Trí tuệ cổ nhân: Người quân tử thi bắn cung
- An Hòa
- •
Bắn cung (“Xạ”) là một trong lục nghệ – sáu môn nghệ thuật – mà các học sinh thời xưa phải nắm vững. Bắn cung không chỉ là một môn thể thao vận động, nó hàm chứa trí tuệ của người xưa. Ví như trước khi bắn yêu cầu người ta phải điều chỉnh nội tâm, khiến cho tâm tĩnh lặng xuống. Sau khi tên bắn ra nếu không trúng đích thì cũng phải giữ tâm thật vững vàng, không được oán trách, phải tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình.
Trong Luận Ngữ viết: “Quân tử vô sở tranh, tất dã xạ hồ, ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kì tranh dã quân tử”, ý nghĩa là người quân tử có đức hạnh khí bình tâm hòa, ở cùng người khác thì cung kính khiêm tốn, sẽ không vì lợi ích cá nhân mà tranh chấp điều gì cả. Nếu nhất định có lúc cần phải tranh chấp thì đó phải là trong cuộc thi bắn cung, nhưng cho dù là trong cuộc thi bắn cung có tranh tài thì vẫn cần lễ nhượng đối với người khác. Đó mới là cách người quân tử bắn cung.
Bắn cung thông thường là hai người một tổ, thời điểm sắp lên đài thi đấu, hai người sẽ gặp nhau và tiến hành thi lễ vái chào. Trong trận thi đấu bắn cung thì luôn sẽ có người thắng người thua, luôn sẽ có người bắn trúng nhiều hơn và người bắn trúng ít hơn. Người bắn trúng ít thì khẳng định là trong tâm sẽ cảm thấy có mất mát, bởi vì đã bị thua. Lúc ấy, như trong Luận Ngữ viết, cần “hạ nhi ẩm”.
Hai người khi bắn cung xong sẽ xuống dưới uống một chén rượu, hơn nữa còn để cho người thua cuộc uống trước. Điều này để thể hiện rằng điều quan trọng hơn trong trận đấu này là đôi bên có cơ hội học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tranh hơn thua lẫn nhau hay những danh tiếng mà trận đấu mang lại. Điều này cũng giống như trong võ thuật truyền thống, mọi người đến để mài giũa rèn luyện, cho dù người có kỹ thuật cao hơn thì cuối cùng cũng sẽ đều nói: “Thừa nhượng! Thừa nhượng!”, ý tứ là ta thắng là bởi vì được người nhường. Điều này biểu đạt ra sự khiêm tốn, nhã nhặn, khiến đôi bên không bị mất đi hòa khí.
Trong cuốn Trung Dung giảng: “Tại thượng vị, bất lăng hạ; tại hạ vị, bất viên thượng”, ý tứ là người ở địa vị bên trên không cậy quyền thế bắt nạt người ở vị trí bên dưới, người ở vị trí bên dưới không luồn cúi người ở vị trí bên trên. Trong Trung Dung còn giảng: “Tố phú quý, hành hồ phú quý; tố bần tiện, hành hồ bần tiện”, nghĩa là người quân tử khi ở trong địa vị giàu sang sẽ làm những việc mà người giàu nên làm, chẳng hạn như dùng của cải của mình để làm những việc có ích cho thiên hạ, có ích cho dân chúng. Nếu ở trong hoàn cảnh nghèo khó thì người quân tử sẽ sống thanh bần đạo hạnh mà làm những việc người nghèo khó nên làm, dẫu ở ngành nghề nào, dù là làm nông, cũng tận chức tận trách. Cho nên, người quân tử dù ở hoàn cảnh nào cũng đều có thể trầm tĩnh và bình thản.
Sách Tăng Quảng Hiền Văn viết, dù có ruộng tốt vạn khoảnh thì một ngày bất quá cũng chỉ ăn ba bữa cơm, cho dù nhà có rộng ngàn gian thì buổi tối ngủ cũng chỉ chiếm dụng tám thước là cùng. Cho nên người quân tử không coi trọng việc theo đuổi vật chất quá phận mà là đem tinh lực đặt vào việc bồi dưỡng đức hạnh của bản thân, còn đối với danh lợi phú quý thì người quân tử không tranh giành bằng được.
Có một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại kể rằng: Trong một thị trấn nhỏ, cuộc sống vô cùng thanh bình và yên ả. Một ngày nọ có người đến đây và nghĩ rằng ở đây có rất nhiều người, chi bằng hãy bán cà chua ở đây. Thế là anh ta bắt đầu bán cà chua và công việc kinh doanh của anh ta vô cùng tốt.
Có người thấy anh ta bán cà chua tốt như vậy, liền nghĩ: “Hay là ta cũng đến bán cà chua? Cà chua của anh ta bán 3 đồng thì ta bán 2 đồng rưỡi.” Sau đó, người cũ hạ giá bán cà chua của mình xuống hai đồng và hai người bắt đầu tranh giành lẫn nhau qua lại như thế, lợi nhuận càng ngày càng giảm. Cuối cùng, cả hai người họ đều không thể bán nổi nữa.
Cũng có một người ở thị trấn nhỏ khác buôn bán cà chua rất tốt, có người thấy việc kinh doanh của anh ta rất tốt và nói: “Anh bán cà chua tốt như vậy, hay là tôi bán trứng bên cạnh đi!” Thế là hai người họ phối hợp buôn bán. Người muốn mua cà chua lại tiện tay mua trứng, còn người vốn muốn mua trứng lại tiện tay mua cà chua. Hai người họ phối hợp buôn bán càng ngày càng tốt.
Thực tế, trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nhiều khi giữa người với người sẽ xuất hiện mối quan hệ cạnh tranh, đôi khi vì cạnh tranh mà chúng ta sẽ làm tổn thương hòa khí hơn nữa còn làm thương tổn rất nặng cho nhau. Chính bởi vậy người xưa đã để lại trí tuệ khiêm nhượng, cho phép giữa hai người có tồn tại sự cạnh tranh nhưng không làm tổn thương hòa khí.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Phương Vũ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Quân tử tranh giành