Vài nét về cuốn Nội huấn của Nhân Hiếu Hoàng hậu thời Minh
- An Hòa
- •
Năm Vĩnh Lạc thứ hai triều nhà Minh, thời Minh Thành Tổ, Từ Hoàng hậu vì để dạy dỗ các phi tần trong hậu cung đã kết hợp các trước tác về chuẩn mực ứng xử của người phụ nữ trong các triều đại trước thành cuốn “Nội huấn”. Qua cuốn sách, hậu nhân vừa lĩnh hội được phong thái của vị Hoàng hậu hiền đức này đồng thời cũng có cơ hội hiểu biết nội hàm cao thâm của người phụ nữ truyền thống.
Theo sử sách ghi lại, Từ Hoàng hậu là con gái của vị công thần khai quốc Từ Đạt thời Minh. Bởi vì có tư chất thông minh, trinh khiết, nhã nhặn trầm tĩnh lại học rộng tài cao nên bà được đích thân Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nhận cho Minh Thành Tổ Chu Đệ. Bà luôn ân cần và thận trọng trong cách đối xử với mọi người, được Minh Thành Tổ yêu mến.
Khi loạn Tĩnh Nan nổi lên, Từ thị đã hiệp trợ trấn thủ Bắc Bình, khích lệ tướng sĩ. Sau khi Chu Đệ đăng cơ, bà thường khuyên Hoàng đế nghĩ đến mưu sinh của dân chúng, hầu hết những đề nghị của bà đều được Hoàng đế chấp nhận. Bà thực sự là mẫu nghi thiên hạ.
Năm 1407, Từ Hoàng hậu qua đời vì bệnh tật vào năm 46 tuổi, Hoàng đế vô cùng đau buồn. Ông đã vì bà mà cử hành nghi lễ tại hai ngôi chùa là Linh Cốc và Thiên Hi. Đồng thời Hoàng đế cũng phong cho Hoàng hậu thụy hiệu “Nhân Hiếu”. Từ đó Hoàng đế cũng không lập Hoàng hậu khác.
Nhân Hiếu Hoàng hậu để lại trước tác quan trọng là cuốn “Nội huấn”. Trong cuốn sách này, bà đã kết hợp các trước tác về chuẩn mực ứng xử của người phụ nữ trong các triều đại trước nhằm dạy dỗ các phi tần trong hậu cung, cũng như phụ nữ trong thiên hạ.
Nguyên tắc xử sự của một người vợ
Từ Hoàng hậu cho rằng người vợ nên thận trọng trong hành vi của mình: “Trong gia đình, người phụ nữ tự cho mình là chuẩn tắc thì hành vi tất sẽ chuyên quyền ngang ngược, kẻ khoe khoang tự phụ tất sẽ mang đến nguy hại, quen thói lừa người thì hành vi sẽ xấc láo, dơ bẩn. Hành vi chuyên quyền ngang ngược thì cương thường sẽ bị phế bỏ, hành vi nguy hiểm thì sẽ bị người chán ghét và tai họa theo đó mà đến. Hành vi ô uế bẩn thỉu thì đạo làm người sẽ tận. Chỉ cần nhiễm một trong những thói trên liền có thể phá hoại gia đình, tai vạ sẽ nảy sinh và thậm chí không có được kết cục tốt lành.”
Theo Từ Hoàng hậu, phụ nữ nên “biết săn sóc biết thuận theo, bảo trì tiết tháo trung trinh thuần khiết, tuân theo cổ huấn “tam tòng”, thận trọng với sự khác biệt giữa trong ngoài và nam nữ, thường mang tâm cung kính. Nhờ đó có thể sắp xếp hợp lý các sự vụ trong gia đình, điều hòa tình cảm giữa bề trên với bề dưới, khiến quan hệ thân quyến càng thêm hòa thuận”.
Từ Hoàng hậu cho rằng “theo đạo trinh thuận có thể làm tăng cái đức của người phụ nữ” và “người phụ nữ là người thuận theo, đạo của vợ chồng là nghĩa của cương nhu”. Người chồng quý trọng che chở cho người vợ, người vợ ân cần chăm sóc cho người chồng, chồng và vợ có phương thức khác nhau để biểu đạt tình nghĩa. Điều này là phù hợp quy luật âm dương của trời đất, cũng phù hợp với đạo chung sống dương cương âm nhu của vợ chồng.
Ngày nay, người phụ nữ mang quá nặng quan niệm hiện đại sẽ mạnh mẽ tự đại, coi mình là to lớn. Trong gia đình, người phụ nữ như thế luôn muốn người đàn ông phải thuận theo ý mình mà làm. Những người phụ nữ mạnh mẽ như vậy nhiều lúc thường bất hòa với chồng hoặc coi nhẹ người chồng, con trai của những người phụ nữ này cũng thường nhu nhược bất tài, mất đi chủ kiến, lớn lên trở thành người không có khả năng tự mình gánh vác gia đình. Một người phụ nữ kiểu như vậy, một mặt thì luôn chèn ép chồng, mặt khác nội tâm lại luôn có cảm giác thất vọng, có mong muốn thầm kín rằng chồng xuất sắc hơn người, có khí khái của nam nhân, điều này thật sự quá mâu thuẫn.
Nguyên tắc đối đãi với cha mẹ
“Nội huấn” viết rằng: “Người hiếu kính lấy việc phụng dưỡng song thân làm gốc, nuôi dưỡng không khó, cung kính mới khó”. Từ Hoàng hậu cho rằng: “Chỉ nói lời khiến cha mẹ vui lòng thì vẫn chưa đủ, không làm trái ý cha mẹ mới là giỏi phụng dưỡng cha mẹ”. Thực ra cha mẹ không hề đòi hỏi gì nhiều ở con cái, hiếu thuận với cha mẹ một mặt là để báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, mặt khác cũng là một phương thức giáo dục đối với chính con cái của mình. Sự truyền thừa của mỹ đức này vô cùng có lợi cho sự ổn định vững chắc của gia đình.
Lời của Từ Hoàng hậu đã chỉ ra căn nguyên con cái bất hiếu là do không có tâm cung kính với cha mẹ. Trong xã hội ngày nay, không ít người làm con nhưng nói chuyện với cha mẹ không có chút tôn kính, giọng điệu và thái độ không tốt, thiếu kiên nhẫn, đối đáp một cách thờ ơ hờ hững. Không chỉ thế, có không ít người còn lớn tiếng mắng chửi, ra tay đánh đập cha mẹ, tất cả đều là do không có lòng tôn kính mà ra.
Từ Hoàng hậu cũng cho là phụng dưỡng cha mẹ chồng phải như phụng dưỡng cha mẹ mình, không được giảm bớt. Nhưng trong giới trẻ ngày nay, việc con dâu hiếu kính, tận tình chăm sóc cha mẹ chồng đã là điều ít phổ biến. Trong không ít gia đình, mâu thuẫn giữa cha mẹ chồng và con dâu khiến cho người con trai rất khó xử. Cứ thế tiếp diễn, mâu thuẫn vợ chồng hết sức căng thẳng, ân nghĩa vợ chồng bất cứ khi nào cũng có thể kết thúc.
Từ Hoàng hậu nói: “Phụ nữ nếu không được sự thừa nhận và yêu mến của cha mẹ chồng thì sẽ không thể phụng sự được cho chồng mình, như thế sao có thể giống với người vợ hiếu thảo trinh tiết thời xưa, làm cảm động trời đất, thông với Thần linh, thu hút điều tốt lành cho gia đình được? Cho nên từ hậu phi trở xuống, cho đến con gái nhà quan lại và thứ dân đều cần phải lấy việc hiếu với cha mẹ chồng làm trọng”.
Theo Từ Hoàng hậu, không chỉ là sự hòa thuận của gia đình mà sự hưng thịnh của quốc gia cũng có quan hệ rất lớn với đạo hiếu thuận.
Phương pháp giáo dục con cái
Từ Hoàng hậu cho rằng: “Giáo dục con cái, cần dẫn dắt theo nghĩa, bồi dưỡng phẩm chất khiêm tốn, noi theo đức tính cần kiệm, đặt gốc ở từ ái, thời khắc đều yêu cầu nghiêm khắc. Dùng đó để lập thân, thành tựu đức hạnh”.
Từ Hoàng hậu nói rằng: “Từ ái không được đến mức nuông chiều, nghiêm khắc không được đến mức tàn nhẫn, tàn nhẫn tất sẽ xa cách, nuông chiều tất sẽ dung túng, mà mất đi lễ giáo”.
Bản chất của giáo dục là quy chính lời nói và hành vi của trẻ nhỏ, từ đó khiến trẻ nhỏ hiểu được lẽ phải. Nhà giáo dục vì để tạo dựng quyền uy nên cần phải quản giáo là điều tất yếu. Khi trẻ có hành vi ngang ngược, không vâng lời hoặc nổi loạn thì đó là cách điều chỉnh hành vi của trẻ nhanh chóng và hiệu quả.
Rất nhiều người nhầm lẫn định nghĩa về yêu thương, không hiểu rõ rằng nghiêm khắc và yêu thương không hề mâu thuẫn, quan trọng nhất là nắm vững tiêu chuẩn của cách giáo dục tốt, tiêu chuẩn này mới là chỗ khó của giáo dục. Cũng là nói, yêu thương xuất phát từ nội tâm, là kế sách lâu dài dạy trẻ dựng thân lập đức, chứ không phải là khoan dung một cách vô nguyên tắc. Thái độ nghiêm khắc, nghiêm túc và trừng phạt phù hợp là phương pháp khiến trẻ bình tĩnh khi trẻ náo loạn, khi trẻ đã bình tĩnh thì lại dùng đạo lý để dẫn dắt từng bước.
Trên thực tế, không ít phụ nữ trong quá trình giáo dục trẻ nhỏ, thường sẽ lớn giọng để giải tỏa cảm xúc, có người còn pha lẫn lời lẽ gièm pha làm tổn thương lòng tự tôn của trẻ. Như thế, đứa trẻ lúc đó mặc dù không nói gì, nhưng trong lòng lại không phục chút nào, thời gian càng lâu, trẻ nhỏ cũng chỉ biết phát cáu giận mà thôi. Đến khi đứa bé đã đủ lông đủ cánh rồi, chúng ta sẽ phát hiện tâm lý nổi loạn của nó rất mạnh, có đứa hoàn toàn đã không thể dạy bảo được nữa rồi.
Từ Hoàng hậu nêu rõ nội hàm đằng sau của giáo dục, chính là: “Việc giáo dục con cái đều có đạo, đều ở tự bản thân mình, không thể không cẩn trọng”. Đạo giáo dục con cái nói thẳng ra chính là đề cao, tu luyện phẩm hạnh và đức hạnh của bản thân thì mới có thể làm gương cho con. Người xưa đã đem lý niệm thân giáo truyền lại cho nhau từ đời này qua đời khác. Cha mẹ làm người thầy đầu tiên của con cái, nhất cử nhất động đều đang ảnh hưởng đến thói quen hành vi của trẻ. Rất nhiều đứa trẻ mang trên mình phẩm chất ưu tú như khiêm nhường, vô tư, tiết kiệm, vui vẻ giúp đỡ người khác… chính là bắt nguồn từ cha mẹ chúng. Mà có một vài đứa trẻ mang trong mình những phẩm hạnh không tốt như ích kỷ, gắt gỏng… và chúng ta cũng có thể tìm thấy được bóng dáng đó ở trên cha mẹ chúng.
Từ Hoàng hậu từ lời nói đến việc làm đều mẫu mực, tự mình thực hiện đạo làm vợ làm mẹ của người phụ nữ, trợ giúp vô cùng lớn cho sự nghiệp của Vĩnh Lạc Hoàng đế và sự thịnh vượng của triều đại nhà Minh.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa phụ nữ truyền thống