Feifei Wang là một thông dịch viên người Mỹ gốc Hoa, cô đã có nhiều năm sinh sống ở cả Trung Quốc và Washington. Cô Wang đã đăng bài trả lời cho câu hỏi “Tại sao Trung Quốc không đứng về phía Mỹ để tiêu diệt Bắc Triều Tiên?” ngày 26/7/2016 trên trang hỏi đáp Quora. Quan điểm rất nhân văn của cô Wang đã nhận được rất nhiều quan tâm của độc giả trên Quora với gần 300.000 lượt xem và hơn 7000 lượt ‘ủng hộ”.

Trí Thức VN đăng nguyên văn quan điểm của cô Feifei Wang, qua đó hy vọng góp một góc nhìn khác – góc nhìn của một người công dân quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên:

Tôi nghĩ khi mọi người nói về Bắc Triều Tiên (hoặc bất kỳ một quốc gia đang phản kháng nào khác, bao gồm cả Trung Quốc), nhiều người thường không nhận ra rằng nơi đó không phải là ‘quốc gia chỉ có một người’.

Triều Tiên không phải là thế này:

2017-05-15

Triều Tiên là như thế này:

2017-05-15 (1)

Bắc Triều Tiên không chỉ là đất nước của mình ‘gã béo điên’ [Kim Jong Un], cùng sự mê muội của ông ta. Đó còn là một đất nước của 25 triệu dân – 25 triệu người mong mỏi hòa bình, đang làm việc chăm chỉ giống như bao người dân khác trên khắp thế giới này. Họ là những con người, mà loài người thì cùng có khả năng yêu thương và sợ hãi. Chắc chắn, những thường dân ấy đã bị tẩy não đến một mức độ nhất định, họ có thể không biết nhiều thứ như chúng ta (chẳng hạn như Facebook hoặc Truyền hình thực tế), họ là nạn nhân của một chế độ độc tài cực đoan, cực kỳ kém hiệu quả và tham nhũng.

Do đó khi bạn nói “hãy tiêu diệt Bắc Triều Tiên”, bạn có lẽ đang nghĩ về những chiếc xe tăng băng băng trên cánh đồng với những máy bay trực thăng và phi cơ chiến đấu bay phía trên, và phía sau là nhạc nền quốc gia Hoa Kỳ, phải không? Và một nhân vật anh hùng như Arnold (diễn viên đóng vai kẻ hủy diệt) sẽ nhảy ra và giết chết “gã béo” theo phong cách lính biệt động, phải không? Hãy tiêu diệt Bắc Triều Tiên! Giành lấy Độc lập và Tự do! – bạn đang nghĩ thế, phải không?

Tôi hy vọng bạn nhận ra chiến tranh không chỉ có như thế. Tôi hy vọng bạn nhận ra rằng bạn đang nói về một cuộc xâm lăng vô cớ nhắm vào một quốc gia có chủ quyền với 25 triệu người, phần đông trong  số đó là dân thường vô tội, những người sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất từ chiến tranh và bất ổn xã hội.

Tôi thực sự hy vọng khi mọi người nói về lật đổ chính phủ này, chính phủ kia bằng vũ lực; khi mọi người nói về trải thảm bom vào khu vực này, khu vực khác; hay khi mọi người nói về “tiêu diệt” đất nước này, đất nước kia, tôi hy vọng mọi người nói những điều như thế nhận ra bản chất của lời nói đó. Tôi hy vọng họ nhận ra những gì họ đang nói đến không phải là ý thức hệ, nó không phải là số liệu thống kê, nó không phải chiến lược, nó là mạng sống của thường dân, cái chết của hàng ngàn người, và rất có thể kéo theo đó là sự hỗn loạn, nạn đói và hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh vô gia cư. Ngay cả những người dưới sự điều hành của nhà nước hồi giáo IS cũng là những thường dân vô tội, những người có lẽ đã chịu đựng nhiều hơn cả chế độ cai trị cuồng tín cực đoan này, hơn cả những đau khổ mà người dân phương Tây chúng ta từng hứng chịu từ IS.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đang triển khai một trương trình gọi là “Lắng nghe trong Ngõ nhỏ” trong đó họ phỏng vấn những người Trung Quốc thường xuyên sống ở Bắc Kinh về những vấn đề khác nhau. Một lần họ đã hỏi người dân về thái độ của họ với Bắc Triều Tiên. Mặc dù hầu hết mọi người (những người có ý kiến về vấn đề này) không hài lòng với Bắc Triều Tiên, nhưng hầu như họ đều luôn ủng hộ viện trợ Bắc Triều Tiên, vì viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Triều Tiên ít nhiều một phần cũng là viện trợ nhân đạo như thực phẩm và dược phẩm. Nếu chúng ta dừng lại, người dân sẽ bị đói. Tất nhiên, người dân ở đó vẫn đang bị đói, nhưng nếu bạn biết sự ủng hộ của bạn có thể giúp họ phần nào, có thể cứu họ thoát khỏi cái chết, bạn có dừng lại chỉ vì mục đích trừng phạt cái chính phủ mà đằng nào cũng không quan tâm đến cái chết của thường dân? Tôi sẽ không làm như vậy. Một sinh mạng được cứu sống tốt hơn một sinh mạng đã chết.

Phần lớn người Trung Quốc tôi quen và thảo luận trên mạng, không hài lòng với ông Kim Jong Un. Họ biết Bắc Triều Tiên là quốc gia độc tài khủng khiếp, họ biết chính phủ Bình Nhưỡng không quan tâm đến người dân, họ biết rằng họ chẳng được gì sau khi viện trợ Bắc Hàn (nhưng không muốn dừng sự ủng hộ vì lý do nói trên), họ biết Bắc Triều Tiên đặt ra mối đe dọa cho Trung Quốc – một quả tên lửa hạt nhân từ Bắc Hàn có thể đưa toàn bộ các tỉnh miền Bắc, Trung Quốc về thời đồ đá…họ ủng hộ một nước Triều Tiên thống nhất (nếu người Mỹ có thể rút quân và để người Triều Tiên tự chủ thống nhất đất nước). Nhưng nếu để bắt đầu việc [thống nhất Triều Tiên] bằng một cuộc chiến tranh? Tôi nghĩ chúng ta sẽ đưa đất nước này trở lại [cuộc chiến tranh Triều Tiên] những năm 1950. Khi đó Triều Tiên đã không thể thống nhất, và chưa chắc lần này chiến tranh cũng có thể thống nhất.

Chúng ta hãy thảo luận về làm thế nào để tạo cầu nối thông tin, làm thế nào để giúp Bắc Triều Tiên cải cách, làm thể nào để giải quyết các vấn đề [hạt nhân và tên lửa] thông qua ngoại giao. “Xâm lược một quốc gia và lập đổ chính phủ của họ” không bao giờ là một lựa chọn tốt nhất cho bất kỳ một cuộc xung đột nào”.

Feifei Wang

Tân Bình dịch