Nhà có mẹ hiền, phúc ấm mấy đời con cháu
- An Hòa
- •
Lật lại sử sách có thể thấy, rất nhiều bậc đại thần danh tướng tài đức nổi danh đều chịu ảnh hưởng nhiều từ cách giáo dục của người mẹ hiền đức. Trong đó, danh tướng thời nhà Tấn, Đào Khản là một ví dụ. Sử sách đánh giá rằng, hết thảy công danh sự nghiệp và nhân phẩm của Đào Khản là không tách rời với việc giáo dục của mẹ ông.
Trong cuốn sử “Tấn Thư” ghi lại rằng: Mẹ của Đào Khản là Trạm Thị, người Tân Kim, Dự Chương. Cha của Đào Khản lấy bà làm thiếp, sinh được Đào Khản. Nhà họ Đào rất nghèo khó, Trạm Thị phải dệt vải để kiếm tiền nuôi con. Tuy nhiên vượt lên trên gia cảnh bần hàn khó khăn, Trạm Thị vẫn hết lòng chăm lo dạy dỗ Đào Khản thành tài. Chính sự dưỡng dục chu đáo, nghiêm khắc của bà đã tạo phúc ấm cho mấy đời con cháu nhà họ Đào.
Khi Đào Khản còn trẻ tuổi thì đã được triều đình phong cho giữ một chức quan nhỏ ở huyện Tầm Dương, chuyên phụ trách việc quản lý thủy sản. Có một lần Đào Khản gửi về tặng mẹ một vại cá muối. Trạm thị đã niêm phong vại cá lại và viết thư trách con trai rằng: “Con làm quan, dùng vật phẩm của quốc gia tặng mẹ. Điều này không những không có lợi ích gì cho mẹ mà trái lại còn khiến mẹ tăng thêm nỗi lo lắng”.
Lại có lần viên quan huyện Bà Dương là Hiếu liêm Phạm Quỳ trên đường về quê gặp mưa tuyết lớn nên đã tá túc ở nhà Đào Khản. Mẹ của Đào Khản bèn lấy rơm mới trải trên giường của mình ra cho ngựa của Phạm Quỳ ăn, rồi lặng lẽ cắt tóc mình đem bán cho hàng xóm để lấy tiền mua thức ăn khoản đãi Phạm Quỳ. Sau khi được mọi người kể lại, Phạm Quỳ than rằng: “Không có người mẹ hiền đức thế này thì không thể dưỡng dục ra người con như thế”. Sau này quả nhiên Đào Khản thi cử đỗ đạt, công danh hiển quý.
Lúc Đào Khản còn trẻ từng có một lần uống rượu say túy lúy. Mẹ ông đã vô cùng buồn rầu, đặt ra một quy định về rượu nhằm hạn chế Đào Khản uống rượu. Quy định này đã được Đào Khản tuân thủ trọn đời, và cũng thu được lợi ích trọn đời. Đào Khản tuân theo những quy định mà mẹ ông đặt ra, kiên quyết ước thúc bản thân và thuộc hạ hạn chế uống rượu. Nếu gặp dịp vui, ông cũng chỉ bày tỏ thành kính một chút liền dừng ngay.
Vào thời Lưỡng Tấn, tầng lớp sĩ phu thường uống rượu say túy lúy, và coi đó là thú vui “tiêu sái”. Đào Khản sống trong hoàn cảnh ấy mà lại không bị ảnh hưởng thói xấu, quả thực phần lớn là nhờ sự dạy bảo nghiêm cẩn của mẹ ông.
Khi Đào Khản làm Thứ sử Kinh Châu, ông được giao phụ trách việc giám sát chế tạo chiến thuyền. Trong lúc đi tuần tra ở công trường chế tạo thuyền thì Đào Khản phát hiện ra khắp nơi đều là trúc gỗ vụn. Ông liền hạ lệnh thu gom hết những phế liệu này lại, không được vứt đi. Mọi người đều không biết là nguyên nhân của việc làm này.
Theo thường lệ, ngày mồng một tháng Giêng, mọi người tụ hội chúc mừng trước nha môn. Nhưng 2 ngày trước Tết thì xảy ra tuyết lớn. Sau khi tuyết tan, khắp nơi đều là bùn lầy và nước đọng, ngựa xe đi qua bùn đất bẩn, không đi nổi. Đúng lúc mọi người không biết làm thế nào thì Đào Khản hạ lệnh đem trúc gỗ vụn ra lót đường, nhờ đó đã giải quyết được vấn đề lớn.
Sau này đại tướng Hoàn Ôn chuẩn bị đánh Thục, cần chế tạo thuyền lớn, đã đem những mẩu tre vụn mà Đào Khản tích trữ ra để chế tạo thành nêm tre, tận dụng hết số vật liệu ấy.
Chính vì nhờ có mẫu thân chính trực và cần kiệm, nên Đào Khản đã hiểu được rằng hết thảy mọi thứ đều không hề dễ dàng mà có được, do đó đối với vật tư của triều đình, ông đều vô cùng quý trọng. Cho dù sau này đã trở thành danh tướng một đời, được phong làm Sài Tang Hầu, nhận bổng lộc 4.000 hộ, nhưng Đào Khản vẫn duy trì được nếp sống cần kiệm như trước đây.
Đức hạnh, sự nghiệp và hạnh phúc cả một đời của Đào Khản chính là nhờ mẹ ông đã dạy bảo và tự mình làm gương cho ông ngay từ khi còn ấu thơ, là kết tinh từ tâm huyết của bà. Tài phú quý báu của người mẹ hiền đức này còn được để lại cho con cháu đời sau. Hậu thế họ Đào sau này cũng rất hiển đạt. Đào Uyên Minh danh tiếng lẫy lừng thời Tấn chính là một trong số ấy.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa đức hạnh tài đức Đào Khản