Đối với những người có tín ngưỡng, tin rằng có Thần Phật mà nói, Thần linh là không chỗ nào không tồn tại, không lúc nào là vắng mặt và không bao giờ bỏ rơi người lương thiện, bỏ qua người hung ác. Với họ, ở trong sâu thẳm, Trời xanh là rất công bằng.

Ở trong sâu thẳm, Trời xanh là rất công bằng
(Ảnh minh họa: Artem Avetisyan, Shutterstock)

Tục ngữ nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, cho nên dù ở một mình hay khi không có ai nhìn thấy, người có tín ngưỡng cũng tự ước thúc hành vi và lời nói của bản thân, không làm tổn hại đến người khác. Trái lại, những người không có tín ngưỡng, không tin rằng có Thần Phật thì khó mà bảo trì được lương tri. Có những người cho dù làm ra những việc xấu thương thiên hại lý thì họ cũng không do dự kiêng nể gì. Một khi đã làm ra những chuyện xấu, chỉ cần không bị ai phát hiện, họ cũng sẽ không có tâm ăn năn hối lỗi. Bởi vậy có thể thấy, một xã hội, một quốc gia không có tín ngưỡng chân chính là vô cùng đáng sợ. Xã hội, quốc gia ấy chắc chắn cũng sẽ không có sự hòa thuận chân chính.

Trong “Tăng Quảng Hiền Văn” viết: “Người đời thường sợ kẻ ác nhưng ông Trời thì không sợ, người đời thường ức hiếp người tốt nhưng ông Trời thì không”. Câu nói này từng được ghi làm câu đối ở nhiều ngôi chùa cổ.

Thời xa xưa, ở chính giữa cửa lớn của Tu Chân quán – một trong tam đại đạo quán Giang Nam – còn đặt một chiếc bàn tính. Người ta nói rằng bàn tính này mang ý nghĩa rằng Thần linh luôn tính toán thiện ác của người thế gian. Dẫu là làm việc gì cũng không thể che giấu được Trời đất.

“Thiên lý là sáng tỏ, nhân quả là khó tránh”. Ở đời, nhiều khi người lương thiện bởi vì thường nhẫn nhịn chịu thiệt nên hay bị người khác ức hiếp, nhưng thiện có thiện báo, Trời xanh là công bằng. Còn người ác khiến người khác e dè, sợ hãi, nhưng nhân quả báo ứng là không trừ một ai. Nếu chịu khó quan sát thẳng thắn chừng vài ba thế hệ ở một gia tộc nào đó trong lịch sử hay ở quanh ta, dấu vết biểu hiện của nhân quả báo ứng rất khó tẩy xóa, phủ nhận.

Cổ nhân giảng: “Mắt Thần như điện”, “Người đang làm, Trời đang nhìn”, làm việc ác không ai biết chỉ có thể giấu được người mà không giấu được Trời.

Ngụy Trung Hiền là hoạn quan, gian thần khét tiếng vào cuối triều nhà Minh. Thời trẻ, ông ta là một kẻ vô lại, ham mê đánh bạc, ăn chơi trác táng. Vì thua tiền, bị đòi nợ, Ngụy Trung Hiền trốn chui trốn lủi, cuối cùng phải tự thiến để vào cung, làm một hoạn quan. Tuy nhiên ông ta lại rất giỏi thủ đoạn, càng giỏi nịnh hót, được lòng nhũ mẫu của Minh Hy Tông. Sau khi Minh Hy Tông lên ngôi, tuổi còn quá trẻ, Ngụy Trung Hiền bắt đầu “một bước lên mây”, nắm quyền triều chính.

Ngụy Trung Hiền bắt đầu lập “Đảng”, kéo bè kết phái, bài trừ những người đối lập. Ông ta kiêm luôn việc trông coi Đông xưởng, một cơ quan cực kỳ có quyền lực của triều đình nhà Minh, ngày nay có thể được gọi là cơ quan mật vụ, mật thám. Cũng từ đó, rất nhiều quan lại trong triều đình đều trở thành tay chân của Ngụy Trung Hiền, tranh nhau gọi ông ta là cha, là ông nội, tự xưng mình là con nuôi, cháu nuôi. Một nhóm lớn những người đối lập với Ngụy Trung Hiền đã bị chết thảm trong nhà ngục.

Vì để thể hiện hết lòng vì Ngụy Trung Hiền, có quan lại còn đề xướng xây “sinh từ” để thờ sống Ngụy Trung Hiền ở khắp nơi, tiêu tốn vô vàn của cải.

Ngụy Trung Hiền lộng quyền triều chính, giết hại người đến nỗi mà người ta chỉ biết đến Ngụy Trung Hiền chứ không biết đến Hoàng đế là ai. Tuy nhiên ông ta không vui vẻ được lâu. Minh Hy Tông lên ngôi được 7 năm thì mất. Minh Tư Tông (Sùng Trinh Đế) lên ngôi đã khép Ngụy Trung Hiền phạm 10 đại tội. Ngụy Trung Hiền cuối cùng treo cổ tự vẫn mà chết.

Sau khi Ngụy Trung Hiền chết, Sùng Trinh sai người đến bắt giết hết gia quyến họ Ngụy (của Ngụy Trung Hiền) và họ Khách (nhũ mẫu của Minh Hy Tông). Những người hùa theo Ngụy Trung Hiền cũng bị xử tội. Bản thân Ngụy Trung Hiền đã chết vẫn bị mang phanh thây xé xác.

Trong cuộc sống vẫn có những người đặt câu hỏi, vì sao phải chịu thiệt, vì sao phải tử tế với người khác khi mà bị người khác ức hiếp? Quả thực, người lương thiện có những lúc trở thành người yếu thế nên thường thường bị người khác bắt nạt, ức hiếp. Người lương thiện lại hay chịu điều thiệt về mình nên có đôi khi bị người đời cười nhạo, cho rằng họ ngốc. Nhưng qua một thời gian mọi người không khó để phát hiện ra rằng người thiện lương sẽ được rất nhiều người tán đồng và trợ giúp, đồng thời chiếm được lòng tôn trọng của mọi người. Người hiểu chuẩn tắc đạo đức sẽ thấy người lương thiện vô tư vô ngã thực sự là những người cao thượng nhất. Dẫu cho số mệnh của họ đôi khi không được tốt lắm thì đường đời cũng trở nên hữu kinh vô hiểm, hoặc có được những điều đặc biệt mà người khác khó lòng nhận thức. Đây chính là sự công bằng mà Trời xanh dành cho họ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: