Trí tuệ cổ nhân: Hành sự phù hợp với đạo và có lợi cho nhân quần
- An Hòa
- •
Bậc Thánh nhân thời xưa cho dù là làm việc gì cũng đều xét cho phù hợp lý lẽ và phù hợp với Đạo của Trời đất, dù là làm việc nhỏ cũng đều suy xét làm lợi cho người khác, có lợi cho nhân quần xã hội, đó chính là những điều mà họ quan tâm nhất.
Trong thiên “Tu vi” sách “Hoài Nam Tử” viết: “Thánh nhân chi tòng sự dã, thù thể nhi hợp vu lý, kỳ sở do dị lộ nhi đồng quy, kì tồn nguy định khuynh nhược nhất, chí bất vong vu dục lợi nhân dã”, ý nghĩa là bậc thánh nhân xử sự mặc dù hành vi thực hiện cụ thể là không giống nhau nhưng đều phù hợp lý lẽ và phù hợp với đạo; phương pháp con đường mà họ lựa chọn áp dụng là không giống nhau nhưng mục đích kết quả là như nhau; họ có thể cứu vãn đất nước khỏi nguy vong, giúp đỡ lúc khủng hoảng và ổn định tình hình, ý nghĩa hành động của họ về phương diện này là giống nhau; đồng thời trong tâm họ luôn không quên việc làm phải mang lại lợi ích cho tha nhân, giúp đỡ xã hội nhân quần.
Thời Xuân Thu, nước Sở muốn tấn công nước Tống, Mặc Tử sau khi nghe thấy tin này thì từ nước Lỗ gấp rút đi liền mười ngày mười đêm để đến nước Sở. Mặc Tử không có lộ phí, không tìm được xe, mặc dù lòng bàn chân bị thương, ông vẫn không chịu nghỉ ngơi, xé quần áo quấn vào hai chân rồi lại chạy tiếp. Cuối cùng Mặc Tử cũng về tới Dĩnh Thành nước Sở, lập tức hội kiến Sở Vương.
Mặc Tử nói với Sở Vương: “Tôi nghe nói đại vương muốn hưng binh tấn công nước Tống. Ngài muốn dân chúng lao khổ, tổn hại binh tướng, chịu mang tiếng bất nghĩa, dù có thể không chiếm được tấc đất nào?”.
Sở Vương đáp: “Nếu như chắc chắn không chiếm được nước Tống, lại còn mang tiếng bất nghĩa, ta vì cái gì lại muốn tấn công?”
Mặc Tử nói: “Tôi thấy đại vương cử binh nhất định là sẽ làm tổn thương đại nghĩa mà không chiếm được nước Tống”.
Sở Vương nói: “Công Thâu Ban (Lỗ Ban) là nghệ nhân nổi danh thiên hạ. Ông ấy chế tạo thang mây để tấn công nước Tống, vì sao không thể thắng?”
Mặc Tử nói: “Xin ngài cho Công Thâu Ban đến tấn công thành, tôi đến phòng vệ”.
Thế là quân lính triển khai thang của Lỗ Ban để tấn công thành, Mặc Tử cũng bố trí đội hình và đồ trang bị để bảo vệ thành. Lỗ Ban liên tiếp thay đổi chín lần tấn công, Mặc Tử cũng thay đổi chín lần cách chống đỡ. Cuối cùng, Công Thâu Ban không thể vào được trong thành. Sở Vương chứng kiến điều này thì ngừng tấn công nước Tống.
Một chuyện khác là về Đoàn Can Mộc là người nước Tấn thời Chiến Quốc. Ông du học ở Tây Hà, bái sư Tử Cống, một học trò của Khổng Tử. Sau này ông trở thành một người có học vấn uyên bác. Những nhân sỹ hiền năng cùng với Đoàn Can Mộc ngụ cư ở nước Ngụy như Điền Tử Phương, Lý Khắc, Trạch Hoàng, Ngô Khởi… đều được Ngụy Văn Hầu trọng dụng, được phong làm quan to. Duy chỉ có Đoàn Can Mộc vẫn kiên trì chí hướng của mình, không muốn làm quan, sống ẩn cư quê nhà.
Một hôm Ngụy Văn Hầu đi ra ngoài cung, đi qua ngõ mà Đoàn Can Mộc cư trú. Ngụy Văn Hầu hai tay nâng thanh gỗ ngang phía trước xe biểu thị lòng kính trọng đối với Đoàn Can Mộc. Người đánh xe của Ngụy Văn Hầu không hiểu được hành động này bèn hỏi: “Quốc quân, mỗi lần chúng ta đi qua nơi này vì sao ngài lại phải nâng đòn ngang xe?”
Ngụy Văn Hầu đáp: “Đoàn Can Mộc ẩn cư ở trong ngõ nhỏ này, ta bày tỏ cung kính với ông ấy!”
Thấy người đánh xe không hiểu, Ngụy Văn Hầu giải thích: “Đoàn Can Mộc không theo đuổi quyền thế danh lợi, có đạo của người quân tử. Ông ấy ẩn cư ở trong ngõ nhỏ nghèo khó này, nhưng thanh danh lại vang xa ngoài ngàn dặm. Ta đi qua nơi ở của ông ấy, sao có thể không bày tỏ cung kính? Ông ấy có được vinh dự vì đức hạnh, còn ta có được vinh dự vì chiếm lĩnh đất đai. Ông ấy có nhân nghĩa, ta chỉ có của cải. Địa vị quyền thế không thể sánh với đức hạnh cao thượng được, của cải không thể sánh với nhân nghĩa được. Đoàn Can Mộc có thể đổi đức hạnh của mình lấy quyền lực và tài sản của ta, nhưng ông ấy không làm như vậy. Ta mỗi ngày đều cảm thấy ưu tư, luôn cảm thấy xấu hổ về bản thân.“
Về sau, nước Tần dự định hưng binh tấn công nước Ngụy. Tư Mã Dữu khuyên bảo Tần Vương rằng: “Đoàn Can Mộc là một người tài đức sáng suốt, Ngụy Văn Hầu dùng lễ cung kính đối đãi ông ấy, người trong thiên hạ không ai không biết, chư hầu không ai không nghe qua. Hiện giờ chúng ta khởi binh tấn công nước Ngụy thì chẳng phải là phương hại đạo nghĩa?” Quốc quân nước Tần thấy rất có lý, thế là không tấn công nước Ngụy nữa.
Mặc Tử và Đoàn Can Mộc đều được coi là những người hiền đức. Mặc Tử vội vã đi ngàn dặm mà khiến cho hai nước Sở và Tống yên ổn, nước Tống có thể không chịu can qua. Đoàn Can Mộc đóng cửa không ra ngoài, sống ẩn dật trong ngõ sâu mà lại khiến hai nước Tần và Ngụy yên ổn, nước Ngụy được bảo tồn. Mặc Tử và Đoàn Can Mộc, một người là đi ngàn dặm, một người là ẩn cư không ra, tình thế trái ngược nhau, hành vi được thể hiện theo những cách khác nhau nhưng mục đích đạt được là giống nhau, giúp yên ổn đất nước, vì lợi ích của người khác. Trong tâm của các bậc Thánh nhân, ngày đêm luôn nghĩ đến việc mang lại lợi ích cho dân chúng nhân quần, đây chính là điều đáng kính phục, đáng ngưỡng mộ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thánh nhân Đạo nghĩa trí tuệ cổ nhân