Trí tuệ cổ nhân: Thuận theo Thiên ý, nghe theo Thiên mệnh
- An Hòa
- •
Trong “Kinh Dịch. Hệ từ” có câu: “Nhạc Thiên tri mệnh, cố bất ưu”, vui với mệnh Trời ban cho nên không có gì phải ưu lo. Bậc minh quân, thánh hiền trong các triều đại xưa nay đều là người “thuận theo Thiên ý, nghe theo Thiên mệnh”, trọng Đạo, nuôi dưỡng Đức, chính vì vậy cho dù có sự tình gì xảy ra họ đều giữ được tâm thái lạc quan, điềm tĩnh, thản nhiên để đối mặt.
Trong “Tư trị thông giám” có ghi lại một câu chuyện như vậy. Thời Nam Bắc triều, Lý Hâm, vua Tây Lương, là người thiển cận, thường hay chỉ vì cái lợi trước mắt. Nhưng mẹ của ông là Doãn thái hậu thì lại rất trí tuệ, có hiểu biết thâm sâu.
Mùa thu năm 420, vua Thư Cừ Mông Tốn của Bắc Lương quyết định đánh chiếm Tây Lương. Vì muốn giành chiến thắng bất ngờ, Mông Tốn đã dẫn quân vờ đánh thành Hạo Môn của Tây Tần. Song khi đến Hạo Môn, quân Bắc Lương ngay lập tức rút lui và ẩn náu tại Xuyên Nham. Lý Hâm nghe tin Bắc Lương tấn công Tây Tần thì vô cùng cao hứng, quyết định nhân cơ hội này đánh chiếm đô thành của Bắc Lương.
Doãn thái hậu nghe thấy tin này thì vội vàng tới ngăn con trai lại. Bà nói với Lý Hâm rằng:
“Con thật hồ đồ. Tây Lương là quốc gia mới lập, địa vực nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt, khả năng tự vệ còn không đủ, sao có thừa lực để đánh chiếm nước khác. Khi tiên vương lâm chung đã khẩn thiết khuyên bảo con dụng binh phải cẩn thận, bảo vệ đất nước, trấn an dân chúng, chờ đợi thời cơ. Lời của tiên vương vẫn còn ở bên tai, sao con có thể vứt bỏ mà không nghe?”
Bà lại nói với con rằng:
“Thư Cừ Mông Tốn giỏi về dùng binh, không phải người mà con có thể đối đầu được. Mấy năm nay, người đó vẫn luôn muốn chiếm nước ta. Nước ta tuy nhỏ nhưng cũng đủ để con thực hành thiện chính, tu dưỡng đạo đức, dưỡng dục dân chúng, lấy tĩnh chế động. Thư Cừ Mông Tốn nếu ngu xuẩn tàn bạo thì dân chúng tự nhiên sẽ quy thuận con. Còn nếu đó là người anh minh thì con nên phụng dưỡng, sao có thể hành động thiếu suy nghĩ, hy vọng may mắn thành công đây? Dùng binh lần này chẳng những tổn thất binh lính mà e rằng còn khiến đất nước diệt vong”.
Doãn thái hậu đau khổ khuyên bảo nhưng Lý Hâm không nghe, khăng khăng dẫn đại quân xuất phát. Kết quả quân Tây Lương rơi vào mai phục của Thư Cừ Mông Tốn, toàn quân bị diệt, bản thân Lý Hâm cũng bị giết. Tây Lương bị Bắc Lương chiếm lĩnh, Doãn thái hậu cũng bị bắt.
Thư Cừ Mông Tốn biết rằng mưu kế của mình không lừa gạt được Doãn thái hậu. Ông luôn kính nể tài trí và kiến thức của Doãn thái hậu nên đã tự mình đi thăm hỏi bà. Doãn thái hậu gặp Thư Cừ Mông Tốn, sắc mặt không thay đổi, hơn nữa còn thể hiện thái độ xem thường Mông Tốn. Người bên cạnh đi cùng Mông Tốn đã lặng lẽ nói với thái hậu: “Mạng của bà đang nằm trong tay người ta, sao có thể ngạo mạn như vậy?”
Doãn thái hậu nghe xong, bật cười nói: “Một bà già như ta, nước mất nhà tan, chẳng lẽ còn phải tham luyến quãng đời còn lại, làm nô bộc cho người khác sao?”
Người kia thấy kỳ lạ liền hỏi: “Con của bà đã chết, quốc gia cũng đã bị diệt vong, lẽ nào bà không thấy bi thương?”
Doãn thái hậu giữ vẻ bình thản nói: “Sinh tử tồn vong đều là Thiên mệnh đã định. Ta không phải là một đứa trẻ, sao phải giả bộ bi thương?”
Thư Cừ Mông Tốn nghe xong những lời này càng thêm kính trọng Doãn thái hậu. Ông ta không những không trách thái hậu mà trái lại còn cho con trai mình là Thư Cừ Mục Kiền lấy con gái của Doãn thái hậu về làm vợ, hai gia đình kết thành thông gia.
Chính bởi vì trong tâm biết chấp nhận mệnh Trời, thuận theo ý Trời, cho nên Doãn thái hậu tuy rằng nước mất nhà tan nhưng vẫn giữ được thái độ lạc quan, khoáng đạt, bình tĩnh như không có đại sự xảy ra.
Văn hóa truyền thống có rất nhiều điều bàn về “Thiên mệnh”. Khổng Tử từng giảng: “Sống chết có số, phú quý do Trời”. Minh quân của các triều đại cũng bằng lòng với số mệnh Trời cho, thuận theo Thiên ý mà hành.
Trong cuốn “Thái Bình quảng ký” chép rằng, năm thứ 22 Trinh Quán thời Đường Thái Tông, sao Thái Bạch nhiều lần xuất hiện giữa ban ngày. Thái sử nói: “Đây là điềm báo nữ quân chủ sắp sửa nổi dậy”. Một thời gian sau, trong dân gian lại truyền nhau câu nói: “Sau ba đời nhà Đường, nữ chủ Võ Vương nắm thiên hạ”.
Hoàng đế Đường Thái Tông cảm thấy lo lắng trước những lời đồn đại này nên đã âm thầm tìm Lý Thuần Phong, người tinh thông thiên văn địa lý và Kinh Dịch để hỏi về số mệnh của triều đại nhà Đường.
Lý Thuần Phong đáp: “Số mệnh của Đường triều kéo dài khoảng 300 năm, tuy nhiên trong cung sẽ có một người cướp đi thiên hạ của Lý gia”.
Hoàng đế Đường Thái Tông nói: “Vậy thì ta sẽ giết hết người đó để diệt trừ hậu họan!”
Lý Thuần Phong đáp: “Đây là Thiên ý, sức người có thể làm gì được? Người này hiện giờ đã ngoài 20 tuổi, nếu giờ giết chết đi, Trời tất sẽ giáng họa nước ta, con cháu nhà Đường càng nguy hiểm.”
Hoàng đế Đường Thái Tông là người biết lắng nghe lời khuyên can, biết Thiên mệnh là không thể trái, vì thế dù biết rằng có tai họa uy hiếp, triều Đường sắp chìm ngập trong tai ương nhưng ông vẫn thuận theo Thiên ý, không làm ra những chuyện lạm sát, không xuống tay diệt trừ hậu hoạn. Đường Thái Tông từ đó cũng không hỏi đến chuyện này nữa.
Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng lịch sử thời xưa, từ người ẩn cư nơi thâm sơn, cho đến quốc vương một nước, hay thậm chí cả những bậc Giác giả đắc Đạo, đều biết rằng hết thảy đều là ý Trời, sức người không thể kháng cự được, do vậy chi bằng thuận ý Trời mà làm việc cõi người. Những ghi chép trong tôn giáo về Đức Phật Thích Ca hay Chúa Giê-su cũng có không ít tiết lộ Thiên cơ ấy.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Mã Tiền Khóa và tài tiên đoán lịch sử chuẩn xác của Gia Cát Lượng
- Vận mệnh trong lý niệm của cổ nhân
Thiển đàm về sự thần bí của những lời tiên tri trong văn hóa nhân loại
Mời xem video:
Từ khóa số mệnh Thiên mệnh Thiên ý