Sau chiến thắng của Vua Tabinshwehti và tướng Bayinnaung, việc dời đô về Pegu giúp Taungoo phát triển mạnh thương mại, từ đó quân đội cũng được xây dựng ngày càng hùng mạnh.

Vua Tabinshwehti mong muốn thống nhất các quốc gia

Khi Taungoo tiến đánh Hanthawaddy thì Ava ủng hộ Hanthawaddy, liên minh với Arakan sẵn sàng đánh Taungoo. Năm 1541 khi Taungoo tiến đánh Martaban của Hanthawaddy thì liên quân Ava và Arakan tiến đánh Taungoo. Tuy nhiên quân Taungoo nhờ có tổ chức tốt hơn nên đánh bại liên quân này.

ban do dong hu 1
Taungoo sau khi thôn tính được Hanthawaddy và chiếm được Prome. (Tranh: Hybernator, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1542, Taungoo quyết định tiến đánh Prome (thành phố Pyay hiện nay), một chư hầu của Ava. Liên quân Ava và Arakan tấn công để bảo vệ chư hầu nhưng thất bại, Taungoo chiếm được Prome. Thất bại khiến liên minh Ava và Arakan tan rã.

Tháng 12/1543, Ava tập trung lực lượng hải quân lớn nhất của mình nhằm tấn công lấy lại Prome. Tuy nhiên lúc này Taungoo nhờ giao dịch mua bán với nước ngoài (nhất là Bồ Đào Nha) nên mua sắm được vũ khí hiện đại. Dù có quân số ít hơn nhưng Taungoo đánh bại Ava. Sau đó Taungoo cho quân tấn công Ava và làm chủ được miền trung Myanmar.

Năm 1545, vua Taungoo là Tabinshwehti quyết định đưa quân sang phía tây tấn công Vương quốc Mrauk U của người Arakan vì đã liên minh với Ava. Trong cuộc tấn công này, Taungoo không đánh bại hẳn được người Arakan, nhưng chiếm được vùng đất lớn từ Hạ Miến đến tận Prome.

Quân Xiêm của vương quốc Ayutthaya (thuộc Thái Lan ngay nay) thường xâm lược nơi biên giới và vùng biển của Taungoo. Năm 1547, quân Taungoo tiến đánh chiếm lại được vùng biển.

Đến năm 1548, vua Tabinshwehti cùng tướng quân Bayinnaung chia quân làm 3 cánh vượt biên giới tiến đánh Vương quốc Ayutthaya. Quân Miến tiến đánh đến Kinh thành, bắt được cả Thái tử và Hoàng tử của Ayutthaya, nhưng không sao chiếm được vì thành xây dựng rất kiến cố. Sau đó quân Xiêm tập trung quân từ các nơi đến phản công khiến quân Miến phải thương lượng trả lại Thái tử và Hoàng tử rồi rút về nước.

Sau đó vua Tabinshwehti đưa quân lên bắc tiến đánh Ava nhưng không thành phủi rút về.

Năm 1550, vua Tabinshwehti bị ám sát. Taungoo trở nên loạn bởi không có người đứng đầu, tất cả các vùng đất của Taungoo đều bị quân đội cùng người bản xứ giành lại.

Bayinnaung thống nhất Myanmar, chinh phục lân bang

Trong thời điểm khó khăn này, Bayinnaung trở thành trụ cột và cứu tinh của Taungoo, ông lên ngôi Vua của Taungoo. Trước đây Bayinnaung cùng chị gái lớn lên bên Thái tử Tabinshwehti và công chúa Thakin Gyi. Khi Thái tử Tabinshwehti lên ngôi đã lấy chị của Bayinnaung làm hoàng hậu. Bayinnaung cũng lấy công chúa Thakin Gyi.

Bayinnaung
Tượng Bayinnaung ở phía trước Bảo tàng Quốc gia Myanmar. (Ảnh: Phyo WP, Wikipedia, Public Domain)

Khi Vua Tabinshwehti mất, đất nước bị phân chia, Bayinnaung lên ngôi Vua và tiến hành cuộc chiến 2 năm (1550-1552) thống nhất Taungoo, lấy lại những vùng đất bị mất. Không chỉ thế, Bayinnaung đưa quân tấn công Ava và chiếm được Kinh đô của Vương quốc này vào năm 1555. Ava chính thức bị diệt vong.

Năm 1557 đến1558, Bayinnaung đưa quân ra bắc chinh phạt được các tiểu quốc người Shan ở phía bắc. Năm 1563, ông đưa quân đến tận Vân Nam (Trung Quốc ngày nay) để đánh người Shan và thu phục được vùng đất của người Shan ở Vân Nam.

Chinh phục Xiêm, Lan Xang

Năm 1556, Bayinnaung cho quân tấn công Vương quốc Lan Na (miền bắc Thái Lan ngày nay), tấn công vào Kinh đô Chiang Mai và đánh bại Lan Na.

Lúc này Vua của Ayutthaya có 7 con voi trắng. Theo văn hóa của người Miến, người Xiêm và người Lào thì vị Vua nào được sở hữu voi trắng được xem là “chính danh”, có “chân mệnh”. Voi trắng được xem là bảo vật vô giá.

Bayinnaung yêu cầu Vua của Ayutthaya cống nạp cho mình 2 voi trắng trong số 7 con voi này. Nhưng Vua Ayutthaya không đồng ý.

Năm 1563, Bayinnaung xuất quân tiến đánh Ayutthaya làm hai hướng. Một hướng từ Taungoo với 6 vạn quân, 2.400 chiến mã, 360 thớt voi. Và một hướng khác từ Lan Na tiến xuống. Ayutthaya không chống nổi và bị diệt.

Năm 1570, Bayinnaung cho quân tấn công và đánh bại Lan Xang (Lào ngày nay).

Taungoo 1
Đế quốc Taungoo (Đông Hu) hùng bá Đông Nam Á. (Ảnh: Soewinhan, Wikipedia, Public Domain

Đến đây một Đế quốc rộng lớn của Đông Nam Á được hình thành, bao gồm Myanmar, một phần Bangladesh, bang Manipur của Ấn Độ, Thái Lan, Lào, một phần tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Diện tích lên đến 1,550,000 km2.

Bayinnaung tự xưng là “Vua của các Vua”. Kinh đô Pegu là hải cảng quan trọng, nơi giao thương các nước trong khu vực và thế giới. Myanmar bước vào thời kỳ rực rỡ, lân bang đều quy phục và cống nạp hàng năm.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: