Nhìn lại những vị quân vương “diệt Phật” có kết cục tương đồng
- Minh Huệ
- •
Mặt trời, mặt trăng và các vì sao vận chuyển tuần hoàn, lịch sử cũng lặp lại tuần hoàn, như bánh xe luân chuyển. Sự thay đổi triều đại, chuyện thành bại hưng vong, tất cả đều để lại tấm gương và đáp án cho người đời sau. Trong lịch sử Trung Hoa có bốn vị quân vương gây nạn cho Phật Pháp, lịch sử gọi là “Tam Vũ nhất Tông diệt Phật”. Tình tiết mỗi lần khác nhau nhưng kết cục đều giống nhau đến kinh ngạc. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho hậu thế.
Bắc Ngụy Thái Vũ Đế diệt Phật, 44 tuổi đột tử, hai con trai bị vạ lây mất mạng. May mắn cháu trai đã cứu vãn tổn thất, đưa quốc gia phục hưng. Bắc Chu Vũ Đế diệt Phật càng ghê gớm hơn, 35 tuổi đột tử, con cháu và toàn bộ hoàng tộc Vũ Văn bị tuyệt diệt. Dương Kiên phục hưng Phật Pháp, nhà Tùy đã tạo ra thời Khai Hoàng thịnh thế. Chiếu diệt Phật của Đường Cao Tổ bị Đường Thái Tông phế bỏ, có thể nói là cực kỳ sáng suốt.
“Lấy xưa làm gương có thể biết thịnh suy thay đổi, lấy người làm gương có thể rõ được mất”, câu danh ngôn này của Đường Thái Tông là điều người đời sau cần phải suy ngẫm. Những bài học lịch sử diệt Phật đều đã có, người đời sau vẫn còn phá hoại Phật Pháp, đàn áp người tu hành và tước đoạt tín ngưỡng hay không? Cứ vị hoàng đế nào tự cho mình là đúng, tự coi mình là sáng suốt, thậm chí dẫu là kẻ hùng tài đại lược, thì chỉ vài năm sau khi “diệt Phật” lại lập tức trở thành một bài học rõ ràng hơn nữa.
Vị thứ nhất: Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào
Thời kỳ Nam Bắc triều, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào đích thân dẫn quân thiết kỵ đạp bằng bốn nước, nhất thống phương Bắc. Đương thời Phật Pháp truyền bá rộng rãi, có rất nhiều người xuất gia tu hành.
Năm 438, Thái Vũ Đế ban chiếu lệnh cho các tăng lữ 50 tuổi trở xuống phải hoàn tục để giải quyết nguồn cung cấp binh lính. Năm 444, ông lại lấy cớ Phật Pháp “sinh yêu nghiệt” (Chiếu viết: “Giả ngày sinh của giặc Tây phương, sinh ra yêu nghiệt”), xuống chiếu xua đuổi các tăng lữ[1].
Năm 446, dựa vào lời tấu của trọng thần Thôi Hạo, Thái Vũ Đế ban chiếu diệt Phật khốc liệt nhất: “Đập vỡ và thiêu hủy tất cả tượng Phật và kinh Phật, phá hủy chùa chiền, chôn sống tăng lữ.” Khi đó thái tử là người thành tín Phật Pháp đã liên tiếp dâng biểu khuyên can, trì hoãn ban bố chiếu thư nên một số tăng nhân đã trốn thoát. Mấy ngày sau bắt đầu đập phá tháp Phật, hủy hoại tượng Phật (để đúc tiền), thiêu hủy kinh Phật, sát hại tăng ni… Toàn quốc từ trên xuống dưới đều kinh hoàng khiếp đảm.
Thôi Hạo khi đó không nghe lời khuyên can của đồng liêu, dốc sức thúc đẩy phong trào diệt Phật. Ông vốn là người Hán, cậy mình công cao coi thường giới quý tộc Tiên Ti (dân tộc thiểu số phía Bắc Trung Quốc). Ông sử dụng số tiền lớn đem sách của mình và quốc sử do ông chủ biên khắc thành rừng bia để hiển dương, chọc giận giới quyền quý. Hoàng đế đích thân thẩm vấn. Thôi Hạo tự ví mình tài hoa như Trương Lương, vậy mà ngoài việc thừa nhận tham hối lộ ra đã kinh hoàng sợ hãi không biết ứng đối thế nào. Năm 450, vị lão thần ba triều đại này và người thân ba họ của ông ta đã bị diệt tộc. Trước khi chết ông ta chịu hình phạt, chịu nhục kêu la suốt dọc đường[2]. Đương thời mọi người đều nói ông ta diệt Phật bị báo ứng.
Hai năm sau, Thái Vũ Đế đang cường tráng như mặt trời giữa trưa lại bị hoạn quan giết chết, mới 44 tuổi. Hai con trai của ông (Thái tử và Cung Tông) cũng lần lượt chết bởi tay hoạn quan.
Năm 452, Văn Thành Đế kế vị, lập tức vãn hồi những sai lầm của ông nội, đã chấn hưng Phật Pháp. Hang đá Vân Cương chính là do ông hạ chiếu xây dựng. Từ đó quốc thái dân an, tạo dựng nền móng vững chắc cho Ngụy Hiếu Văn Đế trung hưng sau này.
Vị thứ hai: Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung
Thời kỳ cuối Nam Bắc Triều, Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung là người có sức mạnh thần dũng anh vũ. Năm 574, Vũ Văn Ung tuyên bố không sợ xuống địa ngục, Phật, Đạo đều diệt, hủy hoại các kinh thư, tượng của Phật và Đạo, lệnh cho các hòa thượng, đạo sỹ phải hoàn tục[3].
Năm 575, ông 32 tuổi, đích thân dẫn quân chinh phạt Bắc Tề.
Sau khi tiêu diệt Bắc Tề, ông ta lại cấm hai tôn giáo Phật và Đạo trong địa giới Bắc Tề, cướp đoạt 4 vạn ngôi chùa làm nhà ở, thiêu hủy Phật tích, cưỡng bức 3 triệu tăng ni hoàn tục, khiến cho miền Bắc dường như tuyệt tích Phật Pháp.
Tháng 6 năm 578, ông lại dẫn quân lên phía Bắc chinh phạt Đột Quyết, đại quân vừa đến nơi thì Vũ Đế bạo bệnh mà chết, tuổi mới 35.
Bắc Chu diệt Phật, tai họa không chỉ có vậy. Thái tử Vũ Văn Uân 19 tuổi kế vị. Uân tàn bạo hoang dâm, năm sau nhường ngôi cho con trai mới 6 tuổi, còn bản thân ông ta lui về hậu cung phóng túng dục vọng, đến năm 22 tuổi thì bệnh chết. Con trai ấu thơ kế vị, đại quyền rơi vào tay người ông ngoại là Dương Kiên.
Năm 581, Dương Kiên phế bỏ nhà Bắc Chu lập lên nhà Tùy. Không đầy 2 năm, Dương Kiên diệt sạch 43 gia tộc con cháu hoàng tộc Vũ Văn, tông thất Vũ Văn về cơ bản đã bị giết sạch không còn sót một ai.
Chưa kịp “diệt Phật”: Đường Cao Tổ Lý Uyên
Cuối thời nhà Tùy chiến loạn, lịch sử lại lặp lại. Năm 618, Lý Uyên thay triều Tùy lập nên triều Đường. Giống như bản sao của người chồng của dì là Dương Kiên thay nhà Chu lập nhà Tùy, nhưng Lý Uyên không có truyền thống tín Phật như người chồng của dì.
Năm 626, Thái sử lệnh Phó Dịch 7 lần dâng tấu diệt Phật, ngôn từ kích động. Lý Uyên bất chấp đại đa số bề tôi phản đối. Tháng 5, ông ra chiếu thư: “Kinh thành để lại 3 chùa 2 Đạo quán. Còn lại tất cả các châu trong thiên hạ không được để lại ngôi chùa, quán nào”. Các chùa, Đạo quán khác đều bị tháo dỡ hết, chỉ cúng dường đệ tử Phật gia, Đạo gia tinh tấn, số còn lại đều lệnh phải hoàn tục[5].
Đương thời triều Đường chỉ có trên 300 châu phủ. Toàn quốc có trên 5.000 ngôi chùa, trên 500.000 tăng ni, gần 100 hang đá thờ Phật. Điều này có nghĩa là trên 90% chùa bị phá hủy, trên 460.000 tăng ni bị tước đoạt tín ngưỡng.
Nhưng chưa kịp “diệt Phật” thì ngay lập tức tháng 6 xảy ra sự biến Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân nắm quyền. Chiếu thư này Đường Thái Tông Lý Thế Dân bãi bỏ không thực hiện, ông lại coi trọng và hoằng dương tam giáo. Có thể thấy nếu không phải như thế này mà tiếp tục diệt Phật Pháp thì lịch sử Đại Đường thịnh thế e rằng phải viết lại.
Vị thứ ba: Đường Vũ Tông Lý Viêm
Đường Vũ Tông Lý Viêm tín ngưỡng Đạo giáo, đăng cơ khi 26 tuổi. Tháng 8 năm Hội Xương thứ 5 (năm 845), ông bắt đầu phá hủy hàng loạt chùa thờ Phật. Chiếu thư ra lệnh rõ, phá bỏ trên 4.600 ngôi chùa lớn, trên 40.000 ngôi chùa nhỏ, lượng lớn kinh Phật bị đốt, tượng Phật bị nung chảy đúc tiền. Ông lệnh cho trên 260.000 tăng ni phải hoàn tục[7], những hòa thượng Ấn Độ cổ và Nhật Bản cũng không được miễn.
Những tôn giáo ngoại lai như Hồi giáo, Hỏa giáo, Mani giáo, Cảnh giáo, Hồi Hột giáo cũng cùng chịu nạn. Các chùa chiền tương ứng bị phá dỡ. Kinh thành có 70 nữ tu Mani không chốn nương thân phải tự tử. Giáo đồ Hồi Hột phần lớn chết trên đường bị xua đuổi… Lịch sử gọi là Hội Xương diệt Phật.
Đại Đường thịnh thế cũng là thời thịnh thế của Phật Pháp. Thời kỳ cuối nhà Đường suy bại, Phật Pháp vẫn đi sâu vào lòng người như trước. Vũ Tông diệt Phật nên mất nhân tâm, có những tiết độ sứ phiên trấn hoàn toàn không thi hành, còn nói: “Thiên tử tự đến mà phá hủy thiêu đốt.”[8]
Sau chính loạn bước đầu ổn định, thời kỳ “Hội Xương trung hưng” xã hội có chuyển biến, người dân oán trách khắp nơi cũng dần dần giảm nhẹ. Năm sau trong dân gian có truyền ra thuyết Vũ Tông diệt Phật bị giảm thọ 10 năm, âm tào đòi mạng[6]. Không lâu sau Vũ Tông đột nhiên bệnh chết, chỉ mới 32 tuổi.
Quy luật tuần hoàn của lịch sử lại tái hiện lúc này. Hoàng thái thúc Lý Thầm kế vị. Việc lớn đầu tiên sau khi đăng cơ là ban chiếu “khôi phục công bằng”[9], đã khôi phục toàn diện chùa chiền tăng ni[10]. Từ đó tiếng búa rìu sửa chữa phục hồi chùa chiền trong thiên hạ lúc nào cũng văng vẳng bên tai[11].
Tuyên Tông thích học theo Thái Tông. Ông khôi phục Phật Pháp, giống Thái Tông sau khi đăng cơ đã phế bỏ chính sách diệt Phật của Cao Tổ. Tuyên Tông tại vị 13 năm, dốc sức trị sửa quốc gia khiến dân giàu nước mạnh, quốc gia yên ổn bình yên, lịch sử gọi là thời thịnh trị “Đại Trung chi trị”. Tuyên Tông cũng được ca ngợi là “Tiểu Thái Tông”[11], được sử sách lưu tiếng thơm, được người dân trăm họ ca tụng[12].
Vị thứ tư: Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh
Là người hùng tài đại lược, được ca ngợi là đệ nhất minh quân thời kỳ Ngũ Đại, Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh đã cải cách toàn diện, mở mang bờ cõi, đánh không trận nào không thắng, nhưng tại sao lại đoản mệnh như thế? Hủy hoại gia tộc hủy hoại cơ nghiệp chỉ trong một sớm?
Khi Hậu Chu Thế Tông kế vị sang năm thứ 2, vào tháng 5/955, ông đã xuống chiếu phá hủy chùa thờ Phật. Phật Pháp, chùa chiền trong toàn cõi, ngoại trừ những ngôi chùa có hoàng đế đề chữ ra có thể giữ lại, mỗi huyện chỉ được giữ lại một ngôi chùa, còn lại phá hủy hết. Toàn quốc tổng cộng phá dỡ 30.360 ngôi chùa, phá hủy tượng Phật để đúc tiền, gần 1 triệu tăng ni bị ép phải hoàn tục[13][14].
Những niên đại Phật Pháp hưng thịnh, rất nhiều người không dám hủy hoại tượng Phật. Hậu Chu Thế Tông nói: “Phật là Phật, tượng là tượng. Phật thì ngay cả mắt, thịt trên thân mình còn có thể thí xả nữa là đập tượng Phật đúc tiền, Phật cũng sẽ đồng ý thôi.”
Chùa Đại Bi ở Trấn Châu (huyện Chính Định, Thạch Gia Trang, Hà Bắc ngày nay) có tượng Bồ Tát Quán Âm lớn bằng đồng rất linh nghiệm, người đập tượng đều bị gãy tay mà chết, không ai dám động đến nữa. Hậu Chu Thế Tông đích thân dùng búa lớn bổ vào phần ngực tượng Bồ Tát. Thống soái Cấm quân là Triệu Khuông Dận 28 tuổi (sau này là Tống Thái Tổ) và em trai là Triệu Khuông Nghĩa 16 tuổi (sau này là Tống Thái Tông) đang đứng ở một bên đã chứng kiến đoạn lịch sử này[6].
Hậu Chu Thế Tông sau đó hỏi Vương Phác là người tinh thông thuật số: “Trẫm có thể sống bao nhiêu năm?” Vương Phác trả lời: “30 năm sau thì không biết được.” Hậu Chu Thế Tông lầm tưởng rằng còn có thể sống 30 năm nữa, rất vui mừng. Nhưng Vương Phác có ngụ ý khác, Hậu Chu Thế Tông tại vị 5 năm 6 tháng, 5 lần 6 chính là 30.
Năm 959, Hậu Chu Thế Tông dẫn đại quân đánh U Châu, những thành lũy dọc biên giới của Khiết Đan đều bị công hạ nhanh chóng, Phiên Bộ chạy trốn suốt đêm. Xa giá đến Ngõa Kiều Quan, Hậu Chu Thế Tông leo lên cao ngắm trông binh lính, hỏi bách tính đến dâng rượu thịt rằng: “Đất này tên gì?” Người dân trả lời: “Tương truyền qua các đời, gọi là Bệnh Long Đài” (“bệnh long” ý là chỉ rồng bị bệnh). Hậu Chu Thế Tông lặng thinh, lập tức lên ngựa quay trở về. Đêm đó phát bệnh, ngực mọc nhọt độc.
Trước đó Hậu Chu Thế Tông đã mộng thấy Thần tặng ông một chiếc lọng vàng lớn và thêm một quyển “Đạo kinh”, sau đó mới có được thiên hạ. Đêm phát bệnh ông lại mộng thấy vị Thần đó đòi lại chiếc lọng vàng và “Đạo kinh”. Sau khi kinh sợ tỉnh dậy ông nói: “Ta mộng chẳng lành, chẳng lẽ mệnh Trời sẽ mất sao?”[14] Không lâu sau, nhọt độc ở ngực bị vỡ ra mà chết. Người đương thời truyền rằng đó là quả báo hủy hoại Phật chém vào ngực tượng Phật.
Con trai nhỏ 5 tuổi của Hậu Chu Thế Tông kế vị chưa được một năm thì bị Thống soái Cấm quân Triệu Khuông Dận đoạt giang sơn. Thế là nhà Hậu Chu nước mất nhà tan.
Mấy năm trước khi Hậu Chu Thế Tông diệt Phật, Thống soái Cấm quân Triệu Khuông Dận đã bái kiến Thần tăng Ma Y. Triệu Khuông Dận nói: “Hiện nay diệt Phật hủy tượng không phải là phúc của xã tắc.” Ma Y nói: “Lẽ nào đã quên tai họa gây ra do Tam Vũ diệt Phật?” Triệu Khuông Dận lại hỏi thiên hạ sẽ bình định như thế nào. Ma Y nói: “Giữa Thìn Thân sẽ có chân chủ xuất hiện, Phật Pháp cũng phục hưng.”
Sau này Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận đăng cơ vào ngày Giáp Thìn tháng Giêng năm Canh thân, đã ứng nghiệm với dự ngôn[15].
Rút ra bài học Tam Vũ diệt Phật, đã đích thân chứng kiến báo ứng của Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh, Tống Thái Tổ khi mới lên ngôi liền bãi bỏ chính sách diệt Phật[16], liên tiếp xây tạo chùa Phật, tượng Phật. Ở ngôi chùa cổ ở Trấn Chân mà năm xưa Sài Vinh đích thân dùng búa bổ tượng Phật, vào năm 917, Tống Thái Tổ xuống chiếu xây dựng mở rộng chùa Long Hưng, đồng thời đúc tượng đồng Quán Âm nghìn tay nghìn mắt cao lớn hơn (tổng cộng 42 tay cao 22 m). Đây chính là nguồn gốc chùa Đại Phật Chính Định ngày nay. Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa kế vị càng tôn sùng Phật Pháp hơn. Cùng với sự phục hưng của Phật Pháp, kinh tế nhà Tống cũng phát triển đến bước phồn vinh chưa từng có.
Lịch sử vẫn lặp lại
Tam Vũ Nhất Tông diệt Phật, 4 vị hoàng đế thân thể cường tráng sau khi diệt Phật thì rất nhanh chóng đột tử. Những người kế tục, nếu còn có cơ hội, hễ sửa chữa sai lầm, dốc sức vãn hồi con sóng dữ thì quốc gia sẽ rất nhanh chóng bước vào con đường thịnh trị. Còn những người kế nhiệm vẫn tiếp tục kéo dài sai lầm thì sẽ là kết cục bi thảm nước mất nhà tan, gây tai họa cho cháu con.
Từ xưa đến nay những người tước đoạt tín ngưỡng đều kết thúc bằng thất bại và ác báo, những tấm gương lịch sử của phương Tây cũng chẳng phải là như thế hay sao?
Lịch sử luôn tuần hoàn trong khi lặp lại mà tiến bước, cho nên con người ngày nay nhất định có thể tìm được hình bóng mình trong những bài học lịch sử. Lấy chuyện xưa làm gương có thể biết hưng vong thay triều đổi đại. Ở đây vừa có sự hưng vong thay triều đổi đại, cũng có sự tồn vong của chính bản thân mình. Trong lịch sử, nếu ác báo của họa diệt Phật không áp vào quân vương, thì sẽ áp vào tính mệnh của dân chúng. Hàng chục triệu người chết trong Đại Cách mạng văn hóa hay trong các đại dịch của lịch sử nhân loại là một lời nhắn gửi mà hậu thế cần phải chiêm nghiệm: Vì sao quân vương làm, dân chúng chịu? (Xem bài: Mặc khải về những bài học từ các đại dịch trong lịch sử nhân loại)
Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Lịch sử bốn lần diệt Phật có kết cục tương đồng”
Đăng trên Minghui.org
Minh Huệ
Tài liệu tham khảo:
1. “Ngụy thư-Thế Tổ kỷ”
2. “Ngụy thư-Thôi Hạo liệt truyện”
3. “Chu thư-quyển 5-Đế kỷ”
4. “Tùy thư-Cao Tổ bản kỷ”
5. “Cựu Đường thư-Cao Tổ bản kỷ”
6. “Phật Tổ lịch đại thông tải”
7. “Cựu Đường thư-Vũ Tông bản kỷ”
8. “Nhập Đường cầu Pháp tuần lễ hành ký”
9. “Toàn Đường văn” quyển 81
10. “Đường hội yếu” quyển 48
11. “Tư trị thông giám-Tuyên Tông bản kỷ”
12. “Cựu Đường thư-Tuyên Tông bản kỷ”
13. “Tân Ngũ Đại sử-Chu bản kỷ”
14. “Cựu Ngũ Đại sử-Chu thư-Thế Tông kỷ” 2, 6
15. “Phật Tổ thống kỷ” quyển thứ 43
16. “Tục tư trị thông giám trường thiên”
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đàn áp tôn giáo Vận động diệt Phật tấm gương lịch sử