Thiện hạnh của tổ tiên là “bùa hộ mệnh” của con cháu
- An Hòa
- •
Một người làm nhiều việc thiện, tích được đức lớn, thì không chỉ khiến bản thân mình có được phúc báo, đôi khi thay đổi được vận mệnh, mà còn khiến đời con cháu cũng được hưởng phúc báo từ tổ tiên. Phúc đức, thiện hạnh của tổ tiên chính là “bùa hộ mệnh” của con cháu. Về điểm này, sách cổ cũng có rất nhiều ghi chép.
Trong quyển “Âm chất văn chú chứng” ghi chép lại một câu chuyện có thật xảy ra vào năm Tân Tỵ thứ 26 đời vua Càn Long triều Thanh (năm 1761) như sau.
Vào năm Tân Tỵ thứ 26 Càn Long, ở khu vực sông Hoàng Hà đã xảy ra một trận lụt lớn. Từ ngày 15 đến 19/7 theo hoàng lịch, các nhánh của sông Hoàng Hà như sông Y, sông Lạc, sông Thấm và vùng Đồng Quan phía nam Hoàng Hà cho đến khu vực sông chính ở Mạnh Tân mưa như thác đổ, mưa to nhất nằm ở huyện Tân An tỉnh Hà Nam. Các nhánh sông Y, Lạc Hà đều bị nước tràn vỡ đê. Vào thời điểm đó đoạn đê qua các huyện như Võ Trắc, Huỳnh Trạch, Dương Võ, Tường Phù, Lan Dương… đều bị tràn đê ở cả bờ bắc và bờ nam.
Trong trận lũ lụt này vùng hạ lưu sông Hoàng Hà có tổng cộng 26 vị trí đê điều bị lở vỡ, hơn 10 châu, huyện của ba tỉnh Hà Nam, Sơn Đông và An Huy bị ngập, có nơi nước ngập sâu đến 5-6 xích (1,5m-1,8m), thậm chí có nơi nước sâu hơn một trượng (hơn 3,33m), hầu hết nhà của dân đều bị nhấn chìm trong nước.
Bấy giờ, huyện Trần Lưu ở bờ nam sông Hoàng Hà (nay là thị trấn Trần Lưu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam) cũng xảy ra đại nạn, nước ngập sâu đến một trượng. Ở địa phương đó có một gia đình họ Tào, ngôi nhà của họ đã bị ngập hoàn toàn trong nước, trải qua ba ngày ba đêm mọi người đều quả quyết rằng trong nhà ấy không thể có người hay súc vật nào còn sống sót được.
Đến khi nước rút đi rồi, căn nhà nơi gia đình họ Tào sinh sống hiện ra, tường vách không hề bị sập đổ, hơn nữa người trong nhà đều được bình an. Những người còn sống sót trong làng đều ùn ùn kéo nhau đến thăm hỏi. Mọi người đều tò mò hỏi rằng: “Các vị làm sao sống được trong nước vậy?”
Người nhà họ Tào đáp: “Mấy ngày qua chúng tôi chỉ thấy xung quanh mây mù dày đặc, không thấy được mặt trời, căn bản không biết rằng mình đang ở trong nước.”
Quan huyện nơi ấy sau khi chứng kiến sự việc khó tin này đã hỏi: “Nhà họ Tào các vị bình thường có làm việc thiện gì không?”
Người nhà họ Tào đáp: “Tiền tô thuế mỗi năm chúng tôi thu được, ngoại trừ phần nộp cho triều đình và chi tiêu trong gia đình ra thì đều đem tiền gắng sức giúp đỡ những người nghèo khó trong làng. Từ đời cụ kỵ chúng tôi đều làm như thế, đến nay vẫn chưa từng bị gián đoạn, tính ra đã được năm đời, cũng đã hơn 100 năm rồi”. Quan huyện nghe xong liền lập tức dâng biểu về triều xin ban thưởng biển hoành để tuyên dương việc thiện của gia đình họ Tào.
Gia đình họ Tào năm đời hành thiện, làm những gì có thể trong khả năng của mình để giúp đỡ những người khác. Tổ tiên năm đời tích đức, đắc được thiện quả là con cháu cả nhà bình an, tránh được nạn lũ lụt lớn, thực sự là kỳ tích ở nhân gian.
Trong quá khứ, người xưa rất tin vào “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” nên những người già thường hay nói: “Phúc phận không thể do cầu mà được, mà là do tổ tiên hoặc đời trước tu tích lại mà có”. Đại phúc phận của nhà họ Tào là kết quả của việc năm đời hành thiện.
Trong mối quan hệ giữa người với người ở chốn nhân gian này, nếu như mỗi chúng ta đều cứ luôn để mắt đến việc nhà ai đó có điều gì tốt, con cái nhà ai đó thông minh thế nào, nhà ai làm ăn phát đạt ra sao, con cái nhà ai làm quan lớn đến thế nào… thì trong lòng thường sẽ dễ dàng sinh mầm ghen tị tật đố. Trong khi đó, người ta lại không hề nghĩ rằng những hành động của bản thân có ảnh hưởng như thế nào đến chính bản thân mình và con cháu mình đời sau. Làm người nên suy xét về hành động của chính mình, xem xem những hành động ấy là việc thiện hay việc ác, là bản thân đang tích đức hay đang tạo nghiệp. Nếu một người có thể suy xét vấn đề như thế, có thể thường hằng suy xét lại bản thân, thì sẽ có thể thực sự thu được lợi ích không nhỏ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phúc báo tích đức hành thiện làm việc thiện