Nam nhân hùng tài đại lược đều là người trải qua nhiều ma nạn
- An Hòa
- •
Trong thơ cổ có câu: “Tự cổ hùng tài đa ma nạn, tòng lai hoàn khố thiểu vĩ nam”, tức là từ xưa đến nay nam nhân hùng tài đại lược đều phải là người đã trải qua nhiều ma nạn rồi mới thành tựu, còn người sống trong nhung lụa, sung sướng thì ít khi trở thành người vĩ đại.
Trong cuộc sống hiện thực, đường đời của mỗi người đều gập ghềnh nhấp nhô, không có ai cả đời thuận buồm xuôi gió. Một cuộc đời vĩ đại nhất định phải trải qua nhiều thất bại và suy sụp mà ma luyện mới thành. Một người muốn thành tựu được sự nghiệp lớn cũng phải trải qua khó khăn mà có thể trụ vững được. Muốn được thế ắt phải có ý chí kiên cường, kiên định không gì cản phá nổi. Một người bình thường thì rất khó có thể làm được như vậy.
Các loại khổ nạn và sinh lão bệnh tử trong đời người có thể khiến một người bình thường cảm thấy bất hạnh, nhưng cực khổ vừa có thể ma luyện ý chí con người, lại vừa có thể tạo nên một nhân cách cao thượng. Một người cho dù là có địa vị thấp kém như thế nào, tình cảnh khốn khó ra sao, chỉ cần người ấy có chí hướng cao xa, hơn nữa còn có thể ở trong cực khổ mà kiên định chí hướng của mình, thì có thể tôi luyện nên phẩm cách bất khuất. Trong cuộc sống, rất nhiều người có sự nghiệp thành công là người kiên trì bền bỉ, biết vươn lên trong nghịch cảnh.
Thơ cổ viết: “Thiên đào vạn lộc tuy tân khổ, xuy tẫn cuồng sa thủy đáo kim”, nghĩa là trải qua ngàn vạn lần đãi lọc đầy gian khổ, đãi hết cát đi thì bắt đầu thấy vàng ròng lóe sáng. Bất luận là ở con đường học tập, lập nghiệp hay tu luyện, người có thể kiên trì đến cùng mới là vàng thực sự.
“Thiên đào vạn lộc tuy tân khổ, xuy tẫn cuồng sa thủy đáo kim” là câu thơ trong bài “Lãng đào sa cửu thủ” của đại thi hào thời nhà Đường, Lưu Vũ Tích. Ý tứ của câu thơ chính là, đãi vàng phải trải qua ngàn vạn lần lọc bỏ, tuy rằng vất vả, nhưng khi loại bỏ hết bùn cát thì lộ ra vàng kim lóe sáng. Con đường làm quan của Lưu Vũ Tích cũng gập ghềnh khúc khuỷu. Ông từng bị nhiều lần giáng chức, nhiều lần long đong lận đận nhưng ý chí của ông không bị suy yếu, trái lại ông luôn giữ tinh thần lạc quan, tấm lòng khoáng đạt, khí phách dũng cảm. Cuộc đời ông mặc dù trải qua trăm đắng ngàn cay nhưng đến cuối cùng vẫn hiển lộ ra rằng, bản thân ông không phải bùn cát vô dụng mà chính là hoàng kim lóe sáng.
Cổ ngữ có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí”, ngọc không qua mài giũa, đẽo gọt thì không thể hiện ra vẻ đẹp và giá trị của nó. Từ xưa đến nay, người ta phải trải qua ma nạn mới trở thành người hiền tài. Xưa kia, Cơ Xương dù khốn khổ ở trong ngục giam bảy năm, nhưng lại có thể suy diễn ra hậu thiên bát quái và 64 quẻ dịch, viết ra “Quần kinh chi thủ” Chu Dịch. Tư Mã Thiên chỉ vì biện giải cho tướng lĩnh Lý Lăng mà bị Hoàng đế phán tử hình, cho chuộc bằng tiền hoặc phải tự thiến. Tư Mã Thiên nhẫn nhục chịu bị thiến, từ đó sống để viết xong cuốn “Sử Ký”. Khuất Nguyên bị lưu đày nhưng lại có thể sáng tác ra bài thơ nổi tiếng “Ly Tao”. Tôn Tẫn cụt chân lại có thể để lại cho hậu nhân “Binh pháp Tôn Tẫn”. Thời Chiến Quốc, Hàn Phi Tử bị cầm tù nhưng vẫn viết ra “Cô phẫn”, “Thuyết nan” … Những ví dụ kể trên nhiều không kể xiết, đều là minh chứng cho đạo lý: Bậc thánh hiền thời cổ đại đều là khổ cực trải qua ma nạn, ở trong nghịch cảnh trải qua muôn ngàn thử thách mà có thể giữ vững được ý chí cường đại, trở nên hùng tài đại lược, sáng tạo ra những kỳ tích cho sinh mệnh.
Trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta không đạt được điều như ý liền than trời trách đất, hay chứng kiến những người gặp một chút khó khăn, chịu một chút khổ là than vãn ông trời hà khắc, bất công. Kỳ thực, từ một góc độ khác mà quan sát, gian khổ, ma nạn cũng chính là một ân huệ mà trời xanh ban cho con người. Người đang ở trong ma nạn, nếu có thể thủ vững tiết tháo cao thượng “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không phóng túng, nghèo hèn không thay đổi, uy vũ không khuất phục), giữ vững được sự cao quý trong sâu thẳm tâm linh mình thì những ma nạn kia không phải là vật cản mà chính là nấc thang để linh hồn thăng hoa.
Đời người mấy chục năm, chỉ có tu tâm dưỡng tính mới tẩy tịnh được những vẩn đục trong tâm linh, ở trong các loại đau khổ và ma nạn mà kiên trì không ngừng mới có thể luyện mãi thành thép, đãi mãi thành vàng. Trong nền văn hóa truyền thống mấy ngàn năm, cổ nhân thấu hiểu đạo lý này nên ở trong hoàn cảnh gian khổ mà xuất sinh, bồi dưỡng ra được vô số kẻ sĩ hùng tài đại lược lưu danh mãi đến ngày nay.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tâm linh Thánh nhân Chu Dịch Tư Mã Thiên Tôn Tẫn