Những người nhử quân Nam Hán vào trận địa cọc sông Bạch Đằng
- Trần Hưng
- •
Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Ngô Quyền, thế nhưng cũng có những người khác đã lấy thân mình dẫn dụ quân Nam Hán vào bãi cọc trên sông Bạch Đằng, khéo léo lựa chọn thời điểm để trận địa cọc phát huy tác dụng, quyết định chiến thắng lịch sử trên dòng sông này.
Việc lợi dụng thủy triều để giành chiến thắng luôn là việc làm hết sức liều lĩnh vì phải chọn thời gian chính xác. Trong lịch sử thế giới chỉ có một vài trận đánh làm được điều này, mà đều là những trận đánh rất nổi tiếng. Một là trận Myeongnyang nơi Lý Thuấn Thuần dùng 13 tàu Triều Tiên đối phó 133 tàu Nhật Bản năm 1597 (Xem bài: Lý Thuấn Thuần và trận thủy chiến huyền thoại). Một nữa là trận hải quân Hoa Kỳ do tướng MacArthur chỉ huy đổ bộ bất ngờ vào hải cảng Inchon cách thủ đô Seoul Hàn Quốc 25 dặm, vào ngày 15/10/1950, cắt bán đảo Triều Tiên làm 2. Cả hai trận đánh trên đều lợi dụng thủy triều, đã được coi là phép dùng binh kỳ lạ. Ấy vậy mà trận Bạch Đằng năm 938 không chỉ lợi dụng thủy triều, mà còn phải sai người cắm cọc như thế nào để lúc triều dâng địch không phát hiện được, lúc triều hạ có thể đâm thủng thuyền giặc, rồi lại phải tính toán chính xác thời gian tấn công, thời gian rút lui dụ địch. Bởi vậy trận chiến này buộc phải có sự tham gia của những người am hiểu sông nước Bạch Đằng.
Chuyện kể rằng vào đầu thế kỷ thứ 10 ở làng Gia Viên (thuộc Hải Phòng ngày nay) có hai vợ chồng nọ chăm chỉ làm việc mưu sinh, chồng làm nghề thuyền câu, vợ làm ruộng. Hai vợ chồng sinh được đứa con trai đặt tên là Nguyễn Tất Tố. Nguyễn Tất Tố thường cùng cha chèo thuyền trên các con sông để câu cá, nên dần dần thông thạo địa hình và quy luật thủy triều lên xuống.
Khi giặc biển vào cướp phá làng Gia Viên, dân làng mời thầy về dạy võ cho trai tráng để bảo vệ làng. Nguyễn Tất Tố cùng các trai tráng trong làng tham gia học võ, từ đó mà thân thiết với người bạn là Đào Nhuận.
Khi quân Nam Hán chuẩn bị tiến đánh Tĩnh Hải Quân (tên nước vào thời kỳ này), Ngô Quyền theo kế của Kiều Công Hãn chuẩn bị trận địa đón đánh quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng. Ông đến đây tìm hiểu địa hình và chiêu mộ người dân. Nguyễn Tất Tố cùng Đào Nhuận theo trai tráng trong làng tham gia quân của Ngô Quyền.
Nhờ thông thạo địa hình sông Bạch Đằng, Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận dùng thuyền đưa Ngô Quyền cùng các tướng đi khắp sông Bạch Đằng, từng con nước, nhánh sông, rừng rậm ven bờ, mô tả địa hình, quy luật thủy triều lên xuống nhằm giúp Ngô Quyền cùng các tướng chọn được địa điểm phục binh, giấu thuyền bè, đóng cọc gỗ, v.v..
Ngô Quyền cho chuẩn bị trận cọc ngầm dưới sông, cũng như bố trí xong việc mai phục trên bờ. Lúc này cần có người chỉ huy cánh quân đánh rồi giả thua. Người này cần am hiểu thủy triều lên xuống, để khi giả thua rút đi là lúc thủy triều lên, như thế thuyền quân Nam Hán mới dễ theo thủy triều tiến vào mà không phát hiện trận địa cọc. Khi vừa đánh vừa cầm cự phải làm sao cho quân Nam Hán vào ngay trận địa cọc, để khi thủy triều rút đúng mức, thuyền giặc sẽ sa bẫy. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Theo Bản Ngọc phả xã Lương Xâm thì Nguyễn Tất Tố đã tình nguyện đi nhử quân Nam Hán vào bãi cọc trên sông Bạch Đằng. Ông đã rủ thêm bạn mình là Đào Nhuận cùng ba anh em Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo quê ở Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cùng mình tham gia.
Trong cuộc họp bàn của các chư tướng, Nguyễn Tất Tố xin được dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thì giả thua rút vào bãi cọc ngầm.
Nguyễn Tất Tố được giao cho một đội thuyền nhẹ ra cửa biển chờ đợi, khi thuyền quân Nam Hán vừa đến thì Nguyễn Tất Tố cho quân phục sẵn bất ngờ tấn công, khí thế dũng mãnh.
Quân Nam Hán bị bất ngờ, nhưng nhận thấy thuyền quân ta nhỏ bé thì yên tâm thúc chiến. Quân ta sau giây phút đầu dũng mạnh, bị thuyền lớn của quân Nam Hán đánh thì vờ như tan trận phải tháo lui.
Quân Nam Hán thừa thắng đuổi theo đến trận địa cọc ngầm, lúc này thủy triều đã bắt đầu rút, quân mai phục của Ngô Quyền đổ ra đánh dữ dội. Được một lúc thì triều rút thấp, cọc ngầm lộ ra, đâm vào thuyền quân Nam Hán.
Những chiếc bè lửa được chuẩn bị sẵn, cháy ngùn ngụt lao đến thuyền quân Nam Hán. Quân Nam Hán bị chết vô số, chủ tướng Hoằng Thao tử trận tại đây.
Sau trận đánh, Ngô Quyền phong thưởng ba anh em Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo được làm tướng quân, nhận bổng lộc. Nhưng cả ba anh em đều từ chối, chỉ xin được tiếp tục ở tại quê nhà sống đời dân dã với xóm làng.
Ghi nhớ trận đánh này, người dân vùng duyên hải đã lập đền thờ Ngô Quyền cùng những người góp công chiến thắng Bạch Đằng như Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, và ba anh em họ Lý. Ngày nay ngôi chùa Hoàng Pha tên là An Lạc tự thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên có bàn thờ Thành Hoàng làng Hoàng Pha là ba anh em họ Lý.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhà Ngô trận Bạch Đằng 938 lịch sử Việt Nam Ngô Quyền