Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho sáp nhập Đồng Nai và Gia Định vào lãnh thổ Đàng Trong. Gia Định thời đó là tiền thân của thành Phố Sài Gòn sau này, vì thế nhiều địa danh ở Sài Gòn có nguồn gốc tên gọi từ thời kỳ ấy.

Ngã tư Bảy Hiền

Ngã tư Bảy Hiền là nút giao thông quan trọng, nằm ở quận Tân Bình với các con đường Trường Chinh – CMT8 – Hoàng Văn Thụ – Lý Thường Kiệt. Từ nơi đây có thể đi theo con đường CMT8 để đến trung tâm Sài Gòn, theo đường Hoàng Văn Thụ để đến sân bay Tân Sơn Nhất, đi đường Lý Thường Kiệt để đến quận 8, hay theo đường Trường Chinh để đến Hóc Môn.

Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20 có ông Trần Văn Hiền là một điền chủ giàu có, sở hữu đất đai, ruộng, đồn điền trải dài khắp từ Cộng Hòa ra đến Trường Chinh và Bàu Cát.

Dù giàu có nhưng ông rất lương thiện và giàu lòng nhân ái, ông thường phát tiền và lương thực cho người nghèo ở khu vực này. Một lần có nạn đói, ông Hiền phát tiền và lương thực cứu đói ngay tại cửa nhà, dân chúng kéo đến rất đông chen chúc, khiến lần đó có 2 trẻ em bị chết ngạt. Từ đó ông rút kinh nghiệm không phát tiền như thế nữa, mà ai nghèo khó tới nhà chia sẻ ông sẽ giúp.

Dân chúng nhiều người khó khăn đều tới nhà ông trình bày hoàn cảnh nhờ cứu giúp. Dần dần dân chúng quen gọi ngã tư nơi ông ở là ngã tư “ông Bảy Hiền”, dần dần lược bới đi gọi là “Ngã tư Bảy Hiền”.

Hóc Môn

Khi thành lập phủ Gia Định, dân cư còn ít, đất đai thưa thớt, địa danh Hóc Môn khi ấy chưa có tên gọi, nằm ở huyện Tân Bình.

Từ năm 1698 đến 1731 nhiều người dân từ Đàng Ngoài khốn khó liền bỏ vào Đàng Trong, đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp hình thành nên 18 thôn, thường được gọi là “18 thôn vườn trầu”.

Đến đầu thế kỷ 19, các thôn này có nhiều đầm có cây môn nước mọc um tùm, nên dân gian gọi khu vực này là Hóc Môn (hóc hẻm có nhiều cây môn).

Cần Giờ

Cần Giờ là huyện nằm ven biển của Sài Gòn, có diện tích 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích Sài Gòn. Nơi đây tràn ngập rừng cây, được xem là lá phổi của thành phố trong hoàn cảnh Sài Gòn vắng bóng cây xanh.

Theo học giả Lê Trung Hoa thì Cần Giờ có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “Kanchoeu” nghĩa là “cái thúng”.

Chợ Bến Thành

Cho Ben Thanh 02
Chợ Bếm Thành. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Chợ Bến Thành là một trong những ngôi chợ chính ở Sài Gòn, có lịch sử từ lâu, đến nay hầu như không ai biết nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi này.

Để chống lại các cuộc tiến quân của quân Tây Sơn, năm 1789. Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng thành Gia Định với chu vi khoảng 4.176 mét với ba mặt được sông che chở. Thành có 8 cạnh như bát quái nên còn gọi là thành Bát Quái.

Thành Gia Định khiến tuyến phòng thủ Nam Bộ trở nên vô cùng chắc chắn, quân Tây Sơn không sao đánh vào được. Nó có thể chịu được cả đạn pháo hiện đại nhất vào thời bấy giờ.

Sông Bến Nghé có một bến sông nằm gần thành Bát Quái, bến này dùng cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (tức bến trước khi vào thành). Gần sát bến này có một khu chợ (ở vị trí xưởng Ba Son ngày nay) vì thế mà chợ này cũng được gọi là “chợ Bến Thành”. Tên chợ Bến Thành chính là xuất phát từ đây.

Nhưng vị trí xây chợ Bến Thành vào lúc đầu tiên ấy không phải là vị trí chợ Bến Thành ngày nay.

Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, các binh lính người Việt chống Pháp đã cho thiêu hủy chợ Bến Thành để thông thoáng cho tàu ghe lưu thông trên sông Sài Gòn.

Để có nơi buôn bán, năm 1860, người Pháp đã cho dời chợ vào trong, xây mới tại con kênh gọi là Kinh Lớn (sau này lấp lại thành đường Nguyễn Huệ). Dọc bờ kênh này là đường Charner nên con kênh này còn được gọi là là kênh Charner. Việc xây chợ tại con kênh này giúp ghe thuyền buôn bán hàng hoá lưu thông dễ dàng. Tuy chợ Bến Thành được dời đến chỗ mới nhưng vẫn chưa phải vị trí như ngày nay.

Đến năm 1911 thì chợ Bến Thành đã cũ kỹ, xuống cấp và nguy cơ bị sập, vì thế người Pháp quyết định chọn một địa điểm để xây lại chợ Bến Thành thật khang trang chắc chắn và đẹp hơn.

Địa điểm được chọn chính là khu chợ Bến Thành ngày nay. Thời đấy đó là một cái ao sình lầy gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boreses) chen chúc nhà cửa lợp tranh tre tạm bợ. Chiếc ao này được lấp đi, chợ được xây với bốn của lớn nhìn ra 4 mặt đường.

Chợ được hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912, đến năm 1914 thì xây xong. Chợ rộng 13.000m2 với nền đất đá ong. Lễ khai thị (tức khai trương) diễn ra trong 3 ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với rất nhiều lễ hội văn hóa ẩm thực cùng các gian hàng, thu hút 100.000 người Sài Gòn và các tỉnh lân cận đến vui chơi.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: