Người minh liệu trước được sự tình, người trí thấy trước được tai họa
- An Hòa
- •
Trong sách “Sử Ký. Tư Mã Tương Như liệt truyện” viết: “Minh giả viễn kiến vu vị manh, trí giả tị nguy vu vô hình”, nghĩa là người sáng suốt có thể dự kiến được những sự tình khi nó còn chưa manh nha, người trí có thể tránh được cả những tai họa khi nó chưa hình thành. Xưa nay, chỉ những người hiểu rõ được đạo lý trong nhân sinh mới có thể làm được như vậy.
Người trí tuệ sáng suốt luôn nhìn thấy trước những nguy cơ, tai họa có thể xảy đến với mình mà tránh được nó. Đó là bởi vì họ coi trọng đạo đức, giữ mình trong sạch, thuận theo đạo của trời đất mà hành sự. Khương Tử Nha, công thần khai quốc nhà Chu là một minh chứng cho điều này.
Khương Tử Nha vốn làm quan lúc hôn quân Trụ Vương đang cai trị thiên hạ. Song ông nhìn thấy Trụ Vương vô đạo đang đi vào con đường chết, nên đã sáng suốt bỏ Thương theo Chu, không những tránh được tai họa cho bản thân mà cuối cùng còn trở thành vị Tể tướng nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Khương Tử Nha gia cảnh sa sút, bần cùng khốn khổ, sinh ra trong thời loạn thế của triều đại nhà Thương. Ông từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, học rộng biết nhiều, hiểu được thuật an bang trị quốc. Rốt cuộc, Khương Tử Nha cũng có cơ hội làm quan đại phu dưới trướng Trụ Vương. Thế nhưng Trụ Vương hoang dâm tửu sắc, bạo tàn độc ác, không màng đến sự sống chết của dân chúng, chỉ một mực hưởng thụ. Trụ Vương băm thịt đại thần, gây hấn với chư hầu, giết hại dân chúng, cho nên lúc ấy xã hội vô cùng đen tối, triều đình cực kỳ hủ bại. Triều đại nhà Thương đã rơi vào tình cảnh bấp bênh, sắp đến lúc diệt vong.
Khương Tử Nha ôm chí lớn, có thể hiểu biết thời thế, tự nhiên đã thấy rõ điểm này. Một ngày, Trụ Vương gọi ông vào cung, sai ông giám sát việc xây dựng Lộc Đài. Theo yêu cầu của Trụ Vương, Lộc Đài này được xây cao 4 trượng 9 thước, trên có lầu son gác tía, trang hoàng đầy ngọc ngà châu báu, mã não, hổ phách vô cùng diễm lệ xa hoa.
Khương Tử Nha xem xong bản vẽ nghĩ thầm: “Triều Ca chẳng thể là nơi ta có thể ở được lâu dài. Lộc Đài này xây dựng hao tiền tốn của. Ta cần phải khuyên can. Nếu hôn quân nhất định không chịu nghe thì thế nào ta cũng bị hành hình bằng Bào Lạc. Hay là ta nghĩ cách đối phó, để đến lúc ấy sẽ thoát được ra!” Nghĩ vậy, ông bèn làm bộ nhận lời, rồi tức tốc trở về quê nhà.
Vợ ông là Mã phu nhân vội vàng ra đón chào ông và nói: “Chúc mừng quan lớn về nhà!”.
Khương Tử Nha bảo: “Giờ tôi không còn làm quan nữa”.
Mã phu nhân kinh hãi hỏi: “Vì sao thế?”.
Khương Tử Nha nói: “Vua Trụ tin lời Đát Kỷ, bắt đầu xây dựng Lộc Đài, ra lệnh tôi phải làm. Tôi không đành lòng trông cảnh muôn dân gặp tai họa. Tôi nghĩ rằng vua Trụ không phải là minh chủ.”
Trong sách “Sử ký – Tề Thái Công thế gia” có ghi: “Thái Công uyên bác, từng phò vua Trụ. Vua Trụ vô đạo, ông bèn bỏ đi”. Khương Tử Nha rời bỏ vua Trụ của nhà Thương, tới phò tá cho Chu Văn Vương, trở thành quân sư của Văn Vương. Nhờ mưu lược của ông, Vũ Vương chinh phạt Trụ, trong trận Mục Dã, toàn quân nhà Thương bị tiêu diệt.
Trong sách “Sử Ký – Chu bản kỷ” đối với kết cục của vua Trụ thì viết như sau: “Trụ vương chạy lên đỉnh Lộc Đài, thân choàng đầy châu ngọc, nhảy vào lửa tự thiêu mà chết”. Vua Trụ bạo ngược vô đạo lên Lộc Đài tự thiêu mà chết, vương triều nhà Thương bị diệt vong.
Soi vào sử sách, chúng ta có thể thấy, trong lịch sử, các triều đại liên tục đổi thay. Mỗi lần một triều đại nào sắp diệt vong, thì hoặc là hôn quân vô đạo cai trị, hoặc là gian thần nắm quyền. Lúc ấy tất sẽ có minh quân xuất hiện, thuận theo thiên ý mà chỉnh đốn lại đất nước. Còn có văn thần võ tướng, hiểu rõ thiên ý, phò tá minh quân, từ đó làm nên nghiệp lớn ngàn thu. Đây cũng là bài học quý giá cho hậu thế lựa chọn tương lai của mình.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khương Tử Nha Trụ Vương trí giả triều đại lịch sử Đạo đức