Chuyện kể rằng khi Tô Đông Pha được mẹ dạy học từ thuở nhỏ, trong lúc đọc “Hậu Hán thư”, đọc hết chuyện về Phạm Bàng, Tô Đông Pha đã hỏi mẹ: “Nếu con cũng giống như Phạm Bàng, thì mẹ sẽ trả lời như thế nào?” Mẹ Tô Đông Pha đáp rằng: “Con có thể giống như Phạm Bàng, thì lẽ nào mẹ không thể giống như mẹ ông ấy?” Sau này Tô Đông Pha coi thiên hạ là trách nhiệm của mình, không ngại khó khăn gian khổ, là nhờ được ảnh hưởng sâu sắc từ Phạm Bàng và lấy đó làm hình mẫu. Vậy Phạm Bàng là người như thế nào? Điều mà mẹ con Tô Đông Pha cảm khái là gì?

sự đời, Trí tuệ cổ nhân: 3 tố chất của người làm được việc lớn
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Phạm Bàng, tự Mạnh Bác, người ở Chinh Khương, Nhữ Nam, là một vị quan thời Hậu Hán. Chuyện kể rằng bấy giờ Ký Châu xảy ra nạn đói lớn, đạo tặc hoành hành, nhưng quan lại không quan tâm đến sự sống chết của dân chúng, vẫn mặc sức lừa gạt, bóc lột. Triều đình cử Phạm Bàng đi điều tra, xử lý các tham quan. Khi đó, Phạm Bàng đã nổi tiếng là vị quan chính trực. Lúc Phạm Bàng chuẩn bị vào Ký Châu, các quan địa phương biết rằng mình mắc trọng tội khó thoát, lần lượt nghe ngóng rồi giải ấn từ quan. Sau hai năm, nhờ công trạng này, Phạm Bàng được bổ nhiệm chức Chủ sự Quang lộc huân.

Chức quan của Phạm Bàng kỳ thực đều không to. Khi nhậm chức Công tào quận Nhữ Nam, ông đã át chế cường hào, trừng phạt những kẻ làm trái pháp luật, kết giao với các nhân sĩ. Về sau, Phạm Bàng trở thành thuộc hạ của Thái úy Hoàng Quỳnh, chuyên môn giám sát, đôn đốc hành vi của các quan lại. Phạm Bàng không quan tâm đến được mất cá nhân, liên tiếp luận tội hơn 20 thứ sử và quan chức ở vị trí cao. Có vị Thượng thư chỉ trích Phạm Bàng, cho rằng ông có hận thù cá nhân. Phạm Bàng vẫn kiên trì, nói rằng nếu làm sai thì cam nguyện chịu trừng phạt.

Vào năm Kiến Ninh thứ hai dưới thời Hán Linh Đế, hoạn quan chuyên quyền, muốn xuống tay đối với các nhân sĩ thời bấy giờ. Phạm Bàng lúc này đã sớm bãi quan về hưu nhưng vẫn bị liên lụy. Quan đốc bưu Ngô Đạo phụng mệnh đi bắt giữ Phạm Bàng, đến Nhữ Nam phủ phục trên giường mà khóc lớn. Phạm Bàng biết rằng Ngô Đạo đến là vì mình nên tự nguyện ra thụ án. Huyện lệnh Nhữ Nam thấy Phạm Bàng đến liền vội tháo bỏ đai ấn sang một bên, muốn cùng Phạm Bàng đi nơi khác lánh nạn. Phạm Bàng nói: “Bàng ta chết thì tai hoạ sẽ dứt, nào dám làm liên luỵ đến ngài, lại khiến mẹ già phải lưu lạc đây?”

Khi ấy mẹ Phạm Bàng cũng ở đó, ông quay sang nói với mẹ lời ly biệt: “Em trai Trọng Bác là người hiếu kính, có thể phụng dưỡng mẹ, Bàng con dù sống hay chết cũng có chỗ đứng cho riêng mình, chỉ mong mẹ đừng thêm sầu muộn”.

Mẹ ông nói: “Giờ đây con đã giống như Lý Ưng, Đỗ Mật (những danh sỹ đương thời, cùng bị triều đình gọi về chịu tội chết), chết cũng không còn gì phải hối tiếc! Đã có tiếng thơm, lại mong cầu tuổi thọ, sao có thể được cả hai đây?”

Phạm Bàng quỳ xuống nhận lời giáo huấn của mẹ. Sau đó, ông đứng dậy nói với con trai rằng: “Cha muốn dạy con làm ác, nhưng ác là điều không thể làm. Cha muốn dạy con hành thiện, nhưng dù cuộc đời cha chưa từng làm điều ác, mà vẫn gặp phải kết cục này”. Nói rồi, những người xung quanh ông đều cùng bật khóc.

Cuối cùng Phạm Bàng ung dung cùng quan đốc bưu về kinh thành, chẳng bao lâu sau thì chết trong ngục, năm đó ông mới 33 tuổi.

Sau khi Lý Ưng, Đỗ Mật, Phạm Bàng mất, nhân sĩ trong thiên hạ đều nghị luận, e rằng thiên hạ của nhà Hán cũng chẳng còn được bao lâu nữa. Quả thật nhà Hán hai đời Hoàng đế sau đó đều bị khống chế, cuối cùng bị Tào Ngụy soán vị.

Câu chuyện Phạm Bàng từ biệt mẫu thân đã để lại cho thiên hạ một đoạn “thiên cổ tuyệt xướng”. Ông hiên ngang đối diện với cảnh lao tù, gia đình tan vỡ. Mẹ ông dù phải chịu nỗi đau kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh nhưng vẫn vui vì điều nghĩa của con trai.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Quân tử chi vu thiên hạ dã, vô đích dã, vô mặc dã, nghĩa chi dữ tỷ”, đối với người và việc trong thiên hạ, người quân tử không cố chấp cứ phải là như thế nào đó, cũng không nhất quyết phủ định điều gì, mà cần chiểu theo đạo nghĩa để hành xử. Xả thân vì nghĩa, đây chính là điều người quân tử mới có thể làm được.

Theo “Tinh giải Luận ngữ: Quân tử chi vu thiên hạ dã
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: