Blog: Mỹ không có tư cách dạy bảo Trung Quốc?
- Vị Phổ
- •
Tháng trước, quan chức ngoại giao hai nước Mỹ – Trung có cuộc hội đàm, khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken phê bình vấn đề nhân quyền Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã mạnh mẽ đáp trả, nước Mỹ của các vị có nhiều vấn đề nhân quyền như thế, các vị có tư cách gì để dạy bảo Trung Quốc? Đây là lời lẽ nhàm tai. Mỗi khi gặp trường hợp Mỹ phê bình Trung Quốc, khi Chính phủ Trung Quốc thẹn quá hóa giận, thì đều thích đáp lại như thế.
Bài viết của Vị Phổ thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.
Còn nhớ, sau khi Bắc Kinh xảy ra sự kiện thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6/1989, một vị Phó hiệu trưởng họ Trịnh của Đại học Nhân dân Trung Quốc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc thăm Mỹ vào năm sau đó. Đại học Yale là một điểm dừng họ, đúng thời điểm tôi đang học tập ở đó. Ông Trịnh đã đáp lại sự lên án của Mỹ đối với việc Trung Quốc thảm sát sinh viên tay không tấc sắt như thế này: Nước Mỹ các vị vào tháng 12/1989 đã xâm nhập vào Panama thảm sát người dân, các vị có tư cách gì chỉ trích chúng tôi? Khi đó tôi phản bác lại rằng, vấn đề của Mỹ tại Panama không thể dùng để biện giải cho việc Chính phủ Trung Quốc trấn áp sinh viên Trung Quốc là đúng đắn.
Đã qua 30 năm, khi quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ không có tư cách dạy Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, cũng vẫn sử dụng cùng một logic và cùng kiểu ngôn ngữ trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo rằng, vài quốc gia phương Tây đóng vai giáo sư nhân quyền, nhưng tự thân họ lại lại loang lổ vết xấu nhân quyền. Họ không có tư cách gì để chỉ trích Trung Quốc. Điều khác biệt là, lần này chính quyền Trung Quốc lại lật lại món nợ lịch sử của Mỹ và các nước phương Tây lâu đời. Bà Hoa Xuân Oánh nói, những nhà thực dân Mỹ, Anh, Pháp trong 400 năm buôn bán nô lệ da đen, đưa 12 triệu người từ châu Phi đến châu Mỹ làm nô lệ, ngoài ra còn có 10 triệu người tử vong trong quá trình vận chuyển. Bà còn nói, hiện nay ở Mỹ, “các George Floyd / những người như George Floyd” vẫn “không thể thở”.
Chúng ta đương nhiên không thể dùng cùng một kiểu phản bác để đáp lại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vấn đề chủng tộc trong nước Mỹ không thể dùng để biện giải cho việc Chính phủ Trung Quốc trấn áp người Hồi giáo ở Tân Cương là việc làm đúng đắn. Vấn đề là Chính phủ Trung Quốc có hiểu được đạo lý này hay không? Họ sẽ không hiểu! Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ dùng một loại logic cãi chày cãi cối không nói đạo lý để che đậy khuyết điểm không chịu sửa chữa (giấu nỗi sợ phê bình). Trung Quốc là quốc gia điển hình lớn nhất của việc che đậy khuyết điểm không chịu sửa, trong khi điều này lại chính là đặc trưng của quốc gia độc tài. Dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, đặc trưng này lại càng rõ ràng. Với bất cứ phê bình nào, dù là đến từ trong nước hay là đến từ nước ngoài, họ đều coi là công kích và bôi nhọ chính quyền Trung Quốc, do đó họ tuyệt đối sẽ không thừa nhận, cũng tuyệt đối không sửa lại cho đúng đắn.
Nếu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục cho rằng việc chỉ trích Mỹ cơ bản không đủ tư cách dạy Trung Quốc, thì chính là đánh vào chỗ đau của Mỹ, thì sẽ chặn họng được Mỹ, vậy thì Trung Quốc quá ngốc nghếch. Bởi vì Mỹ chưa bao giờ né tránh vấn đề trong nước, bao gồm cả vấn đề chủng tộc. Tại hội nghị với Trung Quốc ở Alaska, ông Blinken thừa nhận, nếu Mỹ xác thực phạm sai lầm, thì sẽ đảo ngược, sẽ lùi lại phía sau, nhưng nhìn chung, trong lịch sử, những gì Mỹ làm là công khai, minh bạch khi đối mặt với những thách thức này. Mặc dù có lúc rất đau khổ, có lúc rất xấu hổ, nhưng mỗi lần Mỹ đều sẽ bước ra khỏi những tâm trạng này. Có khi nào Mỹ nói với Trung Quốc rằng Trung Quốc các vị không có tư cách dạy bảo nước Mỹ chúng tôi không? Đây chính là chỗ lớn mạnh của Mỹ.
Điều bất lợi cho Trung Quốc là mỗi lần Mỹ hồi đáp lại Trung Quốc, khi thừa nhận và xem xét lại vấn đề của quốc gia mình, thì cũng luôn bộc lộ ra điểm yếu của Trung Quốc. Chỉ riêng về vấn đề nhân quyền mà nói, việc Mỹ công khai thừa nhận [vấn đề nhân quyền] so với việc Trung Quốc giả vờ không tồn tại [vấn đề vi phạm nhân quyền], việc Mỹ công khai xem xét lại chính mình và so với việc Trung Quốc công khai che giấu, đã thể hiện ra giá trị quan khác nhau của hai quốc gia. Chính phủ Trung Quốc khi đối mặt với những phê bình của Mỹ, họ càng đỏ mặt tía tai, thì càng cho thấy họ đuối lý. Về điểm này, Bắc Kinh có lẽ rất hiểu.
Vậy thì rõ ràng biết rằng mình đuối lý, nhưng vì sao Chính phủ Trung Quốc lại cứ liên tiếp lặp lại cùng logic và luận điệu cũ một cách không biết chán khi chỉ trích Mỹ không có tư cách dạy bảo Trung Quốc? Gần đây tôi đã đọc một số bài viết, dường như bỗng nhiên hiểu ra, thì ra những quan chức ngoại giao này phê bình Mỹ chỉ là biểu diễn cho những người chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước trong nước xem mà thôi. Gần đây, những người phe cánh tả lại tiếp tục trở lên náo nhiệt sau một thời gian ngừng công kích. Họ mạnh miệng phụ họa với chính quyền, nói rằng Mỹ không có tư cách chỉ tay năm ngón với Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một lượng lớn những người chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước từ quan chức đến thường dân kiên quyết phủ nhận Trung Quốc có vấn đề về nhân quyền, dù có cũng không cho phép nước ngoài, đặc biệt là Mỹ nghi ngờ. Họ cho rằng hành động đó là yêu nước, nếu không thì chính là bán nước.
Lần này, loại tình cảm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước này sẽ phát triển đến mức độ nào thì mới dẫn đến việc chính quyền Bắc Kinh đàn áp tương tự như trong quá khứ, chúng ta hãy tiếp tục quan sát.
Vị Phổ
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả. Bản gốc đăng trên RFA)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Dương Khiết Trì mối quan hệ Mỹ - Trung