Vị quan cứu cả làng Hành Thiện thoát khỏi bị thảm sát
- Trần Hưng
- •
Đặng Đức Cường là người làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường (nay thuộc xã Xuân Hồng, Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ông làm quan hàm nhất phẩm, được gọi là “Thanh bạch tiên sinh” bởi làm quan rất thanh bạch. Đặc biệt ông còn là ân nhân của làng Hành Thiện.
Làm quan thanh bạch, khoan dung
Đặng Đức Cường đỗ cử nhân khoa thi năm 1888, được bổ nhiệm làm Huấn đạo. Ông làm quan qua các chức vụ khác nhau, sau được phong hàm nhất phẩm, làm Tổng đốc và Tuần phủ các tỉnh lớn như Thái Bình, Hà Đông, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.
Đặng Đức Cường làm quan được đánh giá là thanh bạch và khoan dung. Khi cấp dưới làm sai hay phạm lỗi ông đều khuyên bảo để tránh phạm lỗi tiếp chứ không phạt nặng như những người khác. Với ai phạm lỗi nặng không thể tha thứ được thì ông khuyên bảo rồi nói họ nên làm đơn xin từ chức, rồi thuận theo đơn của họ mà cách chức, khiến họ không bị mang tiếng là phạm lỗi bị cách chức. Ông cũng không làm khó các quan thấp hơn ở phủ huyện để nhận tiền quà của họ. Các quan cần trợ giúp ông đều tận tình giúp đỡ.
Đặng Đức Cường cũng không theo lệ nhận quà để thăng thức hay ban thưởng. Khi có người được ông đề cử hoặc phê duyệt mà đến tạ ơn, vì lệ khó bỏ, ông cũng chỉ đồng ý nhận quà nhỏ cho có để nhận cái lòng.
Làm việc cho Triều đình nhà Nguyễn vốn đã hàng Pháp, ông đối xử với người Pháp nhã nhặn ôn hòa mà không xu nịnh, lại rất được lòng dân chúng, vì thế người Pháp rất nể ông. Làm việc với các quan người Pháp hàng tỉnh như Công sứ, Chánh sứ, ông dùng lời lẽ thẳng thắn lại ôn hòa nên các quan Pháp đều bị thuyết phục.
Đặng Đức Cường làm quan hàng chục năm mà không gặp trở ngại gì dù chẳng bao giờ quỵ lụy nhờ vả ai, đây là một điều hiếm có.
Cứu làng Hành Thiện
Bấy giờ có nhiều người theo phong trào Đông Du chống Pháp, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Năm 1913, chính quyền Pháp cho rằng làng Hành Thiện có nhiều người theo phong trào Đông Du nên quyết định cho triệt hạ cả làng.
Trước khi triệt hạ cả làng Hành Thiện, người Pháp cho dựng lập đồn lính khố xanh đóng ở ngay Đình làng, vây chặt rồi bắt bớ khoảng 20 người tình nghi chuẩn bị giết, rồi sẽ triệt hạ làng.
Lúc này Đặng Đức Cường hay tin quân Pháp triệt hạ làng quê của mình, bèn đứng ra can ngăn người Pháp. Ông thuyết phục họ rằng người làng Hành Thiện theo phong trào Đông Du thì hoặc đã bị giết hoặc đã đi Nhật cả rồi, 20 người bị bắt chỉ là nghi ngờ thôi chứ họ không làm gì cả.
Ông dùng lời lẽ ôn hòa mà dần thuyết phục được người Pháp, lại đề nghị thả hết 20 người bị tình nghi, đồng thời lấy thân mình ra đảm bảo.
Sau đó người Pháp dời lính khố xanh đi không triệt hạ làng nữa, cũng thả toàn bộ 20 bị bắt. Nhờ sự can thiệp kịp thời của Đặng Đức Cường mà dân làng Hành Thiện tránh khỏi cuộc tàn sát đẫm máu của quân Pháp.
Xây trường, giúp làng
Năm 1921, Đặng Đức Cường xin mở trường sơ học tại làng Hành Thiện và được chấp thuận. Năm 1922, trường công lập được xây tại làng.
Năm 1924, ông lại dùng tiền công quỹ của làng (phần lớn là tiền của ông góp vào) để xây dựng một ngôi trường bằng ngói cạnh Đình làng, khác với trường công lập xây trước đó.
Sau đó ông lại vận động xây dựng quỹ học điền của làng, lấy tiền hoa lợi từ ruộng đất của mình góp vào để hỗ trợ cho học trò hiếu học. Người làng Hành Thiện vừa có trường lớp, lại vừa có tiền hỗ trợ học hành nên nhiều người được ăn học tử tế.
Đặng Đức Cường làm quan đến hàm nhất phẩm, lại là thầy dạy cho cả Vua cùng các Hoàng tử nên được phong Thái tử Thiếu bảo, tước Hiệp biện Đại học sĩ.
Vì ông làm quan thanh liêm lại nhân hậu, rất được lòng dân nên thân sinh cùng các cụ nội của ông đều được Vua ban cho tước nhị phẩm, tam phẩm và tứ phẩm.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
- Chuyện cụ Tả Ao điểm mắt cá chép cho làng Hành Thiện ở Nam Định
- Chuyện cụ Tả Ao tìm huyệt quý cho họ Đàm Thận làng Me
Mời xem video:
Từ khóa quan thanh liêm