Quá trình văn minh là quá trình loài người không ngừng thoát khỏi man rợ, chức năng lớn nhất của văn minh là “khiến loài người được sống như con người”, mỗi người được tự do phát huy tiềm năng của bản thân mà không gây hại cho người khác.

shutterstock 402458263
(Nguồn: Rawpixel.com/ Shutterstock)

Văn minh (civilization) là gì? Có nhiều kiến giải về khái niệm này. Từ điển Oxford định nghĩa “văn minh” là “chỉ trạng thái xã hội có tổ chức và phát triển cao”. Thế nhưng trạng thái xã hội như thế nào thì có thể được coi là “có tổ chức và phát triển cao”? Điều này dẫn đến những cuộc tranh luận bất tận.

Lâu nay, nhiều người khi nói đến từ “văn minh” luôn dùng những tiền đề để “phân chia” như “cổ đại” hay “hiện đại”, “phương Đông” hay “phương Tây”…

Nhưng thực tế nan giải là không ít xã hội tự xưng là “văn minh” lại luôn nhuốm đầy máu, con người cưỡng bức và nô lệ nhau… Ngược lại, trong cái gọi là “Thời Trung cổ Đen tối” ở châu Âu lại xuất hiện số lượng lớn các thành phố tự do, nơi quyền sở hữu tư nhân và quyền tư pháp được tôn trọng, giúp tiềm năng của con người xã hội đó được phát huy tối đa, nhờ đó mà sinh ra những thiên tài mà đến xã hội hiện đại chưa thấy ai vượt qua được.

Có hai điểm không thể nghi ngờ: Văn minh là đặc hữu của loài người, động vật không có văn minh; văn minh và man rợ có định hướng giá trị và hậu quả xã hội hoàn toàn trái ngược nhau.

Có thể thấy, tiến trình văn minh nhân loại dường như không phải lúc nào cũng tuân theo thuyết tiến hóa (thuyết giai đoạn), hay “đặc thù dân tộc”, mà có những yếu tố nhất định xuyên suốt và được chia sẻ chung trong loài người.

(1) Bạo lực trong xã hội văn minh luôn thấp

Trong hàng ngàn năm, biểu hiện tàn sát đồng loại trong loài người ngày càng ít, đó là biểu tượng quan trọng nhất của trình độ văn minh không ngừng lên cao. Loài người ngày càng sống tốt hơn, trước hết là được hưởng lợi từ an ninh ngày càng nhiều, do việc đồng loại giết hại lẫn nhau là nguyên nhân chính ảnh hưởng cảm giác an toàn của loài người. Kể từ khi bắt đầu có chữ viết ghi chép, mức độ bạo lực trong xã hội loài người luôn không ngừng giảm hơn. Thời kỳ người Anh cai trị Ấn Độ đã xóa bỏ tục lệ chôn góa phụ [còn sống] theo chồng bị chết, vì vậy có thể nói vào thế kỷ 19 xã hội Anh văn minh hơn nhiều xã hội Ấn Độ.

Nhưng ngay cả trong xã hội phát triển cao về vật chất mà chúng ta đang sống hiện nay thì man rợ vẫn chưa biến mất, dấu vết vẫn thấy trong các tin tức xã hội. Chẳng hạn như ở một số nước Trung Đông còn có tục dùng đá ném giết phụ nữ ngoại tình; ở một số bộ lạc châu Phi còn tục cắt bao quy đầu (cắt bỏ cơ quan sinh dục ngoài) của phụ nữ chưa đủ tuổi vị thành niên, nghi lễ này bắt buộc trong tình trạng thường không gây mê, khử trùng; có những nơi người ta còn khuyến khích giết trẻ sơ sinh, bào thai… Đó là những hành vi hết sức dã man.

Đối với loài người, làm thế nào để đề phòng sự man rợ của người khác và kiềm chế sự man rợ của chính mình, cái trước quyết định cảm giác an toàn của chúng ta và cái sau quyết định ý thức đạo đức của chúng ta, đây là vấn đề không thể thiếu phải rèn luyện.

(2) Quyền sở hữu và ranh giới rõ ràng

Hai con kiến ​​tranh miếng bánh mì, báo gêpa và linh cẩu tranh miếng thịt, tất cả đều tuân theo luật rừng rú mạnh được yếu thua. Các bậc thầy khai sáng người Anh như Hume và Smith… đã phát hiện ra rằng động vật không thể có ý thức phân biệt như “của tôi” và “của bạn”, đó là ý thức chỉ có ở loài người.

Sau khi các cá nhân sở hữu tài sản riêng thì trao đổi thị trường và hợp tác phân công lao động mới trở nên khả thi, loài người mới tạm biệt luật rừng. Cái gọi là ‘hàng xóm tốt không bằng hàng rào tốt”, hệ thống ranh giới quyền sở hữu càng rõ ràng thì càng có thể khuyến khích mọi người trung thực và đáng tin cậy. Tài sản tư nhân được bảo vệ bình đẳng ở mức độ càng cao thì xã hội càng văn minh.

“Gió vào được, mưa vào được, nhưng vua không được vào”, “tư hữu và tự do không thể tách rời”, những nhà tư tưởng lớn như Hume, Burke, Hayek, Acton, Tocqueville, Montesquieu… đều xem quyền tư hữu tài sản như là nền tảng của các thể chế tự do.

Trong cuốn “Nguyên nhân của tự do” (How We Invented Freedom & Why It Matters), học giả nổi tiếng Daniel Hannan (sinh ra ở Peru và học ở Anh) đã chỉ ra rằng Mỹ Latin giành được độc lập gần như cùng lúc với Bắc Mỹ, nhưng vì không có cơ chế tư hữu tài sản rõ ràng như Mỹ (hấp thu từ Anh) nên xã hội đó mãi trong tình trạng nghèo đói và hỗn loạn.

(3) Xã hội văn minh cởi mở và hợp tác cao

Mức độ đoàn kết và hợp tác của động vật kém xa loài người, loài người dựa vào trao đổi thị trường, phân công lao động đã trở nên chuyên nghiệp hóa cao. Toàn cầu hóa kể từ thời hiện đại đã đưa mức độ hợp tác của loài người lên một mức độ chưa từng có, nhờ đó tổng của cải và mức sống của toàn nhân loại đã tăng theo cấp số nhân.

Ví dụ, trong thời Nam Bắc triều của Trung Quốc, dân tộc thiểu số phía bắc đã xâm lược vùng Trung Nguyên, cướp bóc, giết chóc và thậm chí ăn thịt người. So với người Hán ở vùng Trung Nguyên, những hành động tàn bạo và đẫm máu này tất nhiên là dã man. Về sau, dưới ảnh hưởng của người Trung Nguyên, một số bộ tộc dần dần học cách làm ăn với người Hán, đổi sản phẩm chăn nuôi lấy trà và đồ sắt, đây là cánh cửa bước khỏi dã man để vào văn minh, còn những dân tộc nào khép kín thì cuối cùng cũng bị tự diệt vong.

Trật tự văn minh phải là trật tự mở, đó trước hết là “giao lưu hướng ra bên ngoài”. Vì mọi trật tự man rợ đều [nhân danh] theo tính tập thể trừu tượng, chỉ có trật tự văn minh mới dựa trên đơn vị cá nhân cụ thể [tôn trọng con người cá nhân]. Như Popper đã tiết lộ trong cuốn “Xã hội mở và kẻ thù của nó”: Một xã hội chỉ công bằng, tự do và năng động khi “các cơ hội kinh tế, chính trị và danh dự đều mở ra như nhau cho tất cả các cá nhân”; còn những xã hội triệt tiêu cái tôi cá nhân thì chắc chắn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của bạo lực và nghèo đói.

(4) Xã hội văn minh tuân thủ khế ước

Động vật về cơ bản không có bất kỳ trí nhớ dài hạn nào, không biết cách dự đoán tương lai từ kinh nghiệm tích lũy. Do đó, động vật không có quan niệm “tín, nghĩa”, không thể thấy trước hệ quả của những hành động vị lợi.

Nhưng loài người là sinh vật có trí nhớ và tầm nhìn, sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm thì sớm muộn gì loài người cũng sẽ hiểu chân lý: ỷ vào chém giết lẫn nhau không ngừng sẽ không bao giờ có thể thoát ra khỏi thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân, chém giết nhau sẽ không thể mang lại an bình lâu dài cho tất cả, chỉ khi có khế ước chung xác định ranh giới và trách nhiệm rõ ràng mới là cách tối ưu đảm bảo an toàn cho tất cả. Nhà sử học Yuval Noah Harari (người Israel) chỉ ra rằng chính “khả năng hư cấu” mạnh mẽ này đã giúp loài người thoát khỏi phạm trù đơn thuần là động vật để hóa thân thành “động vật bậc cao”.

Ví dụ, tín dụng tiền tệ là một trong những phát minh vĩ đại nhất, giúp cho hoạt động trao đổi trên thị trường của loài người trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn – nơi nào có thị trường tài chính mở và phát triển sẽ luôn là nơi có trình độ văn minh cao. Vì chừng nào xã hội còn duy trì mức độ cởi mở và hợp tác cao, thì những người trọng tín nghĩa được hưởng lợi nhiều nhất, từ đó tạo thành vòng tuần hoàn tất cả cùng có lợi.

Tầm nhìn về một xã hội văn minh còn thể hiện ở sự tôn trọng lịch sử và quan tâm đến tương lai. Ví dụ: tôn trọng sự thật lịch sử, không che giấu lịch sử dù có bị ô nhục; tôn trọng thiên nhiên sẽ mang lại phát triển bền vững để có tương lai tốt đẹp hơn; quan tâm đến trẻ em và thanh thiếu niên, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng…

(5) Xã hội văn minh thượng tôn luật pháp và quyền tự do cá nhân

Ở xã hội văn minh thì pháp luật là thượng đế, mọi thứ đều tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc pháp quyền, quyền lực công luôn nằm trong kiềm tỏa của pháp luật. Do quan hệ xã hội phổ biến các hợp đồng [khế ước] được thiết lập, vì thế xã hội văn minh là xã hội thượng tôn tinh thần pháp luật với cốt lõi là các hợp đồng.

Ở những nước pháp trị điển hình, cơ chế phân quyền giúp kiểm soát quyền lực công khiến mọi người có được cảm giác an toàn lâu dài, được hưởng tự do ngôn luận và tự do tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, những quyền cơ bản của công dân được hiến pháp đảm bảo, không xảy ra tình trạng phổ biến những hình phạt tùy tiện (bỏ đói, cấm ngủ, tra tấn để lấy lời thú tội…), ngay cả những tên tội phạm ghê tởm cũng phải trải qua các thủ tục tư pháp nghiêm ngặt trước khi chúng có thể bị kết án và trừng phạt.

Tuy nhiên, trong những xã hội dã man, mọi người trong xã hội đó phải đối mặt với bộ máy nhà nước toàn năng khiến tình trạng cưỡng bức và nô dịch trở nên phổ biến. Đó là xã hội tràn đầy tra tấn và trục lợi nhau, trật tự công lý thường bị chà đạp, vô số tội ác trắng trợn thậm chí đã được thực hiện nhân danh luật pháp.

Vì vậy, có thể nói tinh thần khế ước (pháp quyền) là nền tảng của văn minh, một quốc gia có trình độ pháp quyền càng cao thì quyền lợi của các bên càng được bảo vệ tốt hơn, đất nước như thế càng ổn định và thịnh vượng hơn.

(6) Xã hội văn minh phổ biến tính đồng cảm, tôn trọng quyền tự do lựa chọn của cá nhân và chú ý đến các tiểu tiết của đời sống

Lòng trắc ẩn là một trong những khác biệt lớn nhất giữa loài người và động vật. Adam Smith, người khởi xướng kinh tế học, đã chỉ ra trong “Luận về tình cảm đạo đức” (The Theory of Moral Sentiments) rằng ích kỷ là bản chất của sinh vật, là cơ sở để sinh tồn và sinh sản, nhưng loài người có tính đồng cảm, theo đó những thứ liên đới chúng ta càng cao thì càng có thể khơi dậy đồng cảm trong chúng ta càng mạnh. Ví dụ, điều chúng ta quan tâm nhất là: bản thân, người thân bạn bè, đồng loại, thậm chí cả động vật, thực vật…

Những xã hội có mức thượng tôn lựa chọn cá nhân cao hơn thì sức sáng tạo của xã hội đó mạnh mẽ hơn. Khi chuẩn mực của xã hội thừa nhận “bản chất tư lợi” của con người và khuyến khích mọi người mang lại lợi ích cho nhau, tự nhiên con người trong xã hội đó ở mức phổ biến cũng biết đồng cảm với kẻ yếu thế hơn, bất lợi hơn. Vì trạng thái phổ biến của xã hội đó là: đa số người đều có thể sống đủ tốt chỉ bằng dựa vào khả năng cá nhân, do vậy có dư sức để giúp đỡ kẻ yếu và mở rộng lòng cảm thông với người lạ, động vật và thậm chí là mọi sinh vật.

Nếu một xã hội mà những người yếu thế nhất được sống có tôn nghiêm, hạnh phúc, thì chúng ta có thể nói rằng đó là xã hội văn minh cao.

Ngược lại, nếu con người trong xã hội bị hạn chế tự do lựa chọn để phát triển, họ phải vắt kiệt sức vì chuyện sinh kế tối thiểu mà có khi thậm chí trong nhiều trường hợp phải chọn cách sống lợi mình hại người, thì đó là xã hội đó không còn tinh lực để mưu cầu theo đuổi những mục tiêu cao hơn, khi đó vấn đề tăng cường đức hạnh và chất lượng cuộc sống của xã hội đó sẽ bị hạn chế ở mức độ cao.

Xin nói thêm, cái gọi là “sự xung đột giữa các nền văn minh” của Huntington là quan điểm không thể đứng vững: các nền văn minh cạnh tranh với nhau và có va chạm, nhưng sẽ không tất yếu dẫn đến phải xung đột; có xung đột giữa các nền văn hóa nhưng đó chủ yếu là xung đột giữa: man rợ và văn minh, bạo lực và hòa bình, đóng và mở, nô lệ và tự do, khế ước và tùy tiện…

May mắn thay, trong lịch sử nhân loại, lãnh thổ của trật tự văn minh ngày càng mở rộng khiến lãnh thổ của man rợ ngày càng thu hẹp, do đó chúng ta có thể hy vọng vào tương lai loài người.

Văn minh không đồng nghĩa nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía. Lâu đài văn minh được tạo dựng thúc đẩy từ những cá nhân “yêu tự do, khát vọng được là chính mình, và muốn mọi người đều được như mình”: Có con người văn minh trước, sau đó mới có xã hội văn minh.

Quá trình văn minh là quá trình loài người không ngừng thoát khỏi man rợ, chức năng lớn nhất của văn minh là “làm cho loài người sống như con người”. Ranh giới giữa văn minh và man rợ là ranh giới giữa Người và Vật.

Nền văn minh không phải là độc quyền của bất kỳ nhóm người nào; văn minh là của toàn nhân loại, không phân biệt dân tộc, vùng miền, thời đại: Chỉ có thái độ cởi mở học hỏi với tinh thần khiêm tốn mới có thể tiến bước vào lâu đài văn minh.

Theo Nghị Báo

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Nghị Báo, do Mộc Vệ biên dịch.)