1% vụ Hồ Duy Hải là gì?
- Lê Ngọc Luân
- •
Sau khi có phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì 1% để làm sáng tỏ vụ Hồ Duy Hải sẽ được thực hiện như thế nào. Đây là bài viết cuối cùng nói về vụ án này, trừ khi có phát sinh những tình tiết nêu ra dưới đây.
1) Cần phải khẳng định, tất cả các bạn và tôi không khẳng định Hải oan hay không oan nhưng điều sâu xa nhất chính là một người được xem là chưa có tội nếu phán quyết đưa ra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Dù tôi và nhiều người khác không phải là luật sư của Hải nhưng họ đều lên tiếng, trong đó tôi biết có những người (chuyên gia pháp luật, đại biểu quốc hội, nguyên thủ quốc gia…) không phải vì nói Hải oan hay có tội mà họ lên tiếng vì muốn pháp luật phải được tôn trọng, phải được thực thi một cách văn minh nhất. Nếu không, sẽ gây ra hệ quả tai hại ở vĩ mô rất kinh khủng.
Về nguyên tắc, nếu tất cả chúng ta đều tin một người có hành vi phạm tội nhưng không được chứng minh đúng bởi tiến trình điều tra theo quy định của pháp luật thì không được phép kết tội. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch ở bất kỳ quốc gia nào. Quy định này giúp và buộc cơ quan thực thi luật pháp tuân thủ để xã hội được thượng tôn pháp luật và hướng đến sự văn minh dân chủ. Thế nên, thế giới đưa ra chế định “suy đoán vô tội” trong pháp luật Hình sự, và Việt Nam đã minh thị tại Đạo luật tối cao là Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự.
2) Dù quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao được ban ra nhưng theo luật vẫn có thêm các thủ tục đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và/hoặc Ủy ban Tư pháp Quốc hội vẫn có quyền xem lại phán quyết này. Vậy, ta phải làm gì? Tôi nghĩ luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải cùng các luật sư trong cả nước cần có bản kiến nghị gửi Cơ quan này xem lại vụ án. Nếu có khoảng 10.000 luật sư ký tên. Vấn đề này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể thực hiện và niềm tin vụ án sẽ được lật lại.
Và tôi, luật sư Lê Ngọc Luân sẵn sàng ký tên đầu tiên.
3) Viện trưởng VKSND Tối cao cần có kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lại phán quyết. Trường hợp này, không thể không làm.
4) Những người yêu công lý, đau xót cho hai nạn nhân, đau xót cho cả phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể tập hợp chữ ký (ít nhất 1.000.000 người ký tên bằng cách lập link) đề nghị, Ủy ban Thường vụ và Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét lại vụ án. Đây là quyền của nhân dân với chính quyền. Đó không phải là kích động hay phản động mà ngược lại, nó cho thấy “niềm tin vào chính quyền vẫn còn đó”. Bởi, còn niềm tin nhân dân mới làm thế và đương nhiên chính quyền sẽ không bỏ mặc niềm tin.
Với hơn 95.000.000 dân mà không làm được việc đó thì hai chữ “Công Lý” chỉ là hư không!
5) Đại biểu Quốc hội, ở vị thế của mình cần lên tiếng đúng trách nhiệm mà nhân dân giao phó.
6) Nếu ai biết những khuất tất (nếu có) về vụ án hãy bí mật gặp luật sư bào chữa để cung cấp. Nếu tình tiết đó là mới sẽ được xem lại thủ tục tái thẩm vụ án.
7) Nếu Hải khẳng định mình oan thì hãy kêu oan dù bây giờ sinh mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu đúng là oan thì tôi có niềm tin, tiếng kêu ai oán đó sẽ lay động được những lương tâm cuối cùng. Còn Hải làm đơn xin ân giảm án tử hình, nghĩa là Hải thừa nhận mình có tội. Lúc này cực kỳ khó bởi vì nhiều lý do khác nhau.
P/S: Nếu làm được một trong những điều trên, tôi tin vụ án sẽ được lật lại. Quan trọng có làm được hay không, tôi không thể khẳng định. Nhưng nếu được thì sẽ tạo ra một tiền lệ cực tốt cho xã hội, pháp luật, lương tri.
Tôi lo ngại thời gian tới đây, mọi thứ lại rơi vào im lặng mà thôi. Vì vậy, tôi lấy hình ảnh hai bàn tay của Luật sư ở GOLD KEY chụp cạnh cân công lý với 1% hy vọng điều đề cập sẽ hiện thực.
Sài Gòn, 9/5/2020
Luật sư Lê Ngọc Luân
Từ khóa vụ án Hồ Duy Hải giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải