Thế lưỡng nan của thuỷ điện
- FB LÊ NGUYỄN DUY HẬU
- •
Con số 14 đập thuỷ điện cùng xả lũ ở miền Trung như bảo chứng cho thiệt hại mà người dân sẽ phải gánh chịu. Trong cơn đau xót vì “phe ta đánh phe ta”, thuỷ điện và những người giữ thuỷ điện sẽ tiếp tục trở thành vật tế thần cho cơn thịnh nộ của công chúng và báo chí, để rồi mọi thứ lại “hoà cả làng” bằng câu thần chú “đúng quy trình” của năm 2016.
Nhưng trong câu chuyện này, tất cả đều là nạn nhân: kể cả chúng ta, người dân vùng lũ, con đập thuỷ điện oan nghiệt, và kể cả những người vận hành nhà máy đó. Đơn giản, họ bị đặt vào một tình thế chỉ có “chiếc tàu hoả lao dốc” và chỉ có thể chọn giữa cán một người hay cán nhiều người. Không có quá nhiều cách cứu chữa và dư luận sẽ lại bị cuốn vào một cuộc tranh luận đạo đức không ngừng đó. Tất cả, tất cả những tranh luận vô tận kể trên chỉ để bao che cho một nguyên nhân chính gây nên thảm cảnh này. Người ta rất dễ chỉ trích một ai vì quyết định của họ trong thế lưỡng nan, nhưng thường lờ đi cho chính thủ phạm đã gây ra thế lưỡng nan đó.
Có người sẽ bảo tai ương là do thiên tai, do nắng mưa là chuyện của giời. Sẽ không ai nhận lỗi vì thiên tai, như trong câu vè “mất mùa – được mùa” nổi tiếng. Nhưng là ai nếu không phải những người có quyền lực trong tay phải chịu trách nhiệm cho thế lưỡng nan này? Khi một cô giáo ở Phú Yên tuyên bố cô có thể chết để học trò được sống, nhiều người đã khóc và ca tụng hình ảnh đẹp đó. Kể cả những người gây ra hoàn cảnh cho cô giáo cũng khóc. Vì chỉ có nước mắt và những tấm gương hy sinh đó mới làm cho hình ảnh tai hoạ thêm bi tráng, lung linh, và dư luận quên đi câu chuyện dơ bẩn đằng sau. Chúng ta đều biết rằng phần lớn thiên tai là do con người tạo nên, bằng cách này hay cách khác, và thay vì chúng ta ca ngợi hay chỉ trích những người trong cơn hoạn nạn, mũi dùi cần phải đổi hướng sang chính những kẻ gây ra hoàn cảnh đó. Chẳng cần tới một Formosa để mọi thứ bung bét lên mà một cọng rác ở Sài Gòn cũng có thể gây mưa lũ ở miền Trung và quyết sách cuối cùng chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Ai đã quyết định cho xây những đập thuỷ điện ở các vị trí mà hễ cứ xả là dân chết? Ai đã phá rừng đầu nguồn, rừng chống lũ để khi cơn nước tràn về, dân không còn kịp chống đỡ? Ai đã giương cao ngọn cờ phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, bất chấp môi trường bị huỷ hoại và tai hoạ thì liên miên? Ai chấp nhận lấy tiền để bù đắp cho ô nhiễm môi trường? Ai đề ra những quy trình cay đắng đó? Ai trao sinh mạng, của cải của người dân vào tay những cán bộ thuỷ điện không do dân bầu ra? Và ai biến những cán bộ thuỷ điện đó trở thành những cỗ máy vô cảm, chỉ biết làm theo quy trình và quên đi hết những con người xung quanh họ?
Tất cả chúng ta đều biết đó là ai và chúng ta cũng biết không một ai vô can trong chuyện này cả. Nhưng chúng ta không nói ra, vì chúng ta đang bận chỉ trích những con người trong thế lưỡng nan kia. Vì sao? Vì những người trong thế lưỡng nan họ có tên, có tuổi, có mặt, và quan trọng nhất là họ không có quyền lực trong tay.
Từ khóa xã lũ miền Trung xả lũ đập thủy điện lũ lụt miền Trung lũ lụt Thụy Điển