Nguyên soái Triệu Chí Thành cùng cuộc chiến giữ nước Vạn Xuân (P2)
- Trần Hưng
- •
Nhận thấy Triệu Quang Phục đã gánh trách nhiệm chỉ huy toàn quân nằm khôi phục Giang Sơn, tướng quân Triệu Chí Thành quyết định đi theo Triệu Quang Phục.
- Xem phần 1
Góp công lớn bảo vệ vững chắc Dạ Trạch
Triệu Quang Phục tìm nơi hiểm trở để đóng quân và tìm được đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nơi đây rộng rãi, cỏ mọc um tùm, bụi rậm che kín, phía giữa đầm có nền đất cao có thể đóng quân. Đầm này toàn là bùn, người ngựa đều rất khó đi, thuyền cũng không thể vào được. Muốn đi qua đầm để đến khu đất ở giữa chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ nhẹ, chống sào đi lướt trên cỏ nước mới vào được. Nếu đi vào mà không quen thuộc đường thì rất dễ bị lạc vì khi nhìn xung quanh chỉ thấy thấy cỏ và bụi rậm che kín, dưới đầm lại có rắn độc, có thể bị cắn chết.
Nhận thấy là nơi lý tưởng để phòng thủ, Triệu Quang Phục đã đem 2 vạn người đến đóng ở khu đất cao phía giữa đầm, củng cố lực lượng để quyết chiến với quân Lương.
Tại đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục củng cố lại lực lượng, ban đêm chia quân dùng thuyền độc mộc tiến đánh quân Lương rồi lại rút vào trong đầm. Quân Lương bị thiệt hại nhiều, người dân gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Quân Lương nhiều lần tấn công vào đầm Dạ Trạch nhưng đều bị quân Vạn Xuân đánh bại.
Triệu Việt Vương
Năm 548 Lý Nam Đế mất ở động Khuất Lão, nhằm tập hợp được sức mạnh dân chúng khôi phục nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục quyết định lên ngôi Vua, xưng là Triệu Việt Vương.
Triệu Việt Vương sai Triệu Chí Thành đưa 8.000 quân ra đóng ở cửa sông Tô Lịch để làm thế ỷ dốc cho căn cứ Dạ Trạch và căn cứ Tiên Tảo, Đan Tảo, Yên Tăng thuộc huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Vị trí này rất quan trọng vì nằm ở giữa và là nơi liên kết liên lạc các căn cứ của quân Vạn Xuân.
Trần Bá Tiên và Dương Sàn cũng nhiều lần đưa quân tiến đánh vị trí này, nhưng với tài dùng binh và được sự giúp sức của dân chúng, lần nào quân của Triệu Chí Thành cũng chiến thắng. Có lần quân Lương bị đánh cho tan tác, tướng Dương Sàn phải cướp thuyền dân vượt sông chạy trốn. Với chiến công giữ vững vị trí quan trọng này, Trần Chí Thành được phong làm Đô thống Nguyên soái.
Khôi phục nước Vạn Xuân
Lúc này nhà Lương có biến, Hầu Cảnh lợi dụng mâu thuẫn giữa các con cháu nhà Lương để làm phản, đem quân đánh kinh thành Kiến Khang, rồi vây Lương Vũ Đế ở Đài Thành (tức Cung Thành, Nam Kinh).
Trần Bá Tiên phải về nước, cho Dương Sàn ở lại thống lĩnh binh mã. Triệu Việt Vương nghe tin liền cho toàn quân vây đánh Dương Sàn. Bị bất ngờ, Dương Sàn không chống nổi và bị giết chết, tàn quân Lương chạy về bắc.
Cuối năm 550, Triệu Việt Vương lên ngôi Vua khôi phục lại Vạn Xuân, định đô ở thành Long Uyên (đến thời nhà Đường gọi là thành Long Biên, sau đó là thành Thăng Long).
Đánh bại quân của Lý Phật Tử
Trước đó khi thất trận ở hồ Điển Triệt, quân Vạn Xuân phân tán, một số theo Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đến quận Cửu Chân (nay là Thanh hóa), sau đó đến Dã Năng thuộc Ai Lao (Lào ngày nay). Tại đây Lý Thiên Bảo cho đắp thành, đặt tên cho vương quốc mới là Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương.
Năm 555, Đào Lang Vương mất nhưng không có con nối dõi, Lý Phật Tử liền lên nối ngôi vua Dã Năng. Vì muốn chiếm Vạn Xuân, năm 557, Lý Phật Tử quyết định đưa quân tiến đánh quân của Triệu Việt Vương.
Triệu Chí Thành dẫn quân chặn đứng quân của Lý Phật Tử ở Thượng Cát, Hạ Cát (thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Lý Phật Tử có 5 lần đánh lớn nhưng lần nào cũng thất bại phải rút quân về. Lần nào Triệu Việt Vương cũng để quân Lý Phật Tử rút đi mà không truy kích tiêu diệt, bởi cũng từng là người một nhà, nên chỉ chặn lại chứ không đuổi đánh. Vì thế mà có thơ:
Lý Phật Tử xuôi đông gây hấn
Triệu Việt Vương dừng bước hơn thua
Năm lần đụng trận năm lần thắng
Chiến địa mang mang ngọn gió lùa
Triệu Chí Thành từ quan
Thấy không thể làm gì được, Lý Phật Tử xin hòa. Triệu Việt Vương nghĩ rằng mình và Lý Phật Tử dù sao cũng người một nhà, từng cùng theo Lý Bí kiến lập nước Vạn Xuân, nên đồng ý giảng hòa, lấy bãi Quân Thần (nay là Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới, phía tây thuộc về Lý Phật Tử. Lý Phật Tử cũng xin thề suốt đời giữ hòa hiếu giữa hai bên.
Lý Phật Tử lại ngỏ ý muốn con trai là Nhã Lang lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương và xin được ở rể. Triệu Việt Vương đồng ý vì muốn Giang Sơn được thái bình không có nội chiến. Các tướng của Triệu Việt Vương không tin Lý Phật Tử, hết lòng khuyên can Triệu Việt Vương.
Triệu Chí Thành, Chiêu Công, anh em Trương Hống, Trương Hát đều hết lòng khuyên bảo nhưng Triệu Việt Vương nhất mực không nghe. “Đại Nam quốc sử diễn ca” có mô tả việc này như sau:
Có người: Hống, Hát họ Trương
Vũ biền nhưng cũng biết đường cơ mưu,
Rằng: “Xưa Trọng Thuỷ, Mỵ Châu,
Hôn nhân là giả, khấu thù là chân.
Mảnh gương vãng sự còn gần,
Lại toan dắt mối Châu Trần sao nên?”
Khuyên can Vua không được, anh em Trương Hống, Trương Hát cáo bệnh về quê. Chiêu Công cũng xin từ quan về quê chăm sóc cha mẹ. Triệu chí Thành cũng từ quan, rồi cùng một số ít thân tín đến nơi đồn trại cũ ở làng Tháp thuộc Dịch Vọng, vui thú với đồng ruộng, giúp dân cày cấy, dạy lễ nghĩa cho dân.
Đúng như các tướng đoán trước, trong thời gian ở rể, Nhã Lang tìm hiểu hết cách bố phòng quân của Triệu Việt Vương rồi về báo lại toàn bộ cho Lý Phật Tử.
Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề cho quân bất ngờ đánh úp quân của Triệu Việt Vương. Trong thế trận bị đánh bất ngờ, lại bị lộ hết cách bố phòng, Triệu Việt Vương không thể chống đỡ nổi đành bỏ chạy tìm nơi hiểm yếu . Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông chạy đến cửa biển Đại Nha thì cùng đường, không còn lối thoát, đành nhảy xuống biển tự vẫn.
Còn về Triệu Chí Thành, sau khi ông mất, dân làng Tháp đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành Hoàng của làng. Đến nay đền Tháp (Đình Thọ Tháp) vẫn được bảo tồn tốt, người dân vẫn thường đến đây thắp hương tưởng nhớ đến vị Nguyên soái của nước Vạn Xuân xưa kia.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Từ cậu bé cõng em học lỏm trở thành vị trạng nguyên trung nghĩa
- Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến tại thành Bình Định
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Vạn Xuân