Đôi điều suy nghĩ về một nghi án ‘cải lùi’ trong giáo dục
- Đoàn Bảo Châu
- •
Có vài bạn đề nghị tôi viết về việc Tiếng Việt trong bộ sách công nghệ . Tôi đã không định viết bởi đây không phải là chuyên môn của tôi và quả thật để viết về vấn đề gì được sâu sắc thì cũng cần phải đọc kĩ rồi suy ngẫm thì mới nói được một điều gì mới mà thời gian thì có hạn.
Tuy nhiên, tôi cũng xin phép được nói lên cảm nghĩ của mình ở khía cạnh khác. Khía cạnh lòng tin và tôi thấy mình cũng có quyền phát biểu với tư cách là một phụ huynh học sinh.
Sự hoang mang của công luận về cho thấy lòng tin của dân chúng vào các vị lãnh đạo giáo dục đã mục nát thế nào. Chính bởi lòng tin ấy đã mục nát nên công luận thay vì nghĩ tích cực về sự cải cách thì sẽ nghĩ ngay tới một sự kiếm chác từ việc độc quyền bán sách.
Và sự mất lòng tin ấy là có lý.
Giáo dục mang tiếng là “cải cách” nhưng càng cải càng lùi, càng cải càng rối, càng cải càng có xu hướng cướp bóc đi tuổi thơ học sinh bởi chương trình học dầy đặc, càng cải thì xã hội lại càng xuất hiện những hành vi lố bịch, vô văn hoá, vô cảm của thế hệ trẻ.
Tôi sẽ nhường những nhà chuyên môn đánh giá về chất lượng của việc cải cách cách dạy tiếng Việt đang xảy ra. Quan điểm của tôi thì nên tạm dừng lại bởi mấy lý do:
1. Cho dù có tốt thật thì việc thay đổi này cũng gây nhiều hoang mang cho dư luận. Nó khiến phụ huynh bị tách ra việc kèm cặp con lúc mới vào lớp một. Mà ai cũng biết là hệ thống giáo dục ở Việt Nam chưa tốt đủ để phụ huynh hoàn toàn yên tâm phó mặc cho nhà trường.
2. Đối với tôi việc dạy đánh vần, phát âm theo kiểu cũ hoàn toàn chẳng có vấn đề gì và nếu không có vấn đề gì thì tại sao lại bới ra để thay đổi và gọi đấy là “cải cách”? Các vị đã hết việc làm rồi sao?
3. Thay vì thay đổi những điều vụn vặt, không quan trọng gì tới sự phát triển tư duy, nhân cách của học sinh, các vị nên tập trung cải cách ở mấy điểm như giảm bớt gánh nặng học tập. Đừng kì vọng ở học sinh môn gì cũng giỏi nhưng điều trọng nhất là nhân cách con người thì lại yếu kém.
Tăng cường những môn về nghệ thuật bởi chỉ có nghệ thuật mới có thể khơi gợi được cảm xúc thẩm mĩ và nâng cánh cho tâm hồn con người.
Chưa bao giờ mà phụ huynh lại khốn khổ như bây giờ trong việc dạy con. Toàn bộ hệ thống giáo dục chỉ cung cấp được những cái bằng cấp mà không rót được vào tâm hồn con trẻ những gì thực sự đẹp đẽ của con người như lòng nhân ái, sự cao thượng của tâm hồn, lòng dũng cảm bảo vệ người yếu trong xã hội, sự cảm thông với nỗi khổ người khác, cách phân biệt người tốt người xấu, tư duy phản biện… Trong khi ấy thì loay hoay thay đổi một cách đánh vần theo tôi đã là tốt để làm gì?
Nhưng tất nhiên để dạy học sinh được những điều ấy thì chính các vị cũng đã phải có những phẩm chất ấy trước và đây mới chính là điều khó. Phải chăng cải cách cần thiết nhất và đáng làm trước nhất bây giờ chính là cải cách tư duy và nhân cách của các vị?
Câu hỏi “để-làm-gì” đang bật ra trong hàng chục triệu cái đầu của phụ huynh học sinh, và tất nhiên khi người ta không hiểu cặn kẽ thì việc nghi ngờ động cơ là hoàn toàn có lý. Bản thân tôi cũng nghi ngờ là sự thay đổi ấy có động cơ tốt mà với mục đích chiếm độc quyền bán sách và kiếm lợi.
Quyền nghi ngờ là quyền của chúng tôi và các vị phải có trách nhiệm trình bày, thuyết phục công luận là sự thay đổi ấy là tốt đẹp và không có động cơ kiếm chác. Còn không thì đừng có làm. Đây chính là việc cần thiết của truyền thông.
Còn nếu cố tình làm khi lòng người còn hoang mang thì đấy là sự áp đặt độc tài cần lên án.
Đôi điều ngoài lề về một nghi án “cải lùi” trong giáo dục của một phụ huynh chứ không phải của một chuyên gia giáo dục, các bạn góp ý thêm nhé.
Theo Facebook Võ sư, tác giả Đoàn Bảo Châu
(*) Tựa bài do TTVN đặt.
Xem thêm:
Từ khóa tiếng Việt cách đánh vần mới Cải cách giáo dục nét đẹp tâm hồn