Blog: Bi kịch của Ukraine
- Phó Thân Cơ
- •
Cuộc chiến xâm lược của Nga đối với Ukraine đã qua hai tuần với vô số thảm kịch. Trong quá khứ Ukraine từng là nơi sở hữu vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới nhưng họ đã xóa bỏ dưới cam kết an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của các cường quốc. Câu hỏi nhức nhối đặt ra hiện nay là có còn nên tin vào các cam kết tương tự hay không?
Ukraine, một quốc gia độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, đã từng là quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Ngày 24/5/1992, các nước gồm Ukraine, Kazakhstan, Belarus, Mỹ và Nga đã ký Nghị định thư của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược. Thời điểm đó Tổng thống Kravchuk (Leonid Makarovych Kravchuk) của Ukraine đã cao giọng: Tất cả chúng [vũ khí hạt nhân] sẽ bị xóa bỏ trong vòng 7 năm, sẽ không còn lại gì! Ngày 14/1/1994, Mỹ, Nga và Ukraine đã ký “Thỏa thuận ba bên về việc tiêu hủy tất cả vũ khí hạt nhân ở Ukraine”. Kể từ đó, Ukraine đã trở thành một quốc gia phi hạt nhân.
Ngày 5/12/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Yeltsin, Thủ tướng Anh John Major, và Tổng thống Kuchma của Ukraine đã ký “Bản ghi nhớ Budapest về An ninh Ukraine”. Văn kiện quy định: nếu Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân thì Mỹ, Vương quốc Anh và Nga sẽ đảm bảo an ninh của Ukraine, “tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới hiện có của Ukraine, sẽ không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực đối với toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine, tránh sử dụng áp lực kinh tế để ảnh hưởng đến chính trị của Ukraine; nếu Ukraine bị xâm lược hoặc bị đe dọa bằng vũ khí hạt nhân, những nước ký kết có thể căn cứ vào địa vị quốc gia trong ‘Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân’ để tìm kiếm sự trợ giúp từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Thế nhưng ông Putin, người luôn tự nhìn bản thân là mạnh mẽ, không ngừng mơ ước tạo ra một “thế giới Nga” nơi người Ukraine và người Nga có thể tồn tại như “một dân tộc”, thực hiện sứ mệnh của mình là giành lại tất cả các khu vực nói tiếng Nga từng thuộc về nước Nga thời Sa hoàng. Ông ta đã dùng đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu của Ukraine làm cái cớ, qua đó ủng hộ các cuộc nổi dậy vũ trang ở các vùng Donetsk và Luhansk và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Ukraine, sau đó ông ta sáp nhập Crimea vào Nga. Như vậy Nga đã trực tiếp dùng vũ lực gây nguy hiểm cho an ninh của Ukraine, trong khi bên còn lại tham gia ký kết chưa thực hiện được lời hứa như đã ký. Vậy là Ukraine đã trở thành nạn nhân của trò chơi giữa các cường quốc.
Ngày 21/2 năm nay, ông Putin tuyên bố công nhận “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk”, và sau đó vào sáng sớm ngày 24/2 ông ta ra lệnh cho quân đội Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine. Mặc dù cả thế giới đều lên án hành động xâm lược của Nga, nhưng các chính phủ phương Tây đã không thực hiện các biện pháp đối phó hiệu quả trước tội ác xâm lược của Nga, còn ông Putin vẫn tiếp tục leo thang tình hình bằng đe dọa cao về chiến tranh thế giới và chiến tranh hạt nhân.
Có lẽ, các lực lượng khác nhau sẽ kết thúc cuộc chiến bằng cách đạt được một thỏa hiệp mà thiệt hại chính vẫn là Ukraine; cũng có thể ông Putin sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình bằng cách kích hoạt chiến tranh châu Âu và chiến tranh thế giới. Nhưng chúng ta càng trông đợi hơn việc quân đội và người dân Ukraine đứng lên chống lại cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin khiến ông ta chìm vào biển cả của cuộc chiến tranh nhân dân, cuối cùng kết thúc chiến tranh khi ông Putin kết thúc vận mệnh dưới sự bao vây của thế giới và sự kháng cự của nhân dân Nga.
Nhưng dù diễn biến thế nào thì thảm kịch ở Ukraine cũng đã xảy ra và sẽ còn tiếp diễn. Hơn một triệu người đã phải rời khỏi Ukraine, và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa của họ. Hiện chưa rõ con số thương vong.
Hy vọng hòa bình sẽ đến sớm nhất có thể và thảm kịch ở Ukraine sẽ kết thúc càng sớm càng tốt!
Phó Thân Cơ, RFA
Từ khóa Ukraine Dòng sự kiện Putin Chiến tranh Nga - Ukraine Nga