Trí tuệ cổ nhân: Lịch sử là tấm gương cho hậu thế
- An Hòa
- •
Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói: “Dùng đồng làm gương soi, có thể giúp chỉnh tề trang phục. Lấy lịch sử làm gương soi, có thể quan sát thấy sự thành bại thịnh suy. Lấy người làm gương soi, có thể biết rõ chỗ hay chỗ dở của mình.” Vào thời cổ đại, lịch sử đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong các tri thức xã hội.
Trong Ngũ Kinh thì có hai bộ Kinh Thư và Kinh Xuân Thu là các tài liệu lịch sử. Bộ Nhị Thập Tứ Sử trải dài toàn bộ các triều đại Trung Hoa, không thiếu sót sự kiện trọng đại nào.
Mỗi vương triều cổ xưa đều thiết lập chức sử quan chuyên môn ghi chép lịch sử. Hơn nữa, các triều đại đều có một quy định là hoàng đế không được xem sách sử đương triều. Những điều này đều là để giúp cho lịch sử có thể hoàn thành sứ mệnh của mình xuyên sốt chiều dài nền văn minh nhân loại.
Trong sách “Sử thông”, quan chép sử nhà Đường tên là Lưu Tri Kỷ từng viết: “Lịch sử dùng để ghi công xét tội, biểu dương điều thiện, bài trừ cái ác, ghi lại điều hay dở của một triều đại, vinh nhục ngàn năm”. Nói cách khác, việc ghi chép lịch sử là để người đời sau phân rõ thiện ác, tốt xấu, đúng sai. Do đó học lịch sử giúp hình thành nhân cách, phẩm cách của con người. Sứ mệnh của lịch sử là để làm tấm gương cho hậu thế soi vào.
Trong sách “Thuyết văn giải tự” viết: “Sử, ký sự dã. Tòng hựu trì trung. Trung, chính dã”, đại ý là sử là ghi chép sự việc đã xảy ra, việc ghi chép này diễn ra một cách kiên trì liền mạch, hơn nữa còn cần phải trung thực, ngay thẳng không thiên lệch. Vậy nên yêu cầu đầu tiên đối với các sử quan thời xưa chính là dũng khí chép sử trung thực.
Một vị hoàng đế mẫu mực trong lịch sử là Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng nói: “Dùng đồng làm gương soi, có thể giúp chỉnh tề trang phục. Lấy lịch sử làm gương soi, có thể quan sát thấy sự thành bại thịnh suy. Lấy người làm gương soi, có thể biết rõ chỗ hay chỗ dở của mình.” Đường Thái Tông rất coi trọng lịch sử, năm Trinh Quán thứ 2, ông thiết lập ra hai chức quan gọi là khởi cư lang, chuyên trông coi và ghi chép những việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của hoàng đế vào sách “Khởi cư chú”.
Năm Trinh Quán thứ 10, Chử Toại Lương được nhậm chức quan khởi cư lang, chuyên môn ghi chép từng lời nói từng việc làm của hoàng đế. Trong cuốn “Sử quán tạp lục thượng” có ghi lại câu chuyện giữa Đường Thái Tông và Chử Toại Lương như vậy.
Một ngày, Đường Thái Tông rất muốn xem “Khởi cư chú” bèn hỏi Chử Toại Lương: “Khanh đã ghi chép những gì, trẫm có thể xem được không?”
Chử Toại Lương trả lời: “Sử quan có trách nhiệm ghi chép lại lời nói và việc làm của quân vương, thiện ác gồm đủ, khiến cho quân vương không dám làm chuyện sai trái, xưa nay thần chưa từng nghe có ai tự xem đoạn sử viết về mình.”
Đường Thái Tông lại hỏi: “Trẫm nếu có chỗ nào không tốt, khanh cũng nhất định phải ghi lại sao?”
Chử Toại Lương trả lời: “Thần giữ chức này, không dám không ghi.”
Sau đó quan Môn thị lang tên là Lưu Ký còn nói: “Cho dù hoàng đế hạ lệnh bắt Chử Toại Lương không ghi chép lại, thì người trong thiên hạ cũng sẽ ghi chép lại.”
Trong “Tư Trị Thông Giám” có ghi chép lại một câu chuyện khác giữa Đường Thái Tông và Giám tu quốc sử Phòng Huyền Linh.
Đường Thái Tông hỏi: “Vì sao quân vương không thể được xem quốc sử?”
Phòng Huyền Linh đáp: “Quốc sử xưa nay đều ghi lại hết cả điều thiện và điều ác. Những điều này có thể khiến quân vương xem xong tức giận, nên không trình lên.”
Đường Thái Tông nói: “Ý muốn xem sách sử của trẫm so với các quân vương trước đây thì không giống nhau. Trẫm muốn biết những lỗi lầm của mình để không phạm phải lỗi lầm như trước nữa.”
Lịch sử sở dĩ có thể bảo tồn đầy đủ và liên tục là bởi vì thời cổ đại có rất nhiều sử quan biên soạn lịch sử một cách công chính, ngay thẳng, sẵn sàng đón nhận hình phạt, thậm chí vứt bỏ cả tính mạng của mình để bảo vệ sự thật lịch sử. Chính nhờ vậy hậu thế mới thấy được lịch sử chân thật.
Trong nền văn minh nhân loại, không chỉ văn hóa phương Đông coi trọng lịch sử, mà văn hóa phương Tây cũng rất tôn sùng bộ môn này. Khi Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, giải thích về thể chế, luật pháp và văn hóa, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là trong lĩnh vực lịch sử. Ông viết: “Lịch sử cho phép học sinh phán đoán tương lai bằng cách giúp họ hiểu được quá khứ.” “Nó sẽ giúp họ học hỏi kinh nghiệm của các thời đại khác và các quốc gia khác. Nó sẽ cho họ khả năng đánh giá hành vi và tính cách của con người. Nó sẽ giúp họ nhìn thấu lớp ngụy trang của tham vọng, sau đó hiểu ra và đánh bại tham vọng này. Trong mỗi chính phủ của con người đều có dấu vết về sự yếu đuối của nhân loại cùng những mầm mống của sự thối nát và thoái hóa. Rồi có lúc bản chất sự yếu đuối đó sẽ lộ ra và cái ác sẽ vô tình được nuôi dưỡng, lan rộng và khoa trương.” Nói cách khác, lịch sử không chỉ cho thấy những bài học kinh nghiệm thực tế về trị quốc, mà còn nhắc nhở người dân và chính phủ đề phòng sự sụp đổ của quốc gia hay sự ra đời của một chế độ cai trị tà ác.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Quân vương Đường Thái Tông