Hội An cần được lãng quên
- Trung Bảo
- •
Từ 3 năm trở lại đây lượng du khách có chất lượng, đặc biệt là du khách Châu Âu – Châu Mỹ đến Hội An, sụt giảm thê thảm. Hội An có vẻ như đã tới ngưỡng khai thác và cần một cách làm khác.
Mặc dù thống kê cho thấy tổng lượng du khách có tăng (năm 2018 tổng số lượt khách đến Hội An gần 5 triệu lượt, tăng hơn 50% so với năm 2017). Tuy nhiên, số tăng này chỉ mang về một khoản tiền bán vé vào phố cổ đáng kể cho chính quyền, thu hơn 266 tỷ đồng. Những ai làm ăn ở phố cổ lại không mấy lạc quan với các con số này. Do đó bắt đầu sinh ra nạn phân biệt đối xử với khách du lịch từ những người kinh doanh trong phố cổ.
Trong một lần cà phê với một Phó Chủ tịch Hội An, vị này nói rất thật: “Các thị trường khách chất lượng cao như Châu Âu mất hơn một nửa. Cũng không biết nguyên nhân tại sao”.
Bạn đến Hội An những năm gần đây sẽ thấy lượng khách “đầu đen” đang thay dần các màu tóc khác trên đường. Lượng khách Á châu tăng nhưng đây lại là những du khách đi du lịch theo kiểu “cưỡi xích lô xem phố cổ”. Chỉ có đội ngũ đạp xe xích lô mới lấy được tiền của những du khách này.
Thói quen du lịch của khách Á châu là đi và check in rồi… về nằm trong khách sạn cho mát. Những công trình cổ kính ở Hội An có gì để thu hút họ tìm hiểu khi những thứ ấy đã trở nên quá quen thuộc. Khác với khách Âu – Mỹ, đi để tìm hiểu và khám phá văn hoá. Người châu Á đi du lịch hầu như để nghỉ dưỡng.
Trong một cơ sở dạy làm lồng đèn Hội An sự khác biệt của hai thị trường khách này thể hiện rất rõ. Khách Âu – Mỹ thích thú tham gia tự tay làm lồng đèn mang về. Khách châu Á thường trả tiền rồi để người hướng dẫn làm thay xong mang về.
Những năm gần đây, việc các sạp hàng ở chợ Hội An đến 6-7 giờ tối mới bán mở hàng đã dần trở nên phổ biến. Người kinh doanh than trời nhưng trời ở xa mà chủ nhà thuê thì ở gần và năm nào cũng tăng giá thuê nhà.
Với khách Âu – Mỹ, việc đến và khám phá văn hoá là một sự thu hút nhưng bạn hãy nhìn các nước trong khu vực, những điểm đến để khám phá văn hoá như vậy có thiếu không? Trong khi đó, cách làm du lịch văn hoá ở Hội An cũng cổ như những ngôi nhà rêu phong.
Du khách đến mua vé vào phố cổ, đi một lượt ngắm nhà cổ mà thực chất giờ đây là những shop bán hàng lưu niệm na ná với giá cắt cổ. Người bán nói thách lên đến 200-300% để đủ tiền chi cho “cò”. Khách đến một lần, chụp hình và quá đủ để không bao giờ trở lại.
Hội An cần thay đổi chính mình. Không thể cứ đào bới cái quá khứ của phố cổ để sống mãi. Mặc dù đã có những chương trình biểu diễn văn hoá nhưng đó vẫn là những show bán vé của tư nhân, khó tiếp cận đến du khách đang ngày một tiết kiệm hơn khi đi du lịch.
Hãy nghĩ đến phố cổ Hội An sẽ là một galery, một sân khấu khổng lồ để trưng bày – trình diễn nghệ thuật. Thứ nghệ thuật ấy không rời bỏ truyền thống của Hội An – Việt Nam nhưng là sự pha trộn của nghệ thuật đương đại. Hãy nói cho tôi biết, bao lâu rồi bạn không xem hát bội hay xem làm gốm? Đến chúng ta còn ngán thì sao bắt người khác xem những thứ họ không hiểu!
Đã tới lúc, và rất bức thiết, Hội An phải trở mình. Chẳng phải mảnh đất này là nơi từng dung hoà rất nhiều nền văn hoá khắp nơi để tạo ra một bản sắc của riêng đấy sao! Chẳng phải đây từng là hình mẫu của cái ngày nay ta gọi là “thế giới phẳng” – lời nhà văn hoá Nguyên Ngọc, đó sao?
Hội An, phải quên đi những ngôi nhà cổ. Đó không còn là sản phẩm du lịch nữa. Phố cổ bây giờ phải là cái nền cho một sự thay đổi, chứng kiến một Hội An đương đại. Hãy lãng quên phố cổ, một lần.
Trung Bảo
Đăng theo Facebook Bao Trung Nguyen dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa khách du lịch quốc tế Phố cổ Hội An du lịch trải nghiệm