Phẩm cách hiệp sĩ qua bức điêu khắc về hiệp sĩ, Thần Chết và ác quỷ
- Quang Minh
- •
Hiệp sĩ là gì? Anh hùng là như thế nào? Trong văn hóa nhân loại, ở các thời kỳ và địa điểm khác nhau, các cá nhân khác nhau đều đã từng suy ngẫm và đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Một lý giải nổi tiếng trong giới nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng là của Albrecht Dürer, với tác phẩm điêu khắc về hiệp sĩ, Thần Chết và ác quỷ.
Sinh ra ở Đức vào cuối thế kỷ 15, Albrecht Dürer là một trong nhiều nghệ sĩ thời kỳ Phục Hưng quan tâm đến những câu hỏi về đạo đức. Ông là một họa sĩ và một nhà phác thảo tài năng, nhưng những tác phẩm để đời của ông lại là các bản khắc đồng. Tác phẩm điêu khắc “Hiệp sĩ, Thần Chết và ác quỷ” là một trong ba bản khắc nổi tiếng nhất của Dürer.
Trong tác phẩm, người hiệp sĩ đang mặc một bộ giáp hoàn chỉnh như thể đã sẵn sàng ra trận. Một tay ông cầm cây giáo dài và gác nó trên vai, tay còn lại đang nắm dây cương. Ánh mắt hiệp sĩ nhìn thẳng về phía trước và con ngựa của ông cũng đang ở trong tư thế tiến về phía trước. Có một con chó đang chạy sát dưới chân ngựa. Bên dưới nó, một con thằn lằn đang bò ngược lại.
Trong bố cục tranh, Thần Chết đứng ở bên trái. Thần Chết cũng đang cưỡi ngựa, đầu đội vương miện với những con rắn uốn éo xung quanh, trên tay cầm một chiếc đồng hồ cát, mắt nhìn như muốn đối mắt với hiệp sĩ. Con ngựa của Thần Chết đang cúi đầu về phía một cái đầu lâu nằm dưới gốc cây, gốc cây này nằm dưới chân ngựa, phía trước hiệp sĩ.
Đằng sau hiệp sĩ, quỷ dữ đang nhìn chòng chọc. Ác quỷ được Dürer mô tả là một con quái vật màu đen với đôi tai dê, sừng cừu, ở phía sau đầu có một chiếc sừng cong vút, mõm giống sói, mũi lợn, cặp má chảy xệ thõng xuống hai bên. Ác quỷ cầm một vũ khí sắc bén trong tay và đưa tay kia về phía Thần Chết.
Những tảng đá lởm chởm và cây cối gai góc trong tranh gợi liên tưởng tới một chặng đường khó khăn. Ở phía xa, chúng ta có thể nhìn thấy một lâu đài trên đỉnh núi.
Thần Chết với cái miệng há hốc và chiếc đồng hồ cát trên tay dường như đang chế nhạo hiệp sĩ: “Thời gian của ngươi sắp hết, và ngươi sẽ thuộc về ta.” Con ngựa mà Thần Chết cưỡi cũng cúi đầu về phía cái đầu lâu dưới gốc cây như để nhắc nhở hiệp sĩ, hoặc giả đe dọa con ngựa mà hiệp sĩ cưỡi.
Những con rắn trên vương miện của Thần Chết tượng trưng cho sự phá hoại và cám dỗ của Thần Chết và ác quỷ đối với con người.
Hình dạng của ác quỷ gợi ý rằng nó có thể biến hóa thành những hình dạng khác nhau, lợi dụng những cám dỗ khác nhau để khiến người ta gục ngã.
Con chó đang chạy bên cạnh chân ngựa có thể là biểu tượng của lòng trung thành, đối với các hiệp sĩ thì lòng trung thành cũng là một phẩm cách quan trọng để họ có thể chống lại sự cám dỗ (ác quỷ) và nỗi sợ hãi (Thần Chết).
Điều thú vị là hiệp sĩ không nhìn vào Thần Chết, và Thần Chết cũng không thể trực tiếp nhìn ông. Chiếc mũ giáp đội trên đầu hiệp sĩ đã ngăn cản ánh nhìn của Thần Chết. Hiệp sĩ không quan tâm đến thời gian cuộc đời mình, ông nhìn thẳng về phía trước, miệng cười mỉm và tiếp tục cuộc hành trình với một vẻ điềm tĩnh và trang nghiêm. Con ngựa mà ông cưỡi có ánh mắt cương quyết, tiến bước một cách chắn chắn, lộ vẻ dũng mãnh trong tư thế chuyển động
Phong thái của người hiệp sĩ và con ngựa mà ông cưỡi như làm lu mờ đi sự hiện diện của Thần Chết và ác quỷ.
Phải chăng bức tranh này nói lên rằng để trở thành một “hiệp sĩ” trên đường đời thì chúng ta phải dũng cảm không sợ hãi và có dũng khí để vượt thoát được những cám dỗ đầy rẫy xung quanh?
Và điểm đến của cuộc hành trình này là gì? Hình ảnh lâu đài trên đỉnh núi mang tới một cảm giác yên bình so với toàn bộ những hình ảnh khác trong tranh. Đây có phải là đích đến của người hiệp sĩ? Nếu đúng như vậy thì rõ ràng là để đạt được hạnh phúc và sự bình yên trong cuộc đời, đôi khi người ta cần phải có phẩm cách của một anh hùng.
Theo “The Moral Hero in ‘Knight, Death, and the Devil’”
Đăng trên The Epoch Times tiếng Anh
Tác giả: Eric Bess
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nghệ thuật Phục Hưng hiệp sĨ hội họa phương Tây