Đọc sách để làm gì?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Là người diễn thuyết về đọc sách và hoạt động khuyến đọc, nhiều người hay hỏi tôi “Đọc sách để làm gì?”, “Có nhất thiết phải đọc sách không khi đã có điện thoại, máy tính?”…
Dưới đây là câu trả lời của tôi. Bài viết này vốn là bài phát biểu của tôi trước các giáo viên của Trường H.A.S (Hà Nội) nhân dịp khai trương thư viện của trường. Sau đó, bài này được đưa vào cuốn sách “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” của tôi (xuất bản 2019).
Đọc sách để sống trọn vẹn hơn đời sống con người
Đối với chúng ta, những người làm giáo dục, đọc sách không hẳn là điều xa lạ nhưng nếu để ý các thầy cô sẽ thấy ý thức về sức mạnh của văn hóa đọc và các hoạt động liên quan đến đọc sách ở nước ta mới trở nên mạnh mẽ trong khoảng 5-7 năm trở lại đây.
Đấy là một sự trỗi dậy khá muộn màng so với các nước ở trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phong trào “Sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng đang giành được sự ủng hộ mạnh mẽ ở khắp nơi. Hàng ngàn, hàng vạn tủ sách được thiết lập đang đem lại cơ hội tiếp cận sách vở cho hàng chục vạn trẻ em và người lớn. Trên đất nước Việt Nam đầy thăng trầm của chúng ta này đang ngày càng có nhiều người đọc sách hơn.
Nhà nước và các cơ quan ban ngành có liên quan cũng đã có những chuyển động nhất định để thúc đẩy văn hóa đọc. Luật thư viện đang được bàn thảo để đưa ra xem xét, thảo luận trước Quốc hội.
Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi và nếu chỉ dừng lại như thế là chưa đủ.
Bởi vì sao?
Vì chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều thời cơ và đã bị thế giới, các nước xung quanh bỏ quá xa trong lĩnh vực này.
Chẳng hạn, nếu so sánh Việt Nam với Nhật Bản, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn. Sau 1945 Nhật Bản tiến hành cải cách để tái thiết đất nước sau và khoảng 5 năm sau thì ban hành các bộ luật về thư viện để phát triển mạnh mẽ và rộng khắp mạng lưới thư viện trên toàn quốc trong khi đó Việt Nam ngay khi tuyên bố độc lập lại bước vào những cuộc chiến tranh dài dằng dặc với di sản là 90% dân số mù chữ. Phát triển văn hóa, thúc đẩy công nghiệp hóa hướng tới xã hội văn minh ở một đất nước vốn bị tình trạng mù chữ đe dọa suốt chiều dài lịch sử là điều không hẳn dễ dàng. Chiến tranh kéo dài và sự nối dài không dứt của văn hóa thời chiến cũng là một trở lực lớn.
Để vượt qua những trở ngại đó, phong trào, pháp luật, chính sách là chưa đủ.
Trong thời đại mà vai trò và sức mạnh của công dân đang trỗi dậy mạnh mẽ, sự chuyển biến trong nhận thức của từng công dân đối với văn hóa đọc có ý nghĩa rất lớn.
Đối với mỗi người giáo viên, xét ở góc độ đạo đức và sứ mệnh nghề nghiệp, chuyện thúc đẩy văn hóa đọc giống như là một sự hiển nhiên.
Hơn nữa, trong thế giới đang biến đổi với gia tốc ngày một nhanh và trở nên rủi ro, khó lường, bất an hơn bao giờ hết hiện nay với ô nhiễm môi trường, tai nạn, bệnh tật nan y, chiến tranh sắc tộc, khủng bố, con người ngày càng nhận thức rõ hơn giá trị của cuộc đời hữu hạn.
Sống trọn vẹn nhân sinh với đầy đủ chiều sâu, độ dài và trải nghiệm tối đa nhưng phút giây hạnh phúc mà nó đem lại đang trở thành nhu cầu tha thiết của mỗi cá nhân.
Bởi vậy, ở đây, hôm nay khi nói về đọc sách, xin được trao đổi với các thầy cô vài ý nhỏ được sắp xếp tùy tiện thành chủ đề “Đọc sách để sống trọn vẹn hơn đời sống con người”.
Ý nghĩa của việc đọc sách
Trước hết xin được nói về ý nghĩa của việc đọc sách. Dường như trong thế giới sinh vật, con người là một loài hết sức đặc biệt. Một loài luôn tỏ ra không bằng lòng với hoàn cảnh sống và thực tại của bản thân mình. Bởi thế, con người trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã luôn mải miết đi tìm câu trả lời cho các vấn đề đang đặt ra cả ở trong thực tế lẫn tâm tưởng.
Con người cho dù xét ở góc độ cá nhân hay ở phương diện loài ít khi làm điều gì đó mà không có chủ đích hay không gán một ý nghĩa nào đó cho những việc đó.
Đọc sách cũng tương tự.
Liệu rằng người ta có còn đọc sách nữa không khi người ta không trả lời được câu hỏi “Đọc sách để làm gì?”. Chắc chắn là như thế. Cho dù nhiều người không cầm giấy và viết ra những câu trả lời cho câu hỏi ấy nhưng chắc chắn rằng khi đọc sách-một công việc không đem lại cho họ tiền bạc ngay lập tức mà thậm chí còn lấy đi của họ thời gian, sức lực, tiền bạc-hàng ngày và duy trì liên tục suốt cuộc đời mình, ít nhất họ cũng phải thỏa mãn ý nghĩa của việc đọc sách trong sâu thẳm tâm hồn của họ ở mức độ nào đó.
Ở góc độ này, chúng ta cũng thường thấy nhiều người không đọc sách hay đặt ra câu hỏi ngược lại cho những người khuyên họ nên đọc sách rằng “Đọc sách ư? Tại sao tôi phải đọc? Tôi thấy nhiều người không đọc sách họ vẫn sống bình thường đó thôi?”.
Có thể, sẽ có những người mê đọc sách hay nhận thức sâu sắc về vai trò của đọc sách nổi khùng lên tự ái hoặc chán nản bỏ đi khi nghe những lời như thế.
Nhưng suy ngẫm cho kĩ thì thấy họ nói cũng có phần đúng. Con người, có lẽ chỉ mới biết làm ra sách và đọc sách cách đây khoảng trên dưới 5.000-6.000 năm mà thôi. Một mốc thời gian rất muộn so với lịch sử dài dằng dặc cả mấy triệu năm của loài người.
Trong khoảng thời gian rất dài đó, con người đã ra đời, sống, lao động, sinh hoạt, nuôi dạy con cái và chết đi mà không hề đọc sách…
Và hiện tại trong thế kỉ XXI, ở Việt Nam hay cũng có thể ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng có rất nhiều người vẫn sống bình thường nhưng không hề đọc sách. Họ vẫn sống, lao động, ăn uống, dựng vợ gả chồng, sinh hoạt đời thường và nuôi con…
Nhưng nếu nhìn rộng ra, nghĩ kĩ hơn ta sẽ thấy rất hiếm ai đã từng đọc sách hay say mê đọc sách rồi quay lại nói rằng loài người không cần sách.
Cũng chẳng kiếm đâu ra một quốc gia, một cộng đồng văn minh nào trên thế giới lại là cộng đồng ít đọc sách và phủ nhận ý nghĩa của văn hóa đọc. Lịch sử cũng không cho thấy có quốc gia nào ở trạng thái bình thường muốn quay trở lại thời kì không có sách.
Xem trong tiểu sử các danh nhân, vĩ nhân từ cổ chí kim trong 4.000-5.000 năm trở lại đây, hầu như khi nhắc đến họ, người ta đều chú ý xem khi còn nhỏ họ đã đọc sách gì, trải nghiệm những gì, hưởng thụ nền giáo dục như thế nào.
Vậy thì, đọc sách, một cách cụ thể có ý nghĩa như thế nào?
Ở đây, xin tạm liệt kê và diễn giải ý nghĩa của việc đọc sách ở hai phương diện: phương diện vĩ mô khi nhìn ở bình diện quốc gia-dân tộc và phương diện vi mô khi nhìn ở góc độ cá nhân-công dân.
Khi xét ở phương diện quốc gia-dân tộc ta sẽ thấy sự chuyển biến của xã hội theo chiều hướng văn minh thực chất cũng là sự chuyển biến của văn hóa đọc. Sự ra đời của chữ viết, của sách vở và văn hóa đọc đi kèm là bằng chứng đánh dấu sự ra đời của văn minh quốc gia.
Thông thường khi nhìn nhận lịch sử phát triển của một quốc gia nào đó, người ta thường có xu hướng nhìn vào sự chuyển biến của chính trị như là sự thay đổi các triều đại hay sự thành công của các cuộc cách mạng và cho rằng đấy là động lực làm xã hội tiến bộ. Kì thực, sự chuyển biến của xã hội không thể nào diễn ra giản đơn và nhanh chóng như vậy. Sự chuyển biến tốt đẹp và bền vững phải là và phải dựa trên sự chuyển biến của từng người dân trong chính sinh hoạt thường ngày của họ. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết kể từ thời cận đại, cho dù là nhìn vào nước Anh, Pháp, Mĩ hay Nhật Bản.
Chẳng hạn như ở Nhật Bản, một nước ở phương Đông, nơi không quá xa lạ với nhận thức của người Việt. Từ thế kỉ XVI, người Nhật và người Việt đã có mối quan hệ buôn bán, giao lưu qua lại. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi khi Nhật Bản tiến hành cận đại hóa đất nước thành công theo mô hình phương Tây và thoát khỏi nanh vuốt của các liệt cường Âu-Mỹ nhờ vào Minh Trị Duy tân, người Việt trong đó tiêu biểu là các trí thức yêu nước xuất thân là nhà nho đã “thần tượng” Nhật Bản mạnh mẽ.
Vài người trong số họ và nhiều người Việt sau này đã tưởng rằng, nước Nhật làm được như thế chỉ là nhờ vào một ông thiên hoàng Minh trị anh minh sáng suốt, người đã dùng quyền lực đưa ra những quyết sách sáng suốt đưa dân tộc Nhật trở nên phú cường.
Sự thật lịch sử không đơn giản như thế! Dân tộc Nhật không thể nào có được thành tựu và vinh quang nhẹ nhàng và nhanh chóng như thế!
Minh Trị lên ngôi khi 16 tuổi. Trong giai đoạn vận động lật đổ chính quyền Mạc phủ và trong những năm đầu khi chính quyền mới hình thành, quyền lực chính trị chủ yếu nằm trong tay các chính trị gia xuất thân võ sĩ ở hai phiên Satsuma và Choshu, lực lượng đã hậu thuẫn chuyển giao quyền lực từ tay Mạc phủ Edo về tay chính phủ mới.
Minh Trị lúc đó chỉ là một thiếu niên chưa có kinh nghiệm làm chính trị và vận hành quyền lực. Sau khi biết làm chính trị, trớ trêu thay những việc ông ta làm lại là những việc đi ngược lại các giá trị văn minh mà các trí thức tiến bộ của nước Nhật trước đó hết lòng cổ vũ. Ông cho quân xâm lược Đài Loan, Triều Tiên, đàn áp các trí thức có tiếng nói độc lập và thậm chí loại bỏ các cuốn sách của Fukuzawa Yukich (người được mệnh danh là “Voltaire của Nhật Bản” và cũng là người đề xướng độc lập dân tộc thông qua độc lập cá nhân có học vấn) khỏi trường học. Bản thân Fukuzawa trong tự truyện “Phúc ông tự truyện” đã bày tỏ sự kinh ngạc trước hành động này và tỏ ra “không hiểu tại sao?”.
Vậy thì, động lực nào đã làm cho nước Nhật thành công?
Sự thành công của nước Nhật là do nhiều yếu tố. Có yếu tố thuộc về thời thế, có yếu tố thuộc về vị trí địa lý. Nhưng yếu tố nổi bật và ngày càng được các học giả nghiên cứu về sau nhấn mạnh chính là nội lực của nước Nhật trước và trong cuộc cải cách Minh trị ở nhiều phương diện.
Đó là gần 300 năm hòa bình dưới thời kì mạc phủ Edo (1603-1867) đã tạo ra một nền tảng kinh tế công thương khá cơ bản.
Đó là văn hóa đô thị được nuôi dưỡng và phát triển mạnh.
Đó là ảnh hưởng của tư tưởng Vương Dương Minh.
Đó là nhờ cửa ngõ thông thương Nagasaki đã mở ra một con mắt để Nhật Bản nhìn vào thế giới.
Đó cũng là văn hóa võ sĩ với lối tư duy thực dụng, kĩ trị gắn bó với thực tiễn và coi trọng thực tiễn.
Đó cũng là những hệ quả khách quan của chế độ phong kiến tán quyền làm cho người cao quý và người có quyền lực không trùng khớp hoàn toàn.
Các yếu tố trên giúp hạn chế được tâm lý hoảng sợ quyền lực tuyệt đối và chủ nghĩa đầu hàng mang đậm màu sắc định mệnh vốn phổ biến ở dân chúng các nước phương Đông khác.
Tuy nhiên, cần phải đặc biệt kể đến yếu tố này: sự phổ biến và lớn mạnh của văn hóa đọc. Ngay trong thời Edo (1603-1867), Nhật Bản đã có tỷ lệ dân chúng biết đọc biết viết khá cao. Hệ thống trường học tư, trường học của phiên, các lớp học trong chùa cùng cuộc sống đầy tính thực dụng cần tới đọc, viết, tính toán đã thúc đẩy tạo nên điều đó. Nhìn chung trong thời Edo các nhà nghiên cứu người Nhật và cả người nước ngoài đều cho rằng có ít nhất 40-50% dân số Nhật biết chữ. Tỷ lệ số người biết chữ ở các đô thị lớn có thể còn cao hơn nữa. Công nghệ in đã có bước phát triển vượt bậc và việc in sách, bán sách đã trở thành một ngành thương mại.
Sách vở và đọc sách bùng nổ cũng gắn liền với sự tăng tiến của học thuật. Cuối thời Edo các ngành như Quốc học, Lan học (Hà Lan Học), Dương học đã phát triển mạnh với nhiều học giả tên tuổi tạo ra số lượng trước tác khổng lồ. Điều này giải thích lý do tại sao người Nhật có thể học hỏi phương Tây nhanh chóng khi cải cách, mở cửa. Những cuốn sách bán chạy thời Minh trị như “Khuyến học”, “Tây Dương sự tình”, “Bàn về tự do”… đã in và bán được hàng triệu bản là vì thế.
Dân chúng biết đọc, ham đọc, có thói quen đọc, sách vở được in ra và bán rộng rãi, dễ dàng là một điều kiện tuyệt vời để truyền bá văn minh, thức tỉnh quốc dân và thay đổi các thói quen tư duy, lề lối cũ.
Nếu không có điều kiện đó nước Nhật chưa chắc đã thành công trong thời Minh Trị cho dù bộ phận tinh hoa và nắm giữ quyền lực chính trị khi đó có “anh minh, sáng suốt” thế nào đi chăng nữa.
Chúng ta cũng đừng quên một chi tiết quan trọng, trong một lần công cán cho chính quyền Mạc phủ Tokugawa ở châu Âu, Fukuzawa Yukichi đã từng trò chuyện với một học giả người Trung Quốc. Khi người này hỏi rằng ở Nhật Bản khi đó có khoảng bao nhiêu người “đọc được chữ viết ngang” (chỉ chữ viết trong ngôn ngữ của Âu-Mĩ như tiếng Anh, Pháp, Hà Lan…). Fukuzawa đã nhẩm tính và đáp “có khoảng 500 người”. Trong khi đó học giả Trung Quốc kia tiết lộ ở Trung Quốc rộng mênh mông cùng lắm là có 50 người có khả năng ấy.
Hai con số đó trong tỉ lệ tương ứng với chiều dài lịch sử, quy mô diện tích và dân số cũng như số phận hai dân tộc sau đó mấy mươi năm nói lên rất nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Cơ hội chỉ đem đến thành công khi người ta có sự chuẩn bị về nội lực. Nhật Bản cận đại là một ví dụ sinh động cho điều đó.
Liên hệ với lịch sử cận đại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy, so với người Nhật, chúng ta cũng chẳng thiếu anh hùng, chẳng thiếu những người thức giả thiết tha với vận mệnh dân tộc. Dân tộc chúng ta cũng có thừa lòng quả cảm.
Nhưng yếu điểm gần như là định mệnh của chúng ta là những tư tưởng, những giá trị tốt đẹp chỉ có thể truyền bá xoay vòng trong một vòng tròn nhỏ hẹp bao gồm một số lượng cá nhân nhỏ bé sống nơi đô thị lớn.
Truyền thống khoa cử, thói quen học kiểu tầm chương trích cú, học để làm quan và chỉ có một nhóm nhỏ được đến trường, được đi học (50% dân số là phụ nữ bị gạt bên lề, chỉ khoảng vài phần trăm dân số đọc được chữ Hán) đã làm yếu đi nội lực.
Cho nên khi cần cổ vũ để thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi tư duy, thay đổi giá trị quan, học hỏi nước ngoài, những người tiên phong đã gặp khó khi lan truyền nó vào đại chúng? Dùng phương tiện nào đây khi hơn 90% dân số mù chữ. Một số khác thì tuy biết chữ nhưng chỉ có thể đọc được chữ Hán mà khi đó chữ Hán đã dần mất đi vị thế và không còn đắc dụng nhất là trong công việc truyền đạt các giá trị văn minh đến từ phương Tây? Đấy là khó khăn cao ngang trời mà các trí thức thức thời, thiết tha với vận mệnh dân tộc ta đối mặt vào những thập kỉ đầu của thế kỉ XX.
Truyền bá học thuật bằng con đường truyền miệng hay văn chương bình dân là một con đường đi vào ngõ cụt.
Không phải ngẫu nhiên mà các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh… và nhiều cụ khác nữa kêu lên thống thiết và giục giã người dân Việt Nam phải khẩn cấp học chữ quốc ngữ, kêu gọi học giới phải quốc ngữ hóa thành tựu văn minh phương Tây để truyền bá.
Các cụ làm thế vì ở nhiều mức độ khác nhau các cụ đã nhận ra điểm yếu “chết người” của dân tộc-mù chữ và không đọc sách.
Vì thế không phải ngẫu nhiên cụ Phạm Quỳnh trong một bài diễn thuyết trước các sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Đông Dương (1920) khóa I đã dứt khoát kêu gọi họ trở thành người “Độc thư quân tử” (người quân tử đọc sách) và sự nghiệp của họ là “Độc thư cứu quốc) (Đọc sách cứu nước).
Đấy là một công việc khẩn thiết kéo dài cho tới tận ngày nay.
Ngày nay, tỷ lệ người Việt Nam biết chữ rất cao, quốc tế cũng ngạc nhiên và thán phục điều này. Nhưng biết chữ và đọc sách trong rất nhiều trường hợp không trùng khớp với nhau. Có rất nhiều người biết chữ nhưng không đọc sách, thậm chí không đọc bất cứ gì ngoài phiếu ghi số đề và… sổ nợ.
Đấy là một điều đáng lo.
Những người Việt Nam sống trong hiện tại, phải chinh phục cho được hạn chế chết người mà lịch sử để lại này.
Mỗi người dân phải tích cực đọc sách để “cứu quốc” – nghĩa là kiến tạo đất nước một văn minh và có vị trí xứng đáng trên vũ đài thế giới.
Đấy là xét ý nghĩa của việc đọc sách ở phương diện quốc gia.
Còn xét ở phương diện cá nhân thì sao?
Kể từ khi phong trào văn hóa phục hưng, triết học khai sáng dấy lên ở châu Âu và các cuộc cách mạng công dân dồn dập nổ ra ở Anh, Pháp, Mĩ thiết lập nên các nền quân chủ lập hiến hoặc cộng hòa, các học giả và sau đó là cả dân chúng đều ngày một thừa nhận rộng rãi và sâu sắc vai trò của cá nhân-công dân trong kiến tạo xã hội.
Thông qua sự tiến bộ của cá nhân để đạt được sự tiến bộ về xã hội là một mệnh đề ngày càng được thực tiễn lịch sử chứng minh là đúng dắn và có sức hấp dẫn.
Khi hiểu như vậy, ta sẽ thấy để kiến tạo một quốc gia, một cộng đồng văn minh không thể nào không dựa trên nền tảng văn hóa đọc với trụ cột là thói quen, năng lực đọc sách của từng cá nhân, từng công dân.
Vậy thì, xét ở góc độ con người cá nhân, đọc sách đem lại ích lợi gì cho họ?
Nếu hỏi 1000 người mê đọc sách và đọc sách như một thói quen hàng ngày, họ sẽ sôi nổi kể cho chúng ta cả 1001 điều ích lợi có được nhờ đọc sách.
Ở đây, tôi chỉ xin liệt kê sơ sài một vài lợi ích dễ thấy nhất.
Đọc sách là trải nghiệm đầu đời quan trọng và đầy ý nghĩa
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong tiểu sử viết về những nhà văn, nhà thơ, các nhà khoa học hay các vĩ nhân (và thậm chí ở thái cực khác là những tên tội phạm tàn bạo khét tiếng), các nhà viết tiểu sử thường dành một dung lượng tương đối để mô tả tuổi thơ của các nhân vật đó. Ở đó đương nhiên không thiếu các chi tiết như họ đã có tuổi thơ thế nào, học ở đâu, tiếp nhận nền giáo dục thế nào và…đọc những sách gì.
Chưa cần đến khoa học, chỉ cần bằng trải nghiệm cá nhân của mình, chúng ta cũng sẽ nhận thấy những gì làm chúng ta nhớ nhất và không thể nào quên thường là những món ăn, những kỉ niệm thời thơ ấu. Đấy là những thứ càng có tuổi chúng ta càng nhớ rõ. Cùng thời gian và tuổi tác, chúng sẽ hiện lên trong đầu óc chúng ta như một bộ phim quay chậm. Chúng cũng trở lại sinh động khi chúng ta có con và nhìn vào sự lớn lên của con mỗi ngày.
Và nữa, ở những giây phút nào chúng ta buồn khổ, cay đắng và thất vọng nhất, chắc chắn chúng ta cũng sẽ lại hồi tưởng lại quãng thời gian tuổi thơ còn ở trong vòng tay của cha mẹ. Khi ấy những người may mắn, những người bước qua được sự tuyệt vọng khôn cùng thường là những người có kí ức tuổi thơ đẹp đẽ.
Như thế những trải nghiệm đầu đời hiển nhiên vô cùng quan trọng.
Nếu một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã được tiếp xúc với sách trong niềm vui chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ có ấn tượng tốt với sách và trở thành người yêu sách.
Ở chuyện này, tôi có một trải nghiệm cá nhân đáng nhớ.
Tôi có con trai đầu lòng khi đang học ở Nhật Bản. Khi con trai tròn 3 tháng tuổi, tòa thị chính gửi giấy gọi đi khám sức khỏe định kì tại trung tâm y tế ở gần nhà. Khi đến nơi ngoài bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khám, tư vấn, tôi vô cùng nhạc nhiên khi thấy có cả nhân viên của thư viện thành phố đến tư vấn cho vợ chồng tôi về việc đọc sách cho con nghe. Nhân viên này cũng thay mặt thành phố tặng cho con trai tôi một cuốn sách ehon (sách tranh) và tập tài liệu hướng dẫn thủ tục sử dụng các dịch vụ của thư viện thành phố nơi tôi đang sống.
Tôi, cho dù là một người mê đọc sách từ nhỏ, vô cùng ngạc nhiên. Lúc đó, tôi thoáng có chút nghi ngờ “trẻ con chưa biết chữ thì đọc sách kiểu gì? con mới ba tháng thôi mà?”. Nhưng sau đó sau khi đọc sách cho con nghe theo hướng dẫn một thời gian, tôi kinh ngạc nhận ra, không phải cứ biết chữ trẻ mới đọc được sách. Cha mẹ, người lớn có thể đọc sách cho trẻ nghe.
Và đó quả thực là một công việc tuyệt vời!
Nhờ đọc sách cho con nghe từ nhỏ cha mẹ vừa thiết lập được cây cầu để kết nối tình yêu thương vừa truyền đến cho con cả những rung động sâu xa được biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ.
Cho dù là ba tháng, bốn tháng, hay năm tháng tuổi, mỗi khi vợ chồng chúng tôi cầm cuốn sách và đọc cho con nghe, mắt cháu lại lấp lánh niềm vui đầy hứng khởi. Và bây giờ khi gần 4 tuổi, cháu đã trở thành một đứa trẻ mê đọc (nghe đọc) dù chưa biết chữ. Cháu có thể trầm lặng ngồi lật giở từng trang sách một mình để đọc theo kiểu của riêng mình. Hoặc là đọc trong yên lặng, hoặc tự bịa ra lời. Cháu cũng có thể ngồi yên để nghe bố đọc những cuốn sách dài cả trăm trang đầy chăm chú và tập trung. Với đứa con thứ hai, vơ chồng tôi cũng làm như thế và thật đáng kinh ngạc, chuyện tương tự lại xảy ra.
Cháu cũng mê sách như anh trai mình.
Hóa ra để trẻ thích đọc sách nếu cha mẹ đọc sách cho con nghe từ sớm và làm đúng cách, chuyện đó không có gì là quá khó.
Cuốn sách đầu đời con trai tôi đọc ở Nhật đã trở thành cuốn sách cháu thích nhất. Khi cháu hơn hai tuổi và nhà tôi sắp về Việt Nam, vợ chồng tôi đưa cháu đến thư viện trẻ em thành phố chơi. Vợ chồng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cháu tìm được cuốn sách đầu đời cháu đã được tặng và đọc cho đến khi sáu tháng tuổi. Để thử xem có phải cháu thật sự nhớ cuốn sách đó, hôm sau tôi lại đưa cháu đến và vào trước giấu cuốn sách đó đi chỗ khác. Cháu chạy khắp nơi tìm và cuối cùng lại mang ra cuốn sách đó yêu cầu bố đọc. Hóa ra hình ảnh và nội dung của cuốn ehon đó đã hằn rất sâu trong tâm trí cậu bé. Về sau, khi về Việt Nam, vợ tôi tặng cuốn sách này cho con của em gái nhưng khi sang nhà ông ngoại chơi, nhìn thấy cuốn sách ở đó, cháu lại khóc và kiên quyết… đòi về.
Một cuốn sách giản đơn chỉ có khoảng 10 trang, mỗi trang là một bức vẽ diễn tả tiếng gió thổi, gà gáy, xe ô tô chạy, chiếc kèn kêu…mà trở nên vô cùng hấp dẫn.
Tìm thông tin trên mạng tôi được biết cuốn sách này nằm trong danh sách các cuốn sách tranh kinh điển của Nhật đã bán được hàng triệu bản.
Con tôi đã được tặng sách vì ở Nhật Bản khi đó có chương trình tặng sách cho tất cả trẻ em khi ra đời. Đây là chương trình cấp quốc gia của Nhật có tên là “book start” và nó được thực hiện liên tục từ năm 2000 đến nay. Ở Nhật có hẳn một tổ chức NPO chuyên trách công việc tặng sách, hướng dẫn đọc sách cho tất cả các trẻ em chào đời ở Nhật Bản đặc trách chương trình này.
Tôi hi vọng, đến một lúc nào đó, mỗi đứa trẻ ở Việt Nam khi ra đời cũng sẽ có cơ hội được nhận một cuốn sách đẹp và thú vị như thế.
Như vậy có thể thấy, đọc sách cũng có thể coi là một hoạt động quan trọng trong giáo dục gia đình, là điểm kết nối giữa bố mẹ và con cái. Đấy là điểm khởi đầu rất quan trọng của giáo dục gia đình mà nói theo cách của Bộ giáo dục văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản thì “giáo dục gia đình là xuất phát điểm của tất cả giáo dục”.
Đọc sách chính là học
Trong quá trình dạy học, nghiên cứu, tiến hành các hoạt động khuyến đọc tôi nhận được rất nhiều lời tâm sự đau khổ từ phía học sinh. Học sinh nói rằng nhiều người từ thầy cô đến bố mẹ không muốn các em đọc sách vì sợ các em “phân tán tư tưởng”, “không tập trung vào việc học”…. Nhiều thầy cô, cha mẹ còn cấm luôn việc đọc sách của con. Nhiều trường có thư viện, phòng đọc nhưng sách vở nghèo nàn thậm chí có sách nhưng khóa cửa không cho học sinh vào đọc.
Cha mẹ, thầy cô có lý do để lo lắng như trên vì cuộc chiến thi cử ở Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên mục đích cuối cùng của việc học không phải là thi đỗ hay giành được bằng cấp nào đó. Hai việc đó là vô nghĩa nếu như người học, người có bằng cấp cuối cùng không thể sống hạnh phúc trong tư cách là một con người độc lập. Sự độc lập của cá nhân trong xã hội không thể được hình thành một cách giản đơn như logic mà những cha mẹ, thầy cô trên thường nghĩ: “học tri thức giáo khoa-làm bài tập-luyện thi-thi đỗ-vào đại học-tốt nghiệp-đi làm-có thu nhập cao-sống hạnh phúc”.
Đường đời hoàn toàn không giống như trang giấy. Con người, cho dù là người đơn giản nhất, cũng là một sinh vật vô cùng phức tạp chứ không phải là cái máy được lập trình và chạy theo một quy trình tuần tự định trước.
Học theo công thức truyền đạt-tiếp nhận các tri thức giáo khoa để phục vụ việc thi cho dù đem lại thành công trước mắt nhưng không đảm bảo sự thành công lâu dài. Đơn giản vì để sống như một người bình thường và có thể lao động, sáng tạo con người cá nhân sẽ cần đến nhiều thứ.
Đó là khả năng tập trung.
Đó là lòng nhẫn nại
Là tinh thần và kĩ năng hợp tác
Là khả năng lý giải và đồng cảm với những người đối diện và ở xung quanh…
Những thứ đó rất khó có thể hình thành thông qua việc chỉ học các môn giáo khoa thuần túy hay luyện đi luyện lại các bài tập toán, các bài văn mẫu. Chúng chỉ có thể hình thành thông qua sự bồi đắp văn hóa nói chung bằng đọc sách, trải nghiệm đời sống và tương tác đa dạng qua sinh hoạt phong phú hàng ngày.
Chính vì vậy, cần phải hiểu HỌC là một quá trình phong phú, rộng lớn và nhắm đến mục tiêu sâu xa là sự phát triển ngày một hoàn thiện của cá nhân hơn là đạt được những mục tiêu ngắn hạn về tri thức cho dù trên bước đường nào đó, những thứ đó là không tránh khỏi và cần thiết.
Khi quan niệm thoải mái và bao dung về việc học như vậy, một cách tự nhiên ta sẽ thấy đọc chính là học. Một sự học tự nhiên, thường xuyên. Một sự học vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc. Một sự học vừa thâm trầm sâu lắng, vừa dữ dội với sự tập trung của tất cả nội tâm.
Đọc sẽ là cách học vô cùng tự do và dân chủ. Khi học như thế người ta có thể học ở bất cứ đâu, ở bất cứ khi nào người đó muốn. Khi đọc sách người ta cũng có thể lang thang khắp các miền tri thức không hề có giới hạn. Người ta có thể đối diện và trò chuyện, chất vấn bất cứ nhà hiền triết, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học nào trên thế giới về ý tưởng, công trình của họ mà không hề có bức tường lễ nghi hay quyền uy nào ngăn cản.
Người ta cũng không phải dừng lại chờ một ai đó vì họ đi chậm hơn cũng không phải nén lòng tò mò hay dừng bước vì chương trình chưa tới. Người ta có thể thoải mái đi trên con đường tìm kiếm chân lý bằng đôi chân trí tuệ của mình, với tốc độ của mình và hướng theo mục tiêu của mình…
Đấy là cách học tự do.
Mà tự do luôn là thứ hấp dẫn con người. Đấy là lý do tại sao có nhiều cá nhân cảm thấy buồn chán ở trường học, từ chối đến trường nhưng lại say mê đọc, tìm tòi và có nhiều phát minh, cống hiến cho nhân loại.
Bởi thế, khi thấy học sinh, trẻ em ham đọc, cha mẹ, thầy cô thay vì ngăn cản hay làm ngơ hãy biết cách động viên, trợ giúp và hướng dẫn cần thiết. Hãy lấy việc đọc của trẻ làm trung tâm để mở rộng thế giới của trẻ và dẫn dắt trẻ vào thế giới của tri thức. Đấy là cách chúng ta đưa trẻ tìm đến với con đường tìm kiếm chân lý rộng mênh mông, xa xôi mà đầy hứng khởi.
Đọc cũng hỗ trợ tốt cho việc lựa chọn nghề nghiệp và nâng cao trình độ nghề nghiệp
Muốn có được cuộc sống hạnh phúc của con người và được người khác kính trọng, xã hội thừa nhận, hiển nhiên cá nhân con người trong xã hội ngày nay phải có được địa vị độc lập về tài chính. Sự độc lập về tài chính đó, lý tưởng nhất và thường thấy nhất, phải đến từ lao động nghề nghiệp. Vì vậy, lớn lên con mình sẽ làm nghề gì-là mối ưu tư thường trực của cha mẹ. Các giáo viên tận tâm với nghề khi dạy phổ thông cũng sẽ liên tục đặt ra câu hỏi đó.
Tuy nhiên, thực tế mấy chục năm qua cho chúng ta thấy, học sinh của chúng ta, thanh niên của nước ta đã không có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp về nghề nghiệp. Rất nhiều người lựa chọn nghề nghiệp sai. Câu ca dân gian “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm”, hay “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã phản ánh một thực tế khá cay đắng và phũ phàng. Chọn nghề đã luôn được giản lược hóa đến đơn giản, vụng dại và vụ lợi sống sượng như thế.
Người ta ép thanh niên phải lựa chọn nghề thuần túy dựa vào lợi ích kinh tế mà ngành nghề đó có khả năng mang lại mà không hề tính toán đến khả năng của bản thân, thiên hướng của bản thân cũng như các yếu tố thuộc về giá trị của nghề nghiệp mang lại cho xã hội. Hệ quả tất yếu của nó là sau khi học xong, sinh viên thất nghiệp. Rất nhiều người đi làm cho đến khi về hưu mà vẫn không có được cảm giác thỏa mãn về nghề nghiệp mà bản thân đã trọn đời chung sống.
Nhiều người chuyển sang làm công việc không được đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp hoặc sau khi đi làm chỉ một, hai năm vì nhận ra mình không hợp với nghề mình đã học. Không hạnh phúc với nghề mình đang làm xét ở góc độ nhân sinh cũng khổ đau như là thất nghiệp.
Có nhiều lý do dẫn tới chuyện bên trên nhưng một trong những lý do đó là cả người lớn và trẻ em ít được đọc sách để mở rộng tầm hiểu biết về xã hội, về các nghề nghiệp trong xã hội.
Hiểu biết giúp thúc đẩy thay đổi tư duy, hình thành nên quan điểm giá trị đúng đắn. Khi có giá trị quan đúng đắn để soi chiếu xã hội và bản thân, trẻ em, thanh niên sẽ tự tìm thấy con đường đi của mình. Các em sẽ mạnh dạn lựa chọn được lĩnh vực, nghề nghiệp mà các em muốn học hỏi và theo đuổi. Khi đọc sách các em cũng sẽ gặp được những người thành công trong các lĩnh vực mà các em mơ ước, biến họ thành thần tượng để rồi tạo ra trong mình nguồn năng lượng để theo đuổi đam mê.
Mặt khác, chúng ta phải hiểu rằng trường học cho dù ngày càng gần gũi hơn với xã hội và sản xuất nhưng không thể mô phỏng hoàn toàn đời sống sản xuất. Do vậy, cho dù là học từ ngôi trường tuyệt vời nhất trên thế giới, không gì đảm bảo rằng người sinh viên sau khi tốt nghiệp trường đó có thể trở thành một ngươi thợ, một kĩ sư, một nhân viên tuyệt vời ngay. Vì vậy, sau khi ra trường, đi làm việc học hỏi để nâng cao trình độ, kĩ năng nghề nghiệp là chuyện tất yếu. Có nhiều cách để làm việc đó như tham gia khóa đào tạo của công ty, tiếp tục học lên sau đại học vào buổi tối, tham gia chương trình đào tạo của chuyên gia… Trong đó có một cách mà những người thợ, kĩ sư, nhân viên ở các nước tiên tiến thường xuyên làm là đọc sách và tự học. Vì vậy chuyện công sở, nhà máy, công ty của nước ngoài có thư viện, tủ sách là điều dễ hiểu.
Bản thân tôi khi bắt đầu làm công việc thông dịch cho một nghiệp đoàn ở Nhật chuyên cung cấp lao động người Việt cho các doanh nghiệp cơ khí đã vô cùng lo lắng khi phải dịch các thuật ngữ chuyên ngành và các nội dung liên quan tới kĩ thuật cơ khí, tự động hóa. Tuy nhiên, ông giám đốc của nghiệp đoàn đã động viên và tạo điều kiện cho tôi đọc tài liệu trong suốt một tháng trời, mỗi ngày 5 tiếng. Ông trả lương cho tôi ngồi đọc sách trong suốt thời gian đó vì thế mà công việc sau này trôi chảy và tôi có sự tự tin hơn.
Vì vậy, khi làm nghề, chúng ta đừng bao giờ quên đọc sách để mài sắc kĩ năng nghề nghiệp và trình độ của bản thân trong nghề đó. Và tất nhiên, tình yêu nghề chỉ thực sự có và đến khi chúng ta hiểu sâu sắc về nghề mình đang làm-cả vinh quang và cay đắng. Nghề giáo là một nghề như thế.
Đọc để sống… người hơn
Như đã từng nói trước đó, con người so với các động vật khác có rất nhiều điểm khác biệt. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh vài điểm khác biệt chủ yếu như: con người có cảm xúc mạnh mẽ, tinh tế và phong phú, có tư duy sâu sắc và đặc biệt là có tính xã hội cao.
Trong thời đại trí tuệ ngày càng trở thành động lực trực tiếp dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, Robot-trí tuệ nhân tạo đang thay thế công việc của con người trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, để Robot có cảm xúc, tình cảm phong phú như con người vẫn một điều gần như không thể.
Điều đó nói lên giá trị của con người. Cảm xúc phong phú, tinh tế, tình cảm sâu xa là một tiêu chuẩn nói lên tính người. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những mục tiêu cơ bản của nhiều nền giáo dục là hình thành nên “tâm hồn phong phú” ở trẻ em. Để có tâm hồn phong phú, con người cần phải được giáo dục. Đọc sách là một phương thức nằm trong đó. Đọc sách, nhất là những cuốn sách về văn chương sẽ giúp trẻ sớm có được những rung cảm tinh tế nhất, nhân văn nhất. Ở đây ngôn ngữ, sách, tình cảm sâu xa và cảm xúc tinh tế dường như có mối quan hệ rất khó tách rời.
Câu chuyện về nhà văn Nguyễn Thanh Việt tôi kể dưới đây là một ví dụ. Ông là người Việt có quốc tịch Mĩ, được giải Pulitzer (2016) và đang sống ở Mĩ. Cho dù lớn lên ở Mĩ, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, ông luôn bị người khác nói rằng ông là người Việt và ông cũng cảm thấy ông là người Việt. Ông giải thích lý do đó trong một video đưa lên mạng thông qua một câu chuyện đã xảy ra với ông. Một lần ông đứng trong tiệm bách hóa và có nghe thấy một người đàn ông thuộc tầng lớp lao động, có dáng vẻ thô kệch đang gọi điện thoại bằng tiếng Việt. Nhà văn nghe thấy ông này nói với ai đó ở đầu dây bên kia “Ba đây, con ăn cơm chưa?”. Chỉ thế thôi, một câu rất đơn giản mà ông bảo nếu dịch ra tiếng Anh nó rất vô nghĩa, nhưng ông thú nhận nghe xong ông trào nước mắt vì “với tôi nó là tất cả”.
Tôi nghĩ ông đúng, vì tôi cũng từng ở nước ngoài 8 năm và sống cùng phòng với người Nhật ngay từ ngày đầu tiên tới Nhật Bản. Đằng sau hay ở trong ngôn ngữ là văn hóa, là kỉ niệm, là kí ức, là hạnh phúc và cả khổ đau. Tiếng nói của cha mẹ nhà văn là tiếng Việt và nhà văn xúc động vì với người Việt “Con ăn cơm chưa” là câu nói chứa đầy sự quan tâm và yêu thương.
Ở đây, tôi muốn kể thêm một câu chuyện riêng của bản thân gia đình tôi. Vợ tôi có bầu và đẻ con trai đầu lòng ở Nhật. Trong 5 ngày đầu tiên kể từ lúc sinh, vợ tôi ở trong viện một mình vì bệnh viện có điều kiện chăm sóc tốt và họ cũng không muốn người thân vào ở cùng vì hạn chế tiếp xúc bên ngoài dễ lây bệnh cho trẻ ở cùng. Trong đêm hôm khuya khắt, khi con giật mình thức giấc khóc, vợ tôi ru:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào xin hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”
Về sau này mỗi khi tôi ru con bằng bài ru ấy vợ tôi lại chảy nước mắt bảo “Anh làm em nhớ những ở trong viện”. Trước kia, khi còn nhỏ bố mẹ tôi cũng thường hay ru tôi bằng truyện Kiều hay ca dao như thế. Và giờ chúng tôi cũng ru con hàng ngày.
Tôi nghĩ những bài ca dao, những bài thơ được lưu truyền, được in thành sách được thử thách theo thời gian sẽ là một phương tiện hay và đầy ý nghĩa trong việc nuôi dưỡng cảm xúc của trẻ em. Có được cảm xúc phong phú và tinh tế con người sẽ biết khắc kỉ bản thân, biết tự chế để khỏi nhúng tay vào tội ác, có thêm sức mạnh để sống là mình trước cuộc đời nhiều thử thách và cám dỗ.
Ở góc độ con người, đọc cũng giúp con người luôn đào sâu suy nghĩ. Tư duy của con người là một đặc ân của tạo hóa. Nhưng nếu để tự nhiên, tư duy đó sẽ không thực sự phát huy được giá trị. Nó cần được mài sắc thường xuyên. Một trong những cách mài sắc hiệu quả là đọc sách. Khi đọc sách, đương nhiên người ta sẽ phải suy nghĩ vì ở trong sách người đọc sẽ bắt gặp vô vàn điều mới lạ, những thứ bí ẩn, những câu hỏi đang cần lời giải đáp và những kiến giải, bình luận khác với ý nghĩ của bản thân. Một cách tự nhiên, con người sẽ dùng trí tưởng tượng để đuổi theo thế giới trong trang sách, lý giải nó bằng cách riêng của mình, đặt ra những nghi vấn và tìm cách giải đáp thỏa mãn các nghi vấn ấy. Và cứ như thế, từng ngày, từng ngày, các mạch thần kinh trong não bộ nhiều lên, giúp con người trở nên thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và quen với thao tác sáng tạo. Khi gặp các vấn đề cần phải giải quyết trong đời sống học thuật hay thực tiễn, bộ não ấy sẽ tìm kiếm được thông tin cần thiết nhanh hơn, xử lý nhanh hơn, hợp lý hơn, sắp xếp sáng tạo hơn để tìm ra phương án hiệu quả.
Đọc sách cũng giúp cho con người có tinh thần trách nhiệm hơn đối với cộng đồng và xã hội. Con người về bản chất chỉ có thể thỏa mãn tốt nhất các nhu cầu của mình trong xã hội. Hãy thử tưởng tượng một con người có sức khỏe tốt, có học thức, và giàu có, nhưng lại sống trong một tòa lâu đài bơ vơ, xung quanh không có một ai hay nếu có cũng không có mối liên hệ tương tác nào đáng kể liệu rằng đời sống của anh ta có hạnh phúc không?
Trong hối hả của cuộc sống thường ngày, chúng ta thường quên đi mệnh đề đó. Chúng ta quên mất một điều giản dị rằng thực chất chúng ta chỉ có thể thỏa mãn được tốt nhất các nhu cầu của bản thân để có cuộc sống hạnh phúc trong xã hội. Mà xã hội lại là một thực thể được tạo thành bởi các mối quan hệ chăng chịt đầy trách nhiệm. Nếu các cá nhân sống trong xã hội đó vô cảm với xã hội chỉ chạy theo các lợi ích thuần túy của bản thân thì đấy sẽ là cách mà chúng ta tước bỏ đi hạnh phúc hay đúng hơn là phá hủy nền tảng nâng đỡ hạnh phúc của chính mình. Một ngôi nhà kín cổng cao tường đến mấy cũng không đủ để giữ cho chúng ta và con cái chúng ta an toàn và sống trong bình yên. Vì thế, việc chúng ta trân trọng những người cống hiến cho xã hội và tự bản thân chủ động góp phần làm cho xã hội tốt hơn là một cách để chúng ta sống hạnh phúc và kiến tạo hạnh phúc.
Để làm điều đó, chúng ta cần can đảm, mà trước hết là can đảm để thắng chính mình. Muốn thế, chúng ta phải có hiểu biết và triết lý nhân sinh. Tìm kiếm những thứ đó ở đâu nếu như không phải từ sách vở và trải nghiệm đời sống hàng ngày? Đọc sách chúng ta sẽ thấy ở đó những khổ đau, trăn trở của nhiều người cũng như tấm lòng cao cả của nhiều người khác. Vượt qua thói tục tầm thường, họ đã sống thực sự như một con người và sẽ truyền cho ta cảm hứng để sống một cuộc sống thật sự là người.
Để sống như một con người, chúng ta cũng cần phải biết giải trí để tìm kiếm niềm vui và tái tạo nguồn năng lượng. Đây là việc tưởng là dễ mà thực ra rất khó vì các cụ từng nói “nhàn cư vi bất thiện”. Nhàn rỗi vừa là cơ may để con người sống cuộc sống thực sự là người thông qua các hoạt động giải trí, sáng tạo, suy tưởng… nhưng nó cũng ẩn chứa nguy cơ phá hủy nhân tính và hủy hoại cuộc sống cá nhân, sự lành mạnh của xã hội khi con người đi vào con đường trụy lạc.
Câu nói trên của tiền nhân là một sự cảnh báo đồng thời cũng là sự mô tả một thực tế.
Trong suốt cuộc đời con người, sống đồng thời cũng sẽ là quá trình chống lại sự tha hóa cả về thể chất và tinh thần.
Muốn thế, con người phải có hiểu biết và thói quen để giải trí lành mạnh. Một trong những nội dung và cũng là mục tiêu giáo dục cho trẻ em trên thế giới là biết giải trí lành mạnh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong chương trình môn Xã hội dành cho bậc tiểu học ban hành năm 1947 ở nước Nhật, bộ giáo dục nước họ lại bố trí hẳn một chủ đề có tên “chúng ta sử dụng thời gian rảnh rỗi như thế nào?” ở lớp 1.
Ở đó người ta sẽ hướng dẫn trẻ em tìm hiểu về vai trò của giải trí, thế nào là giải trí lành mạnh có lợi cho thể chất và tâm hồn, thế nào là giải trí có hại.
Đương nhiên ở đó, một trong những gợi ý được đưa ra là nên đọc sách vào thời gian rảnh rỗi. Đọc là một phương thức giải trí rất tốt để bồi bổ sức khỏe cho cả tâm hồn và thể chất. Hơn thế nữa đọc còn là cách để giải tỏa các căng thẳng do cuộc sống đem lại. Những trang sách hay, sâu sắc sẽ giúp con người lắng lại tâm hồn. Đặc biệt, như nhiều người, đặc biệt là các nhà tôn giáo, tâm lý học, triết học và bác sĩ tâm thần đã phân tích, chỉ ra đọc cũng là một cách thức hữu hiệu để đối diện với khổ đau. Khi gặp khổ dau, nếu như không đối diện, hóa giải nó rồi đi xuyên qua nó để sống đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn con người ta sẽ gục ngã. Khi đó người ta sẽ hoặc là trụy lạc hoặc là tự kết thúc cuộc đời mình. Đấy là lý do khi cô đơn cùng cực, thất vọng cùng cực hay trong cảnh khốn cùng, chúng ta đừng quên lấy cuốn sách mình thích đọc nhất ra đọc lại hay tìm đọc cuốn sách nào đó do những người đã ở tận cùng của khổ đau viết lại.
Ở Nhật, trong trại tạm giam nọ tôi đã thấy dưới tấm biển viết dòng chữ thư pháp “Là người không thể tránh khỏi sai lầm nhưng không để sai lầm lặp lại mới chính là con người” là giá sách. Trong không gian bị tước đoạt tự do và phải đối diện với chính mình, với những gì mình đã làm, với lương tâm pháp luật-nơi thời gian trôi qua thật chậm (một ngày ở tù bằng thiên thu ở ngoài)-con người như một lẽ tự nhiên sẽ đọc sách. Và có lẽ, nhiều người đã tìm lại chính mình thông qua việc đối diện với nỗi buồn, nỗi cơ đơn và cả sự tuyệt vọng vô cùng trong những giờ phút ấy.
Bản thân tôi, mỗi lúc cô đơn hay chán nản, tôi lại đọc cuốn sách mình thích nhất hay tìm đọc những cuốn mà người khác đã viết ra trong nỗi cô đơn khôn cùng của họ. Và khi làm như thế khi gấp sách lại tôi thấy mình như được gột rửa và giải thoát.
Hà Nội, ngày 14/12/2018
Nguyễn Quốc Vương (Tác giả, dịch giả)
Đăng theo Facebook Nguyễn Quốc Vương dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm bài viết của cùng tác giả:
Từ khóa thói quen đọc sách đọc sách lợi ích đọc sách