Đức dục cổ giám: Tham đắm sắc dục, thương thân bại đức
- An Hòa
- •
Trong nền văn hóa truyền thống phương Đông và phương Tây đều có một đạo lý rằng tham đắm sắc dục sẽ làm “thương thân bại đức”. Trong lịch sử có rất nhiều người vì tham sắc dục mà đã hủy hoại tiền đồ, sự nghiệp. Trong các cuốn sách dạy dỗ con người thời xưa cũng không thiếu những câu chuyện như thế.
Trong sách “Đức dục cổ giám” được biên soạn vào triều đại nhà Thanh có ghi chép một câu chuyện vì tham đắm sắc dục mà gặp tai họa như sau:
Vào triều Thanh, ở Dự Chương có hai anh em sinh đôi. Họ không chỉ có tướng mạo giống nhau như đúc, mà giọng nói, dáng vẻ đều vô cùng giống nhau. Ngay cả cha mẹ và người thân thích trong gia đình họ cũng khó có thể phân biệt được rõ ràng ai là anh ai là em.
Bởi vậy, đến tận lúc hai người biết nói thì cha mẹ họ mới đặt tên cho họ. Khi hai anh em đi học thì đến cả cách viết văn miêu tả và khả năng học cũng gần như giống nhau. Đến năm mới 20 tuổi, hai anh em họ bắt đầu tham gia các kỳ thi.
Sau khi trưởng thành, cả hai đều lập gia đình. Cha mẹ hai anh em dạy các cô con dâu cách phân biệt hai người bằng màu sắc quần áo. Một năm sau, mỗi người vợ này đều sinh được một cậu con trai. Hàng xóm thường nói rằng: “Mệnh giống nhau, chắc hẳn mọi chuyện sẽ đều giống nhau.”
Khi cặp song sinh này 31 tuổi, họ thi đỗ ở kỳ thi cấp dưới và phải chuẩn bị hành trang để tham gia kỳ thi cấp cao hơn.
Trong thời gian dời nhà, hai anh em họ sống gần nhà một góa phụ quyến rũ xinh đẹp. Nhưng vì hai anh em quá giống nhau, người góa phụ lại cứ tưởng chỉ có một người. Sau một thời gian, người phụ nữ này đã cố gắng quyến rũ người anh trai. Nhưng người anh trai đã cương quyết dùng lời lẽ sắc bén mà từ chối cự tuyệt.
Người anh trai lo lắng rằng người phụ nữ đó sẽ đi quyến rũ em mình. Vì thế, anh ta đã nói với em trai và cảnh báo em trai rằng: “Anh và em trông giống hệt nhau. Cô ấy đã muốn quyến rũ anh thì rất có thể cô ấy sẽ cố gắng quyến rũ em. Em đừng để mình bị rơi vào sự mê hoặc của cô ấy mà tổn hại đức của mình”.
Người góa phụ kia lại cố gắng quyến rũ thêm một lần nữa, nhưng lần này lại là người em trai gặp phải. Anh ta đã không kiềm chế được và dâm loạn với cô ta.
Sau một thời gian qua lại, người em trai nói với người phụ nữ rằng: “Nếu ta thi đỗ trong kỳ thi này, nhất định ta sẽ cưới nàng làm vợ”.
Khi kết quả được công bố, người anh trai thi đỗ, còn người em trai thi trượt. Nhưng người em trai đã lừa dối thiếu phụ kia một lần nữa. Anh ta giả vờ rằng mình là người anh trai thi đỗ, và nói rằng: “Năm nay, mặc dù ta đã thi đỗ nhưng ta vẫn muốn tham gia kỳ thi vào mùa Xuân năm sau nữa. Nàng hãy chờ ta đến lúc đó thi đỗ rồi, ta sẽ cưới nàng và cho nàng cuộc sống vinh hoa phú quý.”
Người em trai còn nói với góa phụ rằng mình đã hết tiền để chuẩn bị cho kỳ thi này. Vì thế, người góa phụ đem tiền tích góp cả đời trao cho anh ta làm lộ phí dự thi.
Mùa Xuân năm sau, người anh trai đã thi đỗ một lần nữa. Người phụ nữ nghe tin, hồi hộp chờ đợi được đón về. Tuy nhiên, kể từ đó cô không còn được nghe thông tin về người em trai lần nào nữa. Cô vô cùng u uất và cuối cùng đành viết một lá thư nói với người anh trai về sự đau đớn trong trái tim mình. Không lâu sau thì người góa phụ vì uất ức và nghèo khó mà chết.
Bức thư của người góa phụ kia đến tay người anh trai. Người anh đã rất ngạc nhiên và vô cùng thất vọng sau khi biết những việc mà em trai mình đã làm.
Năm sau, con trai của người em đột nhiên không bệnh mà chết. Người em trai đau buồn, cuối cùng bị mù và không lâu sau thì ra đi vì quá đau khổ. Người anh trai lại hoàn toàn trái ngược, phú quý, con cháu đông đúc, phúc lộc đủ cả.
Từ câu chuyện của người góa phụ và người em trai, có thể thấy rằng dù là ham muốn sắc dục của bản thân hay khơi dậy tâm sắc dục của người khác cũng sẽ đem đến những điều bất hạnh cho chính mình.
Cổ nhân nói: “Thường là những kẻ háo sắc, nghĩ là điều đó đem lại cho họ cảm giác sung sướng. Nhưng họ không biết rằng đó chỉ là những cảm giác nhất thời. Còn những khổ đau mà nó gây ra thì lại là trong cả cuộc đời.”
Nếu một người không tin rằng làm việc gì đều có báo ứng, không tin vào sự tồn tại của luật nhân quả thì việc kiềm chế sắc dục đối với người ấy sẽ không có nền tảng vững chắc. Nếu một người không biết coi trọng đức thì việc kiềm chế sắc dục đối với họ sẽ không có ý nghĩa. Nếu một người không bao giờ tự hỏi mình rằng “ta sống vì điều gì?” thì việc kiềm chế sắc dục với họ cũng sẽ không có mục tiêu. Những người tham đắm sắc dục như vậy thì hậu quả sẽ là “thương thân bại đức”.
Trên thực tế, vô luận là một người có cảnh giới đạo đức cao thấp ra sao thì báo ứng đều sẽ rơi xuống, không có liên quan đến việc người ấy tin hay không tin. Chiêm nghiệm quanh mình, ta sẽ thấy có vô số trường hợp chính là nhân quả báo ứng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo đức sắc dục thanh tâm quả dục