Thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ hai của mỗi người
- An Hòa
- •
Sự tu dưỡng không nhất thiết phải thể hiện ở những điều lớn lao, mà thường thể hiện trong những việc làm rất nhỏ của cuộc sống hàng ngày. Có thể nói, thói quen tiết lộ tu dưỡng, mà tu dưỡng lại là thân phận thứ hai của mỗi người.
Có lẽ trong chúng ta ai cùng từng gặp một câu chuyện tương tự như thế này. Trong quán cà phê nọ, một người phụ nữ trung niên, ăn mặc giản dị, lặng lẽ ngồi ở góc quán và nhấm nháp từng ngụm ly cà phê nóng.
Thưởng thức xong ly cà phê, người phụ nữ ấy sắp gọn chén đĩa, để gọn giấy lại một chỗ trên bàn, thuận tiện cho việc dọn dẹp của người phục vụ, sau đó mới rời đi. Dư vị của người phụ nữ ấy khiến không khí quán thêm phần trầm lặng và thư thái.
Chẳng bao lâu sau, một người phụ nữ bước vào, ăn mặc thời trang, đeo túi hàng hiệu. Cô nói to, gọi một tách cà phê loại “xịn”, và ngồi phịch xuống ghế. Cà phê được đưa ra, cô không nhìn người phục vụ, nhấp một chút cà phê, bắt đầu lấy máy tính ra đặt trên bàn. Bỗng chuông điện thoại reo, cô cầm máy lên, và phá tan không khí của quán bằng một cuộc trò chuyện gần 20 phút.
Nghe xong cuộc điện thoại ấy, người phụ nữ này cũng cất máy, đứng lên, ra quầy xỉa tiền và rời khỏi quán. Chén, đĩa và giấy nằm lung tung trên bàn.
Câu chuyện này quả thật là minh chứng sinh động cho câu nói: “Thói quen tiết lộ tu dưỡng”.
Trước đây trên một trang mạng nước ngoài có đăng tải một câu chuyện du học sinh người Trung Quốc tại Anh kể về một bài học đáng suy ngẫm như sau.
Cũng giống như nhiều du học sinh khác, cậu du học sinh nọ ở thuê trong một gia đình gần trường, bởi vì như thế có thể vừa tiết kiệm được tiền lại vừa có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Chủ cho thuê nhà của cậu là ông bà Campbells, họ đối xử rất hào phóng và tốt bụng. Họ chỉ thu mấy bảng Anh một tháng tiền thuê nhà gọi là tượng trưng thôi. Đối với họ, có một du học sinh nước ngoài ở trong nhà thì họ cảm thấy đó là một việc rất hãnh diện. Họ không chỉ khoe với những người hàng xóm xung quanh mà còn gọi điện thông báo cho con của họ ở Manchester và London biết.
Để thực hiện ước mơ đi du học nước ngoài của cậu, cha mẹ đã phải đi vay rất nhiều tiền, nên cậu lại càng quý trọng cơ hội này. Ban ngày miệt mài học tập thì không nói làm gì nhưng ban đêm cậu cũng học đến khi nào thư viện đóng cửa mới trở về. Cũng may, ông bà chủ tốt bụng nên cậu không phải lo lắng gì về cuộc sống mà chỉ tập trung học thôi.
Mỗi ngày cậu trở về, đồ ăn ngon miệng đã được bác gái để sẵn trên bàn. Cứ cách 2 hay 3 ngày, bác gái lại bảo cậu đưa quần áo để bác giặt cho sạch sẽ. Có thể nói, họ đối xử như với con cháu ruột thịt trong nhà.
Thế nhưng, qua một thời gian ngắn ngủi, cậu đã cảm nhận thấy bác trai có phần lạnh nhạt, ánh mắt nhìn cậu đã khác trước. Nhiều lần trong lúc ăn cơm, hình như bác ấy có điều gì muốn nói với cậu, nhưng khi nhìn sang bác gái thì bác ấy lại không nói nữa.
Lúc đầu cậu đoán rằng vì hai bác thu tiền thuê nhà ít mà ngại không nói ra. Nhưng không phải như vậy.
Cho đến một hôm, khi cậu đi học ở thư viện về tối, bác trai đã rón rén vào cửa phòng cậu và nói mấy câu: “Lúc còn ở nhà, mỗi lần cháu về nhà muộn, cháu đều mặc kệ cha mẹ và mọi người đang ngủ mà đóng cửa thật mạnh, rồi ho khan ầm ĩ như vậy hay sao?”
Cậu du học sinh khi ấy ngẩn người và thầm nghĩ: “Chẳng lẽ đây là điều bác ấy muốn nói lâu nay sao?”
Sau một lát cậu trả lời: “Cháu cũng không nhớ rõ… có lẽ… cũng chưa có ai hỏi cháu câu này và cháu cũng không để ý đến những điều chi tiết nhỏ nhặt như thế này ạ!”
Bác trai vừa mỉm cười vừa nói: “Bác nghĩ là cháu đã hơi vô tâm đấy! Bác gái bị bệnh mất ngủ, mỗi khi cháu đi về muộn, những tiếng động đó đều đánh thức bà ấy. Mà bà ấy đã mất ngủ thì không thể ngủ lại được nữa. Cho nên, sau này cháu về muộn cố gắng giữ yên tĩnh một chút, bác sẽ thấy rất vui lòng!”
Bác dừng lại một lát rồi nói tiếp: “Thực ra, bác đã định nhắc cháu từ sớm, chỉ là bác gái sợ làm tổn thương lòng tự trọng của cháu nên một mực không cho bác nói ra. Bác tin rằng cháu là một chàng trai hiểu chuyện, chắc sẽ không vì thiện ý của bác mà bị tổn thương chứ?”
Cậu du học sinh khi ấy nghe xong, miễn cưỡng gật đầu. Cậu cũng không cho là bác ấy nói sai hay là bị tổn thương mà chỉ cảm thấy bác ấy quá chi li nhỏ nhặt. Sống với cha mẹ hơn hai mươi năm, họ chưa từng tính toán chi li với cậu như thế, thậm chí họ còn dễ dàng tha thứ. Trong lòng cậu thầm nghĩ: “Rốt cuộc đây cũng không phải là nhà của mình!”
Đương nhiên dù khó chịu, nhưng cậu vẫn tiếp nhận lời nhắc nhở của bác ấy và từ đó trở đi, mỗi lần về muộn, đều đóng cửa thật nhẹ nhàng.
Nhưng, không lâu sau, vào một buổi trưa, khi cậu đang ở trong phòng. Bác trai lại đi vào với vẻ mặt u ám và hỏi: “Này cháu, có lẽ cháu sẽ không vui, nhưng bác vẫn phải hỏi, lúc đi vệ sinh có phải là cháu đã không nhấc miếng ngồi bồn cầu lên không?”
Cậu bất giác thấy chột dạ trong lòng, đúng là có nhiều khi vì muốn đi vệ sinh quá nên đã không nhấc miếng ngồi đó lên. Cậu lúng túng trả lời: “Dạ… thỉnh thoảng ạ!”
Bác trai giận giữ nói: “Như vậy sao được? Chẳng lẽ cháu không biết rằng như thế sẽ làm nước tiểu bắn tung tóe lên trên đó sao? Đây không chỉ là mất vệ sinh mà còn là thiếu tôn trọng người khác đấy, đặc biệt là không tôn trọng phụ nữ!”
Cậu vội vàng giải thích: “Cháu hoàn toàn không có ý không tôn trọng người khác, chỉ là cháu không để ý…”
“Bác đương nhiên biết cháu là người vô tâm, thế nhưng không nên để nó thành một loại lý do được.” Mặt bác ấy đỏ lên, trong lòng cậu thì lầm bầm: “Việc nhỏ như thế sao bác ấy phải giận giữ và ầm ĩ như vậy chứ?”
Bác trai lại nói tiếp: “Nghĩ cho người khác, tôn trọng và quan tâm đến người khác đó là điều tối thiểu nhất của một con người cần phải làm được. Cháu thi đỗ đại học và tìm được một chức vị là điều quan trọng nhưng ở chung với người khác cho hòa hợp cũng là điều rất quan trọng đấy.”
Sau này cậu du học sinh đó mới hiểu ra, nếu như nói rằng học vị và chức vị là đại biểu cho thân phận của một người thì thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ hai của mỗi người. Mọi người đều dùng thân phận thứ hai để đánh giá người khác.
Kỳ thực, giáo dưỡng cũng không phải đâu xa xôi. Lời nói và việc làm có giáo dưỡng nhất chính là không khiến người khác cảm thấy khó chịu. Trong cuộc sống, đôi khi người ta sẽ hình thành những thói quen xấu mà không tự biết, chẳng hạn hay phủ định người khác, không chú ý đến cảm nhận của họ, nói lời tổn thương, không chừa đường lui cho đối phương, hay thậm chí không nhớ kỹ tên của người khác… Đây đều là những thói quen tiết lộ sự tu dưỡng của bản thân bạn.
Cổ nhân có câu: “Biển rộng mênh mông không bờ không bến là bởi vì nó không cự tuyệt bất kỳ một giọt nước nào. Núi có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào.” Bởi vậy một người sống vui vẻ, được người khác kính trọng, thực ra cũng không phải có bí quyết gì cao xa. Họ thông thường đều dựa vào tấm lòng quan tâm đến người khác, để ý đến người khác, chú ý hành vi cử chỉ của bản thân mình. Người như vậy, vô luận là hoàn cảnh khách quan khó khăn ra sao, họ cũng vẫn thể hiện ra sự tu dưỡng của mình, bởi vậy họ giải quyết mọi việc một cách thông thuận, có thể ví là “cử trọng nhược khinh”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa giáo dưỡng Nhân phẩm tu dưỡng