Từ tiếu lâm tới hiện thực sinh động
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Người Việt vốn bị ám ảnh bởi chuyện thực hay ảo. Thế nên ngay cả xem hay đọc các tác phẩm hư cấu người ta vẫn cố nghĩ xem đâu là thực, đâu là ảo!
Đấy là sự lạ vì người Việt vốn không có truyền thống và xu hướng suy tư triết học.
Nhưng gần đây có một xu hướng thú vị hơn nhiều là ảo hóa thành thực, tiếu lâm biến thành hiện thực sinh động.
Một anh bạn làm nghề tổ chức sự kiện văn hóa kể hai chuyện tôi nghe nhân một ngày nắng đẹp. Anh bạn cam đoan chuyện thật 100%.
Chuyện thứ nhất diễn ra ở một trường học. Anh bạn nhờ bạn giới thiệu, lần mò đến trường gặp lãnh đạo trường để xin tổ chức hội sách, giao lưu văn hóa đọc. Sếp chỉ định cho một giáo viên có chức vụ tiếp. Mới nghe anh bạn trình bày vài ý cô đã gạt đi: “Xin nói để anh biết là trường tôi toàn giáo sư tiến sĩ bận lắm thời gian đâu mà đọc sách”.
Thế là anh bạn lủi thủi về.
Chuyện thứ hai diễn ra ở một công ty nọ. Khi anh bạn đang kể chuyện về Hồ Nguyên Trừng chợt nhận ra nhiều người ngơ ngác nên hỏi một anh bạn trẻ: “Em biết Hồ Nguyên Trừng không?”. Anh bạn trẻ cười ngượng ngập bảo: “Em không follow nên không biết ạ”.
Nghe anh bạn kể tôi giật mình vì cả hai trước kia đều là chuyện tiếu lâm nay bỗng nhiên thành hiện thực sinh động.
Chuyện thứ nhất ngày xưa được kể dưới dạng tiếu lâm là có một ông bạn về hưu non ở nhà buồn nên tìm đến cơ quan nọ xin gặp sếp là bạn học cũ để nói chuyện ngày xưa. Bảo vệ nhất định không cho vào và hỏi cho kì được quan hệ giữa hai người là thế nào. Khi nghe ông khách bảo “Tôi là bạn học với sếp anh” thì anh bảo vệ đẩy luôn ông ra khỏi cổng quát “Sếp tôi có đi học ngày nào mà có bạn!”.
Chuyện thứ hai thì phổ biến hơn, tiếu lâm hơn. Đấy là chuyện “Ai lấy nỏ thần An Dương Vương” hay “Lý Quỳ đánh nhau với Mao Trạch Đông”. Ngày xưa người ta hay kể cho nhau cho vui ai ngờ có một ngày nó thành thật.
Thế mới biết thế gian biến ảo khôn lường. Chả biết đâu mà lần.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương học lịch sử