Nguyễn Hữu Dật được cha mời thầy dạy từ nhỏ, có nhiều tài năng, nhiều lần xem thiên văn mà dùng quân đánh tan quân Trịnh, lúc nguy hiểm thì tính kế giúp quân Nguyễn rút lui an toàn, được quân Nguyễn ví như Gia Cát Lượng.

Nguyễn Chế Nghĩa: Vị tướng quân phò mã văn võ song toàn của nhà Trần
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Học hành thành tài từ nhỏ

Theo Phả hệ họ Nguyễn thì Nguyễn Hữu Dật là cháu 18 đời của Định Quốc công Nguyễn Bặc thời nhà Đinh, và là cháu 8 đời của công thần Nguyễn Trãi.

Nguyễn Hữu Dật sinh năm 1603, là con của vị quan Tham chiến Nguyễn Triều Văn được phong tước hầu (Triều Văn hầu). Do bất mãn với chúa Trịnh, năm 1609, Nguyễn Triều Văn đưa toàn bộ gia quyến vào nam theo chúa Nguyễn Hoàng.

Từ bé Nguyễn Hữu Dật đã thích làm tướng, thường bày trận, đặt quân kỳ khi cùng lũ trẻ nô đùa. Nguyễn Triều Văn thấy thế thì tìm thầy giỏi dạy cho con từ nhỏ. Thầy đã tận tâm chỉ dạy binh thư, binh pháp cũng như võ nghệ, vì thế mà tài năng của Dật ngày càng phát triển.

Lớn lên, Nguyễn Hữu Dật theo chúa Nguyễn.

Lập kế giúp đánh lui quân Trịnh

Năm 1627, chúa Trịnh Tráng đưa 20 vạn quân theo 2 đường thủy bộ tiến đánh Đàng Trong. Quân Trịnh hội quân ở cửa sông Nhật Lệ. Nguyễn Hữu Dật được cử làm Giám chiến theo Tiết chế Tôn Thất Vệ chống quân Trịnh.

Trịnh Tráng có 20 vạn quân rất đông, cố vượt qua chiến lũy, trong tình thế cấp bách Nguyễn Hữu Dật đã ra kế tung tin ở ngoài bắc Trịnh Gia và Trịnh Nhạc nhân lúc chúa Trịnh Tráng nam tiến đang chuẩn bị mưu tính cướp ngôi. Quả nhiên Trịnh Tráng trúng kế, hay tin thì vội vã đưa quân trở về.

Khi quân Trịnh rút rồi Nguyễn Hữu Dật lại cùng Đào Duy Từ xây dựng lũy Thầy kiên cố vững chắc chặn đứng quân Trịnh trong các cuộc chiến diễn ra sau này.

Sau đó Nguyễn Hữu Dật cầm quân đánh thắng lớn quân Trịnh, được Chúa phong làm làm Cai cơ, Ký lục doanh Bố chính, tức cầm quân nơi biên giới ngăn quân Trịnh.

Xem thiên văn đánh tan quân Trịnh

Năm 1655, chúa Nguyễn phong Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm Đốc chiến cầm quân vượt sông Gianh bắc tiến. Quân chúa Nguyễn đánh đậu thắng đó, ra đến tận Nghệ An. Hai bên lấy sông Lam làm ranh giới, quân Trịnh ở phía bắc sông Lam, quân Nguyễn ở phía nam.

Tháng 6 năm 1657, Trịnh Căn cho quân vượt sông Lam đánh quân Nguyễn, nhưng thất bại phải rút về bờ bắc. Trịnh Căn tính quân Nguyễn có thể thừa thắng tiến ra bắc, lại thấy rằng chiến lũy Đồng Hôn do Thắng Nham trấn giữ là nơi ẩm thấp, mùa lụt lội dễ bị quân Nguyễn đánh úp nên cho dời đến chân núi Thổ Sơn.

Nguyễn Hữu Dật quan sát tinh tượng, tính thiên văn rồi báo với Nguyễn Hữu Tiến rằng:

“Tôi đã tính đến ngày 25 là ngày Quý Hợi, sao Chẩn gặp triều độ mặt trời, tất có gió dữ mưa to, lại có khí đen suốt đến phần sao Đẩu. Mây trắng che vào chấn cung, phương bắc tức có nước lụt. Ta nhân dịp này, đánh úp đồn của Thắng Nham, tất là phá được”.

Nguyễn Hữu Tiến cho quân chuẩn bị sẵn để tấn công. Đến ngày 25 quân Trịnh chưa kịp rút đi, quả nhiên hôm ấy mưa to gió lớn khiến nước sông dâng cao, quân Nguyễn thuận theo dòng nước tiến đánh chiến lũy Đồng Hôn và thắng lớn, thu được rất nhiều khí giới, tướng quân Trịnh là Thắng Nham phải bỏ chạy đến núi Thổ Sơn.

Đến mùa thu năm 1658, Nguyễn Hữu Tiến đưa quân sang bờ bắc đánh phá quấy rối quân Trịnh, thấy quân Trịnh lập thế phòng thủ rất vững chắc nên quyết định rút về.

Trước khi rút về Nguyễn Hữu Dật lại tính thiên văn rồi nói với Hữu Tiến rằng:

“Trước đây xem thiên văn thấy mây đen che vào sao Khôi, ngày 11, Mậu Thìn, là ngày lục long, tất có mưa lụt. Nhân lúc nước lên to mà đánh, tất là thắng hắn”.

Quân Nguyễn chuẩn bị sẵn chiến thuyền, đến ngày 11 quả nhiên có mưa to nước dâng cao gây lụt lội. Chiến thuyền quân Nguyễn theo dòng nước tiến vào đánh tan quân Trịnh. Thắng được trận lớn, quân Nguyễn mới rút về.

Lúc hiểm nguy vẫn lập kế rút lui an toàn

Lúc này quân Nguyễn không đủ đông để bắc tiến. Năm 1660, Trịnh Căn liền xin Triều đình cấp thêm quân để thu hồi các vùng đất bị mất.

Trong khi đó Nguyễn Hữu Dật bằng tài năng lập nhiều công lao, chúa Nguyễn rất hài lòng ban tặng khen Nguyễn Hữu Dật và phong thưởng cho bảo kiếm. Nguyễn Hữu Tiến biết tin thì ghen tức và ghét Dật.

Khi quân Trịnh nam tiến thì bị Nguyễn Hửu Dật chủ động đưa quân đến vây chặt khiến 4 tướng quân Trịnh bị tử trận.

Hữu Tiến liền cử Nguyễn Hữu Dật cùng đánh An Trường, rồi lặng lẽ bí mật rút lui về Nam Bố Chính. Nguyễn Hữu Dật không hề biết quân của Hữu Tiến đã rút nên cho quân tiến đến An Trường. Trịnh Căn thấy quân của Hữu Tiến đã rút thì tập trung quân tiến đánh quân của Dật.

Khi Nguyễn Hữu Dật hay tin Tiến đã rút quân thì quân Trịnh đang tiến đến, quân Nguyễn bị bất ngờ có nguy cơ bị tiêu diệt toàn bộ. Dật bèn cho một nhóm quân ca hát nhảy múa, còn lại chuẩn bị rút lui. Trịnh Căn thấy quân Nguyễn ca hát, còn có tiếng đàn ca sáo nhị thì không dám đến gần, nhờ đó quân của Nguyễn Hữu Dật kịp rút lui an toàn. Kế sách này của Nguyễn Hữu Dật sau này được quân Nguyễn ví như Gia Cát Lượng, đã cứu toàn quân khỏi thảm bại.

Sau khi rút lui, biết Trịnh Căn sẽ cho quân đuổi theo, Hữu Dật liền cho quân kéo cành cây, tung bụi ở trong rừng và treo cờ lên ngọn cây để làm nghi binh. Quân Trịnh đuổi đến thấy thế nghi ngờ quân Nguyễn đặt mai phục, nhờ đó mà quân Nguyễn rút đi an toàn.

Tưởng nhớ

Lập nhiều công lớn, mỗi khi được chúa Nguyễn ban thưởng, Hữu Dật thường nhường cho cấp dưới, và xét theo hoàn cảnh khó khăn của binh sĩ mà ban thưởng. Vì thế ông được lòng binh sĩ và người dân. Hơn nữa, Hữu Dật còn đối xử với tù binh rất nhân hậu.

Năm 1681, Nguyễn Hữu Dật mất, thọ 78 tuổi, chúa Nguyễn thương tiếc phong làm Tán thị Tĩnh nạn công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Tả quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, Chiêu quận công, thụy là Cẩn Tiết.

Khi vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, Vua không quên các công thần trước đây từ thời chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Dật được phong làm Thượng đẳng công thần, thờ phụ ở Thái Miếu, cho một người trong dòng dõi làm Đội trưởng trông coi thờ cúng, cấp cho 15 mẫu tự điền, 6 người coi mộ.

Đến năm 1810, Nguyễn Hữu Dật lại được thờ vào miếu Khai quốc công thần, truy phong là Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Thái phó, đổi thụy là Nghị Vũ, tước Tĩnh quốc công. Năm 1835 ông được vua cho thờ vào Vũ Miếu.

3 người con của Nguyễn Hữu Dật là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Hữu Cảnh đều là danh tướng của chúa Nguyễn. Đặc Biệt Nguyễn Hữu Cảnh có công lớn trong việc khai phá vùng đất phương nam, mở mang bờ cõi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: