Hậu quả của “gần mực”
- Nguyễn Văn Tuấn
- •
Ông bà mình có câu “Gần mực thì đen …”, và đến tuổi này thì tôi nghiệm ra thấy câu đó rất đúng. Tôi muốn nói đến một nguồn tin bán chính thức cho biết một số chuyên gia cao cấp (cấp giáo sư) trong ngành y ở Mỹ bị sa thải vì có tham gia trong chương trình “Thousand Talents” (1) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Lý do chính họ bị sa thải là vì có liên quan đến CCP, tức… gần mực. Đây là một trong những hệ quả của những chủ trương kiểm soát Trung Quốc mà Chính phủ Donald Trump đã và đang thực hiện.
Đối với Mỹ, và đặc biệt là FBI, họ xem CCP là mối đe doạ lớn nhất đến an ninh của Mỹ. Họ nói rõ rằng họ không có vấn đề gì với người Hoa, mà đây là một sự xung đột giữa một hệ thống tuân thủ luật pháp và một hệ thống không hành xử theo luật pháp. CCP và những kẻ đang làm việc cho họ đã và đang do thám Mỹ dưới nhiều hình thức và phương tiện. Một trong những hình thức là qua các chương trình khoa học như Ngàn Nhân Tài (hay Thousand Talents Program – TTP) rất hấp dẫn đối với giới khoa học phương Tây đang khao khát tài trợ (2).
[Chương trình] TTP có mục đích chính là thu hút nhân tài từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Họ đặc biệt chú tâm đến các nhân tài gốc Hoa, từ khắp thế giới về Trung Quốc hay hợp tác với Trung Quốc. Họ quan tâm đến nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Họ có những chính sách hậu đãi mà ngay cả các đại học Mỹ cũng khó có thể cạnh tranh được. Đã có nhiều giáo sư từ Mỹ, Úc, Canada và Âu châu tham gia chương trình TTP. Từ 2008 đến nay, đã có hơn 8.000 chuyên gia phương Tây (đại đa số là người gốc Hoa), chủ yếu là từ Mỹ, tham gia chương trình TTP.
Nhưng các giáo sư phương Tây rất ư là… ngây thơ. Họ không biết rằng đó là một chiêu trò để ăn cắp ý tưởng và công nghệ. Cách ăn cắp công nghệ còn qua việc bày mưu kế (kể cả “mỹ nhân kế”) cho các nhà khoa học sập bẫy và phải làm gián điệp gián tiếp cho CCP. Đó là cáo buộc của FBI, nhưng không biết họ có chứng cứ nào hay không. Nhưng theo đánh giá của FBI thì chương trình TTP có yếu tố hoạt động tình báo làm phương hại đến an ninh, quốc phòng và khoa học của Mỹ.
Sự việc dẫn đến việc sa thải và bắt giam một số chuyên gia cấp cao ở Mỹ. Tuần vừa qua, theo một nguồn tin bán chính thức cho biết Trung tâm MD Anderson (Texas) bên Mỹ đã sa thải 9 nhà khoa học, vì họ có tham gia chương trình TTP. Trước đó, hàng loạt nhà khoa học khác bị bắt giam vi phạm an ninh quốc gia. Trong số những người bị bắt có cả quan chức cao cấp trong kỹ nghệ như Zheng Xiaoqing, GM của General Electric, với cáo buộc là chuyển thông tin mật về turbine cho Trung Quốc (3). Ngoài ra, FBI còn điều tra hàng ngàn người khác vì nghi ngờ chuyển thông tin cho Trung Quốc. Trước đó, Đại học Texas tại Austin đã từ chối không nhận tài trợ của tổ chức China-US Exchange Foundation. Còn Đại học Texas Tech University tuyên bố rằng chương trình TTP có liên quan đến giới quân sự Trung Quốc.
Tất cả những diễn biến trên nằm trong chiến lược của Chính phủ Trump nhằm kiểm soát và ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Song song với các biện pháp trừng phạt kinh tế, Chính phủ Trump còn có biện pháp ngăn chặn Trung Quốc trong các hoạt động gián điệp khoa học và công nghệ. Việc hợp tác khoa học là rất bình thường trong thế giới phương Tây nhằm có những ý tưởng mới và chia sẻ công nghệ, nhưng đối với Trung Quốc thì họ nhìn hợp tác bằng cái nhìn của người chinh phục và ăn cướp.
Có lẽ việc làm của Trump hơi muộn, nhưng còn hơn là không làm gì. Có nhiều chứng cứ gián tiếp cho thấy Trung Quốc đã ăn cắp rất nhiều chất xám từ Mỹ. Chẳng hạn như nhìn chiến đấu cơ J20 của Trung Quốc thấy giống y chang như F35 của Mỹ. Ở bình diện lớn hơn, Trung Quốc cũng đã làm thay đổi diện mạo khoa học toàn cầu. Đầu năm nay, số liệu thống kê của Scopus và Clarivate cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nước số 1 về công bố công trình khoa học. Năm 2016, Trung Quốc công bố 426.000 bài báo khoa học, cao hơn Mỹ 17.000 bài. Tổng số bài báo khoa học từ Trung Quốc chiếm 19% tổng số bài báo khoa học toàn cầu (4).
Câu chuyện về chương trình TTP và những diễn biến ở Mỹ có ý nghĩa với Việt Nam. Có lẽ học từ CCP, Việt Nam cũng có nhiều chương trình nhằm thu hút nhân tài khoa học và công nghệ từ phương Tây. Nhưng khác với sự thành công của TTP bên Trung Quốc, cho đến nay tất cả các chương trình thu hút người tài của Việt Nam đều không thành công. Mới đây nhất, Nhà nước lại khởi động một chương trình mới nhằm thu hút các chuyên gia gốc Việt từ nước ngoài, nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao. Tuy nhiên, với chủ trương của Trump hiện nay, chúng ta có lý do để đoán rằng những chuyên gia tham gia vào các dự án ở Việt Nam sẽ nằm trong tầm ngắm của giới an ninh Mỹ.
Tư liệu trích dẫn:
- http://www.1000plan.org/en/plan.html
- https://www.nature.com/articles/d41586-018-00538-z
Chính người viết bài này cũng đang thương lượng với một đại học lớn bên Trung Quốc trong chương trình TTP. - https://www.wsj.com/articles/ge-engineer-linked-to-china-allegedly-stole-power-plant-technology-fbi-says-1533235590
- https://www.nature.com/articles/d41586-018-00927-4
Theo Facebook GS Nguyễn Văn Tuấn
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc bản quyền ăn cắp công nghệ Thousand Talents Program