Một bức tượng của Vladimir Lenin đã được dựng lại trước tòa nhà thành phố ở Henichesk, vùng Kherson của Ukraine, nơi hiện đang bị quân đội Nga chiếm đóng, cách biên giới bán đảo Crimea do Nga thôn tính không xa.

p3134801a317731567
Một bức tượng Lenin lại được dựng lên trước tòa nhà thành phố ở Henichesk, vùng Kherson của Ukraine, nơi bị quân đội Nga chiếm đóng. (Ảnh: Facebook)

Theo những bức ảnh hiện có, quốc kỳ Nga và cờ Liên Xô đã tung bay phía trên tòa nhà của thành phố. Cuộc Cách mạng Quảng trường Độc lập đầu năm 2014 đã dẫn đến việc lật đổ cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych. Khi đó, các nhà hoạt động đã dỡ bỏ tượng Lenin trên khắp Ukraine. Nhưng tượng Lenin ở Henichesk vẫn chưa được dỡ bỏ. Năm 2015, các quan chức thành phố đã dỡ bỏ tượng Lenin sau khi Ukraine thông qua luật ‘phi xô-viết hóa’ (cấm mọi hành động tuyên truyền cho chế độ cộng sản, cấm các biểu tượng xô-viết, lên án chế độ cộng sản, cho phép mở tàng thư của cơ quan tình báo Liên Xô cũ).

Vào thời điểm đó, Thị trưởng thành phố Henichesk, ông Alexander Tulupov, nói với các phóng viên rằng 90% dân cư của thị trấn “phản ứng bình thường với việc dỡ bỏ tượng đài,” nhưng một số người lại tỏ ra phẫn nộ. Lúc đó ông đã nhấn mạnh: “Chúng tôi không để di tích này bị vứt bỏ, chúng tôi đã giữ lại nó cho lịch sử. Hôm nay, chúng tôi giao nó cho một công ty Dịch vụ công cộng để bảo quản nó an toàn.

Giờ đây, một bức tượng của Lenin lại xuất hiện trong thành phố, nhưng nó không giống với bức tượng bị phá bỏ vào năm 2015. Thay vì lấy bức tượng cũ ra khỏi kho và ghép lại, ai đó đã cố gắng tìm một bức tượng Lenin khác (có lẽ bức tượng cũ quá lớn hoặc không thể tìm thấy).

Điều này nghe có vẻ hơi lạ đối với một số người, vì ông Putin từng nói rằng cuộc cách mạng của Lenin đã phản bội lợi ích của quốc gia Nga. Năm 2016, ông Putin trực tiếp lên án Lenin là kẻ áp bức đã giết chết các linh mục và sa hoàng. Ông Putin cũng tin rằng Lenin đã cài một “quả bom hẹn giờ” ở Nga bằng cách cho phép các khu vực “quốc gia” trong Đế chế Liên Xô tồn tại. Trong bài phát biểu trước chiến tranh ngày 21/2, ông Putin đặc biệt chỉ ra rằng Lenin là nhân vật phản diện cuối cùng phía sau sự tồn tại của Ukraine.

Với tất cả những bình luận tiêu cực về Lenin, vì sao tượng Lenin lại được dựng lên sau khi ông Putin chinh phục thành phố Henichesk? Câu trả lời có thể nằm ở sự phô trương quyền lực và hoài cổ, hơn là cam kết của ông Putin đối với bất kỳ hệ tư tưởng nào.

Cách đây vài năm, khi đang đảm nhận việc giám sát bầu cử ở miền nam Ukraine, tôi đã dừng chân tại một điểm bỏ phiếu trong một “Cung Văn hóa” lớn do Liên Xô xây dựng ở một khu định cư nông thôn. Sảnh vào có trần nhà cao và phía cuối có đài tưởng niệm chiến tranh Liên Xô trong nhà. Đây là một rãnh lớn với 2 cột trụ lớn hình vuông. Các cột và phần còn lại của đài tưởng niệm được bao phủ bằng ván gỗ được chạm khắc. Các tấm ốp tường phía sau những cây cột có từng dãy ảnh đen trắng của các cựu chiến binh địa phương trong Thế chiến II.

Khi đang đợi một đồng nghiệp ở sảnh vào, tôi bước tới đài tưởng niệm quan sát. Đến khi quay lưng định bỏ đi, tôi bất ngờ nhìn thấy tượng của Joseph Stalin. Rõ ràng ai đó đã thay tấm gỗ bằng hình ảnh của Stalin và thay thế nó bằng một tấm bảng nằm phía sau 1 trong 2 cây cột của tượng đài. Hiện giờ bạn chỉ có thể nhìn thấy ông ấy bằng cách bước vào đài tưởng niệm, quay lại và nhìn lên ở một góc nào đó.

Vài tuần sau, khi tôi hân hoan kể lại khám phá ở Kyiv, một người bạn Ukraine đã nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt tôi và quyết định biểu đạt thái độ. Cô chỉ ra rằng tượng đài Stalin còn sót lại có khả năng báo trước một điều gì đó khủng khiếp.

Chính những người dân địa phương đã bảo vệ hình ảnh này của Stalin. Ai đó (hoặc một vài nhóm) đã giấu nó trong thời kỳ ‘khử Stalin’. Người ngoài có thể không nhìn thấy bức tượng, nhưng những người đã và đang sử dụng tòa nhà chắc chắn là biết về nó. Điều này ít nhất cho thấy, một số nhà lãnh đạo ở ngôi làng Ukraine này coi trọng Stalin và hoài niệm sự chuyên chế của ông ta.

Tôi nói với những người khác về bức tượng này. Một vài người bạn khác của tôi đã đi lòng vòng trong đó tìm kiếm tượng Stalin. Nhiều người bên ngoài đến xem nên đã thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Khoảng 6 tháng sau, các quan chức địa phương bắt đầu tháo dỡ nó.

Bức tượng Lenin của thành phố Henichesk không được giấu trong đài tưởng niệm, nó được trưng bày ở các quảng trường công cộng. Trong cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin, vùng Kherson nhanh chóng bị chiếm đóng. Theo thông tin mới nhất có được, thị trưởng Tulupov và các nhân viên của ông ấy đã từ chức.

Người đứng đầu thành phố hiện tại là ông Andrei Kolochko, người cùng đảng (thân Nga) với Tulupov. Hiện không rõ chính xác ông ấy được “bổ nhiệm” bằng cách nào hay được ai “bổ nhiệm”.

Tuần trước, một người đàn ông tên là Oleg Slysarenko trả lời phỏng vấn của một cơ quan tuyên truyền tiếng Nga. Trong cuộc phỏng vấn, ông ấy khoe rằng công việc phá hủy dấu hiệu độc lập của Ukraine đã bắt đầu: “Chỉ là vấn đề thời gian, sẽ không có cờ [Ukraine], sẽ không có các hình thức kiến ​​trúc, tất cả những cây đinh ba (biểu tượng quốc gia Ukraine) đều sẽ biến mất khỏi nơi chúng xuất hiện.

Có khả năng Slysarenko hoặc các đồng minh của ông ta ủng hộ sự tái xuất của Lenin ở thành phố Henichesk, và đưa Lenin trở lại bệ đỡ của mình. Điều này cho thấy quyền lực nằm trong tay Moscow, do những người thân Nga như ông ta đang nắm giữ.

Không có tượng đài Stalin nào được xây dựng lại dưới sự chiếm đóng của Nga. Tượng Lenin ở Henichesk có thể không phải là tượng đài cuối cùng của Liên Xô cũ được xây dựng lại. Những người ủng hộ Nga đã khôi phục chúng, để chứng tỏ rằng sức mạnh của mình đã trở lại, chí ít là ở những khu vực bị quân đội Nga chiếm đóng.

Ông Putin có thể muốn phá bỏ tượng đài Lenin của Nga (tất nhiên là sau khi thăm dò cẩn thận), nhưng tôi sẽ không đánh cược điều này sẽ xảy ra. Ông Putin đã chủ trì lễ khánh thành một tượng đài kỷ niệm sự đàn áp của Liên Xô. Nhưng ông ấy cũng gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ.”

Ông ấy đã dựng ít nhất 2 tượng đài cho Yuri Andropov, lãnh đạo lâu năm của Hội đồng An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB), kiêm cựu Thủ tướng Liên Xô.

Ông Putin có thể có thái độ với Lenin, nhưng lại là người thừa hưởng di sản của Lenin. Ông ấy lớn lên ở Liên Xô, nơi tượng đài Lenin xuất hiện khắp nơi. Trong thời kỳ hậu Xô Viết dưới thời Putin, Lenin hầu như cũng có mặt khắp mọi nơi. Nhưng ở đất nước Ukraine tự do, tượng Lenin đã biến mất một thời gian.

Lộ Khắc
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)