Tuệ luận: thầy-trò (P5) – Lê Hữu Khóa
- Lê Hữu Khóa
- •
Tri kỷ của chủ thể đôi
Phải phân tích quan hệ thầy-trò là quan hệ phức tạp hàng đầu của kiếp người, vì tại đây kiến thức song đôi cùng đạo lý, vì tri thức song cặp cùng luân lý, để nhận thức song hành cùng giáo lý, nơi mà thầy và trò, mỗi bên có tiêu chí riêng của mình, nơi mà tiêu chuẩn người này không phải là ưu tiên của người kia. Cho nên, khi trò đã chọn được thầy rồi, nhưng chưa chắc thầy đã chọn trò để đào tạo trò. Ngược lại, cũng có thầy khi chọn được trò giỏi rồi, nhưng chính trò giỏi này lại khâm phục và theo «phò» một người thầy khác để được người thầy này «phó» cho một chân trời khác, hợp với trò này hơn. Tại đây, ẩn hiện một quan hệ ngầm, không hề lén lút, không hề phạm pháp, nhưng thường là ngầm, vì sao? Vì ngầm-để-ngâm: «Thức khuya mới biết đêm dài»; ngầm-để-ngậm: «Sống lâu mới biết lòng người có nhân»; ngầm-để-ngẫm: «So ra mới biết ngắn dài»… Mỗi người, thầy và trò, đều chủ động từ đề nghị tới đối thoại, từ quyết định tới hành động, họ làm nên chủ thể đôi; khi họ chấp nhận nhau không những để học-hành, mà còn để chung-chia từ kiến thức tới giáo lý. Và khi chủ thể đôi này tâm đầu ý hợp, tâm giao đắc khí, họ sẽ vượt thoát các khó khăn trong học thuật, họ sẽ vượt thắng các ngõ cụt của lý trí. Nên chủ thể đôi đầy ý thức, dày nhận thức để hiểu là khi chọn lầm thầy, tuyển nhầm trò, thì sẽ có những hệ lụy, sẽ phải nhận những hậu nạn mà không ai lường trước được!
Nếu trò đúng là chủ thể, thì chủ thể này lấy sáng kiến của mình để chọn thầy, rồi dùng sáng tạo cũng của chính mình để tạo nên quan hệ thầy-trò, trong đó không những có sự tôn trọng lẫn nhau, mà có luôn niềm tin đôi ngự trị ngay trong chủ thể đôi, mở ra con đường đi để khám phá kiến thức. Niềm tin đôi như một giá trị thiêng liêng vượt qua những hợp đồng của hai bên cùng có lợi, nó vượt thoát luôn loại thỏa hiệp có phân công một cách máy móc; vì niềm tin đôi khởi đầu và kết thức bằng sự công nhận nhau, làm nên sự hãnh diện của mỗi bên biết cùng nhau vượt thắng mọi thăng trầm nhờ thầy hay-trò giỏi. Quá trình của chủ thể đôi biết dựa trên niềm tin đôi luôn song hành cùng sự kính trọng thầy của trò và lòng yêu quý trò của thầy, chính sự kính trọng thầy và lòng yêu quý trò này làm nên một công trình đạo lý trong giáo dục: ơn sâu nghĩa nặng của thầy đối với trò không những đã giảng dạy, chỉ bảo, mà còn bảo bọc, trao truyền từ kiến thức tới bí quyết để thành tài, rồi thành người trong nghĩa thành nhân trọn vẹn nhất. Phương trình chủ thể đôi–niềm tin đôi không hề lý thuyết, không hề trừu tượng, khi ta nhận diện ra phương trình này qua nhân diện của thầy, khi thầy vui cười trong hãnh diện giới thiệu trò với bạn bè, đồng nghiệp: «Đây là học sinh giỏi của tôi», «Đây là môn sinh quý của tớ», «Đây là môn đệ hay của thầy»… Và phương trình chủ thể đôi–niềm tin đôi không hề viễn vông, không hề mơ hồ, khi ta thấy vóc dáng của phương trình này qua nhân dạng của trò, khi trò kính cẩn trong vui sướng khi giới thiệu thầy với bạn bè, đồng nghiệp: «Đây là người thầy cao quý của tôi», «Đây là người thầy mà tôi quý trọng nhất», «Đây là người thầy luôn có mặt trong mọi bước đường đời của tôi»…
Trong lịch sử học thuật của nhân loại, người ta gọi người này là thầy của một chủ thuyết; người ta gọi người kia là thầy của một trường phái trong nghệ thuật… Nhưng từ thầy của một chủ thuyết, một trường phái cũng đang mất chỗ đứng, ghế ngồi trong sinh hoạt học thuật và trong sinh hoạt sáng tạo của xã hội hiện nay, nó bị thế hệ mới xem như lỗi thời. Kể cả trong môi trường đại học, khi xưa với thầy ngự trị trong giảng đường với lời vàng thước ngọc qua hình ảnh khẩu tài hùng biện của thầy, nay được hoặc bị thay thế bởi số lượng, quá nhiều trường, đi cùng với quá nhiều thầy, mà số lượng càng tăng, càng nhiều, thì quan hệ thầy-trò càng mất đi sự gắn bó. Chưa kể đến sự ngập tràn tin tức, dữ kiện, sự kiện luôn đặt vai trò của tri thức ở thế báo động, cái bền của một bài giảng trong giáo án, giáo trình của thầy luôn bị xáo động bởi chính cuộc sống có quá nhiều biến động.
Nhưng chủ thể đôi khi có chỗ dựa là niềm tin đôi làm rõ nét quan hệ học thuật đường dài giữa hai cá thể, giờ đã là hai chủ thể của kiến thức, thí dụ thì không thiếu: khi trò tìm thầy để làm luận án trong nhiều năm; khi thầy và trò cùng nhau nghiên cứu cùng một chủ đề, cùng một chuyên môn trong một trung tâm nghiên cứu qua nhiều năm. Tại đây sinh hoạt tri thức thường xuyên, có trao đổi kiến thức thường trực, làm nên sự gắn bó, dựng nên một quan hệ vững của kính trên nhường dưới, chế tác ra quan hệ lâu dài của thầy trao truyền-trò tiếp nối, đây là độ bền của quan hệ được trải nghiệm qua độ vững của trí tuệ. Quan hệ lâu dài của thầy trao truyền-trò tiếp nối, sẽ tự tồn để tự tại, khi trò nhận ra:
- Thầy là người có tri thức tổng quát song hành cùng kiến thức tổng quan, làm ra tổng thể của nhận thức, cụ thể là chỉ có thầy mới tổng kết được những chuyện mà trò cần học, cần hỏi, cần tra, cần xét, vì trò cần các câu trả lời của tổng luận. Và hệ tổng (tổng quát, tổng quan, tổng thể, tổng kết, tổng luận) là môt tiêu chuẩn rất cụ thể để chọn thầy.
- Thầy là người có chuyên môn sâu, trong một chuyên ngành sắc, qua một chuyên khoa nhọn, nơi mà thầy là một chuyên gia cao với chuyên nghiệp bén. Nên, hệ chuyên (chuyên môn, chuyên nghành, chuyên khoa, chuyên gia, chuyên nghiệp) mang tiêu chuẩn sâu, sắc, nhọn, bén, cao này, vì vậy trò mới tìm tới thầy.
Trong hành tác của thầy, trò nhận thấy: độc chiêu! Trong lao tác của thầy, trò nhận ra tuyệt chiêu!
Tầm vóc thầy-vai vóc trò
Tầm vóc thầy không bị khung trong cơ chế của giáo dục, bản lĩnh thầy không bị bó trong khuôn hành chính của giáo trình, vì nội công thầy tới từ học lực của riêng thầy, nó tràn mạnh trong giáo án, nó trào dâng trong giáo khoa. Tại đây, trò nhận ra ngay: tầm vóc thầy, bản lĩnh thầy, nội công thầy để tìm đến thầy, mà chưa chắc đồng nghiệp, đồng môn của chính thầy thấy rõ được tầm cỡ thầy bằng trò. Câu chuyện tầm vóc thầy, bản lĩnh thầy, nội công thầy, tầm cỡ thầy vừa khách quan của mắt thấy tai nghe, lại vừa chủ quan trong sự cảm phục dẫn tới sự khâm phục đôi khi vô điều kiện với thầy, cụ thể là trò không tiếp tục đi tìm thầy khác nữa, để xem có ai giỏi hơn thầy không? Câu chuyện tầm vóc thầy, bản lĩnh thầy, nội công thầy, tầm cỡ thầy làm nên sức tỏa sáng của thầy có khi vượt qua chức năng làm nên định nghĩa giáo chức của thầy. Sức tỏa sáng này giúp trò nhận ra sau hình ảnh của thầy là nhân ảnh cao, sâu, xa, rộng trong tri thức, của một nhân dạng hay, đẹp, tốt, lành trong giáo lý.
Nên lý lịch của thầy thì rất dễ có, nhưng chân dung chính xác của thầy qua nhân diện đúng, nhân dạng trúng, thì phải học thầy, theo thầy, hiểu thầy mới nhận ra nhân bản của thầy. Và chính các nhân tố của nhân bản làm nên nhân văn, để nhân văn dựng lên nhân vị, dựa vào nhân tri có trong nhân trí của thầy mà trò sẽ có được vai vóc của riêng mình, khi được thầy rèn luyện trong nhân đạo, khi được thầy tôi luyện bằng nhân phẩm. Tại đây, trường học và trường đời là một, vì thầy vừa là trường của trường, đời của đời. Câu chuyện tầm vóc thầy-vai vóc trò giờ đã thành chuyện tầm vóc nhân-vai vóc người, trong bài học của Rousseau: «Les hommes! Soyez humains (con người ơi! hãy giữ nhân tính), vì sinh ra làm người, mà có khi sống cả đời cũng không thành nhân, vì không có nhân tính của hệ nhân (nhân bản, nhân văn, nhân vị, nhân tri, nhân trí, nhân đạo, nhân phẩm). Và, thầy sẽ nhận trọng trách trao hệ nhân này tới trò, với những giá trị nhân tính đúng nhất, ở đây không chỉ là câu chuyện giảng dạy kiến thức, mà là câu chuyện trao truyền ý thức. Một ý thức có nhân phẩm để nhận nhân quyền, lấy nhân quyền để bảo vệ, bảo trì, bảo hành nhân phẩm. Nhiều người vì không có được cơ hội để được giáo dục, để nhận được giáo lý làm nên đạo lý và luân lý, nên thật bất công và bất hạnh cho các cá nhân đi ngang nhân thế này, nhân loại này, nhân sinh này mà không thành nhân, để được nhận từ nhân phẩm tới nhân quyền.
Phạm trù của hệ nhân (nhân bản, nhân văn, nhân vị, nhân tri, nhân trí, nhân đạo, nhân phẩm) dựng lên nhân quyền trong hiện trạng giáo dục hiện nay của Việt Nam không hề là một ưu tiên của độc đảng đang độc tài nhưng hoàn toàn bất tài trong tổ chức giáo dục, chỉ vì vô minh trước giáo lý của hệ nhân. Khi độc đảng dùng độc tài để độc trị trong ngu dân qua tuyên truyền vừa phản nhân bản, vừa phản nhân trí, thì chính loại tuyên huấn vô tri này của độc đảng chỉ biết độc tôn, đã thui chột hóa tri thức về nhân quyền làm nên ý thức, dựng lên nhận thức. Vì hệ thức là toàn bộ của quá trình kiến thức-tri thức-ý thức-nhận thức, nếu học sinh và sinh viên chỉ có kiến thức căn bản với tri thức kỹ thuật, mà không có ý thức về nhân phẩm, không có nhận thức về nhân quyền, thì nền giáo dục hiện nay của Việt Nam không những bị què quặt hóa, mà còn bị âm binh hóa bởi tà quyền đang dẫn dắt giáo dục vào ma đạo của vô giác, cha đẻ của vô cảm.
Chính hệ nhân (nhân bản, nhân văn, nhân vị, nhân tri, nhân trí, nhân đạo, nhân phẩm, nhân quyền) tạo tầm vóc cho thầy, sẽ làm nên vai vóc cho trò sau này, hãy nhận ra tầm vóc thầy trong hiện tại, để thấy vai vóc trò trong tương lai:
- Khi thầy giảng cũng như khi thầy trả lời các câu hỏi của trò, chính sự thật của kiến thức đã nhập nội vào giáo khoa của thầy đã được cá tính hóa qua học lực của thầy. Mà quá trình cá tính hóa học lực của thầy lại có hùng lực riêng của nó là biết xếp đặt các kiến thức vừa khó lại vừa cao, vừa khúc mắc lại vừa tế nhị vào một hệ thống tri thức vừa chỉnh lý lại vừa toàn lý, Thầy dạy trò: biết hợp lý vì có thâm lý.
- Khi thầy giảng cũng như khi thầy trả lời các câu hỏi của trò, trò sẽ nhận ra tấm gương sáng trong giáo khoa của thầy, sáng vì trong, trong sáng trong khiêm nhường làm nên khiêm tốn, và thầy khiêm cẩn ngay trên chính kiến thức của thầy. Trò thấy thầy nhìn xa trông rộng, nhưng cũng chính thầy rất cẩn thận biết dùng tự do của chính thầy để được ra lùi xa khỏi kiến thức của mình, để được nhìn các kiến thức khác xa hơn, rộng hơn. Từ đó thầy biến hành vi khiêm nhường, khiêm tốn, khiêm cẩn thành quyền năng của giải thích mà trong giải thích của thầy có phê bình ngay trên kiến thức của mình và tự phê bình ngay trên khuyết điểm, nhược điểm của mình. Thầy dạy trò: biết người, biết ta.
- Khi thầy giảng cũng như khi thầy trả lời các câu hỏi của trò, trò sẽ nhận ra là thầy giúp trò hiểu trò hơn, đây chính là hiệu quả giáo dục ở cấp cao nhất, thầy là thầy trong «tim gan» của trò. Thầy không giúp trò hiểu trò hơn về mặt tâm lý, về đời sống riêng tư, mà thầy giúp trò hiểu trò hơn về mặt khoa học luận, vì thầy lấy lý luận của thầy để giúp trò tự lập luận, vì thấy lấy giải luận của thầy để giúp trò tự diễn luận, để trò tìm được lối ra trước các thử thách của trí tuệ. Thầy dạy trò: hiểu người để giúp người.
Từ hiểu-biết tới biết-làm, từ trí tới tâm
Khi trao một kiến thức, thầy trao luôn tri thức, chính là sự hiểu biết, nhưng hiểu biết vẫn còn là tri thức của lý thuyết luận, dùng lý thuyết này đã làm rõ, làm sáng lý thuyết kia, dùng tri thức này để soi sáng tri thức kia. Nhưng hiểu biết trên lý chứng như vậy, vẫn chỉ là nửa đoạn đường trong sứ mệnh của thầy, thầy còn phải tiếp tục hướng dẫn trò biết-làm, tức là thầy sẽ cùng trò vận dụng lý thuyết của tri thức để sử dụng vào thực tế, thầy sẽ chỉ đường đi nước bước trong thực hành, thầy sẽ dạy đường đi nẻo về trong thực tại. Đây vừa là giáo khoa, vừa là giáo thuật của thầy để đưa trò từ lý thuyết luận tới phương pháp luận: hiểu để biết, biết để làm, và làm được, làm thành công tức là hiểu tới nơi tới chốn rồi. Cụm từ tới nơi tới chốn là kết quả mà cũng là thành quả trọn vẹn trong nhiệm vụ làm thầy đối với trò. Vậy mà vẫn chưa xong, thầy còn biết đi thêm bước nữa nếu thầy có trọn vẹn công tâm, có đầy đủ tâm huyết với trò, thầy sẽ dùng kinh nghiệm luận mà chính thầy đã trải nghiệm, tức là đã trả giá rồi, để giúp trò có kết quả cao mà không có hậu quả sâu, thầy giúp trò có hiệu quả tối đa với đầu tư ít nhưng năng suất sẽ cao. Và kinh nghiệm luận là so sánh các kinh nghiệm khác nhau qua lý luận của kết quả nhiều thành quả, ít hậu quả, hoàn toàn ngược lại với loại kinh nghiệm chủ nghĩa cá nhân, chỉ lấy kinh nghiệm của riêng mình là «sống lâu lên lão làng» để «cả vú lấp miệng em». Trong kinh nghiệm luận thầy giúp trò thấy rằng song hành cùng lý trí có: mưu trí, cùng kỹ thuật có: nghệ thuật, cùng kỹ năng có: hiệu năng, không chỉ của thầy mà của nhiều người khác. Từ đây, vai trò của định lượng qua cân, đo, đong, đếm biết song hành cùng sự thông minh của định chất, nơi mà cảm nhận làm nên cảm xúc, để cảm động mà đi sâu vào lòng người, có tâm giao để đắc khí, mà không cần phải tùy thuộc hoàn toàn vào số lượng, số nhiều, số cao…
Câu chuyện từ hiểu-biết tới biết-làm, giờ đã thành câu chuyện sâu hơn của từ hiểu-biết định lượng tới biết-làm định chất, và nếu người thầy giỏi này lại là một người thấy lớn: có lý trí lớn vì có trí tuệ cao và có tuệ giác sâu, thì người thầy lớn này sẽ vạch cho trò định hai hướng rành mạch: hướng trí tuệ và hướng nhân tâm. Hướng trí tuệ có công thức làm nên mô thức, có toán học làm chỗ dựa cho các ngành khoa học thực nghiệm, khoa học xã hội và nhân văn; và hướng nhân tâm, nơi mà sự đồng cảm về nỗi khổ niềm đau của đồng loại sẽ dẫn tới sự đồng tâm để cùng nhau vượt thoát khổ đau, vượt thắng vô tâm làm nên vô cảm, con đẻ của vô giác, tiền nạn của vô minh và vô tri. Thầy còn dặn ta: «hướng trí tuệ giúp trò thành tài, và hướng nhân tâm giúp trò thành người!» Mà trò sẽ hiểu ra khi đi hết đường đời là thành người thật sự khó hơn thành tài. Thầy Tiên Điền-Tố Như, tức là Nguyễn Du, sư phụ của rất nhiều thầy trong Việt tộc có dặn một lời thấu tâm: « Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ». Câu chuyện từ hiểu-biết định lượng tới biết-làm định chất, giờ đã là câu chuyện cao hơn hiểu-biết tài để tới biết-làm tâm, có đồng cảm làm nên đồng tâm, của tất cả cá nhân trong nhân sinh phải biết giữ nhân tâm để nhận ra cho rõ mình có cùng một giòng sinh mệnh với tha nhân, mình đồng cam cộng khổ với đồng bào, mình chia ngọt sẻ bùi với đồng loại. Nhờ thầy mà trò đã nhận ra nhân dạng -rất đa dạng của nhân thế– qua hệ đồng (đồng cảm, đồng tâm, đồng cam, đồng bào, đồng loại).
Bóng tối của trao, bóng đêm của truyền
Khi giáo dưỡng thường xuyên bởi thầy, và trò là học trò độc nhất mà thầy sẽ trao không những tuyệt chiêu, mà còn được truyền cả độc chiêu, thì trò nên nhìn lại quá trình thầy đào tạo này, trò nhận ra là thầy đã lẳng lặng đi từ trình độ căn bản của kỹ thuật của kiến thức để dần lên cao về nghệ thuật của tâm thức. Trò vẫn nghĩ như vậy là mình đã đắc đạo rồi! Nhưng vẫn chưa xong, trò lại nhận ra có một trình độ khác trong giáo thuật của thầy: đó là ma thuật! Nơi mà nội công của thầy đã thực hiện được sự hội tụ giữa kỹ thuật của kiến thức và nghệ thuật của tâm thức, cộng với tài năng hùng biện, kết với thông thạo của nghệ-nghiệp, nhập với kinh nghiệm đặc sắc mà thầy cho lộ ra một hùng thuật! Đủ khả năng, đủ tầm vóc, đủ bản lĩnh để thuyết phục mọi người. Và, từ đây, có lúc thầy lẫn trò, có thể biến hùng thuật thành ma thuật, có khi để vụ lợi, vì tư lợi.
Câu chuyện bóng tối của trao, bóng đêm của truyền bây giờ đã lộ rõ chân dung của câu chuyện chước quỷ mưu thần, mà thầy có thể trao-truyền cho trò. Trong thâm sâu của câu chuyện có ý muốn làm nên ý định, có ý định làm nên ý lực, có ý lực làm nên ý đồ. Và trong cùng một cá nhân thì ý muốn ban đầu là rất tốt, với ý định lành, làm nên hùng thuật của ý lực, nhưng khi ý đồ được xây bởi vụ lợi, được đắp bởi tư lợi, thì ý đồ này đã bước vào bóng tối của tà quyền, vào bóng đêm của ma quyền. Hãy nhận ra những lần thầy dặn trò phải tới hội thảo này để gặp cho bằng được người này, phải tới hội nghị kia để gặp cho bằng được người kia, phải tới hội luận nọ để gặp cho bằng được người nọ. Mà người này, người kia, người nọ không hề là những người «vô thưởng vô phạt», họ không «vô danh tiểu tốt», không phải là những kẻ «ba phải», mà là những kẻ nếu không có tài năng qua trí tuệ, thì cũng có chức năng qua quyền lực, thường là họ có cả hai.
Hãy phân tích kỹ hơn nữa những lần thầy khuyên trò là trong hội thảo này thì nhớ tối đến ghé nhà hàng này để gặp được mạng lưới của người này. Rồi trong hội nghị kia thì nhớ cư ngụ trong khách sạn kia này để gặp được đường dây tổ chức của người kia. Mà không quên trong hội luận nọ thì nhớ ghé thường xuyên trong quán cà phê nọ để gặp được quan hệ ngầm của người nọ. Ma thuật của quan hệ cận kề với hùng lực của lý trí, mà trò phải hiểu tâm cảnh của thầy có ngay trong nghịch cảnh «ngược đời» của sự liên kết giữa các trường phái học thuật này, của sự liên minh giữa các nhóm quyền lực kia, tới liên đới giữa các khu vực lý trí nọ. Các trường phái học thuật này, các nhóm quyền lực kia, các khu vực lý trí nọ sống chung nhau nhưng luôn có cạnh tranh, luôn có thi đua, luôn có tranh giành trong hiềm khích, trong xung đột, trong kình chống lẫn nhau. Cũng trong nghịch cảnh «đấu đá» này, họ canh chừng từng ngày các so sánh lực lượng giữa các trường phái, giữa các bè nhóm, không những để tổ chức lại lực lượng của mình, mà họ biết tìm các thỏa hiệp qua liên minh, vì họ biết tìm các thỏa thuận qua liên kết.
Câu chuyện bóng tối của trao, bóng đêm của truyền giờ đây đã trở thành câu chuyện kỹ thuật của kiến thức và nghệ thuật của tâm thức có thể là hùng thuật của lý trí, của trí tuệ, của tuệ giác, hay ngược lại là ma thuật làm nên bóng ma quan hệ có ngay trong bóng tối của quyền lực, có ngay trong bóng đêm của quan hệ. Khi quyền lực lập quan hệ của nó là để tạo thêm ảnh hưởng cho riêng nó, trong đó nó trục lợi-vụ lợi-tư lợi với các hậu quả xấu mà nó không hề là nạn nhân trực tiếp! Nếu là trò, chúng ta trọng thầy giỏi, chúng ta phục thầy giảng hay, chúng ta quý thầy kỹ thuật, chúng ta thương thầy nghệ thuật, chúng ta trọng thầy dày hùng lực giáo khoa; nhưng chúng ta nên cẩn thận để cẩn trọng trong nghiêm cẩn trước thầy ma thuật, dù người thầy này yêu, thương, quý, trọng chúng ta tới đâu đi nữa. Vì có loại thầy yêu, thương, quý, trọng trò, đào tạo cho trò thành tài, nhưng khi thành tài rồi, thì chính trò khám phá là học lộ mà thầy đưa đường dẫn lối, thầy đã chỉ dẫn cho trò đường đi nẻo về, qua từng đường đi nước bước thì chính học lộ này đã làm trò mất: nhân tính! Chúng ta có thể thấy không ít đồng nghiệp khi để đi mất nhân tính thường là kẻ mất luôn nhân tâm lẫn nhân từ, nhân đạo lẫn nhân phẩm… và nhiều nhân khác nữa.
Nhưng khi gặp được một người thầy thật sự lớn từ trí tuệ tới giáo lý, thì chính người thầy này sẽ dặn ta là trong chính trị người ta áp đảo nhau bằng quyền lực, nhưng trong khoa học chuyện thắng thua rốt cuộc chỉ tùy thuộc vào: lý! Cái lý lập nên cái luận, chính lý luận sẽ giúp lập luận để giải luận hiện tại để diễn luận cho tương lai. Chính cái lý của sự thật sẽ làm nên chân lý cho lẽ phải, mà lẽ phải là lẽ đúng với cái thực, trúng với cái lý!
(Còn tiếp)
Lê Hữu Khóa
Tác giả gửi Trí Thức VN
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học * Giám đốc Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO-Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Từ khóa đạo làm thầy Lê Hữu Khóa đạo thầy trò tuệ luận thầy trò