Trí tuệ cổ nhân: Hành vi nhỏ vô lễ có thể dẫn đến mối họa lớn
- An Hòa
- •
Sách “Hoài Nam Tử” viết: “Người ta đều cố gắng hết sức làm các việc để phòng ngừa mối họa, nhưng không ai biết làm thế nào để khiến gốc rễ của mối họa không xảy ra”. Trên thực tế, việc ngăn chặn tai họa từ gốc rễ sẽ dễ dàng hơn so với việc cứu vãn nó, nhưng người ta lại thường coi nhẹ việc này. Một hành vi nhỏ, một việc ác nhỏ, một điều vô lễ nhỏ, rất có thể lại dẫn đến mối họa lớn.
Thiên “Nhân gian huấn” của “Hoài Nam Tử” có kể một câu chuyện như vậy.
Khi Thái tể Tử Chu của nước Sở hầu hạ Lệnh doãn Tử Quốc dùng cơm, Lệnh doãn Tử Quốc nếm thử một ngụm canh thì thấy canh rất nóng nên đã mượn bầu rượu mà rót rượu vào trong bát canh. Ngày hôm sau, Thái tể Tử Chu liền rời bỏ chức vị Thái tể và về nhà. Người hầu đi theo ông liền hỏi: “Chức vị Thái tể của nước Sở không dễ gì mà có được, ngài vì sao lại từ quan rời đi?”
Tử Chu đáp: “Hành vi của Lệnh doãn Tử Quốc rất lỗ mãng, ngạo mạn và vô lễ nên ông ấy có thể dễ dàng làm hại người khác”.
Năm sau, Tử Quốc thật sự đã làm nhục một vị quan khác dưới quyền, còn khiến vị ấy bị đánh trăm gậy lớn. Người minh tỏ lý lẽ luôn tránh được tai họa từ trước, họ còn rất giỏi trong việc dự đoán được kết quả phát triển của sự vật. Bởi thế Tử Chu có thể nhìn ra con người của Tử Quốc qua một hành vi vô lễ rất nhỏ bé như vậy.
Thời Xuân Thu, công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn trên đường lưu vong đã đi qua nước Tào. Quân vương của nước Tào là Tào Cung Công nghe nói Trùng Nhĩ có quý tướng là hai xương sườn dính vào nhau nên muốn nhân lúc Trùng Nhĩ đi tắm mà đòi xem.
Lúc ấy, Hy Phụ Cơ là vị đại phu nổi danh của nước Tào đã khuyên Tào Cung Công: “Công tử Trùng Nhĩ của nước Tấn không phải tầm thường, ba tùy tùng đi theo ông ta đều là những nhân tài phò tá sáng lập bá nghiệp và vương nghiệp. Nếu hôm nay ngài đối xử vô lễ với công tử Trùng Nhĩ thì nhất định sẽ mang đến hậu hoạn cho nước Tào”.
Tào quốc công không nghe theo lời khuyên bảo này. Việc xảy ra khiến Trùng Nhĩ căm giận Tào Cung Công. Hy Phụ Cơ thấy vậy đã đưa tặng đồ ăn cho Trùng Nhĩ, còn tặng một khối ngọc để tiễn ông lên đường. Nhưng Trùng Nhĩ chỉ tiếp nhận đồ ăn và trả lại ngọc bích.
Sau này, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn, giành được vương vị, quả nhiên đã tấn công nước Tào. Tấn Văn Công Trùng Nhĩ đã ra lệnh cho bộ hạ không được tấn công vào nhà Hy Phụ Cơ, đồng thời cũng miễn xá cho người trong họ tộc của ông. Đây là cách mà Tấn Văn Công báo đáp ân nghĩa xưa kia của Hy Phụ Cơ.
Tào Cung Công cuối cùng bị bắt giữ, nước Tào biến thành một vùng đất hoang phế. Tai họa này bắt nguồn từ hành động thô lỗ, vô lễ của Tào Cung Công mà ra. Mặc dù hai nước lớn là nước Tề và nước Sở muốn cứu viện cho nước Tào nhưng cũng không thể ngăn cản được sự diệt vong của nước Tào.
Hành động của Tào Cung Công chính là đã đẩy nước Tào vào thế “không ra sức ngăn ngừa tai họa xảy ra, mà đợi đến khi tai họa xảy ra rồi mới cứu vãn”. Theo cách này, ngay cả với một người thông hiểu mọi thứ, thì cũng khó có thể làm gì để cứu vãn lại được.
Các mối họa đều có nguồn gốc từ rất nhiều phương diện, rất nhiều nguyên nhân khiến con người khó lòng phòng bị cho hết. Vì vậy, thời xưa, những người anh minh sáng suốt thường tránh những rắc rối không cần thiết bằng cách sống ẩn dật, coi trọng lễ để không bị sỉ nhục, và tĩnh tâm an ổn chờ đợi thời cơ. Còn tiểu nhân không biết ngọn nguồn sinh ra phúc họa thường thường lại hành động một cách thiếu suy nghĩ mà tự chui đầu vào lưới. Khi sự tình đã xảy ra rồi thì dù có nghĩ trăm phương ngàn kế để gia tăng phòng ngừa mối họa nhưng vẫn không thể bảo toàn được. Điều này cũng giống như khi hỏa hoạn đã xảy ra rồi mới đi đào ao lấy nước dập lửa, mất bò mới lo làm chuồng.
Con đê có ngàn vạn lỗ, bịt một lỗ thì cá sẽ có những lỗ khác để chui vào. Trong cung có hàng trăm cửa, đóng một cửa, đạo tặc vẫn có thể vào qua các cửa khác. Bức tường lớn sụp đổ từ vết nứt, thanh kiếm gãy từ lỗ hổng nhỏ. Bậc thánh nhân có thể sớm thấy trước sự khởi đầu và nguồn gốc của tai họa, vì vậy không gì có thể làm hại được họ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Thần, Phật, Chúa vì sao không giúp để con người hết khổ?
Từ khóa Lễ nghĩa trí tuệ cổ nhân câu chuyện lịch sử