều các cuộc chạm trán với người cá khắp nơi trên thế giới và được truyền thông đăng tải lại. Một số trong đó là giả, một số trong đó liệu có là thật? Dưới đây chỉ là một phần nhỏ những gì thu thập được.
Năm 1403 các ngư dân bờ biển Eton, Hà Lan phát hiện một người cá bị mắc kẹt trên bờ biển. Sau đó cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 do Bộ trưởng nước Anh John Swan viết về sự kiện này: “Mỹ nhân ngư tỏ ra sớm hòa nhập với cuộc sống, thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao trò chuyện với ai”.
Cuốn sách “Những cuộc phiêu lưu không thuộc về lịch sử” (Adventures in Unhistory) có câu chuyện vào năm 1619 hai Thượng nghị sĩ Na Uy là Ulf Rosensparre và Christian Hollh bắt được một người cá và thả lại về biển khơi.
Trong ngôi đền Enjuin ở thành phố Asakuchi, tỉnh Okayama, Nhật Bản cất giữ một xác ướp người cá, loài nhỏ dài chỉ 30 cm, nửa thân trên là người, nửa dưới thân là cá. Theo người trông giữ ngôi đền thì xác ướp người cá này có từ khoảng thời gian năm 1736 – 1741. Xác ướp này có phần đầu có khuôn mặt người cùng hàm răng rõ ràng, có hai bàn tay, mỗi bàn tay có 5 ngón.
Bên cạnh xác ướp là lá thư tiết lộ xuất xứ của xác ướp người cá, có lẽ đây là bức thư của chủ cũ tức người mua lại, trước khi nó được đưa đến đền Enjuin. Bức thư chép rằng: “Một người cá bị mắc vào lưới ở tỉnh Kochi. Ngư dân bắt được nó không biết đây là người cá. Họ mang đến tỉnh Osaka và bán nó như một con cá kỳ lạ. Tổ tiên của tôi đã mua được nó và giữ nó như một báu vật gia đình”.
Báo “The Times of London” vào này 8 tháng 9 năm 1809 có đăng một bức thư của thầy giáo William Munro đang dạy một trường ở Scotland gửi cho tiến sĩ Torrance ở Glasgow, bức thư được viết như sau:
“Khoảng 12 năm trước khi tôi là hiệu trưởng một trường Dòng ở Reay, khi đi bộ đến bờ biển thuộc Vịnh Sandside, vào một ngày ấm áp vào mùa hè, xui khiến thế nào tôi lại muốn đi bộ đến Mũi Sandside, và bắt gặp một hình ảnh giống như một phụ nữ không mặc quần áo, đang ngồi trên một mỏm đá ngoài biển và đang chải mái tóc dài xõa xuống vai và có màu nâu nhạt. Nó thật sự rất giống con người, nếu nó đang không ngồi ở chỗ mỏm đá mà rất nguy hiểm để tắm như vậy thì tôi đã tưởng nó là một con người, nếu ai không quen với tình huống này thì chắc chắn sẽ tưởng như vậy. Đầu nó được bao phủ bởi tóc có màu như đã đề cập ở trên và bóng trên đỉnh đầu, trán nó tròn, khuôn mặt mũm mĩm. Má hồng, mắt xanh da trời, miệng và môi có hình dạng tự nhiên, giống như miệng của đàn ông; răng không thể thấy được vì nó ngậm miệng; ngực và bụng, cánh tay và các ngón tay có kích cỡ vừa phải, không có màng, nhưng tôi không chắc lắm. Nó ngồi trên mỏm đá đó ba đến bốn phút sau khi tôi quan sát nó và đang chải mái tóc, dài và dày, mà nó có vẻ tự hào và sau đó ngụp xuống biển, ở ngang bụng, từ đó không xuất hiện lại nữa, tôi nhìn thấy nó rất rõ ràng, mô đất trên mỏm đá mà nó đang ngồi cách tôi không xa và mặt trời rực rỡ chiếu sáng.
Ngay trước khi nhảy xuống nước, nó dường như đã thấy tôi, vì mắt nó nhìn thẳng vào mô đất mà tôi đứng. Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng trước khi tôi trông thấy sinh vật đó, tôi đã thường nghe một số người mà sự chân thật của họ không bao giờ phải bàn cãi, kể rằng họ đã thấy hiện tượng giống như tôi đã miêu tả, mặc dù sau đó, giống như những người khác, tôi không định ghi nhận lời chứng thực của họ về chủ đề này. Tôi có thể nói một sự thật, rằng chỉ vì đã tận mắt nhìn thấy hiện tượng này, tôi mới hoàn toàn bị thuyết phục về sự tồn tại của người cá.
Nếu lời kể trên có thể ở mức độ nào đó có ích cho việc chứng minh sự tồn tại của một hiện tượng cho đến nay là gần như không thể tin được đối với các nhà tự nhiên học, hay có ích cho việc loại bỏ sự hoài nghi của người khác, những người sẵn sàng bác bỏ mọi thứ mà họ không thể hiểu đầy đủ, thì xin Ngài cứ tự nhiên”.
Kính mến,
WILLIAM MUNRO”
Ngày 24/08/1980 tờ Torch News của Kuwait có đăng bài báo về việc phát hiện người cá trên biển Đỏ, nửa thân trên giống cá, nửa dưới thân giống người với hai chân dài đầy đủ 10 ngón.
Năm 1990 nhà khảo cổ học người Liên Xô là Jeremiah tiết lộ với phương tiện truyền thông phương Tây: Trong khi đang thi công, một nhóm công nhân tìm thấy một ngôi mộ chứa kho báu gần bờ Biển Đen tại thành phố Sochi (Nga), họ đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một người có đuôi cá, người cá này có chiều dài 1,73 mét. Qua nghiên cứu các nhà khoa học cho rằng người cá này đã chết lúc khoảng 100 tuổi.
Ngày 21/5/1991, tờ Weekly World Report của Mỹ đã đăng một bài báo với tiêu đề “Sinh vật đáng kinh ngạc tung hoành trên biển cả 12.00 năm trước: Tìm thấy hóa thạch người cá”. Bài báo này có đoạn mô tả rằng:
“Hóa thạch được phát hiện trong một tảng đá vôi trồi lên tại bờ biển Nam Tư, gần thành phố biển Sibenik (Croatia). Thi thể được bảo quản hoàn hảo của nó có một cái miệng với cơ hàm chắc khỏe và những cái răng sắc bén như dao cạo”.
“Sinh vật này là giống cái và có lẽ đã bơi trong lòng đại dương vào khoảng 12.000 năm trước. Nó bị thiệt mạng trong một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, rồi được bọc trong lớp đá vôi, sau đó dần dần trở thành hóa thạch”, tiến sĩ J Patrick O’Connor, nhà khảo cổ học từ California (Mỹ), người đã làm việc tại di chỉ Sibenik lân cận, cho hay. “Hóa thạch dài 1,6 m này, từ eo trở lên mang hình dạng con người, với hai cánh tay khá khỏe và một cái đầu lớn, phát triển bình thường. Từ hai bàn tay mọc ra những móng vuốt sắc nhọn. Hai mắt không có mi, giống mắt cá”.
Trần Hưng
Xem thêm:
- 6 “vùng đất cấm bí ẩn” ở Trung Quốc
- Đại hồng thủy: Từ truyền thuyết Sumer đến Kinh Thánh
- Khổng Tử kể chuyện người khổng lồ và người lùn thời cổ đại
- 10 phát hiện đáng chú ý nhất về người khổng lồ ở Bắc Mỹ
Mời xem video:
Từ khóa Thám hiểm Người cá Sơn Hải Kinh