Vài tấm gương can gián vua thời mạt Trần
- Trần Hưng
- •
Nhà Trần từ vua Thái Tông đến Anh Tông đều rất mộ đạo, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân khiến Xã Tắc ổn định, thiên hạ thái bình thịnh vượng, có được nền tảng vững mạnh 3 lần đánh bại đại quân Mông Cổ. Tuy nhiên đến các vị vua sau thì càng ngày càng sa sút, niềm tin tín ngưỡng cũng không còn, từ thời Dụ Tông trở đi thì rơi vào thời mạt. Lúc này lại xuất hiện các cá nhân là trung thần nghĩa sĩ, đứng ra can gián vua, nỗ lực xoay chuyển thời thế. Tấm gương tận tụy và sự trung thành của họ vẫn còn được lưu lại trong sử sách.
“Thất trảm sớ” can gián vua không sợ cường quyền
Vua Dụ Tông ham mê tửu sắc, xây cung điện, đánh sưu cao thuế nặng khiến dân chúng ca thán, lại không lo việc Triều chính, ưa dùng bọn nịnh thần. Các quan tham trong Triều được dịp vơ vét ngân khố, tham ô, nhũng nhiễu dân chúng.
Bấy giờ Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An là người có tiết tháo, đã ra sức khuyên can vua Dụ Tông nhưng không được. Không sợ cường quyền, ông dâng lên Vua “Thất trảm sớ”, xin vua chém đầu 7 tên quan nịnh thần khét tiếng hại dân hại nước lúc bấy giờ. Dù biết rằng làm việc này sẽ bị những kẻ nịnh thần hãm hại nhưng ông vẫn không từ.
Vua không nghe theo, Chu Văn An liền về quê ở ẩn dạy học. Các danh sĩ sau này đều đánh giá cao “thất trảm sớ” cùng tấm lòng đức độ của Chu Văn An. Nhà sử học Lê Tung viết rằng “thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”, còn danh sĩ Cao Bá Quát làm bai thơ như sau:
Thất trảm sớ yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hào khí
Nước non còn mãi nếp cao phong.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết rằng:
“Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp Vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế.”
“Kê minh thập sách”
Đến thời vua Duệ Tông, Vua vừa lên ngôi đã tập hợp binh mã đánh Chiêm Thành. Nhận thấy Giang Sơn Xã Tắc đang yếu, lộng thần thì nhiều, trong nước còn cần ổn định trước, một Phi tần là Bich Châu đã dâng lên Vua “Kê minh thập sách”, ngụ ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà Vua, đồng thời nêu ra 10 kế:
- Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.
- Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.
- Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
- Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.
- Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.
- Điều sáu: Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.
- Điều bảy: Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.
- Điều tám: Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.
- Điều chín: Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.
- Điều mười: Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.
Vua Duệ Tông nghe ra liền không vội đánh Chiêm Thành ngay. Tuy nhiên trong 10 kế được dâng lên, Vua lại không chọn dùng 6 điều đầu tiên nhằm “bền gốc”, ổn định Giang Sơn Xã Tắc, mà lại thực hiện ngay từ điều 7 là rèn luyện binh tướng xây dựng quân đội một cách vội vã. Vua cho bổ sung quân ngũ, nhưng các quan tướng phần nhiều lo vơ vét, quân đội không có được sự thiện chiến. Rốt cuộc ngay cả điều 9, điều 10, Vua cũng không dùng.
Lời khuyên “sửa sang văn đức”
Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga tiến đánh Đại Việt, khiến vua Duệ Tông nổi giận nhất quyết điểm binh đánh Chiêm Thành.
Nhận thấy nhà Trần đang yếu, các trung thần đều khuyên can Vua. Ngự Sử Đài là cơ quan có trách nhiệm chuyên can gián Vua, người đứng đầu Ngự Sử Đài lúc đó là Ngự Sử Đại Phu Trương Đỗ cũng khuyên can Vua nhiều nhất. Cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép về Trương Đỗ rằng: “Đỗ là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn”.
Khi vua Duệ Tông huy động 12 vạn quân đánh Chiêm Thành, Trương Đỗ liền can ngăn rằng:
“Chiêm Thành chống lệnh, tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thuần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn”
Trương Đỗ đã cố gắng 3 lần can Vua nhưng không được, ông đành lực bất tòng tâm. Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá rằng:
“Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là đã xứng đáng với chức vụ của mình, khi can thì nói tới ba lần, thế là đã dám chạm đến vua. Vậy mà ông không được vua nghe, thế là tâm trí nhà vua đã lẫn rồi! Người có trách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Đỗ đều đã hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lại hay lợi cho thân vua. Việc này có thể làm gương được.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư)
Bích Châu cũng cố khuyên can Vua nhưng lần này bà không còn được nghe theo nữa. Trước khi Vua lên đường, Bích Châu cố can:
“Đạo nước trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng được yên, trị cái rắn nên dùng cái mềm, lấy đức để thu phục người phương xa như vua Hạ chỉ gảy đàn mà chẵn một tháng rợ Hồ quy phục, đó là thượng sách.”
Tuy nhiên vua Duệ Tông tin tưởng 12 vạn quân Trần có thể đánh bại quân Chiêm nên không nghe lời bất cứ ai, vẫn cùng toàn quân lên đường.
Đỗ Lễ can gián vua, nhẫn nhục phụng sự
Tháng giêng năm 1377, quân nhà Trần tiến vào cửa biển Thị Nại (nay thuộc Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đánh tan quân Chiêm ở động Ỷ Mang và đóng quân ở đây.
Quân Chiêm nơi đây thua trận đầu hàng rồi nói rằng vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã bỏ Kinh thành Đồ Bàn mà rút đi rồi. Nghe vua Chiêm đã bỏ Kinh thành mà rút đi, vua Duệ Tông cho tiến quân luôn vào kinh thành Đồ Bàn.
Tuy nhiên đại tướng quân Đỗ Lễ ngờ rằng đây là mưu kế của quân Chiêm, muốn dụ quân Việt vào kinh thành, nên hết lòng can gián Vua. Tuy nhiên Vua Duệ Tông tin rằng 12 vạn quân của mình đã khiến quân Chiêm hoảng sợ mà bỏ chạy, nên không nghe lời.
Do Đỗ Lễ không ngừng can gián, Vua bèn cho người mang áo đàn bà đến mặc vào hạ nhục trước mặt ba quân. Tuy gặp phải điều sỉ nhục như vậy, Đỗ Lễ vẫn nhẫn nhịn trung thành phò tá Vua vào Kinh thành Đồ Bàn, dù biết trước lành ít dữ nhiều.
Khi quân nhà Trần kéo vào trong thành thì không có thế trận, trở thành “mồi ngon” cho quân Chiêm mai phục sẵn bốn mặt đổ ra đánh. Bị đánh bất ngờ, quân nhà Trần thua to, 10 phần thì chết 7, 8. Vua Trần Duệ Tông bị trúng tên chết tại chỗ, các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng đều chết cả.
Thất bại này là một trong những thảm bại lớn nhất trong sử Việt.
Dù vẫn còn một số trung thần tận trung phò tá, ngay thẳng can gián vua, nhưng nhà Trần bấy giờ đã “nhà dột từ nóc” càng suy sụp không gượng dậy nổi. Cuối cùng Hồ Quý Ly nhân lúc nhà Trần suy yếu liền cướp ngôi vào năm 1400.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Trần can gián vua