Vì sao gọi tình nghĩa vợ chồng là tình nghĩa “kết tóc phu thê”?
- An Hòa
- •
Người xưa gọi những cặp vợ chồng sau khi kết hôn là “vợ chồng kết tóc” và duyên vợ chồng nói chung cũng được gọi là tình nghĩa “kết tóc phu thê”. Vì sao lại có cách gọi như vậy?
Sách “Văn tuyển” viết rằng: Thời cổ đại, con trai khi đến 20 tuổi phải làm lễ “Thúc phát gia quan”, tức là nghi thức vấn bộ tóc dài lên cao và búi lại, rồi đội mũ lên để biểu thị là đã trưởng thành. Con gái khi đến tuổi 15 phải làm lễ “Thúc phát gia kê”, tức là cuộn tóc thành một búi ở trên đỉnh đầu, rồi cài thêm một cái trâm vào, để biểu thị là đã trưởng thành. Nghi thức này thông thường được gọi là “Kết tóc”.
Sau khi nam nữ đã thông qua nghi thức kết tóc thì có thể tính chuyện kết hôn, lấy vợ, lấy chồng. Ngoài ra, trong nghi thức hôn lễ thời cổ đại, trong đêm động phòng, người chồng và người vợ sẽ cùng ngồi trên giường, người chồng ngồi bên trái người vợ ngồi bên phải, mỗi người tự cắt một nhúm tóc của mình. Sau đó họ dùng sợi tóc dài nhất của hai người kết chặt lại với nhau, để biểu thị vợ chồng đồng lòng, mãi mãi yêu thương nhau, sống chết có nhau, mãi mãi không chia lìa, luôn yêu thương ân ái tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng không nghi ngờ lẫn nhau.
Bởi tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng như vậy nên sách “Nhạc phủ thi tập cổ từ tiêu trọng khanh thê” ghi rằng: “Hai người sau khi kết hôn, ngủ trên cùng một chiếc giường, gối trên cùng một chiếc gối, đến chết cũng không thay đổi tình cảm”. Vào đời nhà Hán, Tô Vũ có câu thơ: “Kết phát vi phu thê, ân ái lưỡng bất nghi”, tức là kết tóc làm vợ chồng, cả hai tin tưởng yêu thương nhau không nghi ngờ gì. Hay trong tác phẩm “Thanh thanh hà bạn thảo” của tác giả Trần Mộng Lôi đời nhà Thanh cũng viết: “Kết phát dữ quân tri, tương yếu dĩ chung lão”, ý nói, khi cùng chàng “kết tóc phu thê” cũng là lúc thiếp đã ước định cùng người vĩnh viết kết tâm, đồng lòng đến răng long đầu bạc. Những câu thơ này đều là để nói lên tâm nguyện của người chồng người vợ trong xã hội xưa, đã kết tóc làm vợ chồng thì vĩnh viễn yêu thương không đổi thay, không chia lìa.
Trong lịch sử, những người chồng người vợ thủy chung son sắt quả thực có rất nhiều. Trong “Tân Đường Thư. Liệt Nữ truyện“ có ghi chép một câu chuyện Đổng Thị thủ tiết chờ chồng như sau: Vào triều đại nhà Đường thời Hoàng đế Đường Thái Tông có một vị quan viên tên là Giả Trực Ngôn. Giả Trực Ngôn cùng với cha của anh ta vì phạm tội mà bị giáng chức và bị lưu đày đến vùng Lĩnh Nam xa xôi kinh thành. Trước khi đi, Giả Trực Ngôn nói lời ly biệt với vợ. Vợ của ông là Đổng Thị đứng trước tình cảnh ấy, trong lòng vô cùng đau buồn và thống khổ.
Giả Trực Ngôn nghĩ rằng mình bị lưu đày lần này không biết đến bao giờ mới được hồi hương, nên nhìn người vợ trẻ mà không đành lòng. Cuối cùng, ông nói với vợ rằng: “Ta lần này rời đi không biết sống chết thế nào, đường xá lại xa xôi thập phần hung hiểm. Kiếp này chỉ e chúng ta khó mà gặp lại nhau. Tuổi nàng còn trẻ, sau khi ta đi rồi, nàng ở lại nên tái giá để nương tựa tấm thân, đừng bận tâm đến ta nữa.”
Người vợ của Giả Trực Ngôn nghe chồng nói vậy thì khóc mà không đáp lại, chỉ lấy một sợi dây buộc tóc lại, rồi bao ngoài bằng miếng vải lụa trắng, nhờ Trực Ngôn viết lên ba chữ: “Giả Trực Ngôn”. Sau đó, Đổng Thị nói với chồng: “Không phải tay chàng thì không cởi. Nếu như chàng không trở về, cho dù thiếp có chết cũng không cởi ra”.
Giả Trực Ngôn đi đày tới Lĩnh Nam suốt 22 năm. Tới thời Đường Túc Tông lên ngôi, bởi vì Hoàng đế đại xá thiên hạ nên Giả Trực Ngôn được trở về kinh thành. Vừa trở về đến nhà, người mà Giả Trực Ngôn nhìn thấy chính là người vợ của mình. Ông cũng phát hiện ra mảnh vải có bút tích của mình viết năm xưa vẫn còn được bao lại ở trên đầu của vợ. Trong lòng ông vô cùng cảm động. Vì thế, ông đã tự tay cởi bỏ mảnh vải ấy ra và lấy nước nóng gội đầu cho vợ. Lúc này, tóc trên đầu Đổng Thị đã giống như cỏ khô, sau khi gội xong thì toàn bộ tóc trên đầu cũng rụng hết.
Sau này, Giả Trực Ngôn lại được Hoàng đế phong cho chức quan Đại phu gián nghị. Ông một lòng bênh vực lẽ phải, kiên trì bảo vệ chân lý, thanh liêm chính trực nên được quần thần tin phục. Hai vợ chồng ông sống một đời hòa thuận, thủy chung. Người đời sau cũng đem câu chuyện Đổng Thị bao tóc chờ chồng làm biểu tượng cho đức hy sinh của người phụ nữ, và tình nghĩa vợ chồng đáng khâm phục của bà.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Hôn nhân truyền thống: Giàu sang không bỏ vợ bần hàn
- Hôn nhân truyền thống: Giữ lời hứa, không thay lòng đổi dạ
Mời xem video:
Từ khóa hôn nhân Vợ chồng người vợ Người chồng Đạo vợ chồng đạo nghĩa vợ chồng