Văn hóa Hoa Lư
- Trần Hưng
- •
Vào những năm đầu công nguyên, Phật giáo du nhập vào nước ta, chủ yếu là từ Ấn Độ. Đến thế kỷ thứ 2, với sự phát triển văn hóa rực rỡ của Luy Lâu, Phật giáo đã truyền đến khắp nước. Giai đoạn này Phật giáo được dân chúng đón nhận, đi vào văn hóa dân gian. Khi đất nước qua thời kỳ Bắc Thuộc và loạn 12 Sứ quân, thời nhà Đinh và Tiền Lê, trung tâm văn hóa tập trung ở Hoa Lư. Kế thừa từ văn hóa trước đó, văn hóa Hóa Lư mang đậm tín ngưỡng dân gian cùng tín ngưỡng kính Phật, thiền phái Diệt Hỷ (Tì Ni Đa Lưu Chi) và Vô Thông Ngôn phổ truyền rộng khắp trong dân chúng.
Phật giáo phổ truyền
Triều đình nhà Đinh và Tiền Lê dựa vào Phật Pháp nhằm giữ yên Xã Tắc, ngoài các ban văn võ còn có Tăng đạo. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép lại rằng:
“Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971], (Tống Khai Bảo năm thứ 4). Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lụ, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi”.
Người đứng đầu Tăng đạo là Ngô Chân Lưu, tên thật là Ngô Xương Tỷ, là hoàng tử con trai của Ngô Xương Ngập và là cháu nội của Ngô Quyền.
Phật giáo thời kỳ này được xem trọng. Em trai của Vua Đinh Tiên Hoàng là Đinh Bộ Lan và em họ của Vua là Đinh Bộ Đông đều tu luyện tại chùa Non Đông (ở Tiên Lãng, Hải Phòng). Phật giáo phát triển mạnh, nhiều ngôi chùa ở Hoa Lư vẫn còn lưu giữ các di tích.
Chùa Nhất Trụ: Được xây dựng từ thời nhà Đinh với nhiều cổ vật lưu lại cho thấy văn hóa kính ngưỡng Phật phát triển mạnh vào thời kỳ này, nổi bật nhất là cột đá Nhất Trụ khắc kinh Lăng Nghiêm. Đây được xem là Thạch Kinh cổ nhất của Việt Nam được khắc năm 995 thời vua Lê Đại Hành.
Ngoài ra các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 20 cột Thạch Kinh tương tự từ thời Đinh – Tiền Lê, các cột đá này đều được khắc Kinh Phật, cho thấy sự kính ngưỡng Phật Pháp của dân chúng thời kỳ này.
Trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư có câu đối:
Tràng An thắng cảnh hoàng đô thủy
Nhất Trụ danh lam Phật tích linh.
Nghĩa là:
Thắng cảnh Tràng An kinh đô gốc
Danh lam Nhất Trụ dấu Phật còn
Chùa Bàn Long: Chùa được xây dựng vào thời nhà Đinh, nằm trong động ở dãy núi Đại Tượng thuộc thôn Khê Đầu, Hoa Lư. Chùa có tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối, đây là pho tượng Phật cổ xưa nhất ở nước ta bằng đá. Dưới tượng là khối nhũ đá thiên tạo như ổ rồng cuộn tròn. Xung quanh các nhũ đá tạo thành hình như long, ly, quy, phượng chầu vào tượng Phật. Các nhũ đá trong động cũng tạo thành rất nhiều hình ảnh tô điểm thêm vẻ linh thiêng cổ kính cho ngôi chùa.
Chùa Hoa Sơn: Nằm ở trong động Hoa Sơn ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, theo dân gian thì đây là ngôi chùa đẹp như tranh lụa. Tương truyền khi có dịch đậu mùa, Hoàng hậu Dương Vân Nga đang mang thai nên đã đến chùa nương nhờ cửa Phật rồi sinh ra Đinh Toàn, vì thế mà từ đó ngôi chùa này được gọi là chùa Bà Đẻ. Sau này đến thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức đến động Hoa Sơn đã đặt tên cho ngôi chùa theo tên động là chùa Hoa Sơn. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chùa vẫn giữ được những hiện vật từ cổ xưa như tượng Phật bằng đá, bát hương, v.v… Năm 1998 động Hoa Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Từng là nơi kính ngưỡng Phật Pháp, Hoa Lư còn có rất nhiều chùa nữ như chùa Tháp, chùa Am Tiên, chùa Cổ Am, chùa bà Ngô,…
Mang đậm nét văn hóa dân gian
Là Kinh đô thời nhà Đinh và Tiền Lê, Hoa Lư từng là trung tâm văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, ngày nay được thể hiện qua các lễ hội. Nếu Quảng Ninh là nơi có rất nhiều lễ hội được kế thừa từ văn hóa Luy Lâu, thì Hoa Lư cũng có lễ hội mang dấu ấn văn hóa của Đại Cồ Việt.
Lễ hội Hoa Lư xưa kia gọi là lễ hội Trường Yên hay lễ hội Cờ Lau, được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6, 7, 8 tháng 3 tôn vinh Đinh Bộ Lĩnh thống nhất Giang Sơn, lập ra nước Đại Cồ Việt, mở ra thời kỳ thái bình lâu dài cho dân tộc. Đặc biệt trong nhiều Triều đại từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn đều xem lễ hội Hoa Lư là quốc lễ, mỗi khi tổ chức lễ hội Triều đình đều cử người đến dự.
Lễ hội đươc bắt đầu từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, nhằm lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống rực rỡ của cố đô Hoa Lư.
Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” nhà Nguyễn xem các lễ hội tưởng nhớ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương và Đinh Tiên Hoàng là đặc biệt quan trọng. Vua Minh Mạng cũng cho dựng miếu vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Dương Xuân, kinh đô Huế, hàng năm cử hành lễ vào mùa xuân và mùa thu nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính của Triều đình.
Trước khi khai hội nhiều ngày, một ngọn tre lớn được dựng ở sông Hoàng Long (tức rồng vàng), trên ngọn tre có dải phướn lớn màu vàng. Phướn này có ghi lời chú đại ý trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã giúp Đinh Bộ Lĩnh thuở gian khó, cầu mong thần sông bảo hộ cho muôn dân trăm họ. Kết thúc màn khai hội là màn thả rồng bay lên cao, sau đó là tái diễn cảnh cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh khi xưa.
Lễ hội trang nghiêm với các nghi thức như Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, rước kiệu, Lễ Cửu khúc, Lễ tiến phẩm, Lễ mộc dục, cầu siêu và các lễ hội hoa đăng… thể hiện ước muốn của dân chúng mong được quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Để ghi nhớ vua Đinh Tiên Hoàng thống nhất Giang Sơn, mở ra thời kỳ thái bình cho muôn dân trăm họ, lễ hội có màn xếp chữ đặc sắc với hai chữ “thái bình”.
Lễ hội không chỉ tái hiện lịch sử xa xưa, mà còn kết hợp văn hóa dân gian tái hiện khung cảnh Hoa Lư xưa với ca múa chèo đặc sắc.
Lễ hội Hoa Lư không chỉ là dịp để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống mà còn là cơ hội để mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn về cội nguồn dân tộc.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Một vài nhận xét về địa danh Hoa Lư
- Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc
- Nhìn nhận về những lời tiên tri quanh việc vua Đinh Tiên Hoàng bị mưu sát
Mời xem video:
Từ khóa nhà tiền Lê Hoa lư nhà Đinh
