Trong nền văn hóa phương Đông, Thiệu Ung là một nhân vật kiệt xuất. Ông là một người có đạo đức cao thượng, đồng thời cũng là một bậc thầy về Dịch học và Lý học thời Bắc Tống. Theo Tống sử, rất nhiều sự việc sau khi xảy ra rồi, người ta mới nhận ra rằng Thiệu Ung đã nói về việc đó từ lâu. Cả đời Thiệu Ung đã viết rất nhiều dự ngôn và sách về phương pháp dự đoán, như “Mai hoa thi”, “Mai hoa dịch số”, “Thiết bản thần số”, “Hà lạc chân số”. “Mai hoa thi” tổng cộng có mười tiết, mỗi tiết có bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, dự đoán về quá trình diễn biến và những sự kiến lớn xảy ra từ thời Bắc Tống cho đến ngày hôm nay, những điều đã qua cũng đã được lịch sử chứng thực.

Tìm hiểu về Thiệu Ung, tác giả của Mai Hoa Dịch số
(Tranh minh họa: Public Domain)

Tổ tiên của Thiệu Ung là người Phạm Dương ở Hà Bắc. Cha của ông đã chuyển nhà đến Hoành Chương, sau đó lại chuyển đến Vệ Châu Cộng Thành, tức huyện Huy ở Hà Nam ngày nay. Ở Cộng Thành có một nơi gọi là Bách Tuyền, là một vùng nước non sơn thủy hữu tình. Nơi đây có một ngọn núi nhỏ tên là Tô Môn, trên núi có vô vàn dấu tích của những vị nhân sỹ các thời đại đến đây ngao du và những vị đạo sĩ ẩn cư. Phía nam ngọn núi có một hồ nước rộng năm mươi mẫu, với hàng trăm thác nước đổ vào ngày đêm, gọi là Bách Tuyền. Nhà Thiệu Ung ở dưới chân núi Tô Môn. Năm 1011 SCN, Thiệu Ung ra đời tại đó.

Cha của Thiệu Ung là Thiệu Cổ, ông tính cách thuần hậu chất phác và rất thích đọc sách. Dưới sự ảnh hưởng của cha, từ nhỏ Thiệu Ung đã dưỡng thành thói quen cần cù hiếu học, lập chí thành danh. Mặc dù khi đó gia cảnh túng thiếu, hàng ngày đều phải lo cái ăn cái mặc nhưng Thiệu Ung không một lời than vãn, ông vừa chăm chỉ làm việc phụng dưỡng cha mẹ, vừa quyết chí khổ luyện thành tài.

Càng lớn Thiệu Ung càng nhận ra rằng chỉ dựa vào đọc sách thì không thể phát triển toàn diện được nên ông quyết định đi ngao du đó đây. Ông đến Hoàng Hà, Phần Thủy, Hoài Hà, Hán Thủy, v.v.. rồi đi thăm những di tích ở Tề, Lỗ, Tống, Trịnh. Sau khi đi ra ngoài ông được mở mang kiến thức và tầm mắt, trở về lại càng nỗ lực đọc sách hơn nữa.

Dân gian lưu truyền rằng, ngày xưa nhà Thiệu Ung có hai chiếc gối gốm, mùa hè dùng để gối đầu rất mát. Một buổi chiều mùa hè, khi đang ngồi đọc sách trong phòng, ông thấy một con chuột chạy đi chạy lại trên giường của mình, trong lúc vội vã không để ý, ông liền cầm một chiếc gối gốm lên ném vào con chuột, nhưng con chuột chẳng hề gì chạy mất còn chiếc gối thì bị vỡ. Lúc này, Thiệu Ung phát hiện ra bên trong chiếc gối có một mảnh giấy viết: “Vỡ vì ném chuột”. Thiệu Ung cảm thấy rất thần kỳ: “Lẽ nào tất cả mọi việc tốt xấu đều đã được định trước hay sao?” Thế là ông liền đập vỡ nốt chiếc gối còn lại, bên trong cũng có một mảnh giấy viết: “Anh đập làm tôi vỡ”. Từ đó Thiệu Ung cảm thấy rất hứng thú đối với Chu Dịch tướng số học.

Khi đó huyện lệnh Cộng Thành là Lý Chi Tài, là đệ tử đời thứ ba của đạo sỹ Hoa Sơn Trần Chuyên. Trần Chuyên truyền cho Trùng Phương, Trùng Phương truyền cho Mục Tu, Mục Tu truyền cho Lý Chi Tài. Lý Chi Tài nổi tiếng về Dịch học nhưng luôn lo lắng mình sẽ không có ai kế thừa. Khi nghe nói Thiệu Ung có chí hiếu học, ông liền đích thân đến Bách Tuyền gặp Thiệu Ung. Qua trò chuyện, biết được Thiệu Ung là người khảng khái có chí lớn, Lý Chi Tài liền hỏi: “Có muốn học mệnh lý không?” Thiệu Ung nói: “Tôi hy vọng sẽ được ngài truyền thụ.” Thế là Lý Chi Tài liền truyền cho Thiệu Ung tất cả những bí quyết của “Hà Đồ”, “Lạc Thư”, “Phục Hy bát quái”, “Lục thập tứ quái đồ tượng”.

Thiệu Ung chuyên tâm học lý mệnh, nghiên cứu bất kể ngày đêm, sau hai mươi nămcuối cùng đã lĩnh ngộ được căn bản, nắm vững quy luật vận hành của Trời đất, âm dương, biến hóa của nhân thế và trở thành một nhân vật lớn trong phái Dịch học tướng số. Ông đã viết những tác phẩm như “Hoàng cực kinh thế”, “Quan vật nội ngoại biên” và trở thành bậc thầy của dịch học Trung Hoa.

“Hoàng cực kinh thế” có hai mươi cuốn, viết về “tướng số học” do ông dựa vào Kinh Dịch xây dựng nên. Cuốn sách này dựa vào quy luật “Nguyên”, “Hội”, “Vận”, “Thế” để dự đoán về sự biến hóa của Trời đất, thịnh suy của thời thế, đóng góp những cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu quy luật diễn hóa của vũ trụ.

Trong lúc nghiên cứu “Tiên thiên tướng số học”, ông còn nghiên cứu cả lý nhân luân hiện thực. Trong “Hoàng cực kinh thế” ông đã mô tả bản đồ sinh hóa của vạn vật trong vũ trụ. Ông chỉ ra rằng con người là một trong vạn vật. Nhưng con người không giống như vạn vật mà ưu tú hơn hết thảy. Con người là linh hồn của vạn vật, là đại diện cho Đạo của Trời đất. Bởi vậy con người khi lập thân xử thế, ngôn đàm cử chỉ đều phải tuân theo Đạo của Trời đất, và tuân theo thiên lý. Vạn sự vạn vật trong thiên hạ đều có Thiên lý ở trong đó. Nếu có thể tuân theo Thiên lý thì không chỉ an định thân tâm tính mệnh mà còn có thể cảm nhận được niềm vui chân chính của Thiên lý.

Thiệu Ung cho rằng, cốt lõi của nghiên cứu lý học là thực hiện con đường “nội thánh”. “Nội thánh” tức là nội tâm của con người phải có đức của bậc Thánh nhân. Thánh nhân ở đây không chỉ các bậc đế vương mà là người “Thượng thức thiên thời, hạ tận địa lý, trung tận vật tình, thông chiếu nhân sự”. Vậy con đường thực hiện “nội thánh” như thế nào? Thiệu Ung cho rằng, cốt lõi là ở tu dưỡng nội tâm: “Ngôn chi vu khẩu, bất nhược hành chi vu thân; hành chi vu thân, bất nhược tận chi vu tâm”, lời nói không bằng việc làm, việc làm không bằng bằng suy nghĩ trong tâm. Sở dĩ Thánh nhân có thể tự do tự tại là bởi họ luôn tu dưỡng nội tâm.

Thiệu Ung còn có một bài văn nói về tự nhiên trời đất, nghĩa lý nhân gian tên là “Ngư phu vấn đáp”. Mở đầu bài văn được viết như sau:

Một ngư ông đang câu cá bên bờ sông thì gặp một tiều phu đi qua, tiều phu hỏi: “Ông đang làm gì đấy?”

Ngư ông đáp: “Câu cá”.

Tiều phu lại hỏi: “Có phải cứ dùng mồi nhử là câu được cá không?”

Ngư ông đáp: “Đúng vậy”.

Tiều phu hỏi tiếp: “Nếu trên lưỡi câu không có mồi thì có được không?”

Ngư ông đáp: “Không được”.

Lúc này tiều phu thốt lên: “Xem ra cá cắn câu không phải do cần câu mà là do mồi nhử. Con cá chỉ vì chút mồi nhử đó mà đã vứt bỏ cả sinh mệnh của mình. Có một số người cũng giống như con cá vậy, chỉ vì tham chút đỉnh lợi ích mà đã hủy hoại cả tiền đồ của bản thân.”

Thiệu Ung cho rằng phàm là thời thịnh trị thì người ắt trọng nghĩa. Thiên hạ có thể loạn có thể suy, nhưng con người vẫn phải trọng nghĩa. Trọng nghĩa thì sẽ khiêm nhường, còn hám lợi thì sẽ gây tranh đoạt. Đương nhiên trọng nghĩa không có nghĩa là không được lợi, mà là cân nhắc xem dùng cách nào để có được lợi ích. Nhìn vào xã hội hiện đại, ngày nay có rất nhiều người chỉ vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn, việc xấu nào cũng dám làm. Vì thế mà xã hội nhân loại đang đi đến bờ vực nguy hiểm. Nhưng nhiều người chỉ nhìn thấy trước mắt những tòa nhà cao tầng, những sản phẩm bắt mắt, những kỹ thuật hiện đại mà lầm tưởng đây là thời kỳ thịnh thế…

Thiệu Ung thể ngộ được rằng con người làm việc gì, nói điều gì cũng đều phải tuân theo Thiên lý, đạt được “nội thánh”. Bởi vậy cả cuộc đời Thiệu Ung luôn coi trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mình. Việc lập thân, hành động, đối nhân xử thể của ông đã trở thành tấm gương cho hậu thế. Trong “Tống sử” viết, Thiệu Ung tuổi càng cao thì phẩm chất đạo đức càng cao thượng. Đối với bất kỳ ai cho dù là giàu sang hay nghèo hèn ông cũng đều thành tâm đối đãi. Ông luôn mỉm cười và bình dị khi làm việc với mọi người. Ai hỏi việc gì cũng trả lời nhưng không bao giờ áp đặt cho người khác. Vậy nên mọi người đều khâm phục đức hạnh của ông, người bình thường được ông chỉ dạy luôn cảm thấy hạnh phúc. Những người biết Thiệu Ung đều khuyên nhủ nhau rằng: “Đừng bao giờ làm điều xấu, kẻo Thiệu Ung tiên sinh biết được.”

Thiệu Ung đạo đức cao thượng, học vấn uyên thâm nên được mọi người kính mến. Năm 38 tuổi, ông chuyển đến Lạc Dương dạy học. Mặc dù cả cuộc đời Thiệu Ung không theo nghiệp quan trường nhưng ông lại kết giao với rất nhiều bạn làm quan, như là thừa tướng Phú Bật, Tư Mã Quang, Lữ Công Trứ. Nhiều sỹ đại phu khi ghé qua Lạc Dương có thể không đến quan phủ nhưng nhất định đến thăm Thiệu Ung. Theo “Tống sử”, khi Thiệu Ung đi ra ngoài thường ngồi một chiếc xe nhỏ và có một người theo hầu. Đi đến đâu cũng được mọi người chào đón. Bất kể là người già hay trẻ nhỏ hễ nhìn thấy ông đều nói: “Tiên sinh nhà ta đến rồi.” Có người còn xây những ngôi nhà giống như nhà của Thiệu Ung để khi ông đi qua có thể vào đó nghỉ ngơi.

Theo Tống sử, rất nhiều sự việc sau khi xảy ra rồi, người ta mới nhận ra rằng Thiệu Ung đã nói về việc đó từ lâu. Cả đời Thiệu Ung đã viết rất nhiều dự ngôn và sách về phương pháp dự đoán, như “Mai hoa thi”, “Mai hoa dịch số”, “Thiết bản thần số”, “Hà lạc chân số”. “Mai hoa thi” tổng cộng có mười tiết, mỗi tiết có bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, dự đoán về quá trình diễn biến và những sự kiến lớn xảy ra từ thời Bắc Tống cho đến ngày hôm nay, những điều đã qua cũng đã được lịch sử chứng thực.

Năm 1077 SCN, Thiệu Ung ngã bệnh ở Lạc Dương và qua đời ở tuổi 67. Giữa năm Nguyên Hựu Tống Triết Tông, Hoàng đế ban cho Thiệu Ung hiệu là “Khang Tiết”. Năm Thiệu Hưng thứ 8, Tống Cao Tông đã tặng cho Thiệu Ung danh hiệu “Đạo đức Học thuật vi vạn thế sư”. Về sau vua Tống Độ Tông còn đưa Thiệu Ung vào thờ cúng tại miếu Khổng Tử với hiệu là “Tiên Nho Thiệu Tử”.

Theo “Học vấn đạo đức của Thiệu Ung”
Đăng trên Minghui.org
Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: