Blog: Ông Tập nói lui về tuyến hai vì bệnh, ĐCSTQ cần quyết tâm tìm lối thoát khác
- Nhan Thuần Câu
- •
Bình luận viên Vương Kiếm trong chương trình của mình đã thảo luận về việc ông Tập Cận Bình mất quyền kiểm soát quân đội liệu có đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ quay trở lại con đường cải cách hay không. Ngay sau đó, trên mạng lan truyền tin đồn rằng khi ông Tập nghe báo cáo công tác của cán bộ địa phương ở Quý Châu, đã tuyên bố có thể sẽ rút lui về tuyến hai do vấn đề sức khỏe, vì có sự lãnh đạo tập thể của Trung ương Đảng, nên đường lối của Đảng sẽ không bị ảnh hưởng.

Nếu ông Tập Cận Bình thực sự đã nói những lời này trong một dịp bán công khai, thì theo lẽ thường sẽ có nhiều nguồn tin khác nhau xác nhận, vì ít nhất cũng có hàng chục cán bộ địa phương có mặt tại hiện trường. Tin tức sẽ lan truyền mạnh mẽ sau cuộc họp, tạo ra phản ứng mạnh trong quan trường Đại Lục. Tin tức sẽ lan truyền khắp nơi, tạo ra xáo động trong xã hội. Việc ông Tập chủ động đề cập đến việc “rút lui vì sức khỏe” có thể là một động thái mang tính chính trị, nhằm gửi tín hiệu đến quan chức các cấp, chuẩn bị tâm lý trước những thay đổi sắp tới, do đó chính quyền ĐCSTQ sẽ không ngăn chặn tin tức lan truyền, vì vậy, đây chắc hẳn là một trận động đất chính trị lớn. Tuy nhiên hiện tại, điều đó dường như không xảy ra, nguồn tin tức có sự hạn chế, nên chúng ta sẽ cần theo dõi thêm.
Giả sử điều này là thật, thì chỉ có một cách giải thích, chính là “chính phủ ngầm” trong ĐCSTQ đã quyết định thay người. Việc ông Tập Cận Bình rút lui về tuyến hai chắc chắn không phải do ông ấy tự nguyện, và không liên quan đến việc có bệnh hay không. Nếu ông Tập vẫn nắm quyền tuyệt đối, thì không ai có thể động đến ông ấy. Dù có sống đến mức như Mao Trạch Đông, nằm liệt giường không thể cử động, ông ta vẫn có thể dựa vào các nữ y tá thân cận để khoanh tròn phê duyệt tài liệu, tiếp tục cai trị đất nước và chỉ định người kế nhiệm.
Giả sử ông Tập Cận Bình trước tiên bị tước bớt quyền lực dưới danh nghĩa “tập thể lãnh đạo”, sau đó rút lui về tuyến hai dù sức khỏe vẫn còn cho phép, thì chắc chắn đây không phải là ý muốn của ông ấy, mà là do có thế lực muốn ép ông phải nhường ghế. Tuy nhiên, quá trình “ép thoái vị” này không thể diễn ra quá nhanh, mà phải có một giai đoạn chuyển tiếp êm thấm và phù hợp, nhằm giảm thiểu rủi ro chính trị và tránh gây bất ổn nội bộ.
Nếu đúng như vậy, thì điều đó chứng tỏ nội bộ ĐCSTQ đã đưa ra một dự đoán mang tính thảm họa về tình hình hiện tại của chế độ—tình thế đã vô cùng cấp bách như “lửa cháy đến lông mày”, nếu không thay đổi ngay lập tức, ĐCSTQ có thể rơi vào vòng xoáy hủy diệt hoàn toàn. Nếu chậm trễ hơn nữa, mọi thứ sẽ quá muộn. Việc “rút lui về tuyến hai” chỉ là bước khởi đầu, tiếp theo sẽ là rút khỏi tuyến hai, rồi rút lui hoàn toàn, giống như trường hợp của ông Hoa Quốc Phong năm xưa. Cuối cùng, sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc, và tham vọng “lưu danh muôn đời” của ông ta cũng tan thành mây khói.
Việc ông Tập Cận Bình rút lui về tuyến thứ hai sẽ có tác động gì đến tình hình hiện tại của ĐCSTQ? Từ góc độ của ĐCSTQ, tác động ít nhiều thì cũng tích cực, bởi vì Tập Cận Bình quá ngu ngốc, ông ta đánh giá sai mọi thứ và tự hủy hoại mọi thứ sau khi lên nắm quyền. Nếu để ông ta tiếp tục làm lung tung, giang sơn của ĐCSTQ sẽ bị hủy hoại trong tay ông ấy. Vì vậy, việc thay thế ông sẽ phù hợp với mong muốn của đảng trong nội bộ và sự ủng hộ của nhân dân ở bên ngoài. Nó sẽ mang lại cho mọi người cảm giác như đang đưa ra một chính quyền mới, bởi thay thế thì vẫn tốt hơn không thay thế.
Nhưng thay thế ông Tập Cận Bình sau đó đưa ai lên thay mới là vấn đề lớn nhất. Sau thời Tập, Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ chắc chắn sẽ không còn là mô hình “một người chuyên quyền” nữa. Bài học từ Tập đã chứng minh rằng chế độ độc tài cá nhân là con đường tự hủy diệt.
Việc phân quyền trong giới lãnh đạo cấp cao sẽ giúp các phe phái kiềm chế lẫn nhau, tránh tình trạng độc đoán chuyên quyền, và không để lại hàng loạt “phiền phức và rắc rối” như hiện tại.
Có phân tích cho rằng sau khi ông Tập Cận Bình rời khỏi vị trí lãnh đạo, ông Thái Kỳ, ông Lý Cường và ông Trương Hựu Hiệp sẽ chia nhau nắm giữ ba trụ cột quyền lực chính: Đảng, Chính phủ và Quân đội. Cấu trúc này có thể là một giai đoạn quá độ không thể tránh khỏi, nhằm giảm thiểu chấn động chính trị. Tuy nhiên, ông Thái Kỳ và ông Lý Cường đều là thân tín của ông Tập, không có tư tưởng chính trị độc lập hay đường lối cải cách rõ ràng. Nếu hệ thống này được duy trì, cả thế giới bên ngoài lẫn người dân trong nước đều không có nhiều hy vọng vào tương lai.
Ngoài phe cánh của ông Tập Cận Bình, các phe phái chính trị khác trong ĐCSTQ gần như đã bị ông Tập thanh trừng sạch sẽ. Người duy nhất còn sót lại từ phe đoàn thanh niên là ông Hồ Xuân Hoa, nhưng ông cũng đã bị gạt ra rìa. Ngay cả khi ông Hồ Xuân Hoa được đưa lên nắm quyền, ông ấy cũng “một cây làm chẳng nên non”, không đủ sức kiểm soát cục diện.
Nhân tiện nói thêm, ông Hồ Xuân Hoa từng được ông Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo lựa chọn làm người kế nhiệm. Khi đó họ chỉ định ông Tôn Chính Tài giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ, ông Hồ Xuân Hoa làm Thủ tướng Quốc vụ viện. Tuy nhiên, ông Tôn Chính Tài sau đó bị kết án tù, khiến thể chế “Tôn – Hồ” sụp đổ, và ông Hồ Xuân Hoa cũng bị cô lập. Hồ Xuân Hoa là một nhân vật điển hình của phe đoàn thanh niên cộng sản, có phong cách chính trị chính trực, không theo đường lối cực đoan, tính cách khiêm tốn, chỉ tập trung làm việc thực tế, không quá phô trương tham vọng quyền lực. Khi ông Tập tái đắc cử, ông Hồ Xuân Hoa chủ động rút khỏi Bộ Chính trị, thà giữ thái độ khiêm nhường, chờ đến khi về hưu để tự bảo vệ mình, hơn là tranh giành quyền lực.
Tất nhiên, giống như tôi đã mạnh dạn tưởng tượng trong bài viết trước đó: nếu thả ông Lưu Á Châu và ông Nhậm Chí Cường ra, rồi thêm ông Hoàng Kỳ Phàm, thì đây có thể là một tổ hợp lãnh đạo khá lý tưởng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, điều kiện tiên quyết là “chính phủ ngầm” trong ĐCSTQ phải quyết tâm cải cách triệt để, sẵn sàng “quyết tâm làm đến cùng”, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, như thế thì có thể mở được một cánh cửa lớn khác.
Tóm lại, nếu tin tức Tập Cận Bình tự tuyên bố sẽ rút lui vì bệnh tật là sự thật, thì điều đó có nghĩa là Trung Quốc lại một lần nữa đứng trước ngã rẽ lịch sử. Con đường phía trước là phúc hay họa, không ai có thể đoán trước được, nhưng ít nhất, khả năng thay đổi vận mệnh Trung Quốc đã xuất hiện. Nếu để ông Tập tiếp tục “tự tung tự tác”, thì Trung Quốc không còn nhiều lựa chọn, chỉ còn một kết cục tất yếu đó là ĐCSTQ sụp đổ, đất nước rơi vào hỗn loạn.
Ông Tập Cận Bình hạ đài, Trung Quốc không nhất định sẽ tốt lên ngay lập tức, nhưng có khả năng thay đổi theo hướng tốt. Vấn đề cốt lõi không phải là Tập có hạ đài hay không, mà là sau khi ông Tập hạ đài, ĐCSTQ sẽ theo đuổi chính sách nào. Nếu chỉ là “bình mới rượu cũ”, để một nhóm quan chức tầm thường lên nắm quyền, thì có thể tình hình còn tệ hơn cả khi Tập tiếp tục tại vị. Chỉ khi nào vừa thay Tập Cận Bình, vừa thực hiện bước ngoặt 180 độ trong chính sách phát triển, đồng thời đưa những người có đạo đức và trí tuệ chính trị thực sự lên lãnh đạo, thì Trung Quốc mới có hy vọng tránh được thảm họa lịch sử.
Cả trong và ngoài nước đều coi tình trạng hiện tại của Trung Quốc như một “thời gian rác” của lịch sử, một cục diện bế tắc, ngột ngạt, không lối thoát. Muốn thay đổi cục diện này, trước hết phải bắt đầu từ việc thay thế Tập Cận Bình, đây là con đường đúng đắn. Vấn đề cốt lõi không phải là có thay Tập hay không, mà là có đủ quyết tâm hay không. Liệu có thể nhìn thấu căn nguyên của khủng hoảng, đưa ra những biện pháp đột phá thực sự, liệu có thể đối mặt với nguy hiểm mà không rối loạn để “từ cõi chết tìm đường sống”, thực hiện ván cược cuối cùng.
Làm nửa vời rồi lại bày ra một màn kịch hoành tráng, không những không thể vực dậy nền kinh tế, mà còn khó lòng ổn định lòng dân. Dù có tiếp tục đổi chiêu trò bao nhiêu lần nữa thì cũng vô ích, tự tìm đường chết thì không thể sống tiếp được, muốn tồn tại, phải có tinh thần “chiến đấu đến cùng, không còn đường lui”.
Nhan Thuần Câu
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, bản gốc đăng trên Facebook của tác giả.)
Từ khóa Recommend Nhan Thuần Câu Tập Cận Bình
