Chỉ là một tình cờ, lướt trên Facebook tôi sững sờ khi hay tin một người bạn là anh Nguyễn Văn Thành – nguyên Viện phó Viện nghiên cứu sân khấu điện ảnh – đã trút hơi thở cuối cùng ngày 06/7/2023 ở Hà Nội. Thông tin không cho biết gì nhiều chỉ vắn tắt là Bệnh ung thư phổi đã cướp anh đi chỉ sau chín ngày phát hiện.

Tôi gọi mấy người quen, lên mạng tìm các thông tin, nhưng hoàn toàn không tìm thấy ở đâu có in cáo phó, hình ảnh hay các chi tiết về tang lễ.

Một cái chết lặng lẽ, một con người quảng giao và hay rày đây mai đó như anh Thành mà đã phải dừng chân hay đúng hơn rời bỏ ánh đèn sân khấu, những trang sách và âm thầm vĩnh biệt những người thân yêu để bay về cõi vô cùng.

Nguyen Van Thanh 01
Trái: Nguyễn Văn Thành; Phải: Trương Văn Dân, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bảo Sinh.

Khoảng cuối năm 2014 tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Thành trong buổi hẹn cà phê ở Hà Nội với nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh. Nghe giới thiệu tôi từng sống 40 năm ở Ý, viết văn, 3 năm trước in quyển tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” được nhiều dư luận quan tâm. Anh Thành nhướng mắt nhìn tôi và nói đùa: sống nhiều năm ở nước ngoài, lại lấy vợ Ý thì sao mà viết được tiếng Việt? Tôi mỉm cười và xin anh địa chỉ để khi về Sài Gòn sẽ gửi sách tặng. Gửi xong, bận nhiều việc nên sau đó tôi cũng quên đi.

Mấy tháng sau tôi lại có dịp ra Hà Nội, có hẹn gặp với nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh và có gọi điện mời anh Thành. Khi thấy tôi, anh nói… “xin lỗi tôi đã gạch nát quyển sách của anh!”. Tôi kinh ngạc nhìn quyển tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa bị gạch vừa bằng bút chì vừa bằng bút mực xanh đỏ, chằng chịt gần như không còn chỗ trống vì có các ghi chú nguệch ngoạc trên lề các trang, các mũi tên lên xuống… Có lẽ anh tưởng tôi buồn nhưng tôi lại rất vui và xem đó như mối duyên kỳ ngộ gặp được người đọc kỹ và tâm đắc với tác phẩm của mình.

Và quả thật cảm nhận đó không sai.

Nguyen Van Thanh 02

Chừng vài tháng sau đó tôi nhận được email của Vũ con trai anh (anh Thành không dùng email, không biết lướt web hay tham gia bất cứ mạng xã hội nào…) bài viết “Tấn Thảm Kịch Tình Yêu Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa” (Nhân đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân).

Tôi đọc và thực sự xúc động nên liền gọi điện để cảm ơn anh và từ đó mỗi lần ra Hà Nội là chúng tôi gặp nhau như những người bạn tri kỷ tri âm, xa thì gọi thăm nhau! Phải nói là anh Thành rất nhiệt tình trong tình bạn và sốt sắng giới thiệu tôi với các trí thức Hà thành.

Trong bài viết của anh Thành có những đoạn: “Trong thế giới sách xô bồ, đa tạp hiện nay, để tìm ra một cái gì đọc được thật khó biết bao! Nhất là với quan tâm của người làm sân khấu điện ảnh đi tìm những cốt truyện và nhân vật của văn xuôi để có thể chuyển thể sang lĩnh vực nghe nhìn đang rất khát kịch bản… Vậy mà, lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội thả mình đọc một mạch tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân. Một cái tên ít được dư luận biết đến. Đọc xong, thấy tâm trí mình bị xáo trộn bởi nhiều câu hỏi đặt ra đan xen những với những gì từng trải nghiệm. Rồi nảy sinh nhu cầu đọc lại cuốn sách ngẫm lại những đoạn làm mình băn khoăn… Phải chăng đấy là dấu hiệu của những tác phẩm văn học không tầm thường?”

Vì cho rằng “Bàn tay nhỏ dưới mưa”(1) có thể làm kịch bản hay làm phim nên về sau anh thường giới thiệu tôi với các đạo diễn ở Hà Nội như Đặng Tú Mai, Trần Quốc Trọng, Chu Tiến Dũng… và đề nghị làm phim.

Nguyen Van Thanh 03
Trái: Trương Văn Dân, Nguyễn Văn Thành, đạo diễn Đặng Tú Mai, 2016. Phải: Đến nhà đạo diễn Nguyên Đinh Nghi.

Sau này tôi cũng được tiếp xúc với các đạo diễn/ người viết kịch bản khác như Đào Anh Dũng, Lê Duy Hạnh, Nguyễn Ngọc Thi, Đặng Thanh Bình,… nhưng làm phim thì cần nhà đầu tư và vấn đề này rất nan giải.

Gần đây bạn Lê Kiều Phương cũng rất thích Bàn tay nhỏ dưới mưa, nghĩ là tác phẩm nên chuyển thành phim nên đã gửi tặng sách cho đạo diễn Trần Anh Hùng…

Anh Thành cho rằng “Bàn tay nhỏ dưới mưa đáng chú ý ở cách kể lại, cách trình bày lại một cốt truyện quá quen thuộc bằng cung cách tương hợp mang tính nghệ thuật, tạo sức truyền cảm vừa da diết vừa gợi suy nghĩ, vốn là yếu tính của một tác phẩm nghệ thuật đích thực.”

Sau đó anh phân tích và chỉ ra những đoạn tâm đắc:

“Những trang đặc tả Gấm bình tĩnh lại trước nỗi hoảng loạn của cái chết cay nghiệt do bệnh hoạn đang đến gần khiến cô lên xe máy lao đi về phía Bình Qưới ngoại ô thành phố trong một buổi chiều. Trong khoảnh khắc này, Gấm vụt có một dáng dấp và suy cảm thật khác lạ đến phi thường khi đối diện với cảnh hoàng hôn bên bờ sông và hướng ánh mắt lên bầu trời cao rộng mênh mông lúc bóng tối đang dần đậm đặc, xóa mờ tất cả… ( Trang 355-359). Với tôi đó là những trang văn đáng đọc nhất, gợi suy nghĩ nhất và xúc động nhất của tác phẩm này. Hơn thế nữa nó còn cho thấy mối liên hệ giữa tình yêu, sự sống và cái chết với bối cảnh của thời đại toàn cầu hóa hiện nay…” và anh kết luận “tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa trong hiện trạng của nó, theo tôi là một cuốn sách hấp dẫn đáng đọc đáng suy ngẫm trong bối cảnh toàn cầu hóa đang chi phối hiện nay.”

Anh cho rằng đoạn “đi về phía Bình Qưới là đoạn hay nhất nên khi nào có dịp vào Sài Gòn anh nhớ chở tôi đến đó!” Mấy năm sau tôi có chở anh đến thật, nhưng cảnh vật đã thay đổi, khác xưa và trên đường về có ghé Thanh Đa thăm và ăn cơm với vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân.

Dường như cứ mỗi lần gặp nhau là ít hay nhiều anh đều nói về tác phẩm Bàn tay nhỏ dưới mưa và dù sau có đọc các truyện khác nhưng anh bảo tôi khó vượt qua cái bóng của bàn tay nhỏ. Những năm về sau anh còn nói đã đọc lại và muốn viết một nhận định khác bài viết trước, về Gấm về ông bác sĩ Thuận, về nhà văn Nguyễn Quang trong truyện… nhưng sau đó có lẽ bận, nên không nghe anh nhắc nữa.

Khoảng hơn chục năm nay chúng tôi thường gặp và rất mến nhau nên lần nào ra Hà Nội (trước đây mỗi năm tôi thường ra 5, 6 lần) tôi và anh cũng gặp nhau để trò chuyện văn chương hay đi thăm các bạn của anh.

Trên những chuyến taxi anh cùng tôi đi thăm những người bạn mà tôi không quen, có người tôi chỉ biết tên, và anh thường nói tài năng, đặc điểm và những tính cách của họ nên thường làm tôi vừa tò mò vừa thích thú. Có lẽ thường đi đây đó nên anh biết Hà Nội khá rõ, có trí nhớ về những lối vào nhà quanh co rắc rối.

Anh đã giới thiệu tôi và Elena với các nhân sĩ Hà Nội như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, nhà văn Nguyễn Thiện Luân, được mời về quê ông ở Ninh Bình ăn giỗ “để hiểu thêm tập tục phương Bắc”, đến thăm nhà đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đạo diễn Đặng Tú Mai cùng ở khu tập thể sau Nhà hát lớn thành phố.

Có lần anh dẫn tôi tới nhà Nguyễn Đình Chính ở ven đê sông Hồng vùng Nghi Tàm Quảng Bá, còn khi anh vào Sài Gòn thì hẹn tôi đến thăm một người con khác của nhà văn Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Đình Lễ, nhà biên kịch Lê Duy Hạnh và họa sĩ tai danh Bàng Sĩ Nguyên, em ruột của nhà thơ Bàng Bá Lân.

Anh còn dắt đi thăm nhiều văn nhân nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nữa mà tôi không nhớ tên, riêng đối với nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư “ông này hay lắm anh nên gặp”… nhưng do chủ quan anh không hẹn trước nên đến nhà hai lần đều không gặp.

Không chỉ ở Hà Nội, anh còn đưa đến Quốc Oai để thăm nhà văn Phùng Thành Chủng rồi còn rủ đi nhiều nơi khác như Hải Phòng, Nam Định… nhưng tiếc là tôi không thể vì mỗi lần ra Bắc đều ở rất ít ngày.

Nguyen Van Thanh 04
Trái: Elena, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Văn Thành; Phải: Thăm Họa Sĩ Bàng Sĩ Nguyên.

Khi trò chuyện văn chương anh Thành rất nồng nhiệt, say sưa, đưa ra những ý kiến thú vị. Có những điều anh nói mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ. “Văn chương, ngẫm ra, cũng chỉ cái cách để con người suy ngẫm về cuộc sống. Nhưng người cầm bút phải có tư tưởng và nhân cách, có trách nhiệm xã hội chứ không thể quay lưng trước hiện thực.” “Nhà văn không chỉ viết điều tốt đẹp mà cũng phải nói đến nỗi đau. Nhưng tuyệt đối không được cổ vũ cho cái ác, viết sai sự thật để gây chia rẽ, hận thù. Như thế là không lương thiện.” “Viết về cái tâm chứ không phải cái tôi.” “Viết là công việc tự do nhưng rất đơn độc. Danh, lợi đều không nhưng với vai trò của một trí thức thì luôn có nhiều ràng buộc và trách nhiệm.”

Về phê bình anh nói những gì mình nghĩ, không đắn đo, màu mè. Những nhận xét của anh khá công bằng, hòa đồng nhưng khi cần thì cũng tranh cãi cho ra lẽ. Có lần tôi chứng kiến cuộc tranh luận hơi to tiếng giữa anh với nhà văn Paul Nguyễn Hoàng Đức, nên tôi và Bùi Quang Minh phải giảng hòa. Trên đường về nhà anh nói như hờn, bảo sao tôi ngồi im, tôi chỉ cười nghe anh trách, lửa rơm, rồi sau đó quên ngay.

Những lần đến nhà anh tôi đều được tặng sách, bảo “anh rảnh đọc truyện này, truyện kia đi, hay lắm.” Có khi tôi cầm mấy quyển khác thì bị gạt đi, cái này viết theo đơn đặt hàng, vất đi, đọc làm gì. Khi ở Sài Gòn thỉnh thoảng gọi điện thăm, anh nói đang đọc lại các sách cổ điển, nhắc tên các truyện vừa của Dostoievsky, Tolstoi hay các tác giả khác như Anton Checkov, Guy de Maupassant,… Rảnh anh đọc đi. Hay lắm. Điều này với tôi rất bổ ích vì tôi không thích cà kê, ăn nhậu, nói chuyện tào lao, cãi nhau về các trận banh mà tôi thấy phí thời gian và vô bổ.

Thường chỉ gặp riêng anh, nhưng cũng lắm khi gặp cùng nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, ngồi một lúc là cũng gặp luôn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hai nhân vật thơ/văn này cá tính rất khác nhau nhưng quấn quít không rời!

Tôi tình cờ quen nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh hơn 20 năm trước nên khá thân, lúc ấy chưa có mạng xã hội và ông chưa nổi tiếng như bây giờ. Bảo Sinh gọi anh Thành là “ma xó” vì chuyện gì trong giới văn anh đều biết và cũng là người cực kỳ thính nhạy trong việc săn tin. Anh thích học hỏi, tham dự các hội nghị, các buổi tọa đàm anh đều có mặt, vấn đề nào cũng phát biểu và ghi lại các nhận xét của mình.

Cẩn thận ghi chép là thế nhưng khi cần tìm thì anh bó tay vì không biết cất giữ ở đâu! Và tôi người đã từng nhiều lần có kinh nghiệm trực tiếp về cái chuyện lộn xộn thiếu trật tự của anh:

Là người có nhiều mối quan tâm nên căn phòng riêng của anh là một kho sách, nhưng bỏ bừa bộn mà không thể nào nhớ và tìm được thứ mình cần. Lần đầu đến nhà, tôi thấy cơ man sách vở để ngổn ngang, trên hành lang, thành cửa sổ, trên ghế, trên kệ, kiểu bạ đâu vất đấy. Trên trên giường ngủ của anh tôi còn thấy đủ thứ tài liệu, tạp chí, sổ tay, quần áo, vớ, khăn… mà chắc khi ngủ anh chỉ vén chúng qua một bên để lấy chỗ nằm… chứ không cần dọn cho gọn. Có lẽ vợ anh ban đầu cũng từng giúp anh nhưng về sau đành bó tay, phó mặc cho anh “độc lập tự do” trong không gian riêng của mình!

Anh Nguyễn Văn Thành là con rể của nhà thơ Lưu Trọng Lư, anh học khoa Ngữ Văn (khóa 12 (1967-70) ở ĐH Tổng hợp Hà Nội và sau khi ra trường anh về công tác ngành nghiên cứu sân khấu. Đã từng có thời gian du học Đông Âu nên có lần anh nói đùa với tôi. “Tôi học và ở bên đó mấy năm mà không được như anh vì không quen được cô Tây nào!”

&

Tuy anh Thành không viết hay xuất bản được nhiều nhưng phải nói anh là một người thực sự yêu mến văn học, sống hết mình với văn chương nghệ thuật. Và qua đó mà chúng tôi có nhiều chia sẻ nên dễ thân thiết và gần gũi.

Tháng 7 năm 2022, sau hơn 2 năm bị kẹt vì covid 19 ở Ý khi ra Hà Nội là tôi đến thăm anh. Quyển tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần được in trong lúc còn ở Ý nhưng tôi có nhờ người nhà gửi sách tặng anh. Khi hỏi anh đọc chưa thì anh nói lâu rồi và có viết nhưng có lẽ chỉ mới được 2/3 bài thôi. Tôi tò mò muốn đọc nên anh dắt tôi lên nhà. Anh lục tung trong các thứ lộn xộn giấy tờ, sách vở, ghi chép từ giường ngủ cho đến các kệ sách… mất hơn 40 phút lật lật mở mở mà anh không nhớ nổi là đã để bài viết ở đâu. Tôi tiếc nuối nhưng đành phải chia tay anh, khi bước ra gặp Vũ, con trai anh vừa về, tôi dặn nếu bố tìm thấy nhờ cháu chụp hình bài viết để gửi chú đánh máy lại.

Sau khi về lại Sài Gòn tôi có gọi anh mấy lần tiếc là anh không bắt máy, hay có khi trả lời nhưng tai anh không còn nghe rõ…

Sức khỏe anh yếu dần. Rồi một hôm, tình cờ nghe tin anh đã mất! Vô cùng thương tiếc anh Nguyễn Văn Thành, người bạn văn chương tri âm tri kỷ.

Bài viết này tôi viết trong đau buồn, trong niềm thương nhớ, tiếc thương để gửi đến anh lời cảm ơn đã đồng cảm, chia sẻ một đoạn đường văn chương và quý mến nhau.

Xin chân thành gửi lời chia buồn đến gia đình anh Nguyễn Văn Thành.

Cầu mong vong linh anh sớm được siêu thoát!

Trương Văn Dân
Sài Gòn tháng 7-2024

Chú thích:

Xem thêm: