Lã Động Tân, vị Tiên tiêu sái nhất trong Bát Tiên, tương truyền đã để lại bài thơ có tựa đề “Tứ Tề Châu Lý Hy Ngộ thi”. Toàn bộ bài thơ gồm 20 chữ, nói về phúc họa, là lời khuyên của Lã Động Tân cho người đời. Nguyên văn bài thơ như sau:

Thiểu ẩm khi tâm tửu,
Hưu tham bất nghĩa tài

Phúc nhân từ thiện đắc,
Họa hướng xảo gian lai.

Tạm dịch nghĩa:

Chớ uống rượu lừa tâm,
Đừng tham của bất nghĩa

Từ thiện đắc được phúc,
Gian xảo chiêu mời họa.

La dong tan 02
(Tranh minh họa: Public Domain)

“Thiểu ẩm khi tâm tửu” chính là đừng làm điều phương hại đến lương tâm. “Thiểu” ở đây mang hàm ý là “không”, “thiểu ẩm” mang ý tứ khuyên răn rằng không uống, chớ uống. “Khi tâm tửu” nghĩa hẹp có thể hiểu là chỉ loại tiệc rượu không có lương tâm, chính là mời tiệc rượu để làm việc xấu. Kỳ thực người xưa có cách nói: “Tửu là xuyên trường dược, sắc là dao cạo xương”, rượu là thứ thuốc độc xuyên ruột. “Khi tâm tửu” chính là việc ác làm hại đến lương tâm con người. Lương tâm mà bị che mờ rồi thì tất không việc gì không dám làm. Việc ác mà làm nhiều rồi, thì sẽ là người ác rồi, sẽ dám làm việc ác hơn.

Một người bình thường rất khó tránh khỏi việc có lúc làm sai sự tình nào đó, sau rồi lại thấy hối hận khôn xiết. Sự thất bại trong sự nghiệp hay sự thiếu hụt về kỹ thuật sẽ không khiến người ta bị hổ thẹn quá lâu trong lòng. Nhưng con người một khi đã làm ra chuyện thất đức hoặc chuyện xấu tổn hại thiên lý thì lương tâm người đó sẽ không được bình an. Thậm chí đời này, người ấy sẽ sống trong lo âu, thấp thỏm và hổ thẹn mãi không thôi. Quả thực là trong lòng có hối hận cũng không còn kịp.

“Hưu tham bất nghĩa tài” là đừng tham lam nhận những món lợi lộc bất chính, là của cải có được bằng những thủ đoạn không chính đáng như tham ô tham nhũng, lừa đảo, cướp đoạt… Những loại của cải như vậy thì không thể nhận. Điều này cũng giống như đạo lý trong câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử quý trọng của cải nhưng nhận phải phù hợp với đạo nghĩa. Luận Ngữ cũng viết: “Bất nghĩa mà giàu sang, đối với ta đó là điều phù vân vậy”.

Con người sống nơi thế gian, hầu như ai ai cũng có tâm tham, muốn được cho nhiều hơn là xả bỏ. Nhưng nếu một người không biết khắc chế lòng tham của mình mà lại còn phóng đại nó lên thì chính lòng tham sẽ khiến cho người ấy rơi vào vũng bùn mà không có cách nào thoát ra được. Phúc đức của người ấy cũng liền mất và tai họa cũng liền giáng xuống.

“Phúc nhân từ thiện đắc, họa hướng xảo gian lai”, nghĩa là làm việc thiện thì sẽ đắc được phúc báo còn làm việc xấu việc ác thì sẽ gặp tai họa. Nếu một người mà trong tâm luôn có thiện niệm thì tự nhiên họ sẽ có điều tốt đẹp chờ đón. Người sử dụng gian kế, thủ đoạn mờ ám để đối đãi với người khác thì dù bất kể mục tiêu có đạt được hay không, họ đều sẽ rước lấy tai họa.

Trong trào lưu vật chất hóa ngày nay, khái niệm đạo đức đã trở nên mờ nhạt. Người ta chỉ nhìn đến lợi hại được mất trước mắt, cho rằng có tiền có quyền thì người trong gia đình sẽ sống tốt, có tiền có quyền không chỉ khiến người khác ngưỡng mộ mà còn có thể để lại cho con cháu đời sau. Vì thế, đối với nhiều người thì tiền của và quyền lực đã trở thành thứ duy nhất mà người ta để lại cho con cháu. Còn về phần gia đình gặp phải biến cố, khó khăn, bệnh tật, tai nạn… thì lại chưa bao giờ suy nghĩ đến tiền nhân hậu quả. Kỳ thực niềm tin vào nhân quả đã trở thành một bộ phận vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống, bao gồm cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện được ghi chép lại cho thấy sự vận hành của luật nhân quả, minh chứng cho quy luật phổ quát này. Trong cuộc sống thường ngày, nếu để ý quan sát kỹ sự biến đổi thịnh suy của một gia đình và mối liên hệ với tâm tính của các thành viên gia đình trong vài chục năm, cũng rất dễ nhận ra được sự hiện hữu của luật nhân quả.

Trần Kế Nho triều Minh trong “Tiểu song u ký” rằng: “Nhất niệm chi thiện, cát Thần tùy chi. Nhất niệm chi ác, lại quỷ tùy chi”, nghĩa là con người một khi xuất ra thiện niệm thì sẽ có chính Thần bảo hộ, nếu con người xuất ra ác niệm thì sẽ có ác quỷ theo sau, mọi chuyện gặp phải sẽ đều là phiền toái và tai họa. Người xưa hiểu rằng “thiện ác xuất từ một niệm” nên coi đó là tiêu chuẩn cho hành vi của mình. Người có thiện niệm chân thành có thể làm cảm động Trời đất, cho dù là ở vào lúc nguy nan cũng vẫn có thể xu cát tị hung, hóa nguy thành an. Bởi vì Thiên đạo luôn đồng hành cùng người thiện, không cần nói mà có thể khéo léo hồi đáp, không cần kêu gọi mà sẽ tự nhiên đến. Một người chỉ cần dùng thiện tâm thiện niệm cảm ứng Thượng Thiên thì cho dù ở nơi nào cũng sẽ được Thượng Thiên bảo hộ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tiêm Tiêm
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: