Người Sài Gòn thời trước thường thay đổi nghề nghiệp, thay đổi nơi cư trú. Một số đã an phận với sinh kế, làm công chức hoặc tư chức được xem như là giới tiểu tư sản trung lưu, thường trực tiếp giao thiệp với người Pháp, nên ăn uống sành điệu, thích đọc báo chữ Pháp rồi giải thích cho giới bình dân nghe. Đồng bạc Đông Dương trong thời gian dài được ổn định, vì vậy, họ sống thoải mái, uống rượu chát nhập cảng, vợ ở nhà có thể đánh bài tứ sắc (thời trước 1945), năm ba đứa con có thể theo bực trung học để rồi tiếp tục nghề cao giấy. Nhạy bén về tin tức, khi đúng, khi sai, họ gây được sự tin cậy trong khu phố về chính trị. Nói chung, họ giữ liêm sỉ, tránh làm mất lòng chòm xóm, trong mọi dịp ma chay hôn lễ tuy tổ chức đơn sơ, vẫn có mặt. Gọi là phong cách bình dân của người đàng hoàng. Phải chăng đây là tâm trạng hồn nhiên của người đi xa quê, tìm lại sự ấm áp “láng giềng gần hơn bà con xa”.

Đầu từ hồi năm 1930 về sau, sau, người Sài Gòn đã quen thuộc với bóng dáng anh ký giả, mỗi sáng ngồi quán bình dân, uống cà phê đen, trò chuyện và hỏi han tin tức, nghe lời khen chê của giới lao động. Ngồi bên anh ký giả là anh kéo xe kéo, anh phu khuân vác, lề đường có chị bán cháo lòng. Và ngồi chồm hổm bên chân anh, luôn có nụ cười của cậu bé đánh giày. Bởi vậy, khi nghe tin người ký giả bị chủ báo đuổi, thất nghiệp tạm thời, hoặc bị bắt về tội… liên can chính trị thì mọi người đều xúc động. Gắn bó với giới bình dân thì báo mới bán chạy, không lỗ lã. Phải nhắc nhở về đời sống của giới lao động, đòi hỏi “điện, nước cho xóm nhà lá, chống việc đuổi đất, đuổi nhà”. Rủi như báo bán ế, ít ra cũng ra vẻ “mị dân”, vẽ tranh châm biếm về đề tài chú lính “phú-lích” cầm cây dùi cui rượt theo một chị bán hàng rong!

Trở lại thời gian tương đối xa xưa hơn, ta thấy Đồ Chiểu là nhà thơ của bình dân, soạn Lục Vân Tiên nhằm đánh thức “hào khí Đồng Nai + Bến Nghé”, “giữa đường đâu thấy bất bình mà tha”, nước mất nhà tan, không được do dự, lừng khừng. Lục Vân Tiên trở thành một dạng “hát bội dân gian”, không cần đào kép chuyên nghiệp. Cứ nằm nhà, đọc lên cho con cháu, người hàng xóm nghe, với giọng khi trầm khi bổng. Người mù nói thơ Vân Tiên đã quyến rũ được bao nhiêu bạn hàng tiểu thương chợ Cầu Ông Lãnh; đến thưởng thức rồi tặng chút ít tiền, thậm chí kẻ sĩ cùng đến tán thưởng giây lát, trong khí ấm áp, hòa hợp với cộng đồng. Người mù từ Quảng Nam, Bình Định đến tìm sinh kế dễ dàng ở Sài Gòn, điệu “nói thơ” Vân Tiên sớm định hình, mô phỏng giọng “hô bài chòi” của miền Trung.

Thật là một thiếu sót đáng trách nếu không nhắc đến Trần Chánh Chiếu, từng làm hết sức mình cho Cuộc Minh Tân (phong trào Duy Tân), một thời rầm rộ từ Bắc chí Nam; chủ soái là cụ Phan Bội Châu, bấy giờ chủ trương đổi mới về phong tục, về cách suy nghĩ (theo hệ quân chủ lập hiến của Lương Khải Siêu). Tám mươi năm trước, trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 42, ra ngày 3-9-1908, họ Trần đã viết bài nói lên thân phận của nông dân, tá điền, mặc dầu ông là điền chủ và phong trào Duy Tân chỉ nhằm động viên giới điền chủ, công chức. Sinh trưởng ở Rạch Giá, chợ nhỏ phía tây Tổ quốc, ông đã ôm ấp giấc mơ lớn. Để hoạt động, ông phải lên tận Sài Gòn. Về thơ đời Đường, nhắc tên Lý Bạch và Đỗ Phủ là tạm đủ. Nhưng Trấn Chánh Chiếu dã dẫn chứng một nhà thơ ít ai biết, Nhiếp Di Trung, với bài Mẫn Nông mà ông ghi là Mãng Nông Trần Chánh Chiếu theo Tây học, nhập Pháp tịch từ năm 1887, để lấy thế đứng, khó bị bắt bớ như người bổn xứ (dân thuộc địa). Bài lấy nhan đề “Nhị ngoạt mại tân tư. Ngũ ngoạt khiếu tân cốc”, nguyên văn như sau:

“Người Nhiếp Di Trung làm bài thơ Mãng Nông có câu thơ rằng: Tháng Hai bán tơ mới, tháng Năm bán lúa sớm, cắt thịt vá ghẻ, nghĩa là đở ngặt vậy chớ khổ cũng hoàn khổ.

“Thương hại cho dân nghèo ra thân đi làm tá điền, vi trong tay không nghề sẵn nên mới chui đục đỡ giấc, nói tiếng làm ruộng, chớ kỳ trung đi kiếm ăn cho qua ngày tháng. Làm ruộng gì mà mãn nhứt đại không có dư một hột lúa dính tay, lẽ thì 3 năm làm mới có một năm thiếu ăn có đâu hụt trước thiếu sau, lúa gặt vừa rồi đã đi lành ruộng giao, lãng công cấy, công phát.

“Một năm 12 tháng, làm ruộng thiệt sự có 4, 5 tháng, còn 7, 8 tháng dư linh làm nghề chi? Vì không có nghề trong tay nên mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc, chà lết mòn quần rách áo.

“Thương ôi, dốt đặt hơn cá tôm, vụng về hơn trùn dế. Dân nước khác tiếc tới giờ tới phút như tiền bạc, dân nước mình phí ngày tháng như nước trôi.

“Uổng thay từ già đến trẻ, từ nam đến nữ đều luống những đêm ngày. Nghe ai cho vay thì mừng hớn hở, hỏi rồi nào lo trông trả? Vì vô nghề nghiệp nên mới sanh tệ trong xứ như thế. Làm người phải biết thương cái thể diện của mình.

“Kẻ thương quê hương phải hết sức giúp cho nền công nghệ thì có ngày trừ đặng việc đình trệ mới tỏ bày trước đó.

Trường hợp của chí sĩ Nguyễn An Ninh là chuyên đề lớn. Đây chỉ nói về tác phong của người trí thức đã nhập thân vào giới bình dân, điển hình nhứt là việc ông đi bán “dầu cù là An Ninh”, kiểu bán hàng rong, trong xóm lao động. Dịp Tết, ông bày gian hàng bên hông chợ Bến Thành (kiểu gian hàng dưa hấu, kẹo bánh) đích thân ông đứng chào hàng trước đồng bào lao động. Một người đương thời đã mô tả:

“Ông (Nguyễn An Ninh) người chất yếu, nhờ thể thao, nhờ đi xe đạp, nhờ chịu cực mà mới khỏe được. Ông thân ông hiện có bịnh bại, đang ngồi rũ ở nhà dịch tự điển Khang Hi. Ông Ninh có chịu cái bịnh di truyền ấy nhiều ít… Thế mà ông ghét đám thanh niên ăn mặc sung sướng, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn bày ra một cách sanh hoạt tự do, mà “cần lao” như dân đi làm rừng làm rẫy; quần áo vải bộ, chiếc nóp, đãi cơm, bầu nước, rồi là mênh mông đâu cũng là nhà. Ông nói: ở trong nhà ông thấy kèo cột nó đè ông, ông không chịu được! Ông lại cũng hay hát câu: “La terre entière appartient aux vagabonds”. Dịch rằng: “Một bầu thế giới mênh mông, dành riêng cho kẻ bềnh bồng phiêu lưu”. Tội nghiệp thay, những người giu giú trong nhà.”

Về văn chương, thi phú (thời xưa gọi thơ tuồng, truyện tích), tính bình dân phải rõ nét thì mới thu hút được độc giả. Trương Vĩnh Ký, nhà học giả có tầm cỡ trong bối cảnh Sài Gòn cuối thế kỷ thứ 19 đã gây được sự mến mộ nhờ phong cách bình dân, áo dài đen, đi giày hàm ếch, khăn đóng, đặc biệt là hớt tóc, tuy tiếp xúc thường xuyên với người Pháp. Châm ngôn của ông là “Thường bả nhất tâm hành chánh đạo” rút từ luân lý Khổng Mạnh được hiểu là quan điểm “chánh đạo”, tùy thời, thành thật. Bài thơ sau cùng của ông nhằm tự phán xét: “Học thức gởi tên con sách nát. Công danh rốt cuộc cái quan tài….Cuốn sổ bình sanh, công với tội. Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”. Đương thời, Trương Vĩnh Ký không xin nhập quốc tịch Pháp, chú trọng việc giới thiệu những gì thích hợp với giới bình dân và trung lưu: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Gia Định Thất Thủ, Vịnh thơ Mẹ dạy con, bài phú Học trò nghèo, Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài. Trong tập san “Thông loại khóa trình”, ông ghi chép nào ca dao, câu thai đố, giải thích tục lệ người Việt, sưu tầm nhiều bài phú, bài vè.

Huỳnh Tịnh Của đã sao lục áng văn lừng danh của Đồ Chiểu “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, ông dư hiểu bài ấy không có lợi cho thực dân. Ngoài chuyện giải buồn, còn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, ấn hành năm 1896, một công trình đáng kể về khối lượng và chất lượng, ghi lại lời ăn tiếng của mọi giới ở vùng Đồng Nai (quê ông ở Bà Rịa). Những tiếng lóng, tiếng thông dụng mà các nhà “bác học” mãi đến nay còn do dự, chưa ghi vào tự điển vẫn có mặt trong quyển tự vị này: bánh hỏi, mười hai mụ bà, mười ba đức thầy, bòng bong (bữa thấy bòng bong che trắng lớp); thí dụ như ở chữ “trâu”, nào thả trâu, cầm trâu, ra cần trâu, đánh như đánh trâu, bắt vạ một trâu…

Huỳnh Mẫn Đạt, Cử Trị, Thủ Khoa Huân được nhắc nhở, nhà thơ ca mang tính bình dân, dễ tiếp thu.

Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: